Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Hãy tu luyện thật nhiều



Thiết kế chương trình hướng đối tượng

Center of Excellence, SaigonTech


Bài đọc thêm
Hãy tu luyện thật nhiều

Jon Jagger

Tu luyện không đơn thuần là thực hiện một nhiệm vụ. Nếu bạn tự hỏi, "Tại sao mình lại làm công việc này?" và nếu bạn trả lời, "Để hoàn thành nhiệm vụ," thì đó không phải là tu luyện.

Bạn tu luyện nhằm cải thiện năng lực hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đó là vấn đề cải thiện kỹ năng và kỹ thuật. Tu luyện nghĩa là làm đi làm lại, thực hiện công việc với mục tiêu gia tăng khả năng làm chủ một hay nhiều phương diện của công việc đó. Chậm rãi, làm đi làm lại, cho đến khi đạt được trình độ tinh thông mà mình khát khao. Bạn tu luyện nhằm làm chủ công việc, chứ không phải để hoàn thành nhiệm vụ.

Mục đích chính của hoạt động phát triển để được trả thù lao là nhằm hoàn thành một sản phẩm, trong khi mục tiêu chủ yếu của tu luyện là để cải thiện hiệu suất bản thân. Chúng không giống nhau. Hãy tự hỏi, bạn mất bao lâu để phát triển sản phẩm cho một ai đó? Mất bao lâu để hoàn thiện bản thân?

Cần tu luyện bao lâu để đạt đến trình độ tinh thông?

  • Peter Norvig cho rằng "có thể 10.000 giờ...là một con số thần diệu."
  • Trong Lãnh đạo phát triển phần mềm tinh gọn (nhà xuất bản Addison-Wesley Professional), Mary Poppendieck cho rằng "các thành viên ưu tú phải mất 10.000 giờ tập trung tu luyện để có thể trở thành chuyên gia."

Trình độ tinh thông đến dần theo thời gian – chứ không đến ngay vào giờ thứ 10.000! Tuy nhiên, 10.000 giờ là nhiều lắm: vào tầm 20 giờ mỗi tuần và liên tục trong 10 năm. Với quyết tâm này, có thể bạn vẫn còn lo là mình không có tố chất để trở thành một chuyên gia. Thật sự là bạn có đấy. Sự vĩ đại chủ yếu là từ ý thức quyết tâm của bạn. Kết quả nghiên cứu trong hơn hai thập niên vừa qua cho thấy nhân tố chính để đạt đến trình độ tinh thông là thời gian tu luyện. Khả năng bẩm sinh không phải là yếu tố chủ đạo. Theo Mary Poppendieck:

Đông đảo các nhà nghiên cứu về vấn đề hiệu suất tinh thông đều nhất trí cho rằng khả năng bẩm sinh chẳng qua là điểm bắt đầu; bạn phải có khả năng tự nhiên tối thiểu để khởi đầu một môn thể thao hay một nghề nghiệp. Sau đó, bạn có tiến bộ vượt bậc hay không là nhờ làm việc chăm chỉ.

Sẽ chẳng nghĩa lý gì lắm nếu bạn tu luyện cái điều mà bạn đã tinh thông. Tu luyện tức là luyện tập điều gì mà bạn chưa giỏi. Peter Norvig giải thích:

Vấn đề then chốt [để đạt đến trình độ tinh thông] là tu luyện: không những làm đi làm lại, mà còn thách thức bản thân trước một nhiệm vụ vượt quá khả năng hiện tại của mình, gắng làm cho được, phân tích hiệu suất trong lúc làm và sau khi làm, đồng thời sửa chữa sai sót.

Và Mary Poppendieck viết:

Tu luyện không có nghĩa là làm cái điều mà bạn đã giỏi; tu luyện tức là thách thức bản thân, làm điều gì mà mình còn kém. Vì vậy tu luyện không nhất thiết phải là điều gì đó thú vị.

Tu luyện là học hỏi – học để thay đổi bản thân, học để thay đổi hành vi của mình. Chúc bạn may mắn.

Nguồn

Jagger J. (2010) Do Lots of Deliberate Practice, 97 Things Every Programmer Should Know, Henney K. (ed), O'Reilly, Sebastopol, CA.

1 nhận xét: