NHÂN LIỆU (PEOPLEWARE): CÁC DỰ ÁN VÀ ĐỘI NGŨ HIỆU QUẢ
KHÔNG GIAN SÁNG TẠO
Để đáp lại các phàn nàn của nhân viên về tiếng ồn, bạn có thể hoặc xử lý triệu chứng hoặc xử lý nguyên nhân. Xử lý nguyên nhân nghĩa là quyết định cách ly dưới dạng tấm chắn ồn - tường ngăn cùng cửa ra vào - và điều này tốn tiền. Xử lý triệu chứng thì rẻ hơn nhiều. Khi mở nhạc thì tiếng ồn bị lấn át với chi phí nhỏ. Thậm chí bạn có thể tiết kiệm hơn nữa bằng cách phớt lờ hoàn toàn, lúc đó nhân viên phải dùng tai nghe để tự cách ly tiếng ồn. Nếu bạn chọn một trong hai cách này, bạn cần dự kiến là sẽ chịu một mức phạt vô hình dưới dạng hiệu suất của nhân viên: Họ sẽ bớt sáng tạo.
Trong những năm 1960, các nhà nghiên cứu tại Đại học Cornell đã tiến hành một loạt các kiểm tra về tác động của âm nhạc lên công việc. Họ tập hợp sinh viên ngành khoa học máy tính rồi chia thành hai nhóm, nhóm thích nhạc nền trong lúc làm việc (học tập) và nhóm không thích. Sau đó họ cho phân nửa của mỗi nhóm vào một phòng yên tĩnh, và nửa còn lại vào một phòng khác có trang bị tai nghe và được chọn nhạc. Các thành viên ở cả hai phòng được yêu cầu lập trình một vấn đề đã mô tả sẵn. Không nghi ngờ gì, mọi thành viên ở cả hai phòng đều giải chính xác với cùng thời gian. Mọi trẻ em làm bài tập toán ở nhà trong lúc nghe nhạc đều biết rằng phần não giải toán số học và logic sẽ không bị âm nhạc làm phiền - một bộ phận khác trong não sẽ thưởng thức nhạc.
Tuy nhiên thực nghiệm Cornell ẩn chứa một chi tiết. Bài toán yêu cầu luồng kết quả được tính toán từ một loạt các phép biến đổi trên luồng dữ liệu nhập. Chẳng hạn, các thành viên phải dịch chuyển hai chữ số về bên trái rồi chia cho 100 và v.v..., tổng cộng có khoảng mười thao tác như thế. Mặc dù đề bài không nói ra, sau khi áp dụng mọi thao tác thì kết quả sẽ trùng với dữ liệu nhập ban đầu. Một số thành viên phát hiện được điều này còn các thành viên khác thì không. Trong số thành viên phát hiện được, phần lớn thuộc phòng yên tĩnh.
Nhiều công việc hàng ngày do chuyên viên tiến hành đều do trung tâm xử lý tuần tự thuộc não trái thực hiện. Âm nhạc sẽ không đặc biệt làm phiền loại công việc này, vì não phải sẽ thưởng thức âm nhạc. Nhưng không phải mọi công việc đều dồn về não trái. Có những đột phá bất ngờ khiến bạn phải thốt lên "À ha!" và đưa bạn đi tắt, có thể tiết kiệm hàng tháng hay hàng năm làm việc. Đột phá sáng tạo đó thuộc chức năng của não phải. Nếu não phải bận thưởng thức âm nhạc, thì cơ hội đột phá sáng tạo sẽ mất.
Thiệt hại về sáng tạo do môi trường gây ra có tính âm ỉ. Vì sáng tạo là thứ đôi khi có tính đại khái, ta thường không để ý khi có ít sáng tạo. Con người thì không bị giới hạn về tư duy sáng tạo. Tác động của sự sút giảm sáng tạo sẽ tích lũy trong thời gian dài. Tổ chức trở nên kém hiệu quả, nhân viên ráng làm cho xong việc mà không có niềm vui, và người giỏi nhất sẽ ra đi.
(Còn tiếp)
-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét