TƯƠNG NHƯỢNG: ĐƯỜNG BIÊN KHẢ NĂNG SẢN XUẤT
TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Cuối cùng, đường biên khả năng sản xuất giúp ta hiểu ý nghĩa của tăng trưởng kinh tế (economic growth). Khái niệm tăng trưởng kinh tế đã được giới thiệu ở Chương 1, định nghĩa là khả năng tăng trưởng của nền kinh tế để sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Nhưng có thật sự chính đáng không khi ta nói rằng nền kinh tế đã tăng trưởng theo thời gian? Suy cho cùng, mặc dù nền kinh tế Hoa Kỳ sản xuất nhiều thứ hơn cách đây một thế kỷ, nó sản xuất ít hơn những thứ khác - chẳng hạn xe ngựa kéo. Nói cách khác, việc sản xuất của nhiều hàng hóa thực sự giảm. Vậy làm thế nào ta có thể nói rằng nền kinh tế trên tổng thể đã tăng trưởng?
Câu trả lời được minh họa ở Hình 2-3, ở đó vẽ ra hai đường biên khả năng sản xuất giả định của nền kinh tế. Trong đó ta giả định một lần nữa rằng mọi người trong nền kinh tế đều làm việc cho Boeing và tất nhiên nền kinh tế này chỉ sản xuất hai sản phẩm là Dreamliners và máy bay nhỏ. Hãy để ý cách mà hai đường cong lồng nhau, một đường được gán nhãn là "Original PPF", tức "PPF ban đầu", nằm hoàn toàn bên trong đường được gán nhãn là "New PPF", tức "PPF mới". Giờ đây về đồ họa ta có thể thấy được ý nghĩa của tăng trưởng kinh tế: tăng trưởng nghĩa là mở rộng khả năng sản xuất của nền kinh tế; tức nền kinh tế có thể sản xuất mọi thứ nhiều hơn. Chẳng hạn, nếu ban đầu nền kinh tế sản xuất tại điểm A (25 Dreamliners và 20 máy bay nhỏ), tăng trưởng kinh tế nghĩa là nền kinh tế đã có thể chuyển đến điểm E (30 Dreamliners và 25 máy bay nhỏ). E nằm ngoài đường biên ban đầu; vì vậy trong mô hình đường biên khả năng sản xuất, tăng trưởng được thể hiện là sự dịch chuyển ra ngoài đườn biên.
Điều gì có thể khiến đường biên khả năng sản xuất dịch chuyển ra ngoài? Về cơ bản có hai nguồn tăng trưởng kinh tế. Nguồn thứ nhất là sự gia tăng các nhân tố sản xuất (factor of production) của nền kinh tế. Nhà kinh tế thường dùng thuật ngữ nhân tố sản xuất để ám chỉ một tài nguyên mà không được dùng đến cạn kiệt trong sản xuất. Chẳng hạn, trong sản xuất máy bay truyền thống công nhân đã dùng máy tán đinh để nối các tấm thép khi sản xuất thân máy bay; công nhân và máy tán đinh là những nhân tố sản xuất, nhưng đinh tán và tấm thép thì không. Một khi thân máy bay được tạo ra, công nhân và máy tán đinh có thể được dùng để sản xuất một thân máy bay khác, nhưng tấm thép và đinh tán được dùng để sản xuất một thân máy bay rồi thì không thể được dùng để sản xuất một thân máy bay khác.
Nói chung, các nhân tố sản xuất chính là các tài nguyên - gồm đất đai, sức lao động, vốn vật lý, và vốn con người. Đất đai là tài nguyên được thiên nhiên cung ứng; sức lao động là đội ngũ công nhân trong nền kinh tế; vốn vật lý là các tài nguyên nhân tạo chẳng hạn máy móc và nhà xưởng; vốn con người là những thành quả giáo dục và kỹ năng của lực lượng lao động nhằm gia tăng năng suất. Dĩ nhiên, từng thứ này là một loại thay vì một nhân tố đơn nhất: đất ở North Dakota thì khác xa với đất ở Florida.
Để thấy làm thế nào mà việc bổ sung các nhân tố sản xuất đưa đến tăng trưởng kinh tế, giả sử rằng Boeing xây dựng thêm một nhà chứa để cho phép họ gia tăng số lượng máy bay - máy bay nhỏ hay Dreamliners hay cả hai - mà họ có thể sản xuất trong một năm. Nhà chứa mới là một nhân tố sản xuất, một tài nguyên Boeing có thể dùng để tăng sản lượng hàng năm của họ. Ta không thể nói rõ sẽ có thêm bao nhiêu máy bay mỗi loại mà Boeing sản xuất; đó là một quyết định quản lý phụ thuộc, cùng những thứ khác, vào nhu cầu khách hàng. Nhưng ta có thể nói rằng đường biên khả năng sản xuất của Boeing đã dịch chuyển ra ngoài vì giờ đây họ có thể sản xuất nhiều máy bay nhỏ hơn mà không giảm số lượng Dreamliners, hay họ có thể sản xuất nhiều Dreamliners hơn mà không giảm số lượng máy bay nhỏ.
Nguồn tăng trưởng kinh tế thứ hai là tiến bộ công nghệ (technology), tức phương tiện kỹ thuật để sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Vật liệu composite đã được dùng trong một số bộ phận máy bay trước khi Boeing phát triển Dreamliner. Nhưng các kỹ sư Boeing đã nhận ra rằng sẽ có nhiều ưu điểm nếu sản xuất toàn bộ máy bay từ composites. Máy bay sẽ nhẹ hơn, cứng cáp hơn, và có khí động lực học tốt hơn máy bay được sản xuất theo cách truyền thống. Vì thế máy bay sẽ có tầm bay xa hơn, có khả năng chuyên chở nhiều hành khách hơn, và dùng ít nhiên liệu hơn; ngoài khả năng duy trì áp lực khoang hành khách cao hơn. Vì vậy trên thực tế, đổi mới của Boeing - toàn bộ máy bay được sản xuất từ composites - là một cách làm ra nhiều hơn với nguồn tài nguyên đã cho, đẩy đường biên khả năng sản xuất ra ngoài.
Vì công nghệ máy bay cải tiến đã đẩy đường biên khả năng sản xuất ra ngoài, nó có thể khiến nền kinh tế sản xuất mọi thứ nhiều hơn, không chỉ máy bay và du lịch hàng không. Hơn 30 năm qua, các tiến bộ công nghệ to lớn nhất đã xảy ra trong công nghệ thông tin, không phải trong xây dựng và dịch vụ ăn uống. Nhưng người Mỹ đã chọn mua nhà to hơn và ăn nhiều hơn trước vì tăng trưởng kinh tế đã khiến điều đó khả thi.
Đường biên khả năng sản xuất là một mô hình nền kinh tế hết sức đơn giản. Nhưng nó dạy ta những bài học quan trọng về nền kinh tế ngoài đời. Nó cho ta cảm nhận ban đầu rõ ràng về điều gì cấu thành hiệu quả kinh tế, nó minh họa chi phí cơ hội, và nó làm rõ ý nghĩa của tăng trưởng kinh tế.
(Còn tiếp)
Hình 2-3: Tăng trưởng kinh tế
-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét