Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Nhân liệu (Peopleware): Khái niệm trật tự hữu cơ của Alexander

NHÂN LIỆU (PEOPLEWARE): CÁC DỰ ÁN VÀ ĐỘI NGŨ HIỆU QUẢ

KHÁI NIỆM TRẬT TỰ HỮU CƠ CỦA ALEXANDER

Hãy hình dung là cơ quan của bạn sắp xây một tổ hợp công trình không gian mới. Bước thứ nhất của quá trình này là gì? Hầu như chắc chắn đó sẽ là qui hoạch tổng thể. Trong hầu hết trường hợp, đây là sai lệch đầu tiên và chết người ra khỏi tập sách Phương pháp Xây dựng Vượt Thời gian. Các không gian sống động, thú vị, và hài hòa không bao giờ được phát triển theo cách này. Qui hoạch tổng thể hình dung vẻ đồ sộ hùng vĩ, khẩu độ thép và bê tông, tiếp cận khối kết cấu và sao chép để tạo nên một tổng thể to lớn gồm những thành phần giống hệt nhau. Kết quả là sự đồng bộ và không gian khô khan, chẳng phù hợp với ai ngoại trừ bản ngã của người mà nó bày tỏ lòng tôn kính.

Hầu hết không gian doanh nghiệp nguyên khối chỉ có thể hiểu được qua giá trị biểu tượng về những giám đốc điều hành mà đã tác động để nó ra đời. Đây là dấu ấn của họ trên trời, thành quả mà họ để lại. Họ hả hê, "Hãy nhìn những công trình của tôi, thật phi thường, và tuyệt vọng!" Dĩ nhiên tuyệt vọng đúng là điều bạn có thể có được. Gian làm việc của bạn, trải dài vô tận đến chân trời, cho bạn cảm giác như một chuồng gia súc được đánh số. Dù cho đó là tòa tháp Orwell của TransAmerica ở San Francisco hay lăng mộ Đại lộ Madison của AT&T, kết quả là sự giống nhau một cách đáng buồn: một cảm giác nghẹt thở về con người đó.

Qui hoạch tổng thể là một nỗ lực áp đặt trật tự chuyên chế. Tầm nhìn đơn lẻ và vì vậy đồng bộ sẽ chi phối tổng thể. Hai nơi có cùng chức năng thì không bao giờ được khác biệt. Hiệu ứng lề của quan điểm chuyên chế là ý niệm về cơ sở vật chất cuối cùng bị đóng băng.

Thay vì qui hoạch tổng thể, Alexander đề xuất một qui hoạch linh hoạt. Đó là một triết lý qua đó cơ sở vật chất có thể tăng trưởng theo lối tiến hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng nó. Qui hoạch linh hoạt gồm ba phần:

* Một triết lý tăng trưởng từng phần

* Một tập các khuôn mẫu (hay các nguyên tắc thiết kế đã được chia sẻ) chi phối sự tăng trưởng

* Kiểm soát thiết kế có tính cục bộ bởi người sử dụng không gian đó

Theo qui hoạch linh hoạt, cơ sở vật chất tiến hóa theo những bước nhỏ để trở thành khu hay cộng đồng gồm các tòa nhà có liên hệ với nhau. Bằng cách tôn trọng những nguyên tắc thiết kế đã được chia sẻ, chúng duy trì sự hài hòa về tầm nhìn, chứ không rập khuôn. Như các làng mạc đã định hình, chúng bắt đầu có được nét quyến rũ qua tiến hóa. Đây là điều Alexander gọi là trật tự hữu cơ, được mô tả dưới đây và được thể hiện ở Hình 13-1.

Trật tự tự nhiên hay hữu cơ này hé lộ khi có sự cân bằng hoàn hảo giữa nhu cầu của những bộ phận đơn lẻ của môi trường, và nhu cầu tổng thể. Trong một môi trường hữu cơ, mỗi nơi đều có đặc trưng riêng và những nơi khác nhau đều có tính hợp tác, không phần nào bị cô lập, nhằm tạp nên một tổng thể bao trùm - một tổng thể mà mọi thành viên trong đó đều biết rõ.

Đại học Cambridge là một ví dụ hoàn hảo về trật tự hữu cơ. Một trong những đặc trưng đẹp nhất của đại học này là cách mà các trường - St. Johns, Trinity, Trinity Hall, Clare, Kings, Peterhouse, Queens - nằm giữa con đường chính của thành phố và con sông. Mỗi trường là một hệ thống các khu dân cư, mỗi trường có lối riêng nối vào đường chính, và những lối dẫn ra sông; mỗi trường có cầu nhỏ riêng bắc qua sông, và dẫn đến các đồng cỏ xa xa; mỗi trường có nhà thuyền riêng và những con đường đi dạo bờ sông. Nhưng trong khi mỗi trường lặp lại cùng một hệ thống, từng trường có đặc trưng riêng. Các khu dân cư, lối vào, nhà thuyền và đường đi bộ đều khác nhau.

-- Christopher Alexander, Thực nghiệm Oregon

Hình 13-1: Thành phố Thụy sĩ, một ví dụ về trật tự hữu cơ, không có qui hoạch tổng thể.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét