NHÂN LIỆU (PEOPLEWARE): CÁC DỰ ÁN VÀ ĐỘI NGŨ HIỆU QUẢ
NHẮM MẮT MÀ ĐO
Đo việc có thể là công cụ hữu ích để cải tiến phương pháp, khích lệ, và nâng cao niềm thỏa mãn trong công việc, nhưng hầu như nó không bao giờ được dùng cho mục đích này. Những biện pháp đo đạc có xu hướng gây nặng nề và sợ hãi.
Để khai thác hết tiềm năng của khái niệm này, nhà quản lý phải có ý thức và đủ cương quyết để thoát khoát vòng lẩn quẩn. Điều đó có nghĩa là dữ liệu trên từng cá nhân không được chuyển về bộ phận quản lý, và mọi người trong tổ chức đều biết điều đó. Dữ liệu thu thập về hiệu suất của từng cá nhân phải được dùng duy nhất cho lợi ích của cá nhân đó. Biện pháp đo là một bài tập tự đánh giá, và chỉ cho lãnh đạo biết các giá trị bình quân.
Khái niệm này khó nuốt với nhiều nhà quản lý. Họ lập luận rằng họ có thể sử dụng dữ liệu nhằm giúp một số phương diện trong công việc của họ được hiệu quả hơn (chẳng hạn đề bạt đúng người hay thậm chí sa thải đúng người). Công ty của họ phải trả tiền cho việc thu thập dữ liệu, vậy tại sao họ không được biết? Nhưng việc thu thập dữ liệu hết sức nhạy cảm về cá nhân chỉ có thể có tác dụng với sự sẵn sàng hợp tác tích cực của cá nhân đó. Nếu sơ hở biện pháp bảo mật, nếu dữ liệu được dùng để chống lại chỉ một cá nhân thôi, thì toàn bộ biện pháp thu thập dữ liệu sẽ phải ngưng tức khắc.
Cá nhân có xu hướng dùng dữ liệu giống như cách mà nhà quản lý muốn dùng. Họ sẽ cải thiện những điều họ làm chưa tốt và chuyên tâm vào các lĩnh vực mà họ đã giỏi. Trong trường hợp cực đoan, thậm chí một người có thể tự "sa thải" bản thân để không còn lệ thuộc vào những kỹ năng mà họ kém cỏi. Nhà quản lý thật sự không cần dữ liệu của từng người để có thể hưởng lợi từ đó.
(Còn tiếp)
-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét