Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Cung cầu - Supply and Demand

Trong tác phẩm Thịnh vượng của các Quốc gia, Adam Smith giải thích làm thế nào mà nhiều cá nhân theo đuổi lợi ích kinh tế bản thân một cách vô thức thì toàn xã hội sẽ hưởng lợi. Ông gọi đây là hoạt động của "một bàn tay vô hình", tức luật cung cầu, hai trong những khái niệm căn bản nhất của kinh tế học.

Cầu là số lượng sản phẩm (hàng hóa hay dịch vụ) mà người tiêu dùng có thể hay muốn mua. Cung là số lượng sản phẩm mà nhà sản xuất có thể hay muốn bán. Cung cầu thay đổi theo giá. Giá càng cao, càng ít người tiêu dùng muốn hay có thể mua nhưng nhà sản xuất lại muốn bán nhiều để đạt lợi nhuận tối đa. Giá càng thấp, càng nhiều người tiêu dùng muốn hay có thể mua nhưng nhà sản xuất lại muốn bán ít vì lợi nhuận của họ bị thu hẹp. Trong thị trường tự do, mức giá mà cầu khớp với cung tại thời điểm bất kỳ được gọi là giá cân bằng.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://ins1.jocvietnam.com/news/2013/11/18/87/3xoicheTranHungDao_jpg7.jpg

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Luật - Law

Sở hữu hệ thống luật pháp là một trong những thuộc tính quan trọng của một quốc gia. Nói chung luật nhằm áp dụng như nhau cho mọi công dân, và sự tồn tại của luật sẽ hạn chế quyền lực của người cai trị lên người bị trị. Chẳng hạn, trong thời Hy Lạp cổ đại, nâng cao dân trí kết hợp với truyền bá luật pháp rộng rãi đã hạn chế quyền lực cha truyền con nối của giới quý tộc, đồng thời giúp thúc đẩy dân chủ.

Ít ra trên lý thuyết, về tổng thể, luật là hiện thân của công lý và thực thi công lý - cho dù định nghĩa này không khẳng định rằng chẳng có luật nào là bất công cả. Để đảm bảo sự thực thi công lý, các thẩm phán phải trung lập, các xét xử nói chung phải công khai cho báo chí và công chúng, để công lý không chỉ được thực thi mà còn được chứng kiến là đã được thực thi.

Ở các nước phương Tây, có hai hệ thống luật chính. Luật La Mã, áp dụng rộng rãi tại Âu Châu lục địa, bắt nguồn từ thời La Mã cổ đại. Hệ thống này dựa trên các điều luật tổng quát (chẳng hạn Bộ luật Napoleon ban hành ở Pháp và nhiều quốc gia khác vào đầu thế kỷ mười chín). Nó sử dụng hệ thống thẩm tra, trong đó thẩm phán nghiên cứu vụ án và chất vấn các nhân chứng tại tòa trước khi tuyên án.

Trái lại, thông luật được áp dụng tại Hoa Kỳ, Anh, và nhiều quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung, thì không dựa trên các đạo luật được Quốc hội hay Nghị viện thông qua, mà dựa trên án lệ, trong đó lần xét xử trước đây được xem là ràng buộc cho mọi trường hợp tương tự. Tiền lệ đó chỉ có thể bị bãi bỏ bởi đạo luật hay bởi tòa án cấp cao hơn. Trong các hệ thống thông luật, tố tụng mang tính đối kháng: các luật sư mỗi bên tranh tụng trước thẩm phán. Án được tuyên hoặc bởi thẩm phán, hoặc trong một số trường hợp nhất định bởi bồi thẩm đoàn - là nhóm công dân được chọn ngẫu nhiên, có trách nhiệm xem xét bằng chứng và ra quyết định hợp lý về vụ án đó.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://www.carp.ca/wp-content/uploads/2013/11/Lady-Justice-frankfurt.jpg

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Thời gian - Time

Thời gian là một trong những đại lượng cơ bản của vật lý. Nó đo sự kéo dài, thường so với quá trình tuần hoàn thông thường nào đó chẳng hạn vòng quay của trái đất hay phát xạ của các nguyên tử cesium (dùng làm cơ sở cho định nghĩa hiện nay về giây, đơn vị thời gian cơ bản).

Trải nghiệm chủ quan của ta về thời gian cho thấy nó không tuyệt đối - thời gian lê thê khi ta chán nản và gấp gáp khi ta vui thích. Theo cách nhìn của ta, quá khứ, hiện tại, và tương lai giao nhau - ta luôn biết rằng không phải chỉ có thứ vô cùng nhỏ là "bây giờ", mà ta còn suy tư về những gì đã xảy ra và hướng đến điều sắp diễn ra.

Dầu vậy, trái với trải nghiệm, cơ học Newton cho rằng thời gian trôi đi với tốc độ không đổi. Tuy nhiên, thuyết tương đối của Einstein bảo ta rằng thời gian không tuyệt đối và ở tốc độ đạt gần tốc độ ánh sáng (so với người quan sát) thì thời gian giãn nở ra. Cùng với không gian, thời gian tạo thành thể liên tục bốn chiều gọi là không - thời gian.

Thời gian có thể được định nghĩa là bộ khung trong đó diễn ra sự thay đổi. Nó còn có chiều hướng: tuy hầu hết định luật vật lý đều cho phép các quá trình đi theo cả hai hướng, một số định luật thì không. Ví dụ định luật hai nhiệt động lực học, đưa ra vào thế kỷ mười chín, cho rằng entropy (tính hỗn loạn) của mọi hệ thống đều tăng theo thời gian. Đất đá tan vỡ, xe cộ gỉ sét, sinh vật chết đi và tàn hoại - mọi tiến trình đều bất khả đảo nghịch.

Theo thuyết Big Bang, vũ trụ khởi đầu cách nay 13,7 tỉ năm. Nếu thời gian xuất hiện trước đó thì bất cứ điều gì diễn ra ở khung thời gian trước đó có thể chẳng ảnh hưởng đến khung thời gian hiện tại.

Liệu thời gian có trôi mãi không? Định luật hai nhiệt động lực học cho rằng vũ trụ của ta chỉ là một trong vô vàn vũ trụ gọi chung là "đa vũ trụ".

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Đức tin - Faith

Về khái niệm, đức tin (faith) gần nhưng không đồng nghĩa với niềm tin (belief). Trong triết học, niềm tin đối lập với tri thức: khi nói rằng ta tin điều gì đó là đúng, nghĩa là ta KHÔNG ĐỦ bằng chứng để nói rằng ta biết rõ điều đó. Tin vào Thượng Đế rơi vào trường hợp này, và ta thường ngụ ý đó là đức tin. Đức tin là niềm tin mạnh mẽ và không hề lay chuyển, KHÔNG CẦN chứng minh hay bằng chứng.

Trong thần học Thiên Chúa giáo, đức tin bao hàm sự phó thác vào Thượng Đế, vào các hành động và lời hứa của người. Như Thánh Paul đã nói: "Đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong, là bằng cớ (hay xác tín) của những điều mình chẳng xem thấy" (Hebrews 11:1). Đức tin được xem là biểu hiện của ơn Thượng Đế. Ý tưởng tương tự được thấy trong Hồi giáo: "Chẳng ai có thể có đức tin ngoại trừ đó là ý muốn của A-la" (Qur’an 10:100).

"Các nhà thần học tự nhiên" cho rằng hiện hữu của Thượng Đế có thể kết luận được phần nào hay toàn bộ nhờ lý luận. Trái lại "các nhà tín ngưỡng luận" cho rằng niềm tin tôn giáo hoàn toàn dựa vào đức tin. Phiên bản cực đoan nhất của tín ngưỡng luận được bao hàm trong lời biện hộ về hiện thân của Thượng Đế từ linh mục Tertullian ở thế kỷ thứ ba: Certum est quia impossibile est ("Điều đó chắc chắn bởi vì đó là bất khả"). Đức tin, theo các nhà tín ngưỡng luận, được biện minh nhờ trải nghiệm huyền bí, nhờ mặc khải, và nhờ nhu cầu của con người về những điều không thể lý giải.

Tầm quan trọng của đức tin so với "hành động" (việc tốt) hầu xác định sự cứu rỗi linh hồn của một người đã gây nên rất nhiều tranh luận qua nhiều thế kỷ. Trong Thư của Thánh James ta đọc thấy "đức tin không có hành động thì vô dụng" (James 2:20).

Tuy nhiên, thần học Thiên Chúa giáo quan niệm rằng đối với người có tội mà biết ăn năn hối cải, nếu người đó có đức tin, thì có thể được cứu rỗi linh hồn nhờ ơn Thượng Đế. Điều này đặc biệt quan trọng trong đạo Tin Lành, và Martin Luther đã biểu đạt như sau: "Là kẻ có tội và phạm tội trọng, nhưng quan trọng hơn là có đức tin và vui trong Chúa".

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://beginningandend.com/wp-content/uploads/2012/10/Praying-Defnding-the-Christian-faith-e1349305115650.jpg

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Học thuyết Aristotle - Aristotelianism

Triết gia Hy Lạp Aristotle (384-322 trước Công nguyên) là học trò của Plato nhưng phương pháp của ông rất khác. Khi Plato cho rằng thực tại tối thượng vượt quá kinh nghiệm của con người, thì Aristotle lại quan tâm nghiên cứu thế giới như đang thấy. Ông viết về rất nhiều chủ đề, từ logic, mỹ học, chính trị cho đến vật lý, siêu hình học, thiên văn học, khí tượng học, tâm lý học, sinh học, và động vật học.

Trái với Plato, Aristotle cho rằng thực tại được tạo thành từ các chất liệu cá thể, không phải từ những đối tượng trừu tượng. Đối với ông, nguồn kiến thức duy nhất là bằng chứng do các giác quan của ta đem lại, và ông khẳng định rằng nhờ dùng lý luận ta có thể thiết lập những thuộc tính phân biệt, nói cách khác là các tính chất căn bản, của mọi vật. Như vậy từ cụ thể ta có thể tổng quát hóa.

 Aristotle tìm cách đặt lý luận đó trên nền tảng vững chắc và tìm hiểu bản chất của tam đoạn luận, một phương pháp suy luận được minh họa qua ví dụ sau: "Toàn dân Hy Lạp là người; mọi người đều sẽ chết; vì vậy toàn dân Hy Lạp đều sẽ chết". Bằng cách chỉ ra loại suy luận nào hợp lệ và loại nào không, Aristotle đã thiết lập nên căn bản của logic hình thức và đề ra nền tảng logic cho khoa học.
Khi phân tích thi ca và kịch nghệ, Aristotle cho rằng nghệ thuật thể hiện thiên nhiên ở một dạng lý tưởng, bản chất của vẻ đẹp là tính đối xứng và trật tự, mục đích của bi kịch là thanh tẩy cảm xúc qua lòng thương xót và nỗi sợ. Ông tranh luận rằng để được hạnh phúc, vận dụng lý luận đóng vai trò hết sức quan trọng, lý luận là khả năng căn bản của con người. Vận dụng lý luận vừa là nỗ lực trí tuệ vừa để kiểm soát cảm xúc bản thân hầu đạt được "cân bằng quí giá" giữa khắc khổ và xa xỉ.

Khi Âu châu còn mông muội, giáo huấn của Aristotle đã được các học giả trong thế giới Hồi giáo trình bày. Đến thế kỷ thứ mười hai, khi những bản dịch Latin bắt đầu xuất tại Âu châu, chúng đã tác động to lớn, cung cấp một khuôn khổ cho sự phát triển sau này của tư tưởng Tây phương.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://www.quotesvalley.com/images/07/happiness-depends-upon-ourselvesaristotle.jpg

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Ám dụ - Allegory

Ám dụ là một bài văn hay nghệ thuật thị giác trong đó các thành phần - như nhân vật, đối tượng, và nơi chốn - ám chỉ có hệ thống những vấn đề khác, khiến câu chuyện hay bức tranh chuyển tải thêm ý nghĩa nào đó. Mục đích là giáo huấn, đạo đức, hay châm biếm.

Ám dụ thường bao hàm việc nhân cách hóa những khái niệm trừu tượng, chẳng hạn tranh Ám dụ về thần Vệ nữ và thần Tình yêu của Bronzino (khoảng 1545) có nhiều nhân vật được cho là ám chỉ Dại dột, Xảo trá, Ghen tuông, và Thời gian. Một ví dụ khác dễ hiểu hơn là tác phẩm Đường Hành hương của Bunyan (1678), thuật lại hành trình của người anh hùng Christian từ Thành phố Hoang tàn qua những nơi như Hội chợ Phù hoa và Vũng lầy Tuyệt vọng đến đích cuối cùng là Thiên đường. Một ám dụ hiện đại danh tiếng là tác phẩm Trại Súc vật của George Orwell, đây là chuyện ngụ ngôn phê phán thẳng thắn lý tưởng cách mạng Nga bị biến chất dưới thời Stalin - người được tiểu thuyết mô tả là heo với tên Napoleon.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/b/bd/Angelo_Bronzino_001.jpg

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Trí khôn - Intelligence

Điều gì tạo nên trí khôn là thắc mắc tiếp tục gây nhiều tranh luận, cũng như nghi vấn là di truyền hay môi trường đóng vai trò nổi trội trong việc xác định trí khôn của một người.

Vào những năm đầu của thế kỷ hai mươi, tâm lý gia người Pháp Alfred Binet (1857–1911) đã phát triển các bài trắc nghiệm trí khôn đầu tiên dành cho học sinh. Chẳng bao lâu sau, một cơ sở thống kê cho những trắc nghiệm đó đã được đưa ra dưới dạng "chỉ số thông minh", hay IQ (Intelligence Quotion), tức dựa trên tỉ số giữa tuổi thực tế và tuổi phát triển trí tuệ, trong đó tuổi phát triển trí tuệ được đo từ kết quả trắc nghiệm. Trắc nghiệm IQ thường dùng cả lý luận bằng lời lẫn không lời để đánh giá trí khôn nội tại. Tuy nhiên, phương pháp này đã bị suy yếu do trẻ em có thể được luyện để làm trắc nghiệm IQ tốt hơn.

Một mô hình trí khôn khác được tâm lý gia Thụy Sĩ Jean Piaget (1896–1980) đưa ra. Piaget nghiên cứu quá trình tư duy ở trẻ em, đặc biệt là nhận thức, phán đoán, và lý luận, từ đó ông đưa ra một chuỗi các giai đoạn định tính khác nhau trong quá trình phát triển trí khôn của người lớn. Ông kết luận rằng quá trình phát triển này phụ thuộc vào các yếu tố môi trường, nhằm cung cấp những kinh nghiệm cần thiết, và rằng giáo dục trẻ em cần được thiết kế nhằm nâng cao quá trình này.

Cả trắc nghiệm IQ lẫn mô hình Piaget đều không xem xét đến những khác biệt văn hóa. Một phương pháp thứ ba xem trí khôn là do văn hóa qui định: nhiều xã hội coi trọng một số kỹ năng này hơn các kỹ năng khác. Chẳng hạn, dân tộc chuyên săn bắn hái lượm coi trọng kiến thức về môi trường thiên nhiên và khả năng kết hợp kiến thức thiên nhiên với những kỹ năng thực dụng như dò tìm dấu vết và săn bắn. Các kỹ năng mà trắc nghiệm IQ yêu cầu phải làm tốt, trong khi có thể có giá trị trong những xã hội công nghiệp hiện đại, thì lại rất không phù hợp với dân tộc đó.

Một phương pháp khác lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của "trí tuệ cảm xúc" (EQ). Những người ủng hộ phương pháp này cho rằng các phương diện nhận thức của trí khôn như kỹ năng giải quyết vấn đề chỉ là một phần. Phần quan trọng không kém trong thành công của ta là khả năng thấu hiểu và kiểm soát các cảm xúc của bản thân cũng như của người khác.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://choivahoccungbe.com/wp-content/uploads/2013/11/IQ_EQ.png

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Lễ nghi - Ritual

Lễ nghi là mối quan tâm đặc biệt đối với các nhà nhân chủng học, họ muốn hiểu ý nghĩa quan trọng của những hành động mà với người ngoài có vẻ tùy tiện nhưng với người trong cuộc lại có thể có tầm quan trọng lớn lao - hay hoàn toàn theo thông lệ. Lễ nghi thường gắn với sinh hoạt tôn giáo, nhưng thuật ngữ này có thể bao hàm mọi hành động trang trọng qui định bởi truyền thống của cộng đồng liên quan. Các hành động này có thể chủ yếu mang tính biểu tượng, nhưng một số cũng có thể hết sức thiết thực.

Một vài ví dụ về lễ nghi có thể đi từ các nghi thức (như ma chay, cưới hỏi) và thờ phụng (như cúng bái), cho đến kết nạp (như gia nhập câu lạc bộ) và đồng thể hiện sự ngưỡng mộ hay tán thành (như vỗ tay để mời diễn viên ra chào vào cuối buổi diễn).

Đôi khi những địa điểm riêng biệt được dành cho hoạt động lễ nghi, đặc biệt khi có nhiều người tham gia, chẳng hạn đền thờ, nhà hát, và sân vận động. Một số lễ nghi có thể được thực hiện mọi nơi - chẳng hạn trong nhiều xã hội, khi hai người gặp nhau họ sẽ bắt tay, ôm hay hôn nhau. Mục đích của lễ nghi rất đa dạng: lễ nghi tôn giáo thường thỏa mãn nhu cầu cảm xúc và tâm linh, ngoài ra còn giúp tăng cường liên kết xã hội cũng như biểu đạt niềm tin và giá trị chung - như nhiều lễ nghi tập thể khác. Một số lễ nghi đánh dấu thời điểm chuyển tiếp quan trọng, cho dù đó là nghi thức cắt bao qui đầu khi người con trai đến tuổi dậy thì hay nghi thức viếng tang.

Các nhà nhân chủng học muốn hiểu ý nghĩa sâu xa của lễ nghi để xem liệu lễ nghi thuộc các văn hóa khác nhau có cùng yếu tố phổ quát trong hành vi con người hay không. Chẳng hạn, họ chỉ ra rằng mọi nghi thức đều gồm ba giai đoạn: phân tách, chuyển dịch, và sát nhập. Ba giai đoạn này hiện diện trong mọi nghi thức, từ quá trình các chàng trai Masai ở Đông Phi trở thành chiến binh, cho đến tục xông đất của người Scotland ở Hogmanay.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://media.thethaovanhoa.vn/2013/02/28/14/11/tetden.jpg

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Chủ nghĩa tư bản - Capitalism

Chủ nghĩa tư bản là hệ thống kinh tế nổi trội trong thế giới ngày nay. Nó dựa trên nguồn vốn, tức giàu có có thể được dùng để làm cho giàu có hơn, thường qua đầu tư vốn vào kinh doanh. Trong nền kinh tế tư bản, các phương tiện chủ yếu để sản xuất, phân phối , và trao đổi là do tư nhân, cá nhân hay công ty, sở hữu. Nhà tư bản - tức người có vốn - tự do dùng tài sản của mình để sinh lợi, cạnh tranh cởi mở với nhau.

Chủ nghĩa tư bản được phát triển vào thời Cách mạng Công nghiệp ở các thế kỷ mười tám và mười chín. Trước đó, cạnh tranh thường bị hạn chế - chẳng hạn, quyền thương mại hay sản xuất một số mặt hàng thường trao cho vua chúa, đưa đến nhiều độc quyền kém hiệu quả. Tình trạng này đã bị Adam Smith chỉ trích. Tác giả tác phẩm Thịnh vượng của các Quốc gia đã lập luận rằng nếu mọi cá nhân tự do theo đuổi lợi ích kinh tế bản thân, thì tác động tổng thể sẽ có lợi cho toàn xã hội.

Sau Smith, các nhà bảo vệ chủ nghĩa tư bản lý luận rằng đây là hệ thống kinh tế hiệu quả nhất, vì cạnh tranh buộc nhà sản xuất phải hạ giá thành và nâng cao chất lượng, như vậy người tiêu dùng được hưởng lợi. Họ còn lý luận rằng chỉ có nhà tư bản mới cần được đề cao, vì họ đã chấp nhận rủi ro khi đầu tư vốn kinh doanh.

Các nhà phản biện lại khẳng định rằng công nhân trong hệ thống tư bản chủ nghĩa cũng chịu rủi ro tương tự nhà tư bản, vì họ sẽ mất sinh kế nếu công ty thuê mướn họ bị phá sản. Các nhà phản biện còn cho rằng mục đích tất yếu của một công ty trong hệ thống tư bản chủ nghĩa là phải cạnh tranh sao cho đối thủ bị loại khỏi cuộc chơi, và như vậy họ sẽ nắm thế độc quyền, từ đó tùy thích định giá sản phẩm và bỏ mặc chất lượng. Để ngăn chặn điều này, nhiều quốc gia có luật chống độc quyền - và thật ra còn nhiều luật khác hạn chế tự do kinh tế vì sự tốt đẹp của toàn xã hội.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/0/02/Graphic_depiction_of_capitalism.png

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Chủ quyền - Sovereignty

Chủ quyền, theo nghĩa quyền lực tối cao, có hai phương diện: ngoài nước và trong nước. Theo luật quốc tế, một quốc gia có chủ quyền là quốc gia được quốc tế công nhận là có quyền lực vô hạn bên trong biên giới của quốc gia đó. Tuy nhiên, chủ quyền quốc gia có thể được tương nhượng, ví dụ, do quốc gia đó là thành viên của tổ chức siêu quốc gia như Hiệp hội Âu châu. Các quốc gia có thể xung đột nếu các đối thủ đều khẳng định chủ quyền trên một lãnh thổ nào đó.

Trong nước, câu hỏi đặt ra là quyền lực tối cao nằm ở đâu. Trước đây, ở các nền quân chủ Âu châu, quyền lực tối cao nằm trong tay nhà vua, mặc dù thực tế thường xảy ra tranh chấp với Giáo hội La mã về quyền xét xử những vấn đề tôn giáo hay tâm linh. Ở Anh quốc, khi nền dân chủ nghị viện phát triển, đã nổi lên quan điểm cho rằng quyền lực tối cao hợp pháp nằm trong tay "ông hoàng (hay bà hoàng) Nghị viện", mặc dù trên thực tế quyền điều hành hàng ngày do chính phủ nắm giữ. Ở Hoa Kỳ, quyền tối cao trong nước được trao cho Hiến pháp.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://sovereignty.net/wp-content/uploads/2013/03/cropped-iStock_000017452286XSmall.jpg

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Không gian - Space

Không gian thường được định nghĩa là sự mở rộng vô hạn mà mọi đối tượng đều tọa lạc trong đó. Bên trong khuôn khổ của không gian, vị trí mọi đối tượng so với nhau có thể được xác định qua khoảng cách và hướng. Không gian, một trong các đại lượng cơ bản của khoa học, được đo bằng mét. Theo cơ học Newton, không gian có ba chiều tuyến tính và có tính tuyệt đối, tức tồn tại độc lập với mọi vật chất bên trong nó. Nhưng theo thuyết tương đối, không gian chỉ là một phần của thể liên tục không - thời gian, với thời gian là chiều thứ tư. Hơn nữa, thuyết tương đối còn cho rằng không - thời gian không có tính tuyệt đối - cả không gian và thời gian đều có thể bị biến dạng bởi các trường hấp dẫn quanh những vật thể lớn.

Thuyết Big Bang, được ủng hộ rộng rãi, cho rằng không - thời gian xuất hiện cách nay 13,7 tỉ năm, và từ đó đến nay nó đã liên tục mở rộng. Về lý thuyết, không gian được cho là vô hạn, nhưng liệu bản thân vũ trụ có vô hạn hay không thì vẫn là câu hỏi chưa được các nhà vũ trụ học giải đáp.

* Chú thích trên ảnh: Theo thuyết tương đối tổng quát, không - thời gian giống như một "tấm cao su" nhiều chiều, có thể bị biến dạng do sự xuất hiện của các vật thể lớn.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://www.pitt.edu/~jdnorton/teaching/HPS_0410/chapters/general_relativity_massive/rubber_sheet_2.jpg

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Lập luận về hiện hữu của Thượng đế

Qua hàng thế kỷ, nhiều lập luận đã được đưa ra nhằm ủng hộ sự hiện hữu của Thượng đế. Các lập luận truyền thống tiêu biểu nhất được phác thảo dưới đây.

1. Lập luận mang tính vũ trụ. Mọi vật đều có nguyên nhân, và Thượng đế hiện hữu là nguyên nhân đầu tiên. Lập luận này có thể bị phê phán trên cơ sở là thuyết nhân quả chỉ liên kết các hiện tượng có thể quan sát được.

2. Lập luận từ thiết kế. Vũ trụ phức tạp đến nỗi nó ắt phải được tạo dựng bởi một nhà thiết kế toàn trí toàn năng. Lập luận này giả định trước rằng mọi vật đều có mục đích.

3, Lập luận mang tính bản thể học. Nếu Thượng đế là "điều mà chẳng có điều gì vĩ đại hơn có thể nhận thức được" thì ngài ắt phải hiện hữu. Lập luận này có tính xoay vòng.

4. Lập luận mang tính đạo đức. Đạo đức hiện hữu nhưng sẽ bất khả nếu không có một Thượng đế công minh đảm bảo rằng đức hạnh này sẽ được tưởng thưởng.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://www.nature.com/nature/journal/v468/n7323/images/468517a-f1.2.jpg

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Hang động Plato - Plato's Cave

Trong tác phẩm Cộng hòa, Plato kể một chuyện ngụ ngôn trong đó nhân loại tựa những tù nhân bị xích trong một hang động. Mọi thứ họ có thể thấy là bức tường trước mặt, và vì vậy kinh nghiệm duy nhất của họ về các đối tượng là hình bóng in lên tường nhờ một đám lửa. Theo Plato, điều này tương tự với sự ngu dốt của ta về thực tại tối hậu, vốn bao gồm các Dạng thức lý tưởng và bất khả thay đổi.

Như vậy một chiếc bàn chỉ là bản sao hay hình bóng không toàn thiện của chiếc bàn lý tưởng; một con ngựa chỉ là biểu hiện của ngựa nguyên bản. Vì từng con ngựa đơn lẻ đều khác nhau ở một số phương diện nào đó, chẳng con nào miêu tả được con ngựa chân lý. Các đối tượng trong thế giới ta đang trải nghiệm đều thay đổi không ngừng: chiếc bàn từng là cây cối; ngựa sinh ra, lớn lên, rồi chết đi. Kiến thức chân lý chỉ có thể đạt được trong thế giới bất khả quan sát của các Dạng thức; mọi cái gọi là tri thức mà ta tiếp nhận trong thế giới của các giác quan thật ra chẳng qua là dư luận và niềm tin.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj3J9lpNVHJvnDq0vmIenGJAKh8eQrfqfDt4IB05B4PeGhORKyKAzJMMOb3mOu6oeI3x3sGta3tnL-Qt1s7_FWpsIY6irw9LIkEgQ8ftgQKnl42AfUeaAU0OWo1-AjMiI1Tdl5pJIy4UeA/s1600/plato-cave.jpg

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Hình tượng - Imagery

Một trong những thành phần chính của văn học, cũng như nghệ thuật thị giác, là hình tượng. Trong nghệ thuật thị giác, hình tượng là phác họa các sự vật, còn trong văn học nhà văn dùng từ ngữ để gợi lên hình ảnh trong tâm, hay gợi lên những kinh nghiệm giác quan khác, như âm thanh và mùi vị. Hình tượng đó có thể được khai thác để gợi lên một quang cảnh; có thể tạo ra một quan điểm mới về một điều quen thuộc; hay có thể chỉ ra hoặc bổ sung nghĩa bóng, đó là lối ám dụ và biểu tượng.

Trong văn học, hai công cụ tu từ cơ bản nhất liên quan đến hình tượng là so sánh và ẩn dụ. So sánh là khi cái này so với cái kia - chẳng hạn, "Tình tôi tựa hồng thắm". Ẩn dụ là khi cái này được nói là cái kia - chẳng hạn, "Đi đi, hồng yêu dấu!" Cả hai đều có tác dụng tương tự trong việc kết hợp điều này với điều kia, nhờ đó nêu bật, làm mới hay phức tạp hóa nhận thức của ta về điều đó. Một số hình ảnh có thể trở thành qui ước văn học. Ví dụ, trong sử thi Homer, biển cả luôn là "rượu vang đen" và bình minh luôn là "ngón tay hồng", trong khi đó thi ca Anglo-Saxon thì biển thường là "lối cá voi" và sông là "lối thiên nga". Văn học hội họa thời Trung cổ cũng như Phục hưng thì đầy hình ảnh chuẩn mực dễ hiểu, dù có tôn giáo hay không. Chẳng hạn, Thánh Thần được phác họa bằng hình bồ câu trắng và bồ nông tượng trưng cho đức hy sinh tận tụy của cha mẹ (người ta tin rằng bồ nông rỉa ngực lấy máu nuôi con thơ), còn diều hâu thì miêu tả quyền lực đế vương.

Nghệ sĩ thường thích đùa giỡn với hình tượng qui ước, họ thích lật đổ lối mòn từ các qui ước nghệ thuật. Khi Shakespear mở đầu bài thơ Sonnet 18 bằng câu hỏi "Anh có nên ví em với ngày mùa hạ?" ta ngạc nhiên hiểu rằng người yêu chẳng giống ngày hạ, mà thật ra còn xinh đẹp hơn. Và khi ông mở đầu bài thơ Sonnet 130 bằng "Đôi mắt người yêu tôi không giống mặt trời", ta biết rằng sáo ngữ xưa chuẩn bị được làm mới, nếu không phải bị phủ nhận hoàn toàn.


SONNET 18
William Shakespear - Dịch giả: Vũ Hoàng Linh

Anh có nên ví em với ngày mùa hạ?
Em đáng yêu hơn và rất đỗi dịu êm
Gió mạnh tháng Năm chao đảo những nụ hoa
Mùa hạ ngắn không đủ cho hò hẹn

Mắt thiên đường đôi khi quá nóng bỏng
Ánh vàng óng nhiều lúc phải phai mờ
Những huy hoàng có thể không đượm thắm
Bởi thiên nhiên thay đổi vẫn tình cờ.

Duy mùa hạ vĩnh cửu của em còn mãi
Và sắc đẹp của em sẽ ở lại, chẳng tàn phai
Cả cái Chết cũng không kéo em đi mãi
Trong bài thơ vĩnh cửu, em sẽ mãi rạng ngời

Chừng nào người còn thở và mắt có thể trông
Còn bài thơ này và còn của em cuộc sống.


SONNET 18
William Shakespear - Dịch giả: Vũ Hoàng Linh

Đôi mắt người yêu tôi không giống mặt trời
San hô đỏ hơn sắc của đôi môi
Tuyết rất trắng sao ngực nàng nâu xám
Tóc của nàng chẳng lượn sóng xa xôi

Tôi đã thấy những hồng nhung, hồng bạch
Nhưng trên má nàng tôi không thấy những bông hồng
Tôi từng vui sướng khi hít những mùi thơm
Quyến rũ hơn hơi thở nàng nồng ấm

Tôi muốn nghe nàng nói, nhưng tôi vẫn thấy
Có tiếng nhạc thánh thót du dương hơn
Tôi chưa thấy nữ thần dạo bước trên mây
Nhưng người yêu tôi, nàng dẫm trên mặt đất

Nhưng dẫu thế, người yêu tôi quý giá
Hơn tất cả những cô nàng được sáo rỗng ngợi ca.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://jaunethskinner.net/wp-content/uploads/2012/07/pelicana-4.jpg

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Tri giác và cảm giác - Perception and Sensation

Ta thường phân biệt giữa cảm giác và tri giác. Cảm giác là quá trình qua đó các giác quan của ta - như nhìn, nghe, sờ, ngửi, và nếm - ghi nhận các dữ kiện nhập từ thế giới bên ngoài rồi gửi chúng về não. Tri giác là cách ta nhận thức hay trải nghiệm các dữ kiện nhập do cảm giác cung cấp và cần một mức độ diễn giải nhất định, thường dựa trên các kinh nghiệm trước đó và bản đồ tâm (mental map), nhờ đó giúp ta hiểu được thế giới.

Để minh họa sự khác biệt giữa cảm giác và tri giác, hãy lấy ví dụ về bé sơ sinh. Đôi mắt bé ghi nhận dữ kiện như người lớn, tức cùng cảm giác, nhưng do không hiểu được điều đang thấy, tri giác của bé hoàn toàn khác biệt. Nhờ kinh nghiệm, tri giác giúp ta tiên đoán - chẳng hạn, để đinh ninh rằng toàn bộ đối tượng đang hiện diện, ta chỉ cần thấy được một phần của đối tượng đó. Khả năng này có thể khiến ta sai lầm, chẳng hạn trường hợp ảo giác.

* Ghi chú trên ảnh: Hầu hết mọi người đều nhận thức hình vẽ đơn giản này là một cô gái trẻ đẹp hay một cụ già xấu xí. Dù cho hình nào được nhận thức trước, nó lập tức bị thay thế bởi cái kia.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://www.ilchi.com/wp-content/uploads/2010/11/dames.gif

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Tương đối luận - Relativism

Tương đối luận có tầm quan trọng đặc biệt trong nhân chủng học. Nhân chủng học thường phân biệt tương đối luận văn hóa, luân lý, nhận thức, và phương pháp. Tương đối luận văn hóa - tư tưởng cho rằng chẳng có văn hóa nào "siêu việt" hơn văn hóa nào - bắt nguồn từ thời Khai sáng nhưng chỉ được thiết lập thành một nguyên lý của nhân chủng học vào đầu thế kỷ hai mươi, với mục đích thay thế cách tiếp cận vị chủng (chú trọng đến chủng tộc) bằng một cách tiếp cận khách quan mới mẻ.

Tương đối luận văn hóa đã khiến một số nhà nhân chủng học thừa nhận tương đối luận luân lý trong đó chẳng hạn bác bỏ các nhân quyền phổ quát. Một số người khác đề ra tương đối luận nhận thức, chủ trương cho rằng các văn hóa khác nhau tồn tại trong những phạm vi tư duy và tri thức khác nhau, vì vậy rất khó hay hoàn toàn không thể giao nhau. Ngày nay tương đối luận luân lý và nhận thức đều bị đa số bác bỏ, nhưng các nhà nhân chủng học vẫn theo đuổi tương đối luận phương pháp, qua đó họ tạm gác lại những định kiến về văn hóa và luân lý của chính mình để cố gắng hiểu thấu niềm tin và hành vi của người khác.

* Ghi chú trên ảnh: Phong tục uốn nắn cơ thể quá mức như được thấy trong bộ tộc Kayan Lahwi ở Myanmar là một ví dụ điển hình về hiện tượng văn hóa dường như xa lạ với các chuẩn mực của phương Tây.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://farm5.staticflickr.com/4117/4788712202_ce5791f761.jpg

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Tài sản - Property

Tài sản là bất cứ thứ gì có giá trị, dù hữu hình (như nhà đất) hay vô hình (như tài sản trí tuệ - chẳng hạn bản quyền về một công trình nghệ thuật hay bằng phát minh sáng chế). Theo luật và lý thuyết chính trị, tài sản còn là quyền sở hữu thứ gì đó, và điều này bao hàm quyền tiêu thụ, bán, cho thuê, thế chấp, chuyển nhượng, trao đổi hay tiêu hủy tài sản của mình.

Người theo chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản tin rằng nhiều thứ - như phương tiện sản xuất (đất đai, nhà xưởng, quặng mỏ, ...) - cần thuộc sở hữu chung (nhà nước). Trái lại, người theo chủ nghĩa bảo thủ và tự do - ủng hộ triết gia người Anh ở thế kỷ mười bảy John Locke - tranh luận rằng cá nhân đương nhiên có quyền trên tài sản mà họ đã bỏ sức lao động mà có, và quyền này có thể chuyển nhượng. Hơn nữa, họ chủ trương rằng quyền sở hữu tài sản riêng tư là điều kiện căn bản của tự do. Nếu không có quyền sở hữu riêng tư, sẽ chẳng có khái niệm cá nhân, chỉ là các thành viên của một tập thể.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://profiles.sulekhalive.com/mstore/14070820/albums/default/thumbnailfull/property-sale.jpg

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Chính phủ - Government

Chính phủ là thể chế nhằm kiểm soát cá nhân và xã hội ở mức tổng thể, thường bên trong khuôn khổ của một quốc gia. Chính phủ thường thực hiện điều này bằng việc công bố và áp dụng luật pháp.

Hầu như mọi quốc gia hiện đại đều có một dạng thể chế nào đó - tức một bộ luật định nghĩa và hạn chế quyền lực của chính phủ đó, đồng thời phác thảo các quyền của từng cá nhân. Hiệu quả của những kiểm tra xem quyền lực chính phủ có vô hạn hay không thì vô chừng; thường có thể uốn nắn, ít ra về ý niệm, thông qua tòa án.

Có nhiều cách phân loại chính phủ. Thời Hy Lạp cổ đại, Aristotle đưa ra năm kiểu: quân chủ (monarchy, nghĩa đen là "cai trị bởi một người", nhưng phục vụ lợi ích của nhiều người); chuyên chế (tyranny, cá nhân cai trị vì lợi ích của chính cá nhân đó); quý tộc (aristocracy, nghĩa đen là "cai trị bởi người tài nhất", theo Aristotle, được tuyển chọn trên cơ sở đức hạnh, phục vụ lợi ích của nhiều người); chính thể đầu sỏ (oligarchy, nghĩa đen là "cai trị bởi vài người", được chọn trên cơ sở giàu có, phục vụ lợi ích cho bản thân họ); và dân chủ (democracy, nghĩa đen là "cai trị bởi nhân dân").

Trên thế giới vẫn còn nhiều chính phủ chuyên chế dưới dạng những nhà độc tài có và không có bầu cử, đồng thời chính thể đầu sỏ không chính thức vẫn còn cai trị ở một số nước. Phiên bản hiện đại của chính phủ quý tộc là hình thức đãi ngộ nhân tài - tức những người tài giỏi nhất nắm quyền. Hình thức này có thể áp dụng cho cả công chức chứ không riêng cho các chính trị gia được bầu lên.Ta có thể thêm chính trị thần quyền vào danh sách của Aristotle, nghĩa đen là "cai quản bởi Thượng Đế", ám chỉ một quốc gia - chẳng hạn Afghanistan dưới thời Taliban - trong đó các lãnh tụ tôn giáo đóng vai trò nổi bật.

Ngày nay, nơi nào quân chủ còn tồn tại, hầu như đó chỉ là biểu tượng lễ nghi. Dân chủ (ít ra trên danh nghĩa) hiện nay là hình thức phổ biến nhất trên toàn thế giới, và hầu hết các quốc gia đều là cộng hòa, đứng đầu nhà nước là một tổng thống được bầu lên, không phải là một quốc vương.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://home.earthlink.net/~kingsidebishop/sitebuildercontent/sitebuilderpictures/cartoon.gif

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Chuyển hóa nhận thức - Paradigm shifts

Trong tác phẩm "Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học" xuất bản năm 1962, triết gia đồng sử gia người Mỹ Thomas S. Kuhn cho rằng khoa học không phát triển liên tục và tuyến tính, mà qua một chuỗi những "chuyển hóa nhận thức" (paradigm shifts). Trong triết lý khoa học, paradigm là một thế giới quan hết sức tổng quát, là một khuôn khổ ý niệm để nhà khoa học hoạt động trong đó. Với một nhận thức sẵn có, nhà khoa học làm "khoa học thông thường", tức giải quyết các vấn đề mà thế giới quan đó đặt ra, chứ không muốn thách thức nó. Một chuyển hóa nhận thức là một cách mạng khoa học trong đó thế giới quan này thay thế thế giới quan kia. Điều này đưa đến giai đoạn "khoa học mang tính cách mạng", nó mở ra các quan điểm mới, các đường hướng đòi hỏi phải tự thể hiện mới, và các câu hỏi mới cật vấn những dữ kiện cùng giả định cũ. Chuyển hóa nhận thức thường phát sinh không nhất quán, khi các vấn đề nan giải mà thế giới quan hiện tại đưa ra đã tích tụ đến mức buộc phải đột phá.

Ví dụ kinh điển về chuyển hóa nhận thức là phát hiện của Nicolaus Copernicus (1473–1543), ông nhận ra rằng mô hình cổ đại xem trái đất là trung tâm vũ trụ không thể diễn giải cho vô vàn quan sát tích tụ về các hành tinh. Nhờ giả định trái đất quay quanh mặt trời, chứ không ngược lại, ông thấy rằng mô hình mới khớp tốt hơn nhiều với dữ liệu quan sát. Mô hình mặt trời làm trung tâm của Copernicus đã bị Giáo hội La Mã lên án kịch liệt, vì nó đã loại bỏ trái đất, tức nhân loại, ra khỏi trung tâm vũ trụ. Các ví dụ khác về chuyển hóa nhận thức là cuộc lật đổ cơ học Newton bằng vật lý lượng tử và thuyết tương đối vào đầu thế kỷ hai mươi.

Bằng việc soi rọi vào các chuyển hóa nhận thức, và thực tế cho thấy các thế giới quan thường bất tương thích, Kuhn đã chứng minh rằng khoa học, thay vì được phần đông cho rằng đó là một theo đuổi hoàn toàn khách quan, thực chất chỉ là một hoạt động của con người. Như vậy, khoa học có tính chủ quan ở mức độ nào đó, nó được định hình bởi các yếu tố xã hội, văn hóa, và lịch sử.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://facilitatoru.com/blog/wp-content/uploads/2009/10/paradigm_shift.jpg

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Thần linh - God

Thần linh là đấng tối cao được các tín đồ mặc nhiên công nhận đó là đấng tạo dựng và trị vì vũ trụ. Hầu hết các tôn giáo hoặc thờ một Thượng Đế duy nhất (độc thần giáo) hoặc thờ nhiều thần linh (đa thần giáo), nhưng một vài tôn giáo như Đạo Bụt (Phật giáo) và Đạo giáo thì không thờ thần linh nào cả.

Đa thần giáo thì có Ấn Độ giáo và các tôn giáo thuộc Hy Lạp và La Mã cổ đại, nhưng thậm chí các đền thờ thần linh của họ cũng có thứ bậc. Chẳng hạn trong Ấn Độ giáo, tinh thần tối cao và sự thật tối thượng là Brahman, ngài vận hành qua bộ ba Brahma (đấng tạo hóa), Vishnu (đấng bảo hộ), và Shiva (đấng hủy diệt); ngoài ra còn có nhiều thần linh khác, một số trong các vị đó là biểu hiện của những thần linh cấp cao hơn.

Độc thần giáo đầu tiên là Do Thái giáo; Thiên Chúa giáo và Hồi giáo - cả hai đều bắt nguồn ở Trung Đông - cùng theo truyền thống này. Trong Thiên Chúa Giáo, Thượng Đế có Ba Ngôi, là Cha, Con, và Thánh Thần. Trong các độc thần giáo, Thượng Đế được xem là đấng toàn năng, thông suốt mọi sự, và thương yêu mọi loài. Ngài tự bày tỏ qua các bản kinh của mình - như Kinh Thánh, Kinh Coran, và Ngũ Kinh.

Trong nhiều tôn giáo, Thượng Đế không chỉ tạo dựng vũ trụ, ngài còn tích cực tham dự vào đó. Quan điểm này được gọi là thuyết hữu thần (theism): người theo thuyết hữu thần tin rằng Thượng đế vừa siêu việt (tồn tại bên trên và cao hơn tạo tác của ngài, vượt thoát không gian và thời gian) vừa ở khắp mọi nơi (tích cực hiện diện và tham dự vào mọi tạo tác của ngài). Trái lại, thuyết thần giáo tự nhiên (deism) - được nhiều nhà tư tưởng duy lý thuộc thời Khai sáng ở thế kỷ mười tám thừa nhận - tin rằng Thượng Đế là khởi nguồn của vũ trụ, nhưng từ đó trở đi thì không can dự nữa.

Còn một quan điểm khác được tìm thấy trong thuyết phiếm thần (pantheism) cho rằng Thượng đế không siêu việt - ngài chỉ có thể được tìm thấy ở mọi vật trong vũ trụ, kể cả trong từng con người. Mặc dù thuyết phiếm thần được một số triết gia tán thành như Baruch Spinoza (1632–77) và các nhà thơ thời kỳ Lãng mạn như William Wordsworth, thuyết này chẳng được nhiều tôn giáo phương Tây chấp nhận.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://harunyahya.com/image/call_for_unity_leaflet/quran_torah_bible.jpg

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Học thuyết Plato - Platonism

Toàn bộ triết học phương Tây được mô tả là "một chuỗi những chú giải cho Plato" - tức chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi triết gia Hy Lạp cổ đại này. Plato (khoảng 427-347 trước Công nguyên) sống và dạy ở Athens, nơi ông mở trường triết gọi là Viện Hàn lâm. Ông là học trò của Socrates và hầu hết các bài viết của ông đều ở dạng đàm đạo giữa Socrates cùng các đệ tử. Người ta không biết những bài viết này mô tả tư duy của chính Socrates chính xác đến đâu, so với tư duy của bản thân Plato.

Các đàm đạo sử dụng cái gọi là "Phương pháp Socrates", trong đó Socrates giả khờ và hỏi đệ tử nhiều câu hỏi, dẫn dắt cho đến khi họ mâu thuẫn với chính họ. Bằng cách này, các vấn đề được sáng tỏ, rồi một tiếp cận sát sao hơn được sử dụng để đưa đến chân lý. Những đàm đạo ban đầu liên quan đến "các đức hạnh" như hiếu thảo và can đảm, rồi cuối cùng đi đến kết luận rằng đức hạnh chính là tri thức, và hành vi sai trái là kết quả của ngu dốt. Bản thân phương pháp này có tầm đặc biệt quan trọng, bao gồm sự thách thức các giả định và cương quyết dùng lập luận hữu lý (logic)  - đây là những phẩm chất của triết học chân chính.

Các đàm đạo còn thảo luận về bản chất tối thượng của thực tại. Theo Plato thì bản chất này bao gồm những Dạng thức (Forms), hay Quan niệm (Ideas), chứ không phải là điều mà ta trải nghiệm trong thế giới vật chất. Dạng thức tối thượng là điều hay lẽ phải, tức tri thức. Để minh họa khái niệm này, trong tác phẩm Cộng hòa (The Republic) Plato kể chuyện ngụ ngôn về các tù nhân trong hang. Tác phẩm Cộng hòa còn liên hệ đến chính trị, thảo luận về bản chất của công lý và mường tượng một lý tưởng về nhà nước được điều hành bởi những vị vua hiền triết.

Sau này dưới đế chế La Mã cổ đại, các học giả Tân Plato đã phát triển một triết lý huyền bí dựa trên những Dạng thức của Plato và đưa ra hệ thống phân cấp tri thức tăng theo mức độ huyền bí và họ gọi đó là "chuỗi xích hiện hữu" (the chain of being). Triết lý này đã ảnh hưởng đến các triết gia trong cộng đồng Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, và Hồi giáo, kéo dài đến thời Phục hưng và sau đó, nhưng không thể hiện được tầm quan trọng như các công trình của chính Plato.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/5/5e/Plato_i_sin_akademi,_av_Carl_Johan_Wahlbom_(ur_Svenska_Familj-Journalen).png

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Mô phỏng - Mimesis /mɪˈmisəs/

Mimesis là một từ Hy Lạp cổ, được dịch là "miêu tả" hay "bắt chước", là quá trình qua đó nghệ thuật được cho là "nắm giữ chiếc gương phản ánh tự nhiên". Khi Aristotle dùng thuật ngữ này, ông cho rằng nghệ thuật thật sự cải thiện thiên nhiên. Thế giới thực đầy ắp những thứ tình cờ và tầm thường; điều nghệ thuật làm là chọn lọc và cấu trúc chất liệu quan trọng nhất của thế giới để nói lên các chân lý cao cả hơn.

Nghệ thuật "chân thật" ra sao? Một bức tranh đâu phải là điều mà nó miêu tả; một tiểu thuyết, theo định nghĩa, là "hư cấu". Vì thế ta có nên dẹp bỏ mọi loại hình nghệ thuật vì đó là "giả dối" không? Điều này gần như chắc chắn sẽ vi phạm cái mà các triết gia gọi là lỗi phân loại. Ta nhìn và diễn giải thế giới qua mọi dạng ý niệm (ngôn ngữ, niềm tin tôn giáo, phương pháp khoa học, ...) Nghệ thuật đơn thuần là một trong những thấu kính đó, nhưng là thấu kính giúp ta nhìn thấy rõ ràng hơn.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://filosofia.laguia2000.com/wp-content/uploads/2013/03/m%C3%ADmesis.jpg

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Ký ức - Memory

Ký ức là cốt lõi để ta nhận diện được một người. Ký ức còn thiết yếu trong hành động của ta như những sinh vật thông minh. Không có ký ức ta sẽ chẳng có ý niệm về quá khứ, chẳng có khái niệm về mối liên hệ của ta với người khác hay với thế giới bên ngoài. Và không có ký ức ta sẽ chẳng giữ được bấy kỳ dữ liệu, kiến thức hay kinh nghiệm nào để làm cơ sở cho các hành động hiện tại và tương lai của ta.

Ký ức gồm ba tiến trình: ký gởi, nhờ đó kinh nghiệm được ghi nhận vào tâm; duy trì, nhờ đó ký ức được giữ lại trong tâm (có thể trong khoảng thời gian ngắn hay dài); và gợi lên, nhờ đó kinh nghiệm được đưa ra khỏi nơi lưu trữ và làm ta nhớ lại.

Hàng ngày, các giác quan của ta tiếp nhận những lượng dữ liệu khổng lồ từ thế giới bên ngoài, nhưng chỉ một phần rất nhỏ trong chúng được ký gởi. Bộ não của ta biết cách chọn lọc điều quan trọng. Khả năng duy trì đòi hỏi một mức độ ôn luyện - chẳng hạn, để thuộc một bài thơ, ta phải ngâm đi ngâm lại; để nhớ một địa điểm, tâm ta phải "nhìn thấy" nhiều lần. Khả năng gợi lên phụ thuộc một dạng ám hiệu nào đó, thường là sự liên hệ. Nhà văn Pháp Marcel Proust tìm về "thời gian đã mất" của mình trong quá khứ bằng cách ăn bánh ngọt nhúng vào tách trà, vì ông đã làm vậy khi còn là một bé trai - đây là nguồn cảm hứng để ông viết thiên tiểu thuyết À la recherche du temps perdu.

Các chuyên gia sinh lý thần kinh đang bắt đầu hiểu được mối liên hệ của ký ức với các quá trình vật lý bên trong não người. Bộ não bao gồm hàng tỉ tế bào thần kinh, hay còn gọi là nơ-ron, mỗi nơ-ron có khả năng truyền các xung hóa điện trong não cho những nơ-ron khác. Người ta cho rằng khi ta ký gởi kinh nghiệm, các dạng thức kết nối nào đó được những nhóm nơ-ron đặc biệt đảm nhận. Có thể ký ức được duy trì khi các kết nối làm thành lối mòn và ký ức được gợi lên khi một kích thích nào đó kích hoạt lối mòn này.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://apothegms.files.wordpress.com/2010/02/memory-madeleine.jpg

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Nhân chủng học - Anthropology

Nhân chủng học nghĩa đen là "nghiên cứu nhân loại" và vì vậy có phạm vi rất rộng, bao gồm khảo cổ học và ngôn ngữ học cũng như nhân học thể chất và xã hội (hay văn hóa). Như vậy nó có thể kết hợp các ngành khoa học vật lý cùng khoa học nhân văn cũng như khoa học xã hội. Khi nhân chủng học hiện đại đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ mười chín, tất cả các chủ đề này được nghiên cứu cùng nhau, nhưng ngày nay nhiều chuyên ngành nhân chủng học ở nhiều trường đại học hoàn toàn tách biệt và được nghiên cứu ở những bộ môn khác nhau, hay thậm chí ở các khoa khác nhau.

Nhân học thể chất - nghiên cứu nguồn gốc, quá trình tiến hóa, và tính đa dạng thể chất của con người - hiện nay được xem là một chuyên ngành của sinh học người. Chuyên ngành này có thể nhờ đến khảo cổ học, di truyền học, và phong tục học (nghiên cứu hành vi động vật), cũng như xem xét sự tương tác của sinh học người với môi trường và văn hóa xã hội - những thứ phân biệt con người với các động vật khác. Một số công trình trước đây của những nhà nhân chủng học về so sánh các "chủng tộc" người dùng các kỹ thuật như đo hộp sọ ngày nay đã gây tai tiếng, tạo ra vết nhơ do nạn phân biệt chủng tộc khoa học giả tạo.

Nhân học xã hội liên quan đến cấu trúc văn hóa xã hội của các nhóm người. Khi chuyên ngành này được phát triển ở thế kỷ mười chín và đầu thế kỷ hai mươi, người ta tập trung vào các xã hội "nguyên thủy", tiền công nghiệp, nhưng những thập niên gần đây các nhà nhân chủng học đã nghiên cứu bổ sung xã hội công nghiệp hiện đại.

Việc so sánh một cách hệ thống các văn hóa khác nhau gọi là phong tục học, trong khi dân tộc học là nghiên cứu một xã hội hay văn hóa cụ thể. Phong tục học thường được nghiên cứu bằng phương pháp quan sát - tham gia, nhà nhân chủng học có thể thâm nhập vào văn hóa mà họ quan tâm trong những khoảng thời gian dài. Các vấn đề được nhà nhân học xã hội quan tâm - ở khía cạnh dân tộc học cũng như lý thuyết - là quan hệ họ hàng, quan hệ giới tính, nuôi dạy trẻ, phong tục - nghi lễ, huyền thoại - tôn giáo, tiêu thụ - trao đổi, vui chơi - lễ hội, và các sản phẩm văn hóa vật liệu như công cụ, thực phẩm, và trang phục.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://hannahc12.files.wordpress.com/2010/05/evolution1.jpeg

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Hệ thống kinh tế - Economic Systems

Qui mô mà chính phủ các nước can dự vào vấn đề kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào hình thái chính trị của chính phủ đó. Trong hầu hết các quốc gia, chính phủ không những điều phối nền kinh tế ở mức độ này hay mức độ khác, mà bản thân chính phủ còn là người chơi chính, vừa là nhà cung cấp dịch vụ (đôi khi cả hàng hóa) vừa là nhà tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ do tư nhân cung cấp.

Hệ thống kinh tế vận hành ở các quốc gia trên toàn thế giới có thể được trình bày thành một dải phổ. Một cực là hệ thống kinh tế tự do kinh doanh tư bản, trong đó phương tiện sản xuất hoàn toàn thuộc sở hữu tư nhân, dưới hình thức cá nhân hay công ty. Chính phủ đóng vai trò nhỏ trong các quyết định kinh tế, vốn được phi tập trung cao độ. Giá thành và sản xuất hoàn toàn được xác định bởi luật cung cầu hoạt động trên nhiều thị trường khác nhau.

Cực kia là hệ thống kinh tế "mệnh lệnh" xã hội chủ nghĩa - một hệ thống hiếm thấy kể từ khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Đông Âu và Liên Xô tan rã vào giai đoạn 1989-91. Trong hệ thống kinh tế đó, sản xuất, phân phối, và tiêu thụ đều được tập trung lập kế hoạch. Nhà nước làm chủ mọi đất đai, mọi ngành công nghiệp và cấp phát tài nguyên cho các nhà sản xuất khác nhau theo kế hoạch quốc gia. Tương tự, hàng hóa được phân phối đến khách hàng theo định mức.

Trên thực tế, phần lớn các quốc gia đều có hệ thống kinh tế "hỗn hợp". Theo mô hình này, hầu hết sản xuất - và dần dần hầu hết các dịch vụ (chẳng hạn năng lượng và giao thông) - đều nằm trong tay tư nhân, nhưng chính phủ vẫn điều phối thị trường và điều chỉnh những thứ như thuế, lãi suất và cung ứng tiền tệ để đạt được các mục tiêu chính yếu nhất định. Những mục tiêu này có thể bao gồm việc đảm bảo việc làm đầy đủ, xúc tiến tăng trưởng kinh tế, tránh lạm phát và thiếu hụt trong cân đối thu chi - tức cân đối xuất nhập khẩu.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://2012books.lardbucket.org/books/macroeconomics-principles-v1.0/section_05/73a1e8b3d3371f9a009a3c7b2c31ca9d.jpg

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Nhà Nước - The State

Nhà nước (quốc gia) - khác với xã hội dân sự - là một tập thể người hợp pháp hóa với một hệ thống luật pháp và một chính phủ có quyền áp đặt luật pháp đó bên trong một lãnh thổ đã được phân định. Nhà nước theo nghĩa nào đó cũng giống như một người: nó - được xem một cách đại chúng và theo luật quốc tế - phải chịu trách nhiệm cho các hành động của mình, và có quyền cũng như nghĩa vụ. Theo thời gian, nhà nước có được một thứ giống với danh tính của một người - và thật vậy, nhà nước thường được nhân cách hóa bằng những hình ảnh như Chú Sam (Uncle Sam, tức U.S., Hoa Kỳ) hay John Bull (Anh quốc).

Nhà nước có thể được xem là một tập thể gồm những cá thể tự nguyện tập hợp lại vì lợi ích hỗ tương; đây là ý tưởng của khế ước xã hội. Ngoài ra, nhà nước có thể được xem là khái niệm của quyền lực, khi tình trạng độc quyền và hợp pháp hóa bạo động xuất hiện bên trong một lãnh thổ. Với người theo chủ nghĩa Mác, nhà nước thực chất là một tổ chức xuất hiện tại một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định nhằm bảo vệ sản xuất tư bản.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Nguồn ảnh: http://cf.gcaptain.com/wp-content/uploads/2013/05/image62.png

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Toán học - Mathematics

Toán học nghiên cứu về số, đại lượng, hình dạng cùng không gian, và mối tương quan của chúng. Toán ứng dụng dùng các kỹ thuật toán học để giúp ta hiểu được các quá trình vật lý và kỹ thuật. Toán thuần túy thì hoàn toàn trừu tượng - nó chẳng phụ thuộc vào điều đang diễn ra trong thế giới vật lý, hay thật sự là nó chẳng phụ thuộc vào bất cứ điều gì bên ngoài nó. Chân lý của một lý thuyết toán học phụ thuộc vào chứng minh logic và hình thức chặt chẽ, chứ không phụ thuộc vào thực nghiệm.

Một lý thuyết toán học được trình bày dưới dạng một chuỗi các tiên đề - tức những mệnh đề hay công thức được cho là đúng, và từ đó toàn bộ lý thuyết có thể được luận ra. Vào đầu thế kỷ hai mươi, các nhà toán học tin rằng chuyên ngành của họ có thể được chứng minh là một hệ thống hoàn chỉnh và tự kiên định. Tuy nhiên, vào năm 1931 nhà logic học người Áo Kurt Gödel  đã đánh đổ niềm hy vọng này khi ông chứng minh rằng trong một hệ thống toán học dựa trên một số hữu hạn các tiên đề, luôn luôn có một số mệnh đề đúng nhưng không thể được chứng minh từ các tiên đề.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Nguồn ảnh: https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEheP0Tlfq7-Evyc-YvxDwn-msdtQlG8ZBB14QRVbUlnNyobwLfr1U9Rdl42l1MOROw-SV6bQj34WHfv7h-PQGbtqxEelRJMTe7wO37R00_91fLSTfQgh4prqZoCjtONEarPfv1XJ5rnoFOp/s640/Slide1.JPG

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: Thần học - Theology

Thần học nghĩa đen là "nghiên cứu về Thượng Đế", và thần học được định nghĩa là nỗ lực bàn luận một cách hữu lý về thần thánh. Các chủ đề bàn luận bao gồm bản chất của Thượng Đế, quan hệ của Ngài với vũ trụ cùng dự định của Ngài về nhân loại, nghiên cứu Thánh Kinh, và phát triển giáo lý. Mọi tôn giáo đều có chuyên ngành thần học, nhưng không tôn giáo nào nhiều hơn Thiên Chúa Giáo.

Có hai mạch chính trong thần học Thiên Chúa Giáo - đó là tự nhiên và được mặc khải. Thần học tự nhiên nhận biết Thượng Đế từ thế giới tự nhiên. Vĩ nhân đầu tiên đề xướng cách tiếp cận này là Thánh Thomas Aquinas (1225–74). Vào thế kỷ mười ba ngài đã sát nhập phương pháp lý luận của Aristotle vào tư duy Thiên Chúa Giáo và đã đề ra một số luận điểm về sự hiện hữu của Thượng Đế. Thần học tự nhiên hiện nay là một bộ phận của giáo lý Thiên Chúa Giáo La Mã nhưng lại bị một số người chống đối, họ khăng khăng cho rằng lý luận con người đã quá đồi bại do tội lỗi nên không thể suy được bất cứ điều gì về Thượng Đế, đấng chỉ có thể được nhận biết thông qua mặc khải thiêng liêng.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Nguồn ảnh: Nguyễn Hữu Dũng

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: LÝ TRÍ - REASON

Lý trí (lý tính) là một từ đa nghĩa. Đó là năng lực con người, cho phép ta suy luận logic, lý luận từ tổng quát đến cụ thể (tức suy diễn, deduction) hay từ cụ thể đến tổng quát (tức qui nạp, induction). Với một số triết gia, "lý trí" là biểu hiện của trí thức, tức nguồn kiến thức, đối lập với kinh nghiệm.

Lý trí thường được đối chiếu tương phản với cảm tính, tưởng tượng, mất trí, hay niềm tin. Vào thế kỷ mười ba, Thánh Thomas Aquinas đã nỗ lực hòa hợp niềm tin và lý trí, nhờ đó lý trí có chỗ đứng trong thần học Thiên Chúa giáo.

Vào thế kỷ mười tám, các nhà tư tưởng của thời kỳ Khai sáng đã nhấn mạnh đến tính ưu việt của lý trí, họ tìm cách thủ tiêu tệ mê tín dị đoan và lòng thiếu khoan dung, mong muốn cải tổ môi trường công theo đường hướng lý trí. Để đáp lại, phong trào Lãng mạn xuất hiện cuối thế kỷ mười tám lại chú trọng vào cảm xúc cá nhân thông qua những trải nghiệm của con người.

* Ghi chú: Người trong tranh là Newton do học giả người Anh William Blake thuộc phong trào lãng mạn phác họa. Bức tranh mô tả một người bị lý trí ám ảnh, lơ đãng với thế giới tự nhiên xung quanh - bức tranh còn phản chiếu hình ảnh Thượng Đế trong tác phẩm Đấng Thượng Cổ (trang 141) của ông.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Nguồn ảnh: http://pavlopoulos.files.wordpress.com/2011/02/william-blake-newton.jpg

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Kiến thức phổ thông: NGHỆ THUẬT - ART

Nghệ thuật không đơn thuần là hình tượng mà còn bao hàm văn học, âm nhạc, múa, và điện ảnh. Điều gì đã liên kết các hoạt động đa dạng này lại với nhau? Và liệu chúng có chức năng vượt thoát nhu cầu giải trí thuần túy, hay đó chỉ là gia vị hoan lạc nhưng phi thiết yếu cho cuộc đời?

Mọi loại hình nghệ thuật đều có cấu trúc nghiêm ngặt, từ việc sắp đặt các hình tượng trong một bức tranh cho đến những phân đoạn của một bộ phim, từ luật bằng trắc trong một bài thơ cho đến cấu trúc các chương của một bản giao hưởng. Cấu trúc nghiêm ngặt đó thể hiện một loại ngôn ngữ, một chuỗi qui ước mà cả người sáng tác lẫn khán thính giả đều quen thuộc, và trong khuôn khổ của những qui ước này người sáng tác có khả năng tác động đến tâm hồn và lý trí của khán thính giả.

Qua nhiều thế kỷ, nghệ sĩ được xem chẳng qua là nhà chế tác khéo léo, sản phẩm do họ tạo ra thường được đánh giá chủ yếu dựa vào chức năng của nó. Mặc dù thời Hy Lạp cổ đại mỹ thuật được ca ngợi bởi tự thân nó, phần lớn nghệ thuật Âu Châu thời trung cổ đều phục vụ cho mục đích tôn giáo. Các bức tranh Thánh Gia và các vị thánh tập trung vào khía cạnh đạo đức, trong khi phần lớn âm nhạc đều có chức năng phụng vụ, và những tòa nhà tinh xảo nhất đều là các thánh đường đồ sộ.

Ý kiến cho rằng tồn tại một loại hình hoạt động biệt lập của con người gọi là nghệ thuật đã bắt đầu tái hiện vào thời Phục hưng và hình thành mạnh mẽ cùng trào lưu Lãng mạn (Romantic movement). Người theo phong trào Lãng mạn giữ quan điểm cho rằng nghệ sĩ, hình ảnh một người cô đơn đứng tách biệt khỏi xã hội, có một vai trò đặc biệt. Nhờ nguồn cảm hứng, tài năng, và trăn trở mà họ đã tạo ra những công trình có khả năng chuyển hóa nhân loại.

Ngày nay, mặc dù tác động của các công trình nghệ thuật vẫn còn nguyên vẹn, ta có khuynh hướng xem nghệ sĩ là sản phẩm của những giá trị được thể hiện trong tác phẩm nghệ thuật của họ, đó là giá trị thời đại, giai cấp, và văn hóa. Đã không còn hình ảnh gần với thần linh, những vị hé mở cho ta đôi nét về thế giới vượt trên thân phận con người.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Nguồn ảnh: http://blansh.files.wordpress.com/2012/03/charlie-chaplin-on-his-70th-birthday.jpg

50 phép lịch sự cho nữ - Phép 48: Là một chủ nhà tốt

CẦN
- Đón chào khi khách đến và làm họ thấy thoải mái khi lưu lại nhà bạn.
- Dọn dẹp các vật dụng không ở tình trạng tốt và cất đi đồ quí hiếm nhưng dễ vỡ.
- Xem bản thân là một trong các vị khách.
- Dành ít phút nói chuyện với từng vị khách.
- Mời khách uống gì đó, cho dù đó là hàng xóm sát nhà.
- Nói lời tạm biệt với từng vị khách.

ĐỪNG
- Cho rằng mọi người sẽ tự giới thiệu.
- Làm khách khủng hoảng khi họ lỡ tay làm bể bát đĩa hay làm đổ nước lên bàn ghế hoặc ra sàn, vì khi lỡ tay là khách đã cảm thấy xấu hổ rồi. Nhiệm vụ của bạn là làm khách đỡ dằn vặt hơn, chứ không làm vấn đề trầm trọng thêm.
- Chỉ mời những người bạn thích, vì mục tiêu là bạn muốn làm tất cả những người bạn thích được hài lòng.
- Bao giờ ăn trước mặt khách mà không mời.
- Kể người khác nghe về tình huống dở khóc dở cười của một vị khách khi lưu lại nhà bạn.

-- Nguồn: Kay West, John Bridges, Bryan Curtis (2011) 50 điều mà mọi quí bà cần biết: Điều gì cần làm, điều gì nên nói, và cần ứng xử ra sao, Thomas Nelson.
-- Toàn bộ 50 phép lịch sự được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/50-phep-lich-su-cho-nu.html