Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Bạo lực - Violence

Điều răn "Chớ giết người" được thừa nhận rộng rãi - trong luật cũng như trong các chuẩn mực đạo đức - là điều răn mạnh mẽ nhất trong những phán truyền của Thượng Đế trao cho Moses, được ghi lại trong Cựu Ước và được duy trì vĩnh viễn trong mọi độc thần giáo. Phán truyền này dường như nhận biết xu hướng của loài người là làm điều trái ngược trừ phi bị trói buộc bằng biện pháp nào đó.

Triết gia người Anh ở thế kỷ mười bảy Thomas Hobbes quả quyết về tình trạng này, ông cho rằng trước khi loài người cùng nhau lập quốc, họ sống trong nỗi sợ chết thường trực vì bạo động. Hobbes tin rằng trách nhiệm trước tiên của chính phủ là duy trì mạng sống, và trong hầu hết hệ thống luật pháp, bạo động do thường dân gây ra là một tội ác. Có những lĩnh vực rất khó đạt được sự đồng thuận - chẳng hạn các tranh luận về phá thai và biện pháp cho chết êm ái.

Trái với việc nghiêm cấm thường dân hành động bạo lực, nhà nước nói chung nắm quyền tự ý thực thi bạo lực. Ở một số quốc gia, trừng phạt thân thể và/hay tử hình được luật pháp phê chuẩn, với lý do là để ngăn chặn và/hay vì công lý. Chiến tranh cũng được phê chuẩn - theo luật trong nước cũng như quốc tế - trong những trường hợp nhất định. Chủ nghĩa hòa bình tuyệt đối phản bác lại điều này nhưng chỉ được thiểu số tán thành.

Qua nhiều thế kỷ, nhiều lý thuyết gia chính trị biện hộ cho việc sử dụng bạo lực là nhằm thay đổi tình trạng không thể chấp nhận được. Cách mạng Hoa Kỳ 1776 đã dùng lý luận khế ước xã hội của John Locke để biện minh cho cuộc nổi dậy, trong khi đó theo Karl Marx và những người ủng hộ thì cách mạng lật đổ chủ nghĩa tư bản cùng bất công xã hội mà nó duy trì là bắt buộc và không thể tránh khỏi. Người theo chủ nghĩa Marx còn tán thành khái niệm "bạo lực cấu kết" - nghĩa là nhà nước âm thầm dùng bạo lực để bảo vệ sự tồn tại của nó, liên tục tạo ra bất công bằng phương tiện quân đội và cảnh sát. Trong hoàn cảnh đó, việc chống lại bạo lực được cho là chính đáng.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://media.tumblr.com/tumblr_l4z6tlB97D1qay2lu.jpg

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Cơ học Newton - Newtonian Mechanics

Cơ học là một nhánh của vật lý, mô tả chuyển động của các đối tượng, cho dù ở qui mô ngân hà hay hạ nguyên tử. Hầu hết các kiểu chuyển động - từ quĩ đạo của một hành tinh cho đến quĩ đạo của một viên đạn - đều có thể được mô tả bằng ba định luật chuyển động và định luật vạn vật hấp dẫn, do nhà vật lý và toán học người Anh, Sir Isaac Newton (1642–1727), đưa ra.

Đằng sau các định luật Newton là khái niệm về lực. Lực là bất kỳ điều gì làm thay đổi vận tốc một vật. Tốc độ thay đổi này có thể gia hay giảm theo hướng chuyển động đều, hay có thể thay đổi hướng chuyển động.

Định luật 1 Newton về chuyển động phát biểu rằng một vật sẽ duy trì trạng thái đứng yên hay chuyển động thẳng đều trừ phi bị tác động bởi một ngoại lực. Xu thế để vật duy trì trạng thái đứng yên hay chuyển động đều gọi là quán tính của nó, và điều này phụ thuộc vào khối lượng của vật. Định luật 2 Newton phát biểu rằng lực tác động lên một vật thì bằng độ thay đổi động lượng (tích của khối lượng và vận tốc) của nó. Định luật ba phát biểu rằng mọi lực tác động đều được cân bằng bởi một phản lực có cùng độ lớn nhưng ngược chiều.

Định luật vạn vật hấp dẫn Newton phát biểu rằng mọi khối lượng trong vũ trụ đều tác động lên mọi khối lượng khác, và lực này tỉ lệ thuận với tích các khối lượng của chúng và tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa chúng. Bản thân trọng lực là một trong những lực cơ bản của tự nhiên và chỉ hiểu được phần nào.

Các định luật Newton đã cho thấy sự thành công to lớn trong khả năng dự đoán và trong các ứng dụng thực tiễn. Tuy nhiên, thuyết tương đối và thuyết lượng tử lại chỉ ra rằng chúng không thể áp dụng tại những vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng cũng như ở qui mô hạ nguyên tử.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://blogs.umass.edu/p139ell/files/2012/12/newton-universal-gravitation.png

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Tâm hồn - The Soul

Ý tưởng cho rằng mỗi người đều có một tâm hồn - tức yếu tố tinh thần vô hình - phổ biến trong nhiều văn hóa, tôn giáo, và có thể truy ngược về những ngày đầu lịch sử.

Theo Ai Cập và Trung Hoa cổ đại, tâm hồn có hai phương diện, một chết theo  thân xác, một vẫn tồn tại. Theo Hy Lạp cổ đại, Aristotle cho rằng tâm hồn là thể không tách rời khỏi thân xác (cho dù đó là người, muông thú, hay cỏ cây). Thực chất tâm hồn là cách mà thân xác biểu hiện, là phương diện động của thân xác. Theo các văn hóa duy linh, mọi sinh vật đều có một linh hồn, hay tinh thần, cũng như nhiều thứ bất động, như sỏi đá hay sông ngòi.

Tuy nhiên, ý tưởng tâm hồn do một triết gia Hy Lạp cổ đại khác truyền bá, Plato, là có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Plato cho rằng tâm hồn là vô hình và chỉ hợp nhất với thân xác trong suốt cuộc đời.

Sự phân chia thân xác - tâm hồn này đã được Thiên Chúa giáo tiếp nhận, trong đó tâm hồn được Thượng Đế tạo dựng và nhập vào thân xác lúc thụ thai. Tâm hồn không chết theo thân xác, và đến ngày tận thế sẽ chịu sự phán xét công minh, tùy thuộc vào phẩm giá, nó sẽ được đưa lên thiên đường hay bị đày xuống địa ngục vĩnh viễn. Niềm tin tương tự có thể thấy ở Hồi giáo. Theo Ấn giáo và Phật giáo, tâm hồn trải qua một chu trình tái sinh vô hạn. Bản chất của mỗi lần tái sinh sẽ tùy thuộc vào nghiệp. Nghiệp có thể được định nghĩa là những hậu quả của các hành động trong quá khứ.

Sự phân đôi thân xác - tâm hồn trong Thiên Chúa giáo là tâm điểm của thuyết nhị nguyên thân-tâm do René Descartes truyền bá vào thế kỷ mười bảy, trong đó thân và tâm là hai chất liệu tách rời nhưng lại tương tác với nhau. Trong triết học hiện đại, những tranh luận về tâm hồn đã chuyển biến thành các thảo luận về bản chất của tâm thức, tự ngã, tự tính, và ý thức.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://breakingfreefromlimits.com/wp-content/uploads/2012/08/connecting_with_my_soul.jpg

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Lịch sử - History

Ở dạng đơn giản nhất, lịch sử gồm những chuyện ta kể ta nghe về quá khứ. Các trang sử đầu tiên là danh sách nhà vua, chẳng hạn được phát hiện vào thời Trung Đông cổ đại. Danh sách này lần vết dòng dõi của triều đại đương quyền ngược về thần linh, đấng trao lại quyền cai trị. Nhiều thần thoại cũng như huyền thoại đã bổ sung chi tiết các dòng dõi đó, giải thích nguồn gốc những điều đang diễn ra trên thế giới.

Về sau, khi các sử gia bắt đầu ghi chép quá khứ gần đây hơn, họ có xu hướng thể hiện quốc gia, văn hóa, hay tôn giáo của mình ở khía cạnh đẹp đẽ nhất - như những thần thoại và huyền thoại đã làm. Hiện nay xu thế viết về các góc khuất đang tái hiện.

Chẳng hạn ở thế kỷ mười chín, nhiều sử gia tường thuật những tiến bộ của nhân loại, đề cao điều mà họ xem là thành tựu gắn liền với thời đại của họ. Với một số sử gia Anh, như Lord Macaulay (1800–59), lịch sử là tiến trình tất yếu dẫn đến nền quân chủ lập hiến và dân chủ nghị viện. Ở Đức, triết gia G.W.F. Hegel xem lịch sử là sự phơi bày tất yếu những ý tưởng trừu tượng, đề cao chính quyền Phổ chuyên chế mà ông sinh sống. Marx cũng dùng cách tiếp cận tất định tương tự, nhưng theo ông mục tiêu của lịch sử là chủ nghĩa cộng sản toàn thiện.

Các sử gia ngày nay bác bỏ ý tưởng cho rằng lịch sử là công trình nhằm một mục đích bao quát nào đó và họ nỗ lực hướng đến những tường trình khách quan hơn. Nhưng không thể đạt được tính khách quan tuyệt đối trong lịch sử. Thậm chí nếu một sự kiện có thể được chứng minh là đúng một cách không thể bác bỏ, lịch sử vẫn gồm việc chọn lọc các sự kiện, sắp đặt chúng theo một tường trình hay diễn giải nào đó, và khi quyết định những sự kiện nào là quan trọng và mối quan hệ của chúng với các sự kiện khác, nhà sử học sẽ không tránh khỏi việc thể hiện quan điểm giai cấp, văn hóa, và thậm chí giới tính của chính mình.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/c/c8/Viet_Nam_su_luoc.jpg

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Trường phái lãng mạn - Romanticism

Trào lưu Lãng mạn lan tràn Âu châu và Mỹ châu từ cuối thế kỷ mười tám, một phần tự xác định là nhằm đối nghịch với chủ nghĩa kinh điển. Các giá trị kinh điển về điềm tĩnh và lý trí đã bị khước từ, thay vào đó là tranh đấu và đam mê. Người nghệ sĩ rời xa vai trò là một trụ cột trong một xã hội trật tự, họ trở nên cô đơn, tài năng sẵn sàng xung đột với phần còn lại của thế giới. Vẻ đẹp không còn ngự trị trong những phong cảnh được đẽo gọt tỉ mỉ mà ở trong các yếu tố hoang dại và mãnh liệt.

Những khuấy động đầu tiên của Chủ nghĩa lãng mạn đến từ phong trào văn học Đức gọi là Sturm und Drang ("bão tố và căng thẳng"). Các nhà văn như Goethe (1749–1832) và Schiller (1759–1805) dẫn đầu phong trào, sau đó là nhiều nhà văn ở những nước khác, từ Wordsworth, Shelley cho đến Victor Hugo và Alexander Pushkin. Tinh thần Chủ nghĩa lãng mạn còn lây lan đến các triết gia duy tâm như Kant và Hegel, đến các họa sĩ và nhà soạn nhạc như Turner và Tchaikovsky.

* Chú thích cho ảnh: Lang thang trên biển sương mờ do Caspar David Friedrich vẽ năm 1818.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/1/1c/Caspar_David_Friedrich_032_(The_wanderer_above_the_sea_of_fog).jpg

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Tâm lý học hành vi - Behaviorism

Tâm lý học hành vi là trường phái tâm lý học nổi trội trong nửa đầu thế kỷ hai mươi. Một trong những người đề xướng đầu tiên là nhà tâm lý học Mỹ J. B. Watson (1878–1958), ông bác bỏ phương pháp suy niệm phổ biến trước đó vì cho rằng nó chủ quan vô vọng. Thay vào đó, ông cho rằng để tâm lý học được xem là một ngành khoa học, thì nó cần phải tự giới hạn vào các quan sát hành vi và tránh đi mọi suy đoán về những trạng thái nội tại như tư tưởng, nhận thức, và cảm xúc.

Trên quan điểm này, các nhà hành vi học ở nhiều quốc gia đã tiến hành thực nghiệm trên cả người và thú để nghiên cứu những biểu hiện hành vi khác nhau, đặc biệt là các hành vi có thể đo lường. Những thực nghiệm đó gần như giới hạn vào việc tạo kích thích và quan sát phản ứng, rồi dùng thống kê phân tích kết quả để phát hiện qui luật quan hệ.

Thực nghiệm đột phá trên chó của nhà sinh lý học Liên Xô Pavlov đã hình thành các nguyên lý điều kiện hóa kinh điển. Ở Hoa Kỳ, nhà hành vi học B. F. Skinner (1904–90) áp dụng phương pháp kích thích - phản ứng để phát triển các nguyên lý điều kiện hóa hành động. Skinner chế ra "hộp Skinner" để chuẩn hóa việc giảng dạy các hành động đơn giản cho động vật như chuột và bồ câu đồng thời tiếp tục mở rộng phương pháp của mình cho hành vi con người qua việc tạo ra nhiều biện pháp hỗ trợ giáo dục khác nhau. Một số chuyên gia tâm thần đã áp dụng phương pháp điều kiện hóa hành động để chữa trị các bệnh nhân bị rối loạn hành vi, dùng thưởng phạt để huấn luyện hành vi mới và loại bỏ hành vi được xem là không nên.

Tuy nhiên, tâm lý học hành vi đã bị chỉ trích là quá tất định và đơn giản hóa quá mức, chỉ nhằm giải quyết phương diện hành vi bề ngoài và trong điều kiện đã được trù liệu trước. Tâm lý học hành vi bất chấp nhân tố chọn lựa có ý thức, vì thế không thể giải quyết những hiện tượng phức tạp như cảm xúc, ngôn ngữ, và mối quan hệ. Mặc dù tâm lý học hành vi đưa ra nhiều nhận thức sâu sắc về hành vi động vật, nhưng trong tâm lý học con người, nó gần như bị thay thế bởi phương pháp nhận thức.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://everydaylife.globalpost.com/DM-Resize/photos.demandstudios.com/getty/article/89/254/skd241172sdc.jpg?w=600&h=600&keep_ratio=1

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Lệch chuẩn - Deviance

Lệch chuẩn là thuật ngữ được các nhà xã hội học sử dụng để diễn tả hiện tượng cá nhân đi ra khỏi các chuẩn mực xã hội. Tách biệt đó thường bị xã hội lên án. "Chuẩn mực" là những quy định phổ biến trong xã hội. Một số dựa trên đạo đức, một số được ghi trong luật, một số đơn thuần mang tính thực dụng, một số lại hết sức vô lý.

Chuẩn mực thay đổi tùy xã hội và dịch chuyển theo thời gian. Thậm chí trong cùng xã hội, các nhóm khác nhau (chẳng hạn theo giai cấp hay độ tuổi) có thể có chuẩn mực riêng. Một số chuẩn mực gần như mang tính phổ quát - chẳng hạn nghiêm cấm giết người, loạn luân, và ăn thịt người. Một số chuẩn mực tùy thuộc văn hóa - chẳng hạn cử chỉ "đưa ngón cái lên" được diễn giải là "đồng ý" ở nhiều nước Âu châu, nhưng ở Nam Sardinia thì đó lại là cử chỉ lăng mạ.

Một số xã hội có thể xem rất nhiều hành vi, niềm tin, hay hoàn cảnh là lệch chuẩn, từ bất lịch sự trong ăn uống cho đến những cấm kỵ về giới tính, từ vấn đề không tôn trọng tôn giáo cho đến những biểu hiện phân biệt chủng tộc, từ hành vi xúc phạm thân thể hay tinh thần cho đến những tội ác nghiêm trọng như cướp của giết người. Sự lên án có thể từ mức độ phê phán thông qua tẩy chay cho đến án phạt như bỏ tù hay tử hình.

Quan điểm đồng tính luyến ái trong vài thập niên qua đã chứng tỏ chuẩn mực xã hội có thể thay đổi. Trong quá khứ, bác sĩ tâm thần không những cho rằng đồng tính luyến ái là "lệch" khỏi "chuẩn" dị tính luyến ái , mà còn là chứng bệnh tâm thần cần phải chữa trị. Ngày nay, một số xã hội đã công nhận đồng tính luyến ái là "dị biệt" thay vì "lệch chuẩn", và đã hợp pháp hóa cũng như hủy bỏ biện pháp chữa trị.

Do sự tạo ra và bảo vệ chuẩn mực xã hội là thể hiện quyền lực, một số người diễn giải mọi biểu hiện lệch chuẩn là hành động chính trị - tức bất tuân qui định của nhà chức trách. Chủ trương đó đặc biệt phổ biến trong phái tự do chủ nghĩa cánh tả. Tuy nhiên, nhiều xã hội phương Tây ngày càng khoan dung đã loại bỏ khía cạnh chống đối ra khỏi nhiều biểu hiện lệch chuẩn.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhnwtL3lkm0qEisGaUl-tsC_ejAx56eoh0wyUed1dv_ttPDOIzrMNB4bgWOalrId-fCNZQ2r9FAav9AZ-duch0TWy1Wo7V-fL11k7CwUIPyqcIsJ20rGlS5cWdfpKY63ncoCLiofW4SOW6A/s400/foto-61.jpg

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Thương mại tự do và chủ nghĩa bảo hộ

Thương mại tự do là chính sách cho phép thương mại giữa các quốc gia mà không có bất kỳ hạn chế nào. Những rào cản đối với thương mại tự do có thể dưới dạng hạn ngạch (hạn chế lượng nhập khẩu), thuế quan (thuế nhập xuất), kiểm soát hối đoái (hạn chế bởi các ngân hàng trung ương trên lượng ngoại tệ để mua hàng nhập khẩu), hay trợ cấp cho nhà sản xuất trong nước. Mọi biện pháp hạn chế được gọi chung là "chủ nghĩa bảo hộ" - tức chính sách che chắn cho nền kinh tế của mình không phải chịu mọi tác động của cạnh tranh quốc tế.

Chủ nghĩa bảo hộ hầu như phổ quát ở dạng này hay dạng kia cho đến khi Adam Smith tranh luận trong tác phẩm Thịnh vượng của các Quốc gia rằng nếu một quốc gia phong phú về một nguồn tài nguyên, hay đặc biệt giỏi về sản xuất một sản phẩm nào đó, thì sẽ hiệu quả hơn và như vậy sẽ đóng góp nhiều hơn cho sự thịnh vượng chung nếu quốc gia đó được tự do xuất khẩu sang các nước khác.

Người ủng hộ thương mại tự do và Smith ở thế kỷ mười chín chủ trương rằng chủ nghĩa bảo hộ thường chỉ làm lợi cho một số ít nhà sản xuất và hy sinh phần dân số còn lại. Cụ thể là luật hạn chế nhập khẩu bắp ngô vào Anh đã giữ giá trong nước ở mức cao để làm lợi cho nông dân Anh. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc công nhân Anh phải trả giá cao khi mua bánh mì, các nhà sản xuất phàn nàn rằng hậu quả là công nhân chỉ còn dư ít tiền để có thể mua sản phẩm của họ.

Mặc dù luật hạn chế nhập khẩu bắp ngô vào Anh đã bị bãi bỏ năm 1846, các biện pháp bảo hộ vẫn phổ biến trong thương mại quốc tế - đặc biệt khi kinh tế suy trầm. Vào nửa cuối thế kỷ hai mươi, một số khu vực tự do thương mại liên quốc gia và thị trường chung được hình thành, nhưng những khu vực này vẫn tạo rào cản đối với các quốc gia không là thành viên. Tổ chức Thương mại Thế giới thường xuyên tổ chức những vòng đàm phán để cố gắng mở rộng thương mại tự do quốc tế. Tuy nhiên, một số người cho rằng thương mại tự do có xu hướng làm lợi cho những nước giàu và hy sinh sự phát triển kinh tế của các quốc gia nghèo hơn.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://khanhhuong.jcapt.com/img1/store/diembao2012/2012_2/protecyionism.jpg

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Xã hội dân sự - Civil Society

Xã hội dân sự bao gồm mọi tổ chức trong một quốc gia và độc lập với chính phủ. Các tổ chức đó rất đa dạng - từ tổ chức tình nguyện, câu lạc bộ xã hội, câu lạc bộ bóng đá, cho đến những nhóm phản kháng và giáo hội - nơi các cá nhân đến với nhau nhờ đồng thuận và tự do liên hệ. Xã hội dân sự đôi khi được phân biệt với khái niệm "hội" tổng quát hơn. Hội có phương diện chính trị, là các tổ chức thực hiện những hoạt động tập thể mà không được nhà nước thừa nhận.

Phát triển của xã hội dân sự thường được xem là yêu cầu chính yếu của dân chủ. Trái lại, chế độ chuyên chế không thể chấp nhận xã hội dân sự - mọi hoạt động đều phải được nhà nước kiểm soát. Các xã hội dân sự đã tái hiện trong nhiều quốc gia cộng sản trước đây, mặc dù ở Trung Quốc điều này vẫn còn phôi thai và đầy nguy hiểm. Thậm chí ở những quốc gia đã thiết lập nền dân chủ, tranh luận vẫn đang tiếp diễn về điều gì thuộc trách nhiệm nhà nước và điều gì cần giao phó cho xã hội dân sự.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://push.pk/wp-content/uploads/2013/09/civilsociety.jpg

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Lý thuyết sóng - Wave Theory

Mặc dù ta nghĩ đến sóng chủ yếu là những nhấp nhô của nước, nhiều hiện tượng vật lý - từ âm thanh, ánh sáng cho đến tia X - thật ra được hình thành từ sóng. Sóng là bất kỳ thay đổi hay dao động tuần hoàn lan truyền qua môi trường hay không gian. Sóng phần lớn truyền năng lượng từ nơi này sang nơi khác - chẳng hạn sóng âm truyền năng lượng cơ học, còn sóng ánh sáng truyền năng lượng điện từ. Với sóng ngang, các dao động vuông góc với hướng lan truyền, còn với sóng dọc thì chúng song song với hướng lan truyền.

Mọi dạng sóng đều có ba đặc tính chung: biên độ, bước sóng, và tần số. Sóng có thể bị phản xạ (dội ngược), khúc xạ (bị bẻ cong khi đi qua một môi trường khác), và tán xạ (trải rộng sau khi đi qua một khe hẹp). Sóng có thể giao thoa với nhau. Dù cho sóng thuộc dạng nào, tất cả các đặc tính này đều có thể được biểu diễn bằng những công thức toán học tương tự.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://www.signatureillustration.org/illustration-blog/wp-content/wood-the-great-wave-at-kanagawa1.jpg

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Lương tâm - Conscience

Lương tâm là "tiếng nói bên trong" cho phép ta phân biệt đúng sai. Lương tâm được cho là tiếng nói của Thượng Đế, lý trí, hay khả năng đặc biệt nào đó của con người - "ý thức đạo đức". Nhà thần học người Anh ở thế kỷ mười tám Joseph Butler (1692–1752) mô tả đó là "cảm nhận về sự hiểu biết hay cảm nhận của con tim". Theo Ấn Độ giáo thì đó là "Thượng Đế vô hình ngự trị bên trong chúng ta", còn theo tín đồ phái Quaker thì đó là "ánh sáng nội tâm" quan trọng nhất của Thượng Đế.

Theo các quan điểm phi tôn giáo, lương tâm cá nhân có thể được xem là kết quả của những tác động xã hội và văn hóa. Hầu hết mọi xã hội đều có các chuẩn mực đạo đức, đánh động đến mỗi người từ thuở ấu thơ. Người theo học thuyết Freud gọi lương tâm là "siêu ngã", tức tập hợp những cấm đoán hình thành thuở ấu thơ qua sự cho phép và ngăn cấm của cha mẹ. Các nhà hành vi học có một khái niệm tương tự, mô tả lương tâm là những phản ứng từng trải trước các tác động thưởng phạt của xã hội.

* Chú thích trên ảnh: Trong truyện ngắn "Trái tim lật tẩy" của Edgar Allan Poe, một kẻ sát nhân hóa điên vì bị ám ảnh bởi tội lỗi và tiếng thoi thóp của nạn nhân.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://static.guim.co.uk/sys-images/Arts/Arts_/Pictures/2011/4/27/1303920232562/The-Tell-Tale-Heart-007.jpg

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Tình yêu - Love

Ngày nay, khi nghe đến tình yêu, điều đầu tiên ta nghĩ đến là niềm khao khát và đam mê của người này với người kia - tức tình yêu "lãng mạn". Người theo thuyết nam nữ bình quyền thì phản đối nghĩa này vì đó chẳng qua là một kiến lập văn hóa nhằm củng cố ưu thế của nam giới, trong khi các nhà sinh học xã hội lại khẳng định rằng chức năng của nó là tiến hóa, liên quan đến chọn lọc giới tính.

Người Hy Lạp cổ đại phân biệt ba dạng tình yêu: tình bạn (philos); tình yêu nhục dục (eros); và tình yêu vị tha quên mình (agape). Agape là từ được dùng trong văn bản Hy Lạp nguyên thủy của Thánh Paul (1 Corinthians 13:13) - "Và giờ đây còn lại ba điều: đức tin, niềm hy vọng và tình yêu. Nhưng cao trọng hơn cả là tình yêu". Trong thần học Thiên Chúa giáo, tình yêu Thượng Đế dành cho tạo tác của ngài - theo lời của Dante: "Yêu đến nỗi dịch chuyển cả mặt trời và các vì sao" - là tình yêu tối thượng. Plato và Aristotle xem tình yêu là sự khao khát hoàn thiện: "tình yêu kiểu Plato" vượt trên ham muốn xác thịt, và tình yêu tối thượng là tình yêu sự thông thái - đây là ý nghĩa nguyên thủy của từ triết học.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://www.facebookboritok.com/covers-images/download/free-facebook-timeline-valentines-day-Danbo-love-pictures-wallpapers-covers%20copy.jpg

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Trường phái kinh điển - Classicism

Chủ nghĩa kinh điển là khuynh hướng nghệ thuật rất rộng, muốn duy trì các giá trị thẩm mỹ thời Hy Lạp cổ đại (khoảng 500-338 trước Công nguyên). Những giá trị này thường được đặc trưng qua tính cân đối, tỉ lệ, lý luận, và hài hòa, tức các đặc trưng bao hàm cả vẻ đẹp lý tưởng lẫn sự thanh bình trong trật tự.

Nghệ thuật thị giác trường tồn nhất trong thời Hy Lạp cổ đại là kiến trúc và điêu khắc. Kiến trúc Hy Lạp dựa trên cơ sở hình học - tròn, vuông, tam giác, và chữ nhật. Tính "trật tự" trong kiến trúc Hy Lạp, gồm Doric, Ionic, và Corinthian (dễ thấy nhất ở phong cách trang trí đỉnh cột) là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà kiến trúc sau này tạo ra thiết kế của chính họ. Trong điêu khắc, người Hy Lạp đã lý tưởng hóa gương mặt và hình dáng con người, thay vì thể hiện các cá thể với tất cả những dị dạng và khiếm khuyết - bắt chước thuyết Dạng thức của Plato.

Người La Mã đã vay mượn nghệ thuật Hy Lạp rất nhiều, nhưng khi đế chế La Mã sụp đổ vào thế kỷ thứ năm sau Công nguyên, các giá trị kinh điển đó đã rơi vào bóng tối hàng ngàn năm, cho đến khi được hồi sinh vào thời Phục hưng, khi các nhà nghệ thuật và kiến trúc hào hứng áp dụng dạng thức Hy Lạp và La Mã. Đặc biệt trong kiến trúc, chủ nghĩa kinh điển vẫn còn ảnh hưởng to lớn.

Văn học cũng vậy, các mô hình của người Hy Lạp và La Mã cổ đại đã được hồi sinh vào thời Phục hưng, khi các nhà phê bình phát triển kịch bản của Aristotle thành ý tưởng gồm ba thể thống nhất - hành động, nơi chốn, và thời gian. Những qui tắc này được tuân thủ nghiêm ngặt bởi các nhà soạn kịch vĩ đại người Pháp ở thế kỷ mười bảy là Racine và Corneille; nhưng William Shakespeare (1564–1616), nhà soạn kịch vĩ đại hơn nhiều, đã phớt lờ những qui tắc này và vì vậy bị lên án vào thời đó là kẻ quê mùa thô lỗ.

Thời kỳ âm nhạc "cổ điển" (khoảng 1770–1820) - tức thời đại của Haydn, Mozart, và Beethoven - thì ít vay mượn sản phẩm của Hy Lạp cổ đại hơn, dầu vậy sự nhấn mạnh đến cấu trúc cân đối và phân giải hài hòa chắc chắn đã đi theo tinh thần cổ điển.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgfcAf8p-RsOYJJTYRyC4t0REZHlnu6vQ8pDV1WGaDx3YpQogBxQ9oCyTPAIXWZ04GKcjW8gs9xFbeNTsKVb24IPIOUiV6zBiKwgTCXTizlYXvbPEPJf2EnoXqgmbq4O4Gikk_93ua8AXg/s1600/golden+section+-+parthenon.jpg

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Điều kiện hóa và phản xạ có điều kiện

Điều kiện hóa là quá trình qua đó hành vi có thể được điều chỉnh bằng cách thay đổi các kích thích đi kèm với hành vi đó, vì vậy sẽ làm thay đổi phản ứng. Nhà sinh lý học người Nga Ivan Pavlov (1849–1936) đi tiên phong trong lĩnh vực điều kiện hóa kinh điển. Bằng một loạt những thí nghiệm nổi tiếng, ông chứng minh rằng thức ăn xuất hiện sẽ khiến chó tiết nước bọt. Nếu thức ăn xuất hiện đi kèm một cách có hệ thống với việc rung chuông, chó sẽ tiết nước bọt khi nghe tiếng chuông, cho dù không có thức ăn. Hiện tượng này gọi là phản xạ có điều kiện.

Một dạng điều kiện hóa quan trọng khác là điều kiện hóa hành động. Trong khi điều kiện hóa kinh điển liên quan đến phần hệ thần kinh vượt trên sự kiểm soát của ý thức, thì điều kiện hóa hành động tìm cách thay đổi hành vi tự giác bằng khen thưởng và hình phạt, quá trình này gọi là gia cường. Những kỹ thuật đó đã được áp dụng bởi các nhà tâm lý trị liệu ác cảm, tâm lý giáo dục và tâm lý công nghiệp. Cả hai dạng điều kiện hóa đều được các nhà hành vi học quan tâm.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://img.blog.zdn.vn/5772585.jpg

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Tha hóa - Alienation

Tha hóa là quá trình qua đó cá nhân sống dưới chế độ tư bản công nghiệp hiện đại mất đi cảm giác mình là thành viên thuộc xã hội, họ trở nên bất lực và mất nhân cách. Karl Marx cho rằng công nhân công nghiệp phải chịu đựng sự ghẻ lạnh, đồ vật hóa (con người trở thành món đồ), và trở thành hàng hóa (công nhân tự chào bán bản thân như một món hàng). Tất cả các quá trình này phát sinh do hệ thống nhà máy và sự phân chia lao động của nó, từ đó khiến công nhân mất khả năng kiểm soát công việc và trở nên bé nhỏ hơn bản thân họ. Trong bộ phim Thời đại Tân kỳ 1936, Charlie Chaplin đóng vai một người đàn ông bị mất trí do các tác động tha hóa của công việc bên dây chuyền sản xuất.

Một số nhà xã hội học đã liên hệ tha hóa với "vô tổ chức", là tình trạng phổ biến trong xã hội mà các niềm tin tan rã và các giá trị đạo đức không còn. Tha hóa và vô tổ chức đều đưa đến tình trạng tuân thủ mù quáng, lãnh đạm chính trị, thậm chí gặp khó khăn về tâm lý và tự vẫn.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://ia.media-imdb.com/images/M/MV5BMTUzMTgwNDE3M15BMl5BanBnXkFtZTcwNDA4Njc0NQ@@._V1_SX640_SY720_.jpg

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Lao động - Labor

Lao động vừa là toàn bộ nhân lực, đặc biệt là những người nhận lương, vừa là bất kỳ dịch vụ nào mà phải trả công cho nhà cung ứng. Trong thị trường lao động hoàn toàn tự do, theo luật cung cầu, người lao động phải cạnh tranh nhau bằng cách chào giá thấp. Để tránh được tình trạng này, người lao động đã thành lập công đoàn để cùng nhau đàm phán với chủ nhằm đảo bảo tiền lương phải tương xứng với công việc.

Nhà kinh tế người Anh David Ricardo (1772–1823) đã đề ra "học thuyết giá trị lao động". Học thuyết này chủ trương giá trị trao đổi của một hàng hóa hay dịch vụ được xác định duy nhất qua công sức tạo ra chúng. Karl Marx tiếp tục phát triển tư tưởng này, ông cho rằng nhà tư bản đã trả lương công nhân thấp hơn giá trị lao động mà họ đã bỏ ra để sản xuất, và "lao động thặng dư" mà nhà tư bản thu được mà không phải trả tiền đã tạo ra "giá trị thặng dư" - tức lợi nhuận.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://www.blogcdn.com/www.diylife.com/media/2010/09/home-improvement-labor-day-590.jpg

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Khế ước xã hội - Social Contract

Tư tưởng về khế ước xã hội ẩn chứa ở hầu hết tư duy hiến pháp. Trong khế ước xã hội, người dân giao phó quyền tự do và chủ quyền của mình cho chính phủ. Vai trò của chính phủ là thiết lập và duy trì trật tự xã hội qua thượng tôn pháp luật.

Triết gia người Anh Thomas Hobbes đã phát triển phiên bản của mình về khế ước xã hội vào thời nhiễu nhương Nội chiến Anh quốc. Trong chuyên luận Leviathan năm 1651 của mình, Hobbes mô tả đời người ở tình trạng tự nhiên, không bị kiềm chế là "cô độc, tồi tàn, thô tục, hung ác và ngắn ngủi". Hobbes tin rằng người dân chỉ có thể chung sống hòa bình nếu đồng ý tuân theo một quyền lực tối cao.

Sau này ở cùng thế kỷ, một triết gia người Anh khác, John Locke, đã bác bỏ chủ nghĩa chuyên chế trong Chuyên luận Thứ hai về Chính phủ (1690). Chuyên luận này được viết trong cuộc nổi dậy "Cách mạng Vinh quang", khi đó người Anh lật đổ nhà vua có tư tưởng chuyên chế (James II) và tôn một người khác (William III), do người này hứa ủng hộ quyền lợi và tự do cho nhân dân. Locke chủ trương chính phủ hợp pháp chỉ có thể tồn tại nếu được tầng lớp bị trị tán thành. Mặc dù tầng lớp bị trị giao phó "quyền tự nhiên" của mình qua việc chấp nhận bị cai trị, đổi lại, họ có những quyền công dân nhất định. Nếu chính phủ thất bại trong việc ủng hộ các quyền này và không còn cai trị vì quyền lợi của tầng lớp bị trị, thì người dân có quyền thay đổi chính phủ. Tư tưởng căn bản này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lãnh đạo Cách mạng Hoa Kỳ 1776.

Phiên bản thứ ba - chịu ảnh hưởng của Cách mạng Pháp 1789 - được triết gia người Pháp Jean-Jacques Rousseau đưa ra trong tác phẩm Khế ước Xã hội (1762). Rousseau đề ra ý niệm "chủ quyền nhân dân", cho rằng công dân chỉ có thể bị ràng buộc bởi luật pháp nếu họ góp phần vào công cuộc phát triển công dân. Chính phủ phải luôn nghe theo "nguyện vọng của quần chúng", và cá nhân phải tuân phục nguyện vọng này. Phiên bản khế ước xã hội của Rousseau sau này bị lợi dụng bởi những người có xu hướng chuyên chế, đặc biệt là cánh tả, để biện minh cho hành động đàn áp quyền tự do cá nhân.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://moiseslima.files.wordpress.com/2011/10/foto_rousseau.jpg

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Vật chất - Matter

Vật chất là chất liệu bất kỳ - rắn, lỏng, hay khí - chiếm dụng không gian và có khối lượng. Mặc dù thuyết nguyên tử về vật chất đã xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại, thuyết nguyên tử hiện đại chỉ hình thành vào đầu thế kỷ mười chín khi nhà hóa học người Anh John Dalton (1766–1844) cho rằng chất liệu đồng nhất được tạo thành từ các hạt bé tí như nhau gọi là nguyên tử. Các nguyên tử này không thể phân chia và giữ nguyên không đổi trong các phản ứng hóa học.

Dalton đã không phân biệt nguyên tử với phân tử. Nguyên tử là đơn vị cơ bản của các nguyên tố (hy-đrô, ô-xy, sắt, vàng, uranium, ...), nguyên tử thuộc những nguyên tố khác nhau thì không giống nhau về khối lượng và tính chất hóa học. Phân tử (gồm nhiều nguyên tử, thường thuộc các nguyên tố khác nhau) là đơn vị cơ bản của hợp chất hóa học. Chẳng hạn phân tử nước có hai nguyên tử hy-đrô và một nguyên tử ô-xy.

Đến cuối thế kỷ mười chín, nhà vật lý học người Anh J. J. Thomson (1856–1940) đã phát minh điện tử, là hạt bé tí tích điện âm nằm trong nguyên tử. Điều này cho thấy nguyên tử có thể phân chia, từ đó thúc đẩy phong trào nghiên cứu cấu trúc nguyên tử. Mô hình kết quả đã phác họa nguyên tử là một không gian gần như trống rỗng, trong đó có hạt nhân nhỏ xíu được bao quanh bởi "các đám mây" điện tử tích điện âm. Hạt nhân chiếm hầu hết khối lượng nguyên tử, gồm các protons (hạt tích điện dương) và các neutrons (không tích điện). Nghiên cứu sâu hơn về hạt cơ bản đã dẫn đến "mô hình chuẩn" của ngành vật lý hạt.

Các giả định của ta về bản chất của vật chất đã bị thuyết lượng tử làm suy yếu thêm. Ngoài những khái niệm khác, thuyết lượng tử cho rằng điện tử và các hạt khác có thể hành xử như sóng. Thêm vào đó, giả định cho rằng vật chất không thể tạo thành hay phá hủy đã bị bác bỏ khi Einstein đưa ra công thức E = mc². Công thức này chứng tỏ vật chất có thể chuyển thành năng lượng và ngược lại, được minh họa qua phản ứng phân hạch và tổng hợp hạt nhân, là nền tảng của vũ khí hạt nhân và năng lượng hạt nhân.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://moon.vn/Upload/Avatar/gatget/Thuvienvatly.com_0c85b_nguyen-tu.jpg.jpg

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Tội lỗi - Sin

Trong nhiều xã hội dọc theo chiều dài lịch sử, bất tuân tập tục xã hội và phạm thánh, không chỉ được xem là sai trái mà còn là biểu hiện của quỷ dữ.

Theo Do thái giáo, Thiên Chúa giáo, và Hồi giáo, ác đức là biểu hiện của "tội lỗi", và được xem là cố tình làm trái ý Thượng Đế. Theo Sách Sáng Thế, tội lỗi bắt đầu khi Adam và Eve, tổ tiên loài người, đã bất tuân Thượng Đế và mất đi tính ngây thơ trong trắng của mình. Từ đó về sau, con người sinh ra là mắc "tội tổ tông"; nói cách khác, bản chất con người là tội lỗi. "Bảy mối tội đầu" - gồm kiêu ngạo (vanity), hà tiện (avarice), mê dâm (lust), hờn giận (wrath), mê ăn uống (gluttony), ghen ghét (envy), và lười biếng (sloth) - là các ví dụ về những yếu kém cố hữu này và được xem là nguồn gốc của "tội lỗi thật sự".

Tội lỗi thật sự là hành vi xấu trong tư tưởng, lời nói, hay việc làm. Sự cứu rỗi phụ thuộc (ít ra là một phần) vào việc xa lánh những hành vi xấu, tuân theo giới luật của Thượng Đế (chẳng hạn Mười Điều Răn được Thượng Đế truyền cho ông Moses). Có tội thiếu sót - tức không làm tròn bổn phận - và có tội sai phạm.

Giáo lý Thiên Chúa giáo phân biệt hai loại tội trọng và tội nhẹ. Tội trọng là tội cố ý phạm luật Thượng Đế, nghiêm trọng đến nỗi mất ân sủng hoàn toàn và bị đày xuống Địa ngục, trừ phi biết ăn năn hối cải.

Theo Giáo hội La Mã, tội trọng hàm chứa tội dị giáo, giết người, ngoại tình, phá thai, ngừa thai, và làm chứng dối. Tội nhẹ thì ít nghiêm trọng hơn, do phạm phải vì thiếu ý thức, chỉ mất một phần ân sủng, và dễ dàng được tha thứ hơn. Còn có "tội cố tình" tức hành vi sai trái mà kẻ phạm tội biết rõ, và "tội cứ sự" tức hành vi sai trái mà người phạm tội không biết vì vậy không bị quy trách nhiệm.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: onlyhdwallpapers.com/wallpaper/wrath_envy_lust_seven_deadly_sins_sloth_gluttony_desktop_1280x1024_hd-wallpaper-1049274.jpg

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Nhân bản - Human Nature

Câu hỏi rằng liệu có điều gọi là "nhân bản (bản chất con người)" hay không - và nếu có thì bản chất đó là gì - đã làm các nhà tư tưởng phải suy tư qua nhiều thế kỷ. Giáo lý Thiên Chúa giáo cho rằng từ khi sa ngã - lúc Adam và Eve bị trục xuất khỏi Vườn Địa đàng do bất tuân Thượng Đế - ai sinh ra đều phạm "tội tổ tông". Theo quan điểm này, con người vốn tội lỗi, và sự cứu rỗi chỉ có thể nếu kết hợp nhiều biện pháp khác nhau (tùy thuộc vào tội lỗi nào) như đọc kinh cầu nguyện, làm việc thiện, và trên hết là đức tin.

Triết gia người Anh Thomas Hobbes (1588–1679) có quan điểm về nhân bản tương tự, ông cho rằng ban đầu đời người là "thô tục, hung bạo, và ngắn ngủi". Ông quan niệm là chỉ có một xã hội trật tự nghiêm ngặt do một nhà lãnh đạo toàn quyền mới có thể giúp con người thoát khỏi "mối đe dọa thường trực của cái chết do bạo động gây ra".

Đến tận hôm nay, những chính trị gia bảo thủ có xu hướng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quyền lực, sự phân chia thứ bậc, và phủ nhận nỗ lực cải thiện số phận người nghèo. Họ cho rằng nỗ lực "kỹ nghệ xã hội" rồi sẽ thất bại vì bản chất con người là lười biếng và ích kỷ.

Ở thế kỷ mười tám, triết gia người Pháp Jean-Jacques Rousseau (1712–78)  lại có quan điểm nhân bản trái ngược, ông cho rằng bản chất con người là "hoang sơ cao quý", và tự tính tốt đẹp đó chỉ bị xã hội làm hỏng.

Một thế hệ sau Hobbes, triết gia người Anh khác, John Locke,  lại phủ nhận sự hiện hữu của điều gọi là nhân bản, ông cho rằng con người sinh ra như tờ giấy trắng. Họ được nhào nặn bởi môi trường và giáo dục, từ đó ông đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục. Các nhà tư tưởng chính trị cánh tả - tức những nhà xã hội chủ nghĩa, cộng sản, và vô chính phủ - nói chung đồng thuận với quan điểm này, họ cho rằng nếu xã hội được sắp đặt đúng, con người sẽ hành xử tốt, hợp tác với nhau một cách vị tha, và sẽ có hạnh phúc. Đây là phương diện chính trị của cuộc tranh luận giữa tự tính và tác động môi trường.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://i460.photobucket.com/albums/qq326/selotepppp/Pa%20tako%20pictures/AdamEva.jpg

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Phong cách Baroque - The Baroque

Tên gọi Baroque được áp dụng bởi các nhà phê bình sau này đối với phong cách nghệ thuật và kiến trúc nổi trội ở Âu châu vào thế kỷ mười bảy và đầu thế kỷ mười tám. Thuật ngữ này bắt nguồn từ barroco, tiếng Bồ Đào Nha nghĩa là viên ngọc trai thô hay chưa hoàn hảo. Tên gọi có ngụ ý chê bai về tính bất đối xứng, lối bài trí, thuật tương phản, và sự rườm rà trong phong cách, đối lập với nghê thuật tĩnh lặng và cân đối thời Phục hưng. Phong cách Baroque chủ yếu là phương tiện chống lại cải cách, là phản ứng mạnh mẽ của Giáo hội Công giáo trước sự phát triển của đạo Tin lành. Phong cách này thể hiện quyền năng và cảm xúc mãnh liệt, đúc kết trong các tác phẩm điêu khắc của Bernini, hội họa của Caravaggio và Rubens, cũng như trong các giáo đường từ vùng Bavaria đến Châu Mỹ Latin.

Việc sử dụng thuật ngữ Baroque cho âm nhạc thời kỳ đó là khá tùy tiện, mặc dù có thể phù hợp với sự hoa mỹ của một vài phong cách. Các nhà soạn nhạc Baroque hàng đầu có Monteverdi, Vivaldi, và J. S. Bach.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://bekah286.pbworks.com/f/1243916231/berlin-cathedral-berlin-brdom2.jpg

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Phân tâm học và Học thuyết Freud - Psychoanalysis and Freudianism

Nhà tâm lý học người Áo Sigmund Freud (1856–1939) là một trong những nhân vật gây ảnh hưởng sâu sắc nhất của thế kỷ hai mươi. Mặc dù nhiều lý thuyết của ông bị bác bỏ vì phi khoa học, quan niệm của ông về tiềm thức và trọng tâm của dục tính trong trải nghiệm con người đã thay đổi căn bản cách con người suy nghĩ về bản thân.

Ở thủ đô Vienna vào cuối thế kỷ mười chín, Freud đi tiên phong trong ngành phân tâm học, qua đó ông chữa trị bệnh loạn thần kinh chức năng, chẳng hạn chứng cuồng loạn. Freud tin rằng loạn thần kinh chức năng là do những trải nghiệm ức chế hồi còn bé, nhưng được lưu trong tiềm thức. Ông chủ trương rằng nhờ "liệu pháp trò chuyện", liên tưởng tự do của bệnh nhân và tìm hiểu giấc mơ của họ, mà tiềm thức có thể được khai mở, từ đó nhận biết được các ký ức bị đè nén.

Freud cho rằng tâm thức gồm ba phần: tự ngã (selfish), bản ngã (ego), và siêu ngã (superego). Tự ngã là bản bản năng đòi hỏi thỏa mãn khoái lạc mà ông gọi là id. Bản ngã là tiềm thức buộc phải giải quyết xung đột giữa id và siêu ngã. Siêu ngã tương đương với ý thức, nơi phát sinh cảm giác tội lỗi. Còn gây chấn động hơn vào thời điểm đó, Freud cho rằng dục tính con người bắt đầu từ thuở ấu thơ, không phải lúc dậy thì như người ta tưởng. Chẳng hạn, ông đi từ phức cảm Oedipus, trong đó các bé trai từ ba đến sáu tuổi một cách vô thức ham muốn ăn nằm với mẹ và muốn giết cha. Freud tin rằng sự đè nén dục tính thời thơ ấu đã gây chứng loạn thần kinh chức năng và bất hạnh về sau.

Các khoa học gia ngày nay phê phán học thuyết Freud với lý do là không thể kiểm chứng. Không thể nào chứng minh được sự hiện hữu của tiềm thức như Freud đưa ra, chứ chưa bàn đến tình trạng ham muốn bị đè nén thúc đẩy hành vi mà Freud quan niệm. Cũng không thể xác định rằng liệu sự chữa trị thành công là do học thuyết hay do tính cách của nhà phân tâm học.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://25.media.tumblr.com/tumblr_lzgnxylSP81qfwpz1o1_1280.jpg

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Giai cấp - Class

Ngày nay, ta hiểu sự phân tầng và phân chia xã hội chủ yếu qua giai cấp. Tuy nhiên, xã hội có thể được cấu trúc theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, có những phân chia theo chiều dọc như giới tính, dân tộc, tôn giáo, hay ngôn ngữ, và các phân chia này, ngay cả hiện nay, còn xuyên suốt trong các phân chia theo chiều ngang như giai cấp.

Những phân chia theo chiều ngang hay theo giai tầng là hiển nhiên trong xã hội loài người khi ta chuyển từ săn bắn và hái lượm sang định canh. Chẳng hạn xã hội Âu châu thời trung cổ được chia thành ba "đẳng cấp" (quý tộc, tăng lữ, và thứ dân), hay chế độ đẳng cấp phổ biến ở Ấn Độ qua hơn hai ngàn năm.

Trong chế độ đẳng cấp, cá nhân bị giam hãm thường trực vào đẳng cấp mà họ sinh ra và bị cấm cưới người không có cùng đẳng cấp. Đẳng cấp của một người qui định nghề nghiệp của họ. Cao nhất là Brahmin (Bà-la-môn), hay tăng lữ; và thấp nhất là Dalits, gọi là "đừng cho đụng vào", tức những người làm hầu hết các công việc phục dịch. Mặc dù công nghiệp hóa và luật pháp chính phủ đã phần nào hạn chế chế độ đẳng cấp, nhưng nó vẫn tác động mạnh mẽ ở Ấn Độ.

Dưới chế độ tư bản công nghiệp hiện đại, phân chia xã hội chủ yếu là phân chia giai cấp. Yếu tố quyết định giai cấp là kinh tế, vì vậy xã hội tư bản cơ động hơn chế độ đẳng cấp. Karl Marx nhìn giai cấp theo sự liên quan đến nguồn vốn (tài sản dùng để phát sinh lợi nhuận), và đề ra hai gia cấp chính: giai cấp tư sản, tức những người làm chủ phần lớn nguồn vốn đồng thời thuê mướn phần lớn lực lượng lao động; và giai cấp làm công, những người không làm chủ nguồn vốn đồng thời làm thuê cho giai cấp tư sản để nhận lương.

Ngày nay ta có xu hướng nhìn giai cấp theo địa vị và nghề nghiệp, ý tưởng này đầu tiên được nhà xã hội học Đức Max Weber đưa ra. Cách nhìn này thường đặt giai cấp trung thượng lưu (lãnh đạo cấp cao và chuyên gia như bác sĩ và luật sư) lên cao nhất, còn công nhân làm việc tay chân và không có kỹ năng thì ở dưới đáy.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://www.beaconlearningcenter.com/WebLessons/Hardtimes/Pages/classes/classimages/classpyramid.gif

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Thị trường - The Market

Trái tim của kinh tế tư bản là thị trường - tức đấu trường nơi đó hàng hóa, dịch vụ, và tài nguyên được mua bán. Thị trường vận hành qua luật cung cầu và đòi hỏi cạnh tranh để hoạt động. Vì thế, thị trường khác với đổi chác đơn thuần, mà chỉ cần không quá hai người; thị trường cần ít nhất ba bên, để cạnh tranh xảy ra tối thiểu ở một bên.

Thị trường đa dạng về qui mô, từ chợ nông sản địa phương, với khoảng chục sạp hàng, hay khu mua sắm lớn với nhiều cửa hàng bán lẻ cạnh tranh để bán cùng mặt hàng, cho đến thị trường hàng hóa hay tiền tệ quốc tế, hoạt động trong thế giới ảo với mạng máy tính toàn cầu. Ngoài ra còn có thị trường lao động: chẳng hạn một số chính phủ kêu gọi các nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy bằng cách nới lỏng hàng rào pháp quan và giảm bớt quyền lợi công nhân hơn các nước cạnh tranh.

Người chủ trương thị trường hoàn toàn tự do cho rằng đây là cách vận hành nền kinh tế hiệu quả nhất. Công ty nào không thể cung ứng hàng hóa và dịch vụ đủ tốt với giá thành mà người tiêu dùng yêu cầu thì sẽ bị dồn vào chân tường, trong khi đối thủ cạnh tranh hiệu quả hơn của họ thì phát đạt. Người chủ trương thị trường tự do khẳng định rằng điều này có lợi cho nhà sản xuất (kẻ tạo ra lợi nhuận) lẫn người tiêu dùng (người nhận được thứ họ muốn với giá họ sẵn sàng trả).

Các nhà phê bình thì chỉ ra nhiều hạn chế về tính hiệu quả của thị trường tự do. Chẳng hạn, luật cung cầu không nhất thiết đáp ứng được những nhu cầu xã hội như dịch vụ giao thông ở vùng sâu vùng xa, cũng chẳng ngăn được nhà sản xuất không gây ô nhiễm môi trường - và cũng chẳng ngăn được tình trạng của cải nằm trong tay một số ít cá nhân. Trong trường hợp đó, xã hội thường đồng thuận với hành động can thiệp của chính phủ ở mức độ nhất định, dưới dạng trợ giá, điều phối, và đánh thuế.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://www.dulichvietnam.com.vn/data/chonoi1.jpg

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Chủ nghĩa hiến pháp - Constitutionalism

Hầu hết các quốc gia đều có một văn bản hiến pháp - đó là nhóm những điều luật cơ bản nhằm xác định và hạn chế quyền lực chính phủ, qui định cách bầu chính phủ, và đưa ra quyền công dân. Chính phủ hiến định là hiện thân của quyền tự do chính trị và đại diện cho nguyện vọng của nhân dân.

Tư duy hiến pháp được phát triển vào các thế kỷ mười bảy và mười tám, nổi lên qua tư tưởng về khế ước xã hội. Anh Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập chế độ quân chủ lập hiến (trong đó quyền lực của chế độ quân chủ bị hạn chế bởi ý nguyện của Quốc hội), nhưng bất thường là họ không có văn bản hiến pháp. Văn bản hiến pháp quan trọng đầu tiên là của Hoa Kỳ, được xây dựng vào những năm 1780. Hiến pháp này đưa ra một loại các biện pháp kiểm soát và đối trọng giữa người dân, chính phủ bang, và chính phủ liên bang, đồng thời xây dựng nguyên tắc phân tách quyền lực, mà hiện nay xuất hiện trong hầu hết các hiến pháp.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/b/b2/United_States_Capitol_-_west_front.jpg

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Vô cực - Infinity

Vô cực là bất kỳ đại lượng nào - hoặc vô cùng lớn hoặc vô cùng bé - không có kết thúc hay giới hạn. Đây là một trong những khái niệm khó lĩnh hội, đặc biệt khi liên hệ đến không gian và thời gian. Hầu như không thể hình dung nổi khái niệm "mãi mãi", nhưng ý niệm về không gian có biên giới và thời gian có kết thúc cũng khó nghĩ tương tự: lúc nào ta cũng thắc mắc là cái gì bên ngoài giới hạn của không gian và điều gì sẽ xảy ra khi thời gian chấm dứt. Các nhà vật lý học và vũ trụ học chưa có câu trả lời chung cuộc.

Trong toán học, khái niệm giá trị vô cùng bé, nhưng lại lớn hơn 0, có ý nghĩa quan trọng trong ngành giải tích, vốn được phát triển vào cuối thế kỷ mười bảy. Sau đó hai thế kỷ, nhà toán học Đức Georg Cantor (1845–1918) đã chứng minh rằng tập hợp các số tự nhiên (các số đếm) thì lớn hơn tập hợp chỉ chứa các số tự nhiên chẵn. Như vậy là có nhiều thứ vô hạn khác nhau, một số thứ vô hạn lại lớn hơn những thứ vô hạn khác.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://www.the-fashion-street.com/gallery/the-elegance-of-infinity-bracelets/the_elegance_of_infinity_bracelets.jpg

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Thuyết vô thần - Atheism

Thuyết vô thần phủ nhận hiện hữu của Thượng Đế hay các thần linh khác. Lập luận phổ biến nhất ủng hộ thuyết vô thần là chẳng có bằng chứng nào chứng tỏ một hay nhiều đấng như vậy hiện hữu. Lập luận này trùng hợp với chủ nghĩa duy vật và được củng cố nhờ khoa học, vốn cho thấy một đấng sáng thế thiêng liêng không còn cần thiết để giải thích vũ trụ quanh ta. Nhiều triết gia hiện đại (chẳng hạn các nhà chứng thực logic) cho rằng khái niệm Thượng Đế, vì không kiểm chứng được, nên vô nghĩa. Triết gia Đức Friedrich Nietzsche có tuyên bố nổi tiếng "Thượng Đế đã chết".

Thuyết vô thần không giống với thuyết bất khả tri, vốn cho rằng không đủ bằng chứng để kết luận Thượng Đế hiện hữu hay không. Vấn đề Thượng Đế hiện hữu, theo thuyết bất khả tri, là chưa thể trả lời. Những người trung thành với tín ngưỡng luận thì cho rằng lý luận chẳng liên quan đến đức tin, và họ tuyên bố là không thể chứng minh Thượng Đế hiện hữu.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://i953.photobucket.com/albums/ae11/Duckbutt_2009/frederich-Nietzsche.jpg

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Chủ nghĩa nhân văn - Humanism

Chủ nghĩa nhân văn có thể được định nghĩa đại thể là thái độ trí thức, đặt con người làm trọng tâm trong các mối bận tâm của chúng ta. Các triết gia Hy Lạp trước Socrates chủ yếu quan tâm đến bản chất của vũ trụ, trong khi Socrates, Plato, và Aristotle, với quan tâm đến chính trị và đạo đức, đã đặt con người làm trọng tâm.

Ở thời Trung cổ Âu Châu, nỗ lực học thuật chủ yếu lưu tâm đến Thượng Đế và thần học. Nhưng đến thời Phục hưng, mối quan tâm đến các bản viết Hy Lạp và La Mã cổ đại được phục hồi, và những bản viết này chủ yếu có tính thế tục. Nghệ thuật, văn học, và học thuật đều bắt đầu tập trung mạnh mẽ hơn vào con người, mặc dù hiện hữu hay quyền năng Thượng Đế hiếm khi bị bác bỏ. Với khởi đầu của cuộc Cách mạng Khoa học ở thế kỷ mười sáu, người ta bắt đầu tin rằng lý luận của con người đã có thể tìm hiểu các vận hành của vũ trụ. Ngày nay, khái niệm "chủ nghĩa nhân văn" thường hàm ý thuyết vô thần, hay ít ra đó là thái độ thế tục dứt khoát.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjxwMgrhFMSoujG0gCzTS1dHP2EV0_roaJ22CF4aaUEr3Cukk5tsmiZQJih51JrIu6ByiqaKXdh4mOqgV52NPppKyN71Co1VgU8fPnu1NeScDMP0Ej8jl8T6iIP36X7J-j2skUJyTenNUs/s1600/Man-Leonardo-da-Vinci.jpg

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Tiểu thuyết - Novel

Từ ba trăm năm nay, tiểu thuyết đã trở thành thể lại văn học nổi bật. Trước đó, thơ ca - đặc biệt là sử thi - đứng hàng đầu. Các thiên sử thi như Iliad của Homer, Aeneid của Virgil và Thiên đường đã mất của Milton đề cập những chủ đề lớn, thường lấy từ thần thoại hay kinh thánh, có các thần linh và các vị anh hùng. Trái lại, tiểu thuyết phần lớn (không phải toàn bộ) trình bày một thế giới thường ngày, dễ nhận biết, với những nhân vật, dù hư cấu, sống cuộc đời chẳng khác với người đọc là bao.

Tiểu thuyết văn xuôi xuất hiện từ thời cổ đại, chẳng hạn tác phẩm Satyricon của nhà văn La Mã Petronius. Đến thời Trung cổ và thời Phục hưng, nhiều chuyện kể, ngụ ngôn, truyện lãng mạn trở nên thông dụng trong nhóm thiểu số những người có học thức. Đó là ước vọng và mơ mộng về các cuộc tình lãng mạn, với nhiều câu chuyện về các nàng trinh nữ khổ đau và những chàng hiệp sĩ hào hoa, chúng đã bị chế nhạo qua tác phẩm thường được công nhận là tiểu thuyết thật sự đầu tiên, Don Quixote, của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes. Nỗi day dứt giữa ảo tưởng hiệp sĩ của Don Quixote già nua và thực tế đời sống hiện đại mà ông ta đang trải đã gây nhiều xúc động.

Tính phổ biến của tiểu thuyết gia tăng nhanh chóng trong thế kỷ mười tám, nhờ sự lan tỏa của khả năng đọc viết. Các nhà văn đã dùng nhiều kỹ thuật và phương pháp khác nhau. Một số tăng thêm vẻ như thật bằng cách dùng một nhân vật kể chuyện ở ngôi thứ nhất, chẳng hạn nhân vật chính trong tác phẩm Robinson Crusoe của Daniel Defoe (1719), giống như một tự truyện. Các nhà văn khác lại trình bày câu chuyện dưới dạng những bức thư - tác phẩm Clarissa của Samuel Richardson (1747–8) là ví dụ tiêu biểu cho phương pháp này.

Rất nhiều thể loại đã xuất hiện, từ truyện kinh dị thời Phục hưng cho đến tình sử, nhưng trong thế kỷ mười chín tiểu thuyết đã trở nên duy thực, trình bày một mặt cắt ngang của xã hội đương đại, đồng thời quan tâm đến sự phát triển của từng nhân vật cũng như tính phức tạp của cốt truyện. Sự xuất hiện của Chủ nghĩa Tân thời vào đầu thế kỷ hai mươi đã lật đổ nhiều qui ước trong tiểu thuyết - mặc dù cơn sốt thử nghiệm này cho thấy đây có vẻ là một hiện tượng nhất thời.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://www.newyorker.com/online/blogs/books/sam-sacks-death-of-novel.jpg

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Cảm xúc - Emotion

Cảm xúc là bất kỳ cảm giác mạnh như oán hận, sợ hãi, vui sướng, hay đau khổ. Cảm xúc không chỉ là hiện tượng bên trong mà còn thể hiện ra hành vi, chẳng hạn trên nét mặt. Darwin từ lâu đã để ý rằng khả năng nhận biết ý nghĩa của các biểu hiện là quan trọng cho sinh tồn.

Cảm xúc là hỗn hợp phức tạp gồm dữ liệu nhập từ môi trường, kinh nghiệm chủ quan, biến đổi sinh lý, và kết xuất ra hành vi. Ví dụ, cảm giác nguy hiểm phát sinh cảm xúc sợ hãi, gây tăng nhanh hormone adrenaline, làm tăng nhịp tim và lượng glucose trong máu - các thay đổi này chuẩn bị cho người trong cuộc sẵn sàng "chiến hay chạy". Một ví dụ khác là chứng trầm cảm thường đi kèm với tình trạng sụt giảm serotonin trong cơ thể. Nhưng liệu các tác nhân bên ngoài (như thất nghiệp hay người thân qua đời) hoặc những biến đổi chất bên trong cơ thể là nguyên nhân gây trầm cảm hay không, thì không thể xác định. Các giải thích máy móc chỉ là một phần của toàn bộ vấn đề.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://blogs.discovermagazine.com/neuroskeptic/files/2009/08/stevemccurryafghangirl1.jpg

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Kiến thức phổ thông: Thần thoại - Myth

Xã hội loài người tạo ra nhiều thần thoại phổ quát vừa là cách diễn giải thế giới vừa là phương tiện tăng cường bản sắc dân tộc. Thần thoại tìm cách giải thích các hiện tượng tự nhiên - từ mùa màng cho đến nguồn gốc loài người - ngoài ra còn thêm những điều như ma quỷ, sự chết, kiêng kỵ, và thời gian. Thần thoại giải thích sự hình thành vũ trụ rất phổ biến trong thời tiền khoa học. Mặc dù ngày nay khoa học đã thay thế các thần thoại đó, sự cộng hưởng về cảm xúc và tâm linh của chúng vẫn còn.

Vai trò của thần thoại trong các cộng đồng thống nhất - từ bộ tộc cho đến quốc gia - tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Những thần thoại đó thường kể về các anh hùng dân tộc (như Thánh Gióng hay George Washington) hoặc những sự kiện lịch sử (như Thành Cổ Loa hay sự cập bến của tàu Mayflower). Quá trình sáng tác thần thoại vẫn tiếp diễn - nhưng ngày càng nằm trong tay những nhà tuyên truyền chính trị và các chuyên gia quan hệ công chúng.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Cung cầu - Supply and Demand

Trong tác phẩm Thịnh vượng của các Quốc gia, Adam Smith giải thích làm thế nào mà nhiều cá nhân theo đuổi lợi ích kinh tế bản thân một cách vô thức thì toàn xã hội sẽ hưởng lợi. Ông gọi đây là hoạt động của "một bàn tay vô hình", tức luật cung cầu, hai trong những khái niệm căn bản nhất của kinh tế học.

Cầu là số lượng sản phẩm (hàng hóa hay dịch vụ) mà người tiêu dùng có thể hay muốn mua. Cung là số lượng sản phẩm mà nhà sản xuất có thể hay muốn bán. Cung cầu thay đổi theo giá. Giá càng cao, càng ít người tiêu dùng muốn hay có thể mua nhưng nhà sản xuất lại muốn bán nhiều để đạt lợi nhuận tối đa. Giá càng thấp, càng nhiều người tiêu dùng muốn hay có thể mua nhưng nhà sản xuất lại muốn bán ít vì lợi nhuận của họ bị thu hẹp. Trong thị trường tự do, mức giá mà cầu khớp với cung tại thời điểm bất kỳ được gọi là giá cân bằng.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://ins1.jocvietnam.com/news/2013/11/18/87/3xoicheTranHungDao_jpg7.jpg

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Luật - Law

Sở hữu hệ thống luật pháp là một trong những thuộc tính quan trọng của một quốc gia. Nói chung luật nhằm áp dụng như nhau cho mọi công dân, và sự tồn tại của luật sẽ hạn chế quyền lực của người cai trị lên người bị trị. Chẳng hạn, trong thời Hy Lạp cổ đại, nâng cao dân trí kết hợp với truyền bá luật pháp rộng rãi đã hạn chế quyền lực cha truyền con nối của giới quý tộc, đồng thời giúp thúc đẩy dân chủ.

Ít ra trên lý thuyết, về tổng thể, luật là hiện thân của công lý và thực thi công lý - cho dù định nghĩa này không khẳng định rằng chẳng có luật nào là bất công cả. Để đảm bảo sự thực thi công lý, các thẩm phán phải trung lập, các xét xử nói chung phải công khai cho báo chí và công chúng, để công lý không chỉ được thực thi mà còn được chứng kiến là đã được thực thi.

Ở các nước phương Tây, có hai hệ thống luật chính. Luật La Mã, áp dụng rộng rãi tại Âu Châu lục địa, bắt nguồn từ thời La Mã cổ đại. Hệ thống này dựa trên các điều luật tổng quát (chẳng hạn Bộ luật Napoleon ban hành ở Pháp và nhiều quốc gia khác vào đầu thế kỷ mười chín). Nó sử dụng hệ thống thẩm tra, trong đó thẩm phán nghiên cứu vụ án và chất vấn các nhân chứng tại tòa trước khi tuyên án.

Trái lại, thông luật được áp dụng tại Hoa Kỳ, Anh, và nhiều quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung, thì không dựa trên các đạo luật được Quốc hội hay Nghị viện thông qua, mà dựa trên án lệ, trong đó lần xét xử trước đây được xem là ràng buộc cho mọi trường hợp tương tự. Tiền lệ đó chỉ có thể bị bãi bỏ bởi đạo luật hay bởi tòa án cấp cao hơn. Trong các hệ thống thông luật, tố tụng mang tính đối kháng: các luật sư mỗi bên tranh tụng trước thẩm phán. Án được tuyên hoặc bởi thẩm phán, hoặc trong một số trường hợp nhất định bởi bồi thẩm đoàn - là nhóm công dân được chọn ngẫu nhiên, có trách nhiệm xem xét bằng chứng và ra quyết định hợp lý về vụ án đó.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://www.carp.ca/wp-content/uploads/2013/11/Lady-Justice-frankfurt.jpg

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Thời gian - Time

Thời gian là một trong những đại lượng cơ bản của vật lý. Nó đo sự kéo dài, thường so với quá trình tuần hoàn thông thường nào đó chẳng hạn vòng quay của trái đất hay phát xạ của các nguyên tử cesium (dùng làm cơ sở cho định nghĩa hiện nay về giây, đơn vị thời gian cơ bản).

Trải nghiệm chủ quan của ta về thời gian cho thấy nó không tuyệt đối - thời gian lê thê khi ta chán nản và gấp gáp khi ta vui thích. Theo cách nhìn của ta, quá khứ, hiện tại, và tương lai giao nhau - ta luôn biết rằng không phải chỉ có thứ vô cùng nhỏ là "bây giờ", mà ta còn suy tư về những gì đã xảy ra và hướng đến điều sắp diễn ra.

Dầu vậy, trái với trải nghiệm, cơ học Newton cho rằng thời gian trôi đi với tốc độ không đổi. Tuy nhiên, thuyết tương đối của Einstein bảo ta rằng thời gian không tuyệt đối và ở tốc độ đạt gần tốc độ ánh sáng (so với người quan sát) thì thời gian giãn nở ra. Cùng với không gian, thời gian tạo thành thể liên tục bốn chiều gọi là không - thời gian.

Thời gian có thể được định nghĩa là bộ khung trong đó diễn ra sự thay đổi. Nó còn có chiều hướng: tuy hầu hết định luật vật lý đều cho phép các quá trình đi theo cả hai hướng, một số định luật thì không. Ví dụ định luật hai nhiệt động lực học, đưa ra vào thế kỷ mười chín, cho rằng entropy (tính hỗn loạn) của mọi hệ thống đều tăng theo thời gian. Đất đá tan vỡ, xe cộ gỉ sét, sinh vật chết đi và tàn hoại - mọi tiến trình đều bất khả đảo nghịch.

Theo thuyết Big Bang, vũ trụ khởi đầu cách nay 13,7 tỉ năm. Nếu thời gian xuất hiện trước đó thì bất cứ điều gì diễn ra ở khung thời gian trước đó có thể chẳng ảnh hưởng đến khung thời gian hiện tại.

Liệu thời gian có trôi mãi không? Định luật hai nhiệt động lực học cho rằng vũ trụ của ta chỉ là một trong vô vàn vũ trụ gọi chung là "đa vũ trụ".

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Đức tin - Faith

Về khái niệm, đức tin (faith) gần nhưng không đồng nghĩa với niềm tin (belief). Trong triết học, niềm tin đối lập với tri thức: khi nói rằng ta tin điều gì đó là đúng, nghĩa là ta KHÔNG ĐỦ bằng chứng để nói rằng ta biết rõ điều đó. Tin vào Thượng Đế rơi vào trường hợp này, và ta thường ngụ ý đó là đức tin. Đức tin là niềm tin mạnh mẽ và không hề lay chuyển, KHÔNG CẦN chứng minh hay bằng chứng.

Trong thần học Thiên Chúa giáo, đức tin bao hàm sự phó thác vào Thượng Đế, vào các hành động và lời hứa của người. Như Thánh Paul đã nói: "Đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong, là bằng cớ (hay xác tín) của những điều mình chẳng xem thấy" (Hebrews 11:1). Đức tin được xem là biểu hiện của ơn Thượng Đế. Ý tưởng tương tự được thấy trong Hồi giáo: "Chẳng ai có thể có đức tin ngoại trừ đó là ý muốn của A-la" (Qur’an 10:100).

"Các nhà thần học tự nhiên" cho rằng hiện hữu của Thượng Đế có thể kết luận được phần nào hay toàn bộ nhờ lý luận. Trái lại "các nhà tín ngưỡng luận" cho rằng niềm tin tôn giáo hoàn toàn dựa vào đức tin. Phiên bản cực đoan nhất của tín ngưỡng luận được bao hàm trong lời biện hộ về hiện thân của Thượng Đế từ linh mục Tertullian ở thế kỷ thứ ba: Certum est quia impossibile est ("Điều đó chắc chắn bởi vì đó là bất khả"). Đức tin, theo các nhà tín ngưỡng luận, được biện minh nhờ trải nghiệm huyền bí, nhờ mặc khải, và nhờ nhu cầu của con người về những điều không thể lý giải.

Tầm quan trọng của đức tin so với "hành động" (việc tốt) hầu xác định sự cứu rỗi linh hồn của một người đã gây nên rất nhiều tranh luận qua nhiều thế kỷ. Trong Thư của Thánh James ta đọc thấy "đức tin không có hành động thì vô dụng" (James 2:20).

Tuy nhiên, thần học Thiên Chúa giáo quan niệm rằng đối với người có tội mà biết ăn năn hối cải, nếu người đó có đức tin, thì có thể được cứu rỗi linh hồn nhờ ơn Thượng Đế. Điều này đặc biệt quan trọng trong đạo Tin Lành, và Martin Luther đã biểu đạt như sau: "Là kẻ có tội và phạm tội trọng, nhưng quan trọng hơn là có đức tin và vui trong Chúa".

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://beginningandend.com/wp-content/uploads/2012/10/Praying-Defnding-the-Christian-faith-e1349305115650.jpg

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Học thuyết Aristotle - Aristotelianism

Triết gia Hy Lạp Aristotle (384-322 trước Công nguyên) là học trò của Plato nhưng phương pháp của ông rất khác. Khi Plato cho rằng thực tại tối thượng vượt quá kinh nghiệm của con người, thì Aristotle lại quan tâm nghiên cứu thế giới như đang thấy. Ông viết về rất nhiều chủ đề, từ logic, mỹ học, chính trị cho đến vật lý, siêu hình học, thiên văn học, khí tượng học, tâm lý học, sinh học, và động vật học.

Trái với Plato, Aristotle cho rằng thực tại được tạo thành từ các chất liệu cá thể, không phải từ những đối tượng trừu tượng. Đối với ông, nguồn kiến thức duy nhất là bằng chứng do các giác quan của ta đem lại, và ông khẳng định rằng nhờ dùng lý luận ta có thể thiết lập những thuộc tính phân biệt, nói cách khác là các tính chất căn bản, của mọi vật. Như vậy từ cụ thể ta có thể tổng quát hóa.

 Aristotle tìm cách đặt lý luận đó trên nền tảng vững chắc và tìm hiểu bản chất của tam đoạn luận, một phương pháp suy luận được minh họa qua ví dụ sau: "Toàn dân Hy Lạp là người; mọi người đều sẽ chết; vì vậy toàn dân Hy Lạp đều sẽ chết". Bằng cách chỉ ra loại suy luận nào hợp lệ và loại nào không, Aristotle đã thiết lập nên căn bản của logic hình thức và đề ra nền tảng logic cho khoa học.
Khi phân tích thi ca và kịch nghệ, Aristotle cho rằng nghệ thuật thể hiện thiên nhiên ở một dạng lý tưởng, bản chất của vẻ đẹp là tính đối xứng và trật tự, mục đích của bi kịch là thanh tẩy cảm xúc qua lòng thương xót và nỗi sợ. Ông tranh luận rằng để được hạnh phúc, vận dụng lý luận đóng vai trò hết sức quan trọng, lý luận là khả năng căn bản của con người. Vận dụng lý luận vừa là nỗ lực trí tuệ vừa để kiểm soát cảm xúc bản thân hầu đạt được "cân bằng quí giá" giữa khắc khổ và xa xỉ.

Khi Âu châu còn mông muội, giáo huấn của Aristotle đã được các học giả trong thế giới Hồi giáo trình bày. Đến thế kỷ thứ mười hai, khi những bản dịch Latin bắt đầu xuất tại Âu châu, chúng đã tác động to lớn, cung cấp một khuôn khổ cho sự phát triển sau này của tư tưởng Tây phương.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://www.quotesvalley.com/images/07/happiness-depends-upon-ourselvesaristotle.jpg

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Ám dụ - Allegory

Ám dụ là một bài văn hay nghệ thuật thị giác trong đó các thành phần - như nhân vật, đối tượng, và nơi chốn - ám chỉ có hệ thống những vấn đề khác, khiến câu chuyện hay bức tranh chuyển tải thêm ý nghĩa nào đó. Mục đích là giáo huấn, đạo đức, hay châm biếm.

Ám dụ thường bao hàm việc nhân cách hóa những khái niệm trừu tượng, chẳng hạn tranh Ám dụ về thần Vệ nữ và thần Tình yêu của Bronzino (khoảng 1545) có nhiều nhân vật được cho là ám chỉ Dại dột, Xảo trá, Ghen tuông, và Thời gian. Một ví dụ khác dễ hiểu hơn là tác phẩm Đường Hành hương của Bunyan (1678), thuật lại hành trình của người anh hùng Christian từ Thành phố Hoang tàn qua những nơi như Hội chợ Phù hoa và Vũng lầy Tuyệt vọng đến đích cuối cùng là Thiên đường. Một ám dụ hiện đại danh tiếng là tác phẩm Trại Súc vật của George Orwell, đây là chuyện ngụ ngôn phê phán thẳng thắn lý tưởng cách mạng Nga bị biến chất dưới thời Stalin - người được tiểu thuyết mô tả là heo với tên Napoleon.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/b/bd/Angelo_Bronzino_001.jpg

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Trí khôn - Intelligence

Điều gì tạo nên trí khôn là thắc mắc tiếp tục gây nhiều tranh luận, cũng như nghi vấn là di truyền hay môi trường đóng vai trò nổi trội trong việc xác định trí khôn của một người.

Vào những năm đầu của thế kỷ hai mươi, tâm lý gia người Pháp Alfred Binet (1857–1911) đã phát triển các bài trắc nghiệm trí khôn đầu tiên dành cho học sinh. Chẳng bao lâu sau, một cơ sở thống kê cho những trắc nghiệm đó đã được đưa ra dưới dạng "chỉ số thông minh", hay IQ (Intelligence Quotion), tức dựa trên tỉ số giữa tuổi thực tế và tuổi phát triển trí tuệ, trong đó tuổi phát triển trí tuệ được đo từ kết quả trắc nghiệm. Trắc nghiệm IQ thường dùng cả lý luận bằng lời lẫn không lời để đánh giá trí khôn nội tại. Tuy nhiên, phương pháp này đã bị suy yếu do trẻ em có thể được luyện để làm trắc nghiệm IQ tốt hơn.

Một mô hình trí khôn khác được tâm lý gia Thụy Sĩ Jean Piaget (1896–1980) đưa ra. Piaget nghiên cứu quá trình tư duy ở trẻ em, đặc biệt là nhận thức, phán đoán, và lý luận, từ đó ông đưa ra một chuỗi các giai đoạn định tính khác nhau trong quá trình phát triển trí khôn của người lớn. Ông kết luận rằng quá trình phát triển này phụ thuộc vào các yếu tố môi trường, nhằm cung cấp những kinh nghiệm cần thiết, và rằng giáo dục trẻ em cần được thiết kế nhằm nâng cao quá trình này.

Cả trắc nghiệm IQ lẫn mô hình Piaget đều không xem xét đến những khác biệt văn hóa. Một phương pháp thứ ba xem trí khôn là do văn hóa qui định: nhiều xã hội coi trọng một số kỹ năng này hơn các kỹ năng khác. Chẳng hạn, dân tộc chuyên săn bắn hái lượm coi trọng kiến thức về môi trường thiên nhiên và khả năng kết hợp kiến thức thiên nhiên với những kỹ năng thực dụng như dò tìm dấu vết và săn bắn. Các kỹ năng mà trắc nghiệm IQ yêu cầu phải làm tốt, trong khi có thể có giá trị trong những xã hội công nghiệp hiện đại, thì lại rất không phù hợp với dân tộc đó.

Một phương pháp khác lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của "trí tuệ cảm xúc" (EQ). Những người ủng hộ phương pháp này cho rằng các phương diện nhận thức của trí khôn như kỹ năng giải quyết vấn đề chỉ là một phần. Phần quan trọng không kém trong thành công của ta là khả năng thấu hiểu và kiểm soát các cảm xúc của bản thân cũng như của người khác.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://choivahoccungbe.com/wp-content/uploads/2013/11/IQ_EQ.png

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Lễ nghi - Ritual

Lễ nghi là mối quan tâm đặc biệt đối với các nhà nhân chủng học, họ muốn hiểu ý nghĩa quan trọng của những hành động mà với người ngoài có vẻ tùy tiện nhưng với người trong cuộc lại có thể có tầm quan trọng lớn lao - hay hoàn toàn theo thông lệ. Lễ nghi thường gắn với sinh hoạt tôn giáo, nhưng thuật ngữ này có thể bao hàm mọi hành động trang trọng qui định bởi truyền thống của cộng đồng liên quan. Các hành động này có thể chủ yếu mang tính biểu tượng, nhưng một số cũng có thể hết sức thiết thực.

Một vài ví dụ về lễ nghi có thể đi từ các nghi thức (như ma chay, cưới hỏi) và thờ phụng (như cúng bái), cho đến kết nạp (như gia nhập câu lạc bộ) và đồng thể hiện sự ngưỡng mộ hay tán thành (như vỗ tay để mời diễn viên ra chào vào cuối buổi diễn).

Đôi khi những địa điểm riêng biệt được dành cho hoạt động lễ nghi, đặc biệt khi có nhiều người tham gia, chẳng hạn đền thờ, nhà hát, và sân vận động. Một số lễ nghi có thể được thực hiện mọi nơi - chẳng hạn trong nhiều xã hội, khi hai người gặp nhau họ sẽ bắt tay, ôm hay hôn nhau. Mục đích của lễ nghi rất đa dạng: lễ nghi tôn giáo thường thỏa mãn nhu cầu cảm xúc và tâm linh, ngoài ra còn giúp tăng cường liên kết xã hội cũng như biểu đạt niềm tin và giá trị chung - như nhiều lễ nghi tập thể khác. Một số lễ nghi đánh dấu thời điểm chuyển tiếp quan trọng, cho dù đó là nghi thức cắt bao qui đầu khi người con trai đến tuổi dậy thì hay nghi thức viếng tang.

Các nhà nhân chủng học muốn hiểu ý nghĩa sâu xa của lễ nghi để xem liệu lễ nghi thuộc các văn hóa khác nhau có cùng yếu tố phổ quát trong hành vi con người hay không. Chẳng hạn, họ chỉ ra rằng mọi nghi thức đều gồm ba giai đoạn: phân tách, chuyển dịch, và sát nhập. Ba giai đoạn này hiện diện trong mọi nghi thức, từ quá trình các chàng trai Masai ở Đông Phi trở thành chiến binh, cho đến tục xông đất của người Scotland ở Hogmanay.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://media.thethaovanhoa.vn/2013/02/28/14/11/tetden.jpg

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Chủ nghĩa tư bản - Capitalism

Chủ nghĩa tư bản là hệ thống kinh tế nổi trội trong thế giới ngày nay. Nó dựa trên nguồn vốn, tức giàu có có thể được dùng để làm cho giàu có hơn, thường qua đầu tư vốn vào kinh doanh. Trong nền kinh tế tư bản, các phương tiện chủ yếu để sản xuất, phân phối , và trao đổi là do tư nhân, cá nhân hay công ty, sở hữu. Nhà tư bản - tức người có vốn - tự do dùng tài sản của mình để sinh lợi, cạnh tranh cởi mở với nhau.

Chủ nghĩa tư bản được phát triển vào thời Cách mạng Công nghiệp ở các thế kỷ mười tám và mười chín. Trước đó, cạnh tranh thường bị hạn chế - chẳng hạn, quyền thương mại hay sản xuất một số mặt hàng thường trao cho vua chúa, đưa đến nhiều độc quyền kém hiệu quả. Tình trạng này đã bị Adam Smith chỉ trích. Tác giả tác phẩm Thịnh vượng của các Quốc gia đã lập luận rằng nếu mọi cá nhân tự do theo đuổi lợi ích kinh tế bản thân, thì tác động tổng thể sẽ có lợi cho toàn xã hội.

Sau Smith, các nhà bảo vệ chủ nghĩa tư bản lý luận rằng đây là hệ thống kinh tế hiệu quả nhất, vì cạnh tranh buộc nhà sản xuất phải hạ giá thành và nâng cao chất lượng, như vậy người tiêu dùng được hưởng lợi. Họ còn lý luận rằng chỉ có nhà tư bản mới cần được đề cao, vì họ đã chấp nhận rủi ro khi đầu tư vốn kinh doanh.

Các nhà phản biện lại khẳng định rằng công nhân trong hệ thống tư bản chủ nghĩa cũng chịu rủi ro tương tự nhà tư bản, vì họ sẽ mất sinh kế nếu công ty thuê mướn họ bị phá sản. Các nhà phản biện còn cho rằng mục đích tất yếu của một công ty trong hệ thống tư bản chủ nghĩa là phải cạnh tranh sao cho đối thủ bị loại khỏi cuộc chơi, và như vậy họ sẽ nắm thế độc quyền, từ đó tùy thích định giá sản phẩm và bỏ mặc chất lượng. Để ngăn chặn điều này, nhiều quốc gia có luật chống độc quyền - và thật ra còn nhiều luật khác hạn chế tự do kinh tế vì sự tốt đẹp của toàn xã hội.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/0/02/Graphic_depiction_of_capitalism.png