Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

19 - Không bị kiểm soát chặt

Lập trình viên hạnh phúc

19 - Không bị kiểm soát chặt


Lập trình viên có rất nhiều lợi thế và một lợi thế thường không được chú ý đó là không bị kiểm soát chặt. Người ta cần bạn hoàn thành công việc và nếu chưa xong thì biết ngay. Đây là lý do tại sao bạn không bị kiểm soát chặt.

Thật phiền toái nếu mỗi lần bạn sửa một dòng lệnh thì trưởng nhóm phải kiểm tra, chừng nào được đồng ý thì mới viết tiếp. Điều đó thật nực cười phải không?

Có thể không bị quản lý chặt đến thế, nhưng bạn thấy thế nào nếu mỗi giờ thì người quản lý lại đứng sau lưng bạn hỏi thăm? Cũng phiền toái phải không?

Hầu như lập trình viên không bị kiểm soát chặt như vậy. Nếu bạn rơi vào hoàn cảnh đó, có lẽ nên tìm nơi làm việc khác. Thực tế là nếu bạn làm việc và có tiến triển thì chẳng bao giờ bị kiểm soát chặt như thế.

Nếu làm công thì thì bạn vẫn làm chủ bản thân. Dĩ nhiên người quản lý hay khách hàng có thể giao việc cho bạn, nhưng bạn vẫn được tự quản.

Nguồn: Tony Lea, Happy Developer: 50 Quick Motivations, Inspirations, & Insights for Developers. Leanpub, 2017.

Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

18 - Lúc nào cũng có thứ để giải lao

Lập trình viên hạnh phúc

18 - Lúc nào cũng có thứ để giải lao



Ngồi lập trình trước máy tính cả ngày có thể gây mỏi mệt, nhưng may là ta luôn có thứ để giải trí ngay trước mặt. Định kỳ giải lao để tiếp nạp năng lượng là điều vô cùng quan trọng.

Chỉ cần đeo tai nghe, điều chỉnh âm lượng, rồi thưởng thức chương trình truyền hình hay phim ảnh mà bạn yêu thích. Trong giờ nghỉ trưa ta có thể thưởng thức các chương trình trên Youtube, Netflix, HBO Now, Hulu, Amazon Video, và nhiều dịch vụ truyền hình khác. Đó là giờ nghỉ trưa nên ta cứ thoải mái thưởng thức các chương trình giải trí.

Giải lao định kỳ sẽ giúp bạn tiếp nạp năng lượng để có thể tiếp tục công phá vào thuật toán đang bí. Ngừng suy tư về vấn đề đang giải quyết trong vòng 15 phút rồi quay lại, có thể bạn sẽ có cách giải quyết hoàn toàn mới.

Nguồn: Tony Lea, Happy Developer: 50 Quick Motivations, Inspirations, & Insights for Developers. Leanpub, 2017.

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

17 - Được gần người hợp tính

Lập trình viên hạnh phúc

17 - Được gần người hợp tính


Ai cũng có tầm ảnh hưởng đến đời sống. Người xung quanh sẽ tác động đến hành vi và thành công của ta.

Lúc nào cũng cần có người ở trước và sau bạn. Nghĩa là phải có người gần bên biết nhiều hơn bạn và có người biết ít hơn để học hỏi bạn. Đây là điều vô cùng quan trọng để thành một lập trình viên.

Nếu chơi với nhiều người tài, luôn nỗ lực để thành công và hỗ trợ người khác trên con đường đó, thì khả năng thành công của bạn sẽ khá cao. Trái lại, nếu chơi với người không giỏi mà lúc nào cũng muốn hơn thua, thì cơ may thành công của bạn sẽ rất thấp.

“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, cho nên hãy chơi với người đáng để bạn noi theo. Nhớ là họ phải tử tế, hay giúp đỡ, và lạc quan. Công thức này chỉ dành cho người tốt.

Nguồn: Tony Lea, Happy Developer: 50 Quick Motivations, Inspirations, & Insights for Developers. Leanpub, 2017.

Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017

16 - Cân bằng hơn trong công việc và đời sống

Lập trình viên hạnh phúc

16 - Cân bằng hơn trong công việc và đời sống



Lập trình viên dễ cân bằng hơn một tí trong công việc và đời sống. Ở các ngành công nghiệp khác, nếu có trường hợp khẩn cấp về đêm, ta có thể phải bỏ bữa tối, chạy đến công ty để tham gia giải quyết. Nhưng vì là lập trình viên, ta có thể dễ dàng sửa lỗi sau khi xong bữa tối cùng gia đình.

Nếu được làm tại nhà thì ta ăn trưa và nghỉ ngơi thoải mái cùng gia đình hay bạn bè.

Nhưng có vài bất lợi trong trường hợp này. Làm tại nhà thường đưa đến tình trạng làm quá nhiều và ít dành thời gian cho gia đình. Cho nên đừng để rơi vào tình trạng này. Ta dễ bị công việc cuốn hút, nhưng cần nhớ dành đủ thời gian cho người thân.

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống là nhân tố quan trọng để có hạnh phúc. Không phải lúc nào cũng có thể cân bằng, nhưng nhớ rằng để là một lập trình viên tốt hơn thì ta phải dành một ít thời gian cho bản thân và gia đình.

Nhớ rằng ta đang làm việc trong ngành công nghiệp có thu nhập tốt. Vậy sao không dành ít thời gian để tiêu tiền :)

Nguồn: Tony Lea, Happy Developer: 50 Quick Motivations, Inspirations, & Insights for Developers. Leanpub, 2017.

Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2017

15 - Cần biết chối từ

Lập trình viên hạnh phúc

15 – Cần biết chối từ



Vào nghề càng lâu, tay nghề càng vững. Khi đã lành nghề, ta cần ý thức về thời gian và các loại dự án. Bạn đáng giá hơn bạn nghĩ và cần biết từ chối những dự án nào đó.

Thời gian sẽ là đồ nghề quý giá nhất. Làm việc gì và khi nào là tùy nơi bạn.

Có thể bạn tính phí cho khách hàng không tương xứng với thời gian đã đầu tư cho dự án. Khi đã vững tay nghề, bạn sẽ thấy rằng người ta đòi hỏi ở bạn quá nhiều, nên cần biết từ chối những dự án không được trả công tương xứng hay không khiến bạn phải quan tâm.

Nếu làm một dự án được trả lương cao nhưng không thấy vui, đó là lúc cần nhìn lại xem bạn cần khoản tiền nhiều đến thế không. Trái lại, nếu một dự án không trả công tương xứng, nhưng bạn học được nhiều và thật sự đam mê, thì có lẽ nên tiếp tục nếu bạn không cần nhiều tiền.

Suy cho cùng thì bạn là người quyết định, và đó là điều tuyệt vời. Bạn là thuyền trưởng, là lãnh chúa, là … Chắc bạn hiểu điều này.

Dù chưa lành nghề thì ít ra bạn biết rằng thời điểm đó rồi cũng đến. Nếu đã lành nghề thì bạn nên tận hưởng quyền chọn dự án mà mình muốn làm.

Nguồn: Tony Lea, Happy Developer: 50 Quick Motivations, Inspirations, & Insights for Developers. Leanpub, 2017.

Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

14 - Khả năng giảng dạy

Lập trình viên hạnh phúc

14 - Khả năng giảng dạy


Tất cả chúng ta đều có khả năng giảng dạy. Là lập trình viên, rồi bạn cũng sẽ lành nghề. Nhiều điều trước đây thấy khó thì giờ đây rất dễ hiểu. Đó là lúc bạn cần dạy người khác những điều trước đây bạn thấy khó. Điều này không những giúp phát triển kỹ năng phát triển phần mềm mà còn giúp bạn hiểu vấn đề sâu sắc hơn.

Trong phát triển phần mềm, chẳng bao giờ thừa nếu phải đi lại các vấn đề cơ bản. Cả khi vấn đề đó rất dễ với bạn. Chỉ khi hiểu sâu sắc các vấn đề cơ bản thì bạn mới thật sự nâng cao tay nghề. Để hiểu sâu sắc một vấn đề thì bạn phải có khả năng giảng giải cho người khác theo cách đơn giản dễ hiểu.

Việc truyền đạt kiến thức bạn đã lĩnh hội sẽ giúp bạn trở thành một lập trình viên đúng nghĩa và là một con người đúng nghĩa. Điều đó cũng giúp bạn được người khác công nhận và nổi tiếng trong giới chuyên môn. Bạn còn xem như đã được tuyển dụng vào nơi cần đến những gì mà bạn đã rao giảng.

Giảng dạy có thể chỉ là giúp đồng nghiệp xung quanh, cũng có thể ở trình độ cao hơn bằng cách ghi hình rồi đưa lên Youtube. Giảng dạy là cách tuyệt vời để trả ơn và cũng là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội mới.

Nguồn: Tony Lea, Happy Developer: 50 Quick Motivations, Inspirations, & Insights for Developers. Leanpub, 2017.

Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

13 - Thời gian linh hoạt

Lập trình viên hạnh phúc

13 - Thời gian linh hoạt


Đồng hồ điểm 5 giờ sáng, bạn thấy đã ngủ đủ vì tối qua lên giường sớm. Bạn dường như không ngủ tiếp được nếu nhắm mắt nằm đó. Chẳng sao, đây là lúc có thể bắt đầu một ngày làm việc. Hãy đun nước pha cà phê, mở truyền hình cho có tiếng động, rồi bật máy tính lên. Nếu bắt đầu làm việc từ đây, ta có thể kết thúc ngày làm việc lúc 2 giờ chiều.

Đúng vậy, lập trình viên chúng ta có giờ làm việc rất linh hoạt. Có thể bắt đầu làm việc 5 giờ sáng và kết thúc 1 giờ chiều, hay có thể bắt đầu 11 giờ sáng rồi kết thúc 7 giờ tối. Quan trọng là cần làm việc trung bình 7-8 giờ mỗi ngày. Bạn có thể chủ động thời gian. Khi nào bắt đầu cũng được, miễn sao xong việc.

Điều này không đúng cho mọi công việc của lập trình viên; tuy nhiên, nhiều công việc công nghệ cao không quan tâm bạn dành bao nhiêu giờ làm việc, miễn sao bạn chú tâm vào công việc. Hãy vui khi bạn không phải bắt đầu làm việc lúc 8 giờ sáng, không phải nghỉ trưa theo qui định, và phải có mặt tại văn phòng cho đến 5 giờ chiều.

Với các lập trình viên tự do cũng vậy. Nếu sở hữu, bảo trì và hỗ trợ một sản phẩm thì bạn vẫn muốn miệt mài làm việc mỗi ngày. Đôi khi bạn có cảm giác quá tải, nhưng cần giới hạn 8 giờ làm việc mỗi ngày vì ngày mai bạn vẫn có việc phải làm. Chẳng nên làm quá sức để rồi năng suất kém đi.

Cho dù bạn thuộc loại dậy sớm hay thức khuya, thật vô cùng tiện lợi nếu được linh hoạt về giờ giấc.

Hiện nay nếu bạn làm việc tại nơi qui định từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, thì đã đến lúc cần thay đổi, dĩ nhiên trừ phi bạn thích lịch làm việc cứng nhắc đó.

Nguồn: Tony Lea, Happy Developer: 50 Quick Motivations, Inspirations, & Insights for Developers. Leanpub, 2017.