CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)
TƯƠNG NHƯỢNG: ĐƯỜNG BIÊN KHẢ NĂNG SẢN XUẤT
Nguyên tắc kinh tế học đầu tiên đã được giới thiệu ở Chương 1 phát biểu rằng tài nguyên khan hiếm cho nên mọi nền kinh tế - dù đó là nhóm biệt lập gồm vài chục người săn bắn hái lượm hay 6 tỉ người tạo nên nền kinh tế toàn cầu ở thế kỷ 21 - đều phải đối mặt những tương nhượng. Dù máy bay Boeing Dreamliner có nhẹ đến đâu, dù dây chuyền lắp ráp của Boeing có hiệu quả đến đâu, thì việc sản xuất Dreamliner vẫn dùng tài nguyên nên không thể dùng để sản xuất thứ khác.
Để tư duy về những tương nhượng mà mọi nền kinh tế đều phải đối mặt , nhà kinh tế học thường dùng mô hình đường biên khả năng sản xuất (production possibility frontier). Ý tưởng đằng sau mô hình này là cải thiện hiểu biết của ta về tương nhượng bằng cách xét một nền kinh tế đơn giản hóa chỉ sản xuất hai mặt hàng. Sự đơn giản hóa này cho phép ta thể hiện tương nhượng bằng đồ thị.
Lúc này hãy giả sử rằng Hoa Kỳ là nền kinh tế một công ty, với Boeing là nhà tuyển dụng duy nhất và máy bay là sản phẩm duy nhất. Nhưng vẫn phải chọn sản xuất loại máy bay nào - chẳng hạn Dreamliner hay máy bay đi lại thường xuyên cỡ nhỏ. Hình 2-1 thể hiện đường biên khả năng sản xuất giả định cho thấy tương nhượng mà nền kinh tế một công ty này phải đương đầu. Đường biên - tức đường thẳng trong đồ thị - cho thấy số lượng tối đa máy bay nhỏ mà Boeing có thể sản xuất hàng năm, cho trước số lượng Dreamliner sản xuất hàng năm, và ngược lại. Tức đồ thị có thể trả lời các câu hỏi dưới dạng, "Hàng năm Boeing có thể sản xuất tối đa bao nhiêu máy bay nhỏ nếu vừa sản xuất 9 (hay 15, hay 30) Dreamliner năm đó?"
Có sự khác biệt quan trọng giữa các điểm bên trong hay trên đường biên (phần được tô) và bên ngoài đường biên. Nếu điểm sản xuất ở trong hay trên đường biên - chẳng hạn điểm C, tại đó Boeing sản xuất 20 máy bay nhỏ và 9 Dreamliner một năm - thì khả thi. Suy cho cùng, đường biên bảo ta rằng nếu Boeing sản xuất 20 máy bay nhỏ, thì nó còn có thể sản xuất tối đa 15 Dreamliners năm đó, vì vậy chắc chắn Boeing có thể sản xuất 9 Dreamliners. Tuy nhiên, điểm sản xuất nằm ngoài đường biên - chẳng hạn điểm sản xuất giả định D, ở đó Boeng sản xuất 40 máy bay nhỏ và zero Dreamliner, hay nó có thể sản xuất 30 Dreamliners và zero máy bay nhỏ, nhưng nó không thể sản xuất đồng thời cả hai.
Trong Hình 2-1 đường biên khả năng sản xuất giao trục hoành tại giá trị 40 máy bay nhỏ, nghĩa là nếu Boeing dùng toàn bộ khả năng để sản xuất máy bay nhỏ thì có thể sản xuất 40 chiếc hàng năm nhưng không thể sảm xuất Dreamliners. Đường biên khả năng sản xuất giao trục tung tại giá trị 30 Dreamliners, nghĩa là nếu dùng toàn bộ khả năng để sản xuất Dreamliners thì có thể sản xuất 30 chiếc hàng năm nhưng không thể sảm xuất máy bay nhỏ.
Hình còn cho thấy những tương nhượng ít cực đoan hơn. Chẳng hạn, nếu các giám đốc Boeing quyết định năm nay sản xuất 20 máy bay nhỏ, thì họ có thể sản xuất tối đa 15 Dremliners; chọn lựa này được minh họa bằng điểm A. Nếu các giám đốc Boeing quyết định năm nay sản xuất 28 máy bay nhỏ, thì họ có thể sản xuất tối đa 9 Dremliners, như được minh họa bằng điểm B.
Tư duy bằng đường biên khả năng sản xuất sẽ đơn giản hóa những phức tạp trong thực tế. Nền kinh tế Hoa Kỳ ngoài đời sản xuất hàng triệu mặt hàng khác nhau. Thậm chí Boeing có thể sản xuất nhiều hơn hai loại máy bay. Nhưng thật quan trọng khi nhận thức rằng thậm chí ở dạng đơn giản, mô hình gọt bớt này sẽ cho ta những tuệ giác quan trọng về thế giới thực.
Bằng cách đơn giản hóa thực tại, đường biên khả năng sản xuất giúp ta hiểu được một số phương diện của nền kinh tế thực tế, tốt hơn là khi không có mô hình. Các phương diện đó là hiệu quả, chi phí cơ hội, và tăng trưởng kinh tế.
(còn tiếp)
-- Ảnh: Đường biên Khả năng Sản xuất
-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét