Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Kinh tế học căn bản: Biểu cầu và đường cong cầu

CHƯƠNG 3: CUNG VÀ CẦU (TIẾP THEO)

BIỂU CẦU VÀ ĐƯỜNG CONG CẦU

Biểu cầu (demand schedule) là bảng chỉ ra lượng hàng hóa hay dịch vụ người tiêu dùng muốn mua tại các giá khác nhau. Ở bên phải Hình 3-1, một biểu cầu giả định cho bông được đưa ra. Giả định là vì đó không phải là số liệu thực về nhu cầu bông trên thế giới và nó giả sử rằng mọi loại bông đều có chất lượng như nhau.

Theo số liệu trong bảng, nếu một pound bông giá $1, người tiêu dùng trên thế giới sẽ muốn mua 10 tỉ pounds bông một năm. Nếu giá là $1,25 mỗi pound, họ chị muốn mua 8,9 tỉ pounds; nếu giá chỉ bằng $0,75 mỗi pound, họ sẽ muốn mua 11,5 tỉ pounds; ... Giá càng cao người tiêu dùng sẽ muốn mua ít hơn. Như vậy, khi giá tăng, lượng cầu (quantity demanded) về bông - tức lượng thực sự mà người tiêu dùng muốn mua với giá nào đó - sẽ giảm.

Đồ thị ở Hình 3-1 là một biểu diễn thị giác về thông tin trong bảng. (Bạn có thể muốn xem lại phần thảo luận về đồ thị trong kinh tế học ở phụ lục Chương 2.) Trục tung cho biết giá một pound bông và trục hoành cho biết lượng bông theo đơn vị pound. Mỗi điểm trên đồ thị ứng với một dòng trong bảng. Đường cong nối các điểm này là đường cong cầu (demand curve). Đường cong cầu là một biểu diễn đồ thị của biểu cầu, một cách biểu thị mỗi quan hệ giữa lượng cầu và giá cả.

Để ý rằng đường cong cầu ở Hình 3-1 có độ dốc đi xuống. Điều này phản ánh ý kiến chung cho rằng giá càng cao thì lượng cầu càng giảm. Chẳng hạn, nhà sản xuất quần jean biết rằng họ sẽ bán ít hơn nếu giá tăng cao. Tương tự, người nào mua quần jean khi có giá khá thấp sẽ chuyển sang sợi tổng hợp hay vải lanh khi giá quần jean khá cao. Như vậy, trong thực tế, đường cong cầu hầu như lúc nào cũng có độ dốc đi xuống. (Rất hiếm xảy ra ngoại lệ nên ta có thể bỏ qua.) Nói chung, ý kiến cho rằng giá một hàng hóa càng cao, trong khi những thứ khác giữ nguyên, khiến người dân có nhu cầu hàng hóa đó ít hơn, chắc chắn đến nỗi nhà kinh tế gọi đó là "luật" - luật cầu (law of demand).

(Còn tiếp)


-- Hình 3-1: Biểu cầu và đường cong cầu
-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét