Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Nhân liệu (Peopleware): Nhưng bạn không thể không biết

NHÂN LIỆU (PEOPLEWARE): CÁC DỰ ÁN VÀ ĐỘI NGŨ HIỆU QUẢ

NHƯNG BẠN KHÔNG THỂ KHÔNG BIẾT

Giả sử rằng có một công cụ đo năng suất rất dễ dùng và đang áp dụng vào công việc của nhân viên bạn. Giả sử rằng các độ đo cho bạn biết rằng năng suất của bạn thuộc 5% trong số các tổ chức hàng đầu làm loại công việc đó. Bạn sẽ hài lòng. Bạn sẽ rảo qua các phòng với một nụ cười bí hiểm, cảm thấy ấm áp về nhân viên của mình: "Mình đã biết rằng họ làm việc khá tốt, nhưng đây là một tin tuyệt vời."

Ồ không. Các chuyên gia đo đạc vừa quay lại để bảo bạn rằng họ phải úp ngược đồ thị trong báo cáo lần đầu họ gửi cho bạn. Thật ra bạn đang ở đáy 5%. Ngày làm việc hôm nay của bạn sụp đổ. Bạn thấy mình suy nghĩ thế này, "Mình có thể đã biết trước điều này. Làm gì có ai nghĩ rằng có thể hoàn thành được việc gì với đội ngũ nhân viên 'gà' như thế?"

Trong trường hợp đầu bạn rất sung sướng, còn trường hợp sau thì lại chán nản. Nhưng chẳng trường hợp nào khiến bạn hết sức ngạc nhiên. Bạn không ngạc nhiên cho dù kết quả ra sao, vì bạn hoàn toàn chẳng biết năng suất của bạn là gì.

Nếu biết rằng một tổ chức khác mười lần với tổ chức khác, bạn không thể duy trì tình trạng không biết gì về vị trí của bạn. Đối thủ cạnh tranh của bạn có thể hiệu quả hơn bạn mười lần. Nếu không biết, bạn không thể khởi động việc gì để giải quyết nó. Chỉ có thị trường mới hiểu. Thị trường sẽ tự đi những bước để điều chỉnh tình thế, những bước mà sẽ không báo trước điềm gì hay cho bạn.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)

Nhân liệu (Peopleware): Định luật Gilb

NHÂN LIỆU (PEOPLEWARE): CÁC DỰ ÁN VÀ ĐỘI NGŨ HIỆU QUẢ

ĐỊNH LUẬT GILB

------------------------------
Ở Hội nghị Kỹ thuật Phần mềm tại London vào một năm nọ, tôi ngồi cả buổi chiều với Tom Gilb, tác giả cuốn Độ đo Phần mềm và hàng chục bài xuất bản trong các tạp chí khoa học về độ đo trong quá trình phát triển. Tôi đã tìm ra cách khiến anh sôi nổi hẳn lên, đó là cho rằng điều gì mà bạn cần biết sẽ "không thể đo được." Anh cảm thấy khó chịu với ý tưởng đó. Anh dành thời gian trao đổi với tôi về điều mà anh xem đó là chân lý căn bản về tính đo được. Ý tưởng đó thông thái và ấn tượng đến nỗi tôi lập tức chép nguyên văn vào sổ tay với tiêu đề Định luật Gilb:

Điều gì bạn cần định lượng đều có thể được đo theo một cách tốt hơn là không đo gì cả.

Định luật Gilb không hứa với bạn rằng việc đo sẽ không tốn kém hoặc có chi phí thấp, nó cũng không hoàn hảo - nó chỉ tốt hơn là không làm gì cả.

--TDM
------------------------------

Dĩ nhiên ta có thể đo năng suất. Nếu bạn triệu tập một số nhân viên cùng làm một công việc hay tương tự và cho họ một ngày để tìm ra một biện pháp đo hợp lý, họ sẽ tìm được kết quả mà sẽ tuân theo Định luật Gilb. Sau này số liệu mà họ phát sinh sẽ cho họ một cách cải thiện hiệu suất của mình và cách học các phương pháp của người khác, khi kết hợp với bộ phận chất lượng và cơ chế phản biện qua lại nào đó. Giá trị trung bình tính toán trên nhóm sẽ cho nhà quản lý một chỉ số tin cậy về tác động của những tham số đó nhằm cải thiện môi trường làm việc.

Trong lĩnh vực mà chúng tôi biết rõ nhất, đó là xây dựng phần mềm, có nhiều biện pháp khả thi để đo năng suất. Thậm chí có các dịch vụ giúp bạn đánh giá năng suất và cho bạn biết bạn đang đứng ở đâu trong ngành công nghiệp. Tổ chức nào không thể đánh giá năng suất của mình thì có nghĩa rằng họ đã chưa cố gắng đúng mức.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Nhân liệu (Peopleware): Độ đo năng suất và đĩa bay

NHÂN LIỆU (PEOPLEWARE): CÁC DỰ ÁN VÀ ĐỘI NGŨ HIỆU QUẢ

GIẢI LAO: ĐỘ ĐO NĂNG SUẤT VÀ ĐĨA BAY

Giải lao là phần lạc đề kỳ cục được chèn vào giữa các trang của một công trình nghiêm túc (ồ vâng, của một công trình khá nghiêm túc).

Tại sao ta không thể đo năng suất ở những công sở tốt và tệ rồi xác định mối quan hệ giữa môi trường và hiệu quả nhân viên? Cách làm đó chắc chắn phù hợp với dây chuyền lắp ráp, nhưng khi công việc có bản chất trí tuệ hơn thì không chắc như vậy. Độ đo năng suất làm việc trí óc bị mang tiếng là một khoa học không chính xác. Trong tâm trí của một số người, nó chỉ khá hơn việc nghiên cứu đĩa bay một tí.

Ta dễ dàng thiết kế một thực nghiệm để kiểm tra tác động của công sở lên năng suất:

* Đo lượng công việc hoàn thành ở công sở mới.
* Đo chi phí thực hiện công việc đó.
* So sánh khối lượng và chi phí ở nơi mới với nơi cũ.

Thiết kế thì dễ, thực thi thì khó hơn: Chẳng hạn, làm thế nào bạn đánh giá được khối lượng công việc trong một nghiên cứu thị trường, một thiết kế mạch mới, hay việc phát triển một chính sách cho vay mới? Có thể có các tiêu chuẩn mới ra nào đó (chẳng hạn những tiêu chuẩn trong công nghiệp phần mềm), nhưng chắc chắn các tiêu chuẩn này đòi hỏi phải thu thập nhiều dữ liệu nội bộ và phải có kỹ năng cao. Hầu hết các tổ chức thậm chí không muốn đo lường công việc trí óc. Họ cũng không hiệu quả trong việc xác định chi phí.

Có thể có những thống kê về số giờ dùng để giải quyết một vấn đề bên trong tổ chức, nhưng chẳng có chỉ số nào xác định được chất lượng của số giờ này (ta sẽ bàn nhiều hơn ở Chương 10, "Thời gian động não so với thời gian có mặt"). Và thậm chí khi tổ chức có thể đo được khối lượng và chi phí ở công sở mới, họ lại không có số liệu ở công sở cũ để so sánh. Các nhà quản lý có thể phải chau mày trước vấn đề này, và kết luận rằng họ không thể xác định được sự khác biệt. Nhưng thật ra thì không tệ đến thế.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)

Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Kiến thức phổ thông: Ác - Evil

Ác đức là tạo ra đau khổ khi con người hành động sai về mặt đạo đức. Trái lại, "ác tự nhiên" tạo ra những thứ như bệnh tật và thảm họa thiên nhiên. Trong thần học, ác được xem là một thể trừu tượng nhưng có thực, được nhân cách hóa là ma quỉ; đó là nguồn gốc cám dỗ điều ác, con người, và hành động. Từ khi ra đời, bản chất của con người là tội lỗi. Từ lâu câu hỏi tại sao Thượng Đế toàn năng và nhân từ lại cho phép cái ác tồn tại đã gây khó khăn cho các nhà thần học.

Các triết gia đạo đức quan tâm nhiều hơn đến các câu hỏi liên quan đến cái gì có thể được xem là ác. Chẳng hạn, phải chăng những hành động nào đó (như giết người) thì luôn sai trái, bất chấp lý do tốt (chẳng hạn triệt hạ chủ nghĩa quốc xã)? Nói cách khác, liệu cứu cánh có thể biện minh cho phương tiện? Tương tự, nếu ai đó muốn làm điều tốt và trong khi làm đã vô tình phạm phải điều ác, vậy bản thân họ có ác không?


-- Hình: William Blake đã phác họa hành động quỉ Satan gây đau khổ cùng cực cho Job để kiểm chứng đức tin của ông. http://fantasticvisions.net/wp-content/blogs.dir/1/files/william-blake/n03340_10.jpg
-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Nhân liệu (Peopleware): Lẩn trốn

NHÂN LIỆU (PEOPLEWARE): CÁC DỰ ÁN VÀ ĐỘI NGŨ HIỆU QUẢ

LẨN TRỐN

Khi môi trường làm việc trở nên mệt mỏi, nhân viên sẽ tìm cách lẩn trốn. Họ đăng ký làm việc trong phòng hội thảo hay vào thư viện hay ra ngoài uống nước rồi không quay lại. Không, họ không lén lút hẹn hò lãng mạn hay mưu đồ đảo chính; họ lẩn trốn để làm việc. Điều mừng ở đây là nhân viên của bạn thật sự cần cảm giác hoàn thành công việc. Họ sẽ nỗ lực tối đa để điều đó diễn ra. Khi tiếng ồn xuất hiện, họ sẽ tìm bất kỳ nơi nào có thể làm việc được.

--------------------------------------------------
Trong những năm học ở Đại học Brown, mẹo để vượt qua học kỳ căng thẳng khi đến hạn nộp bài là tìm một nơi yên tĩnh để làm việc. Ở Brown, chúng tôi có hệ thống các phòng làm việc cá nhân trong các tầng thư viện. Gián đoạn duy nhất chấp nhận được là khi có tín hiệu báo cháy, và đó phải là báo cháy thật. Chúng tôi là chuyên gia tìm ra những phòng mà không ai nghĩ rằng có thể tìm thấy chúng tôi ở đó. Các phòng ở tầng năm của Thư viện Sinh học là nơi ưa thích của tôi, nhưng một người bạn thậm chí còn đến làm việc trong hầm mộ nằm dưới Thư viện Hoa Kỳ - chính xác là hầm mộ, nơi chứa vật dụng của người phụ nữ đã tài trợ xây dựng tòa nhà này. Ở đó rất mát mẻ, được lát đá hoa cương, và như bạn tôi cho biết, ở đó rất rất yên tĩnh.
--TRL
--------------------------------------------------

Nếu bạn ghé mắt vào một phòng họp, bạn có thể thấy ba người làm việc trong yên lặng. Nếu bạn rảo ra quán nước vào giữa giờ chiều, có thể bạn thấy các đồng nghiệp đang ngồi tại bàn, với công việc dàn ra trước mặt họ. Một số nhân viên không thể tìm thấy đâu. Họ đang lẩn trốn để hoàn thành công việc. Nếu đây là hiện tượng trong tổ chức của bạn, đó chính là bản cáo trạng. Việc tiết kiệm chi phí không gian làm việc có thể đang buộc bạn phải trả giá bằng vận may.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Kinh tế học căn bản: So sánh toàn cầu: Trả nhiều, bơm ít

KINH TẾ HỌC CĂN BẢN

CHƯƠNG 3: CUNG VÀ CẦU (TIẾP THEO)

SO SÁNH TOÀN CẦU: TRẢ NHIỀU, BƠM ÍT

Để minh họa trong thực tế về luật cầu, hãy xét sự thay đổi về tiêu thụ xăng theo giá mà người tiêu thụ phải trả tại trạm xăng. Do thuế cao, xăng dầu ở hầu hết các nước Âu châu có giá hơn gấp đôi ở Mỹ. Theo luật cầu, điều này sẽ khiến dân Âu châu mua xăng ít hơn dân Mỹ - và nó đã xảy ra. Như có thể thấy trên hình, dân Âu châu tiêu thụ xăng ít hơn phân nửa do với dân Mỹ, chủ yếu là do họ lái xe nhỏ hơn và đi quãng đường ngắn hơn.

 Giá không phải là nhân tố duy nhất ảnh hưởng đến việc tiêu thụ xăng, nhưng rất có thể đó là nguyên nhân chính của sự khác biệt về tiêu thụ xăng trên từng đầu người giữa Âu châu và Mỹ.

(Còn tiếp)


-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Kiến thức phổ thông: Nhân quyền - Human Rights

Nhân quyền khác với dân quyền. Nhân quyền được xem là "tự nhiên" và phổ quát, còn dân quyền - phần nào trùng lặp với nhân quyền - phụ thuộc từng quốc gia và được luật pháp bảo vệ. Nhân quyền còn bao gồm quyền kinh tế, xã hội, và văn hóa, chẳng hạn quyền được tuyển dụng, chăm sóc y tế, và giáo dục, mà nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp.

Trong thời Trung Cổ, nhà thần học St. Thomas Aquinas cho rằng luật thế tục của nhà nước phải đối chiếu với "luật tự nhiên," dựa trên các nguyên tắc Thiên Chúa giáo. Thời Khai sáng thuộc thế kỷ mười bảy và mười tám, các triết gia tìm cách phát triển ý tưởng về luật tự nhiên và quyền tự nhiên dựa trên lý luận, thay vì thiên khải. Tư tưởng đó ảnh hưởng đến những nhà cách mạng Hoa Kỳ cũng như Pháp, và được đưa vào, chẳng hạn, Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa kỳ.

Ý tưởng cho rằng nhân quyền cần có tính phổ quát xuất hiện một cách chậm chạp, khởi đầu bằng phong trào chống chế độ nô lệ vào cuối thế kỷ mười tám. Từ giữa thế kỷ mười chín, người theo chủ nghĩa nhân đạo ngày càng quan tâm đến số phận của thường dân cũng như người lính trong thời chiến, đưa đến Hiệp định Geneva, gồm một loạt những thỏa ước giữa 1864 và 1949 ảnh hưởng đến việc đối xử nhân đạo với người không tham gia chiến tranh, người lính bị thương, và tù nhân chiến tranh.

Năm 1948, trước sự tàn bạo của Thế Chiến Hai, Liên Hiệp Quốc công bố Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, mặc dù Liên Hiệp Quốc thường không có ý nguyện cũng như quyền lực áp đặt. Các thỏa thuận cấp vùng, chẳng hạn Công ước Âu châu về Nhân quyền được phác thảo năm 1950, đã tỏ ra hiệu quả hơn; trong trường hợp này, bất kỳ cá nhân nào tin rằng quyền của họ đã bị vi phạm bởi một quốc gia ký vào công ước có thể đưa trường hợp của họ ra Tòa án Nhân quyền Âu châu, vốn có quyền đảo ngược phán quyết của tòa án quốc gia.


-- Hình: http://jacoglaw.com/wp-content/uploads/2011/11/criminal-lawyers.jpg
-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Nhân liệu (Peopleware): Một phát hiện có giá trị như giải Nobel

NHÂN LIỆU (PEOPLEWARE): CÁC DỰ ÁN VÀ ĐỘI NGŨ HIỆU QUẢ

MỘT PHÁT HIỆN CÓ GIÁ TRỊ NHƯ GIẢI NOBEL

Một số ngày người ta thông suốt hơn những ngày khác. Đối với chúng tôi, ngày thông suốt đáng nhớ là ngày 03/02/1984, khi chúng tôi bắt đầu thấy được mối quan hệ đặc biệt giữa mật độ nhân viên và không gian dành cho mỗi người. Khi cái này tăng thì cái kia dường như giảm! Là nhà nghiên cứu cẩn thận, ngay lập tức chúng tôi ghi nhận lại xu hướng này. Trong một nghiên cứu gồm 32.346 công ty, chúng tôi có thể khẳng định đã có mối quan hệ nghịch gần như hoàn hảo giữa hai yếu tố này (Hình 9-2).

Hãy tưởng tượng sự kích động của chúng tôi khi dữ liệu được thu thập. Chúng tôi đã cảm nhận được phần nào nỗi xúc động khi Ohm phát hiện ra định luật của ông. Đây thật sự là thành quả để trao giải Nobel. Hãy nhớ rằng bạn thấy điều này đầu tiên ở đây: Mật độ nhân viên tỉ lệ nghịch với không gian dành cho mỗi người.

Nếu bạn không hiểu tại sao điều này lại quan trọng, đó là vì bạn chưa nghĩ về tiếng ồn. Tiếng ồn tỉ lệ thuận với mật độ, vì vậy việc giảm phân nửa khoảng không dành cho mỗi người có thể tăng gấp đôi tiếng ồn. Thậm chí nếu bạn có thể chứng minh được rằng một lập trình viên có thể làm việc trong diện tích 9 mét vuông mà không thấy phiền toái, bạn vẫn không thể kết luận rằng 9 mét vuông là diện tích phù hợp. Tiếng ồn trong những ô 9 mét vuông sẽ tăng gấp ba so với tiếng ồn trong ô 30 mét vuông. Điều đó nghĩa là có sự khác biệt giữa bệnh dịch về lỗi sản phầm và trường hợp không bị mắc lỗi gì cả.

(Còn tiếp)


-- Hình 9-2: Hiệu ứng DeMarco/Lister
-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Kinh tế học căn bản: Biểu cầu và đường cong cầu

CHƯƠNG 3: CUNG VÀ CẦU (TIẾP THEO)

BIỂU CẦU VÀ ĐƯỜNG CONG CẦU

Biểu cầu (demand schedule) là bảng chỉ ra lượng hàng hóa hay dịch vụ người tiêu dùng muốn mua tại các giá khác nhau. Ở bên phải Hình 3-1, một biểu cầu giả định cho bông được đưa ra. Giả định là vì đó không phải là số liệu thực về nhu cầu bông trên thế giới và nó giả sử rằng mọi loại bông đều có chất lượng như nhau.

Theo số liệu trong bảng, nếu một pound bông giá $1, người tiêu dùng trên thế giới sẽ muốn mua 10 tỉ pounds bông một năm. Nếu giá là $1,25 mỗi pound, họ chị muốn mua 8,9 tỉ pounds; nếu giá chỉ bằng $0,75 mỗi pound, họ sẽ muốn mua 11,5 tỉ pounds; ... Giá càng cao người tiêu dùng sẽ muốn mua ít hơn. Như vậy, khi giá tăng, lượng cầu (quantity demanded) về bông - tức lượng thực sự mà người tiêu dùng muốn mua với giá nào đó - sẽ giảm.

Đồ thị ở Hình 3-1 là một biểu diễn thị giác về thông tin trong bảng. (Bạn có thể muốn xem lại phần thảo luận về đồ thị trong kinh tế học ở phụ lục Chương 2.) Trục tung cho biết giá một pound bông và trục hoành cho biết lượng bông theo đơn vị pound. Mỗi điểm trên đồ thị ứng với một dòng trong bảng. Đường cong nối các điểm này là đường cong cầu (demand curve). Đường cong cầu là một biểu diễn đồ thị của biểu cầu, một cách biểu thị mỗi quan hệ giữa lượng cầu và giá cả.

Để ý rằng đường cong cầu ở Hình 3-1 có độ dốc đi xuống. Điều này phản ánh ý kiến chung cho rằng giá càng cao thì lượng cầu càng giảm. Chẳng hạn, nhà sản xuất quần jean biết rằng họ sẽ bán ít hơn nếu giá tăng cao. Tương tự, người nào mua quần jean khi có giá khá thấp sẽ chuyển sang sợi tổng hợp hay vải lanh khi giá quần jean khá cao. Như vậy, trong thực tế, đường cong cầu hầu như lúc nào cũng có độ dốc đi xuống. (Rất hiếm xảy ra ngoại lệ nên ta có thể bỏ qua.) Nói chung, ý kiến cho rằng giá một hàng hóa càng cao, trong khi những thứ khác giữ nguyên, khiến người dân có nhu cầu hàng hóa đó ít hơn, chắc chắn đến nỗi nhà kinh tế gọi đó là "luật" - luật cầu (law of demand).

(Còn tiếp)


-- Hình 3-1: Biểu cầu và đường cong cầu
-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Kiến thức phổ thông: Tốt - Good

Cách dùng ngôn ngữ thường làm ta hiểu lầm. Một trường hợp điển hình là từ tốt, được ta dùng theo nhiều cách khác nhau. Thông dụng nhất, nó được dùng là một tính từ. Ta nói "người tốt", "việc làm tốt", "phim hay", "xe tốt", ... Bề ngoài, điều này thể hiện chất lượng nào đó, "chất lượng tốt", mà mọi thứ ta cho là "tốt".

Nhưng rõ ràng là những thứ này chẳng có thuộc tính quan trọng nào chung. Khi nói một người hay một hành động là tốt, ta đang đánh giá khía cạnh đạo đức; khi nói một bộ phim là hay, ta đang đánh giá khía cạnh thẩm mỹ; và khi nói một chiếc xe là tốt, ta đang ca ngợi các khía cạnh như chức năng, sự thoải mái, và tính kinh tế. Tuy nhiên, những thứ này có thể có chung thuộc tính bên ngoài, nghĩa là theo cách này hay cách khác, chúng thỏa mãn mối quan tâm nào đó của con người. Một số triết gia phê phán việc dùng từ tốt để ám chỉ bất kỳ thuộc tính nào chỉ nhằm thể hiện sự chấp nhận của ta.

Trong đàm luận triết học, tốt còn được dùng là một danh từ, và các triết gia thường phân biệt giữa "cái tốt bên trong" hay "cái tốt tự thân", và "cái tốt bên ngoài." Aristotle đưa ví dụ về sức khỏe để minh họa cái tốt bên trong, tức điều được theo đuổi vì bản thân nó, và tiền bạc là một minh họa về cái tốt bên ngoài, tức điều được theo đuổi vì kết quả của nó.

Một số triết gia và nhà thần học đề cập đến "cái tốt nhất."  Plato hiểu cái tốt là Dạng thức cao nhất trong các Dạng thức trừu tượng và phi vật chất, trong khi Aristotle xem cái tốt nhất cho con người là việc thực thi các đức hạnh, nhờ đó con người có thể đạt đến cuộc sống tốt đẹp hay hạnh phúc.

Các nhà tư tưởng khác hiểu cái tốt nhất theo nhiều nghĩa khác nhau, chẳng hạn vâng theo ý Thượng Đế, hay tình yêu, hay hạnh phúc, hay thỏa mãn, hay hòa hợp với người khác và với thiên nhiên.


-- Hình: http://www.school-psychology.com.au/wp-content/uploads/2008/09/kids_world.jpg
-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông

Kinh tế học căn bản: Đường cong cầu

CHƯƠNG 3: CUNG VÀ CẦU (TIẾP THEO)

ĐƯỜNG CONG CẦU

Một năm người tiêu dùng trên toàn thế giới muốn mua bao nhiêu bông dưới dạng quần jean xanh? Thoạt tiên bạn có thể nghĩ rằng ta có thể trả lời câu hỏi này bằng cách nhìn vào số lượng quần jean bán ra mỗi ngày trên toàn thế giới, nhân số đó với lượng bông dùng để may quần jean, rồi nhân với 365. Nhưng điều đó không đủ trả lời câu hỏi, vì số quần jean - nói cách khác là lượng bông - mà người tiêu dùng muốn mua sẽ phụ thuộc vào giá bông.

Khi giá bông tăng, như trường hợp của năm 2010, một số người phản ứng lại với giá cao trên quần áo làm từ bông bằng cách mua ít hơn, hay có lẽ chuyển hoàn toàn sang quần áo làm từ chất liệu khác, chẳng hạn sợi tổng hợp hay vải lanh. Nói chung, số lượng quần áo bông, hay bất kỳ hàng hóa hoặc dịch vụ nào mà dân muốn mua, đều phụ thuộc giá. Giá càng cao, càng ít người muốn mua hàng hóa hay dịch vụ đó; nói cách khác, giá càng hạ, càng nhiều người muốn mua.

Vì vậy trả lời cho câu hỏi "Người tiêu dùng muốn mua bao nhiêu bông?" sẽ phụ thuộc giá bông. Nếu bạn chưa biết giá, bạn có thể bắt đầu bằng việc tạo ra một bảng  gồm lượng bông mà dân muốn mua ở một số giá khác nhau. Bảng đó được gọi là biểu cầu (demand schedule). Sau đó biểu cầu có thể được dùng để vẽ đường cong cầu (demand curve), vốn là một trong những yếu tố chính của mô hình cung cầu.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Nhân liệu (Peopleware): Chất lượng nơi làm việc và chất lượng sản phẩm

NHÂN LIỆU (PEOPLEWARE): CÁC DỰ ÁN VÀ ĐỘI NGŨ HIỆU QUẢ

CHẤT LƯỢNG NƠI LÀM VIỆC VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM

Những công ty bố trí nơi làm việc chật hẹp và ồn ào được an ủi bởi niềm tin rằng các nhân tố này không quan trọng. Họ né tránh mọi phàn nàn về tiếng ồn, chẳng hạn cho rằng nhân viên đang vận động để có được không gian rộng hơn và nhiều riêng tư hơn. Suy cho cùng, ồn ào một tí thì chẳng khác gì mấy. Đó là điều giữ nhân viên luôn tỉnh thức.

Để xem liệu thái độ trước tiếng ồn có tương quan đến công việc hay không, chúng tôi đã chia mẫu thành hai phần, gồm những người cho rằng nơi làm việc đủ yên tĩnh và những người không. Rồi chúng tôi xem số nhân viên trong từng nhóm đã hoàn thành toàn bộ bài thi mà không phạm lỗi.

Trước khi làm bài, nhân viên cho rằng nơi làm việc của họ đủ yên tĩnh, có số lượng không mắc lỗi nhiều hơn một phần ba.

Khi tiếng ồn tệ hơn, xu hướng này có vẻ mạnh hơn. Chẳng hạn, một công ty gửi năm mươi nhân viên tham gia cuộc thi có mức ồn không thể chấp nhận, cao hơn mức trung bình 22 phần trăm. Tại công ty đó, số người không phạm lỗi tỉ lệ nghịch với những người cho rằng nơi làm việc đủ yên tĩnh:

Nhân viên không phạm lỗi: 66 phần trăm cho rằng tiếng ồn có thể chấp nhận được
Nhân viên phạm từ một lỗi trở lên: 8 phần trăm cho rằng tiếng ồn có thể chấp nhận được

Nhắc lại rằng, như với các tương quan môi trường khác, chúng tôi đã hỏi người tham gia đánh giá mức ồn trong môi trường của họ trước khi làm bài.

Để ý rằng chúng tôi không thực hiện các độ đo khách quan về mức ồn. Chúng tôi đơn giản hỏi mọi người xem liệu tiếng ồn có thể chấp nhận được không. Kết quả là chúng tôi không thể phân biệt giữa người làm việc ở nơi thật sự yên tĩnh và người thích nghi tốt (không bị làm phiền) với tiếng ồn. Nhưng khi một nhân viên phàn nàn về tiếng ồn, người đó cho bạn biết rằng họ không thuộc nhóm những người may mắn hơn. Họ cho bạn biết rằng họ có thể phạm lỗi. Bạn phải chấp nhận rủi ro nếu bỏ ngoài tai thông điệp đó.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)

Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Kinh tế học căn bản: Cung và cầu: Một mô hình về thị trường cạnh tranh

KINH TẾ HỌC CĂN BẢN

CHƯƠNG 3: CUNG VÀ CẦU (TIẾP THEO)

CUNG VÀ CẦU: MỘT MÔ HÌNH VỀ THỊ TRƯỜNG CẠNH TRANH

Người bán và người mua bông tạo nên một thị trường - tứcc một nhóm nhà sản xuất và người tiêu thụ trao đổi hàng hóa hay dịch vụ để nhận tiền. Trong chương này, ta sẽ tập trung vào kiểu thị trường đặc biệt gọi là thị trường cạnh tranh. Về sơ bộ, thị trường cạnh tranh là thị trường trong đó có nhiều người bán và người mua cùng một hàng hóa hay dịch vụ. Chính xác hơn, đặc trưng chính của thị trường cạnh tranh là chẳng hành động cá nhân nào ảnh hưởng đáng kể lên giá bán của hàng hóa hay dịch vụ. Tuy nhiên, cần phải biết rằng đây không phải là mô tả chính xác của mọi thị trường.

Ví dụ, đó không phải là mô tả chính xác của thị trường nước giải khát cola. Là vì trong thị trường nước giải khát cola, Coca-Cola và Pepsi chiếm thị phần khổng lồ nên họ có thể tác động đến giá mua bán nước giải khát cola. Nhưng đây là mô tả chính xác của thị trường bông. Thị trường bông toàn cầu lớn đến nỗi thậm chí nhà sản xuất quần jeans lớn như Levi Strauss & Co. cũng chỉ chiếm một thị phần bé xíu, khiến họ không thể tác động đến giá mua bán bông.

Hơi khó để giải thích tại sao thị trường cạnh tranh không giống các thị trường khác cho đến khi ta thấy được cách vận hành của thị trường cạnh tranh. Vì vậy hãy tạm gác lại - ta sẽ trở lại vấn đề đó vào cuối chương. Còn bây giờ, cứ cho rằng ta dễ mô hình thị trường canh tranh hơn những thị trường khác. Khi làm bài kiểm tra, lúc nào cũng là chiến lược tốt nếu ta bắt đầu tập trung vào các câu hỏi dễ. Trong tập sách này, ta sẽ làm điều tương tự. Vì vậy hãy bắt đầu bằng thị trường cạnh tranh.

Khi thị trường có tính cạnh tranh, hành vi của nó được mô tả rõ bằng mô hình cung cầu. Vì nhiều thị trường có tính cạnh tranh, mô hình cung cầu là mô hình hết sức hữu ích.

Có năm yếu tố chính trong mô hình này:

* Đường cong cầu
* Đường cong cung
* Tập hợp các nhân tố khiến đường cong cầu dịch chuyển và tập hợp các nhân tố khiến đường cong cung dịch chuyển
* Cân bằng thị trường, bao gồm giá cân bằngsố lượng cân bằng
* Cách thức thay đổi của cân bằng thị trường khi đường cong cung và đường cong cầu dịch chuyển.

Để hiểu mô hình cung cầu, ta sẽ xem xét từng nhân tố một.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Kiến thức phổ thông: Công lý - Justice

Công lý là một trong những khái niệm quan trọng nhất trong đạo đức, luật pháp, và triết học chính trị kể từ thời Hy Lạp cổ đại. Trong tác phẩm Cộng hòa, Plato bác bỏ ý tưởng cho rằng công lý đơn thuần phục vụ cho lợi ích của nhà cầm quyền. Aristotle phân biệt giữa loại công lý trao cho cá nhân "cái đáng nhận" của họ, dưới hình thức thưởng phạt, và kiểu công lý nhằm đảm bảo của cải được phân bổ đồng đều.

Dạng đầu tiên là điều hệ thống luật pháp nhắm đến - mặc dù dĩ nhiên không phải mọi điều luật đều công minh. Dạng thứ hai của ông gọi chung là "công bằng xã hội," thành quả của nó phụ thuộc rất nhiều vào môi trường chính trị và gắn liền với ý tưởng về bình đẳng. Ẩn trong ý tưởng công bằng xã hội là mọi người có quyền ngang nhau, vốn được phe cánh tả kêu gọi phải phân bổ lại của cải ở một mức độ nào đó.


-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Nhân liệu (Peopleware): Chúng tôi ngăn sự chỉ trích kịch liệt này bằng cách đưa ra một số dữ kiện

NHÂN LIỆU (PEOPLEWARE): CÁC DỰ ÁN VÀ ĐỘI NGŨ HIỆU QUẢ

CHÚNG TÔI NGĂN SỰ CHỈ TRÍCH KỊCH LIỆT NÀY BẰNG CÁCH ĐƯA RA MỘT SỐ DỮ KIỆN

Trước khi vẽ ra sơ đồ bố trí phòng làm việc cho trụ sở Santa Teresa, IBM đã vi phạm mọi chuẩn công nghiệp bằng cách nghiên cứu cẩn thận thói quen làm việc của những người sẽ làm việc tại đó. Nghiên cứu này được thiết kế bởi kiến trúc sư Gerald McCue với sự hỗ trợ của những người quản lý cơ sở vật chất của IBM. Các nhà nghiên cứu đã quan sát những qui trình làm việc đang thật sự diễn ra ở không gian làm việc hiện tại đồng thời ở các mô hình thử nghiệm. Từ đó họ kết luận rằng không gian tối thiểu dành cho nhân viên sẽ làm việc ở đó như sau:

* 30 mét vuông cho mỗi nhân viên
* 9 mét vuông tại nơi làm việc cho mỗi người
* Cách âm dưới dạng văn phòng có cửa đóng hoặc gian làm việc cao 1,8m (cuối cùng họ bố trí khoảng phân nửa số nhân viên làm việc trong các phòng chứa một hay hai người và có cửa đóng)

Căn cứ để xây dựng phòng thí nghiệm mới theo các yêu cầu tối thiểu này đơn giản là vì nhân viên cần sự thông thoáng và yên tĩnh để làm việc một cách tối ưu. Việc giảm chi phí bằng cách cấp mặt bằng làm việc thấp hơn chuẩn tối thiểu sẽ dẫn đến việc giảm hiệu suất và phí tổn của nó cao hơn số tiền tiết kiệm được. Các nghiên cứu khác cũng tập trung vào những vấn đề tương tự và đi đến kết luận tương tự. Nghiên cứu của McCue chỉ khác ở một phương diện: IBM thật sự đã làm theo lời khuyên và đã xây dựng một nơi ở đó nhân viên có thể làm việc hiệu quả. (Chúng tôi dự đoán công ty này sẽ tiến xa.)

Phần còn lại so với chuẩn không gian làm việc tối thiểu của IBM thì ra sao? Hình 9-1 trình bày phân bố không gian làm việc của mỗi người, được thống kê trên những người tham dự Cuộc chơi Chiến tranh Lập trình của chúng tôi.

Chỉ 16% người tham gia có diện tích làm việc từ 30 mét vuông trở lên. Chỉ 11% người tham gia làm việc trong phòng có cửa đóng hoặc trong các gian cao từ 1,8m trở nên. Nhiều người có diện tich làm việc từ 6 đến 9 mét vuông so với nhóm có 30 mét vuông. (Với diện tích dưới 9 mét vuông, bạn đang phải cố gắng làm việc trong không gian nhỏ hơn diện tích nơi làm việc tại Santa Teresa.)

Trên toàn bộ dữ liệu mẫu của Cuộc chơi Chiến tranh Lập trình, 58% phàn nàn rằng nơi làm việc của họ không đủ yên tĩnh; 61% phàn nàn rằng không đủ mức độ riêng tư; 54% cho biết họ có chỗ làm việc tại nhà tốt hơn là chỗ làm việc trong công ty.

(Còn tiếp)

Hình 9-1: Không gian làm việc cho mỗi người.

-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Kinh tế học căn bản: Quần jean xanh ảm đạm

CHƯƠNG 3: CUNG VÀ CẦU

QUẦN JEAN XANH ẢM ĐẠM

Nếu bạn mua quần jean vào năm 2011, bạn có thể bị sốc về giá cả. Hoặc có thể không: thời trang thay đổi, và có thể nghĩ rằng bạn đang trả tiền để chạy theo thời trang. Nhưng không phải vậy - bạn đang trả tiền bông. Quần jean được làm từ vải bông chéo, một kiểu dệt bông đặc biệt, và đến cuối năm 2010, khi các nhà sản xuất quần jean mua nguyên liệu cho năm sau, giá bông cao gấp ba lần so với hai năm trước. Đến tháng 12/2010, giá một pound (bằng 0,373kg) bông đã đạt đỉnh trong 140 năm qua, so với kỷ lục năm 1870.

Tại sao giá bông quá cao như vậy? Một mặt, nhu cầu về mọi loại quần áo đều tăng đột biến. Trong năm 2008-2009, khi thế giới gặp khó khăn vì tác động của khủng hoảng tài chính, khách hàng nào lo xa liền cắt giảm việc mua sắm quần áo. Nhưng đến năm 2010, tình trạng tệ nhất rõ ràng đã qua, người mua quay lại mua sắm. Về cung ứng, các biến cố thời tiết khắc nghiệt đã đánh vào ngành sản xuất bông thế giới. Đáng kể nhất là Pakistan, nhà sản xuất bông lớn thứ tư trên thế giới, nạn lũ lụt khiến một phần năm diện tích quốc gia chìm dưới mặt nước và hầu như tàn phá toàn bộ cánh đồng trồng bông.

Lo khách hàng khó chấp nhận giá tăng quá cao với quần áo làm từ vải bông, các nhà sản xuất quần áo bắt đầu tìm cách giảm chi phí sao cho không ảnh hưởng đến cảm nhận thời trang của người tiêu dùng. Họ tiến hành những thay đổi như dùng nút nhỏ hơn, dùng vải lót rẻ hơn, và - đúng vậy - dùng sợi nhân tạo, với hy vọng người tiêu dùng muốn trả nhiều hơn cho hàng làm từ vải bông. Thật vậy, một số chuyên gia về thị trường bông đã khuyến cáo rằng tình trạng giá bông quá cao vào năm 2010-2011 có thể đưa đến việc thay đổi vĩnh viễn thị hiếu mặc quần áo từ vải tổng hợp cho dù giá bông có giảm.

Đồng thời, đó không phải là tin quá tệ với người hoạt động trong thị trường bông. Ở Hoa Kỳ, nhà sản xuất bông không bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu thích thú với tình hình cao giá. Nông dân Mỹ đã phản ứng với trình trạng giá bông trên trời bằng cách tăng mạnh diện tích trồng bông. Tuy nhiên, điều này không thể giúp giảm giá tức thì.

Đợi một phút: làm thế nào mà nạn lụt ở Pakistan lại khiến tăng giá quần jean và khiến áo sơ mi chứa nhiều sợi nhân tạo hơn? Đó là vấn đề cung cầu - nhưng điều đó nghĩa là gì? Nhiều người thường dùng "cung cầu" để ám chỉ "quy luật thị trường trong thực tế." Tuy nhiên, với nhà kinh tế, khái niệm cung cầu có ý nghĩa rõ ràng: đó là mô hình ứng xử của thị trường, nó đặc biệt hữu ích trong việc hiểu biết nhiều - nếu không phải là tất cả - thị trường.

Ở chương này, ta sẽ đề cập các thành phần tạo nên mô hình cung cầu, kết hợp chúng với nhau, và chỉ ra cách dùng mô hình này để hiểu cách ứng xử của nhiều - nếu không phải là tất cả - thị trường.

(Còn tiếp)


-- Hình: Làm thế nào cây bông bị lũ tàn phá ở Pakistan lại nâng giá quần jean xanh và làm áo sơ mi chứa nhiều sợi nhân tạo hơn?
-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Kiến thức phổ thông: Đạo đức - Morality

Khái niệm "đạo đức" biểu thị hệ thống các niềm tin về điều tốt và điều xấu. Đạo đức còn biểu thị sự tuân thủ các quy chuẩn về phẩm hạnh đạo đức. Cố ý coi thường các tiêu chuẩn đó được gọi là "trái đạo", trong khi những người không tuân thủ các tiêu chuẩn đó vì ngu dốt, hay vì không phân biệt được đúng/sai, được gọi là "thiếu ý thức đạo đức."

Đạo đức giả định một cộng đồng gồm những người cùng chịu trách nhiệm về các hành động của nhau và có một tập hợp giá trị cùng chia sẻ. Trong nhiều văn hóa, các nguyên tắc đạo đức được xem là điều răn thiêng liêng, và vì thế đạo đức bao hàm cả việc vâng lời bề trên. Luật thường được xem là phương tiện thực thi đạo đức, mặc dù không phải lúc nào cũng đạt đồng thuận rằng các điều luật đó là chính đáng. Quan điểm về đạo đức có khác biệt giữa các cộng đồng xã hội, mặc dù chẳng hạn một số người khẳng định rằng nhân quyền phổ quát thì vượt trên khác biệt văn hóa.


-- Hình: Bức tranh Công nghiệp và Lười biếng của Hogarth khuyến cáo về những hậu quả của trái đạo. http://ebooks.adelaide.edu.au/h/hogarth/william/trusler/plates/industry_07.jpg
-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Nhân liệu (Peopleware): Dịch bệnh lan tràn

Không may, nạn hờ hững vô trách nhiệm với môi trường là bình thường trong thời đại chúng ta. Ta thể hiện điều đó qua tình trạng hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, cho nên chuyện thiết kế không gian làm việc cũng vậy thôi. Trong một truyện khoa học viễn tưởng, John Brunner miêu tả nạn ô nhiễm không khí, đất đai, và nguồn nước tiếp diễn đến cuối thế kỷ tới. Cho dù nạn ô nhiễm có tệ đến đâu, hầu như không một ai phàn nàn. Giống như bầy cừu khổng lồ ung dung, cư dân trong thế giới của Brunner làm ngơ trước thực trạng, cuối cùng đến khi không còn khả năng sống sót. Chỉ như vậy thì họ mới để ý. Brunner đặt tên cho quyển sách của mình là Con Cừu Ngẩng Mặt.

Nhân viên văn phòng Hoa Kỳ chỉ ngẩng mặt một tí ti khi môi trường làm việc của họ suy biến đến mức tồi tệ. Cách đây không lâu, họ làm việc trong các văn phòng 2-3 người có vách ngăn, có cửa ra vào, và cửa sổ. (Bạn còn nhớ vách ngăn, cửa ra vào, và cửa sổ phải không?) Trong không gian đó, nhân viên được yên tĩnh làm việc và hội họp với đồng nghiệp mà không làm phiền người khác.

Như vậy, chẳng cần cảnh báo, không gian làm việc không vách ngăn giống như dịch bệnh đang lan tràn. Những người biện hộ cho kiểu bố trí mới đưa ra không ít bằng chứng cho rằng năng suất không bị ảnh hưởng. Thật sự thì không phải vậy. Độ đo năng suất là thứ phức tạp và khó nắm bắt. Nó phải được áp dụng khác nhau trong từng môi trường làm việc khác nhau. Cần phải có chuyên môn, nghiên cứu cẩn thận, và thu thập rất nhiều dữ liệu.

Người đề xuất không gian làm việc không vách ngăn đã không làm tốt công việc. Nhưng họ nói rất hay. Họ lảng tránh vấn đề năng suất có thể giảm sút bằng cách mạnh miệng tuyên bố rằng kiểu bố trí mới có thể cải thiện năng suất rất nhiều, đến 300%. Họ có nhiều bài viết, phần lớn là vô căn cứ. Họ dùng những tiêu đề rất kêu như tiêu đề của một bài trong tạp chí Quản lý Dữ liệu: "Môi trường không vách ngăn đẩy mạnh năng suất làm việc." Sau tiêu đề đó, tác giả đi thẳng vào trọng tâm vấn đề:

Các lĩnh vực xem xét cơ bản khi thiết kế văn phòng không vách ngăn trong môi trường xử lý thông tin là: khả năng phân phối điện của hệ thống, khả năng hỗ trợ máy tính và dịch vụ của nhà sản xuất cũng như thương gia.

Chấm hết. Vậy đó. Đó là tất cả "các lĩnh vực xem xét cơ bản." Không lời nào đề cập đến con người làm việc trong không gian đó.

Thiếu vắng trong bài viết đó và những bài viết tương tự là khái niệm năng suất của nhân viên. Chẳng có bằng chứng nào trong bài viết ở tạp chí Quản lý Dữ liệu liên quan đến tiêu đề. Phương pháp duy nhất mà chúng tôi từng thấy dùng để khẳng định không gian không vách ngăn cải thiện năng suất là chứng minh bằng cách liên tục tuyên truyền.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Kinh tế học căn bản: Tình huống kinh doanh: Hiệu quả, chi phí cơ hội, và logic của sản xuất tinh gọn

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

TÌNH HUỐNG KINH DOANH: HIỆU QUẢ, CHI PHÍ CƠ HỘI, VÀ LOGIC CỦA SẢN XUẤT TINH GỌN

Mùa hè và mùa thu năm 2010, nhân viên sắp xếp lại đồ đạc trong nhà máy lắp ráp cuối cùng của Boeing ở Everett, Washington, để chuẩn bị sản xuất Boeing 767. Tuy nhiên, đây là một qui trình khó và mất thời gian, vì "món đồ" nào - tức thiết bị lắp ráp của Boeing - cũng nặng cỡ 200 tấn. Nhiệm vụ cần thiết là thiết lập hệ thống sản xuất dựa trên "sản xuất tinh gọn," còn được gọi là sản xuất "đúng thời điểm". Sản xuất tinh gọn, do Toyota Motors Nhật Bản đi tiên phong, dựa trên nguyên tắc chuyển các cấu kiện đến công xưởng vào đúng thời điểm mà công xưởng cần chúng để sản xuất. Điều này sẽ giảm lượng tồn kho cũng như số công xưởng sản xuất - trong trường hợp này là giảm diện tích sàn dành cho việc sản xuất 767 đến 40%.

Boeing đã áp dụng sản xuất tinh gọn vào năm 1999 để sản xuất 737, máy bay thương mại thông dụng nhất. Đến năm 2005, sau khi tinh chỉnh liên tục, Boeing đã giảm được 50% thời gian sản xuất một máy bay và giảm gần 60% số cấu kiện tồn kho. Một đặc điểm quan trọng là dây chuyền lắp ráp di chuyển liên tục, chuyển các sản phẩm từ đội ngũ lắp ráp này sang đội ngũ tiếp theo với tiến độ nhịp nhàng, đồng thời loại bỏ tình trạng nhân viên phải di chuyển để lấy công cụ và cấu kiện cần thiết.

Các kỹ thuật sản xuất tinh gọn của Toyota đang được áp dụng rộng rãi nhất và đã cách mạng hóa quá trình sản xuất trên toàn thế giới. Nói một cách đơn giản, sản xuất tinh gọn tập trung vào vấn đề tổ chức và truyền thông. Nhân viên và cấu kiện được tổ chức để đảm bảo qui trình vận hành nhịp nhàng và kiên định, giảm thiểu tình trạng lãng phí năng lực và vật liệu. Sản xuất tinh gọn còn được thiết kế để có thể đáp ứng nhanh với những thay đổi về sản phẩm xuất xưởng - chẳng hạn, nhanh chóng sản xuất nhiều ô tô hơn và ít xe tải cỡ nhỏ hơn, theo những thay đổi về yêu cầu của khách hàng.

Các phương pháp sản xuất tinh gọn của Toyota thành công đến nỗi họ đã chuyển hóa công nghiệp ô tô toàn cầu và đe dọa nghiêm trọng đến các nhà sản xuất ô tô Hoa Kỳ, từng một thời thống trị ngành này. Cho đến những năm 1980, "Ba Ông Lớn" - Chrysler, Ford, và General Motors - đã thống trị công nghiệp ô tô Hoa Kỳ, hầu như không nhà sản xuất ô tô nước ngoài nào có thể bán được xe ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong những năm 1980, Toyota ngày càng trở nên thông dụng nhờ chất lượng cao và giá khá hạ - thông dụng đến nỗi cuối cùng Ba Ông Lớn phải thuyết phục chính phủ bảo vệ họ bằng cách hạn chế việc bán ô tô Nhật trong nước Hoa Kỳ. Theo thời gian, Toyota phản ứng bằng cách xây nhà máy lắp ráp bên trong Hoa Kỳ, đưa vào kỹ thuật sản xuất tinh gọn, từ đó lây lan ra toàn ngành sản xuất Hoa Kỳ. Tăng trưởng của Toyota tiếp tục đến năm 2008 thì bị lấn át bởi nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới là General Motors.

(Còn tiếp)


-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản