Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Trường phái Hiện đại và Hậu hiện đại - Modernism and Postmodernism

Trường phái Hiện đại là dự án nghệ thuật vĩ đại của thế kỷ hai mươi. Mục tiêu của trường phái Hiện đại, cho dù có tuyên bố hay không, là hết sức nghiêm túc - nhằm chuyển biến cách mà ta nhận thức cũng như tư duy về thế giới và về bản thân. Để làm được điều này, những qui ước cổ hủ khô khan bị phá hủy hoàn toàn để tạo một khởi đầu hoàn toàn mới, một "khởi đầu từ số không" trên đó sự táo bạo và óc tưởng tượng có thể thể nghiệm với các ý niệm nghệ thuật và thực tại mới. Kết quả là phần lớn nghệ thuật mới do người theo trường phái Hiện đại tạo ra đều thách thức và "phức tạp" có chủ đích.

Khát vọng của trường phái Hiện đại đã khuấy động mọi loại hình nghệ thuật. Trong âm nhạc, âm điệu qui ước đã bị nhiều nhà soạn nhạc phớt lờ như Schoenberg, Stravinsky, và Bartók, đồng thời xuất hiện những thể nghiệm với sắc thái, nhịp điệu, và cấu trúc mới. Trong nghệ thuật thị giác, ý tưởng cho rằng bức tranh trưng bày một "cửa sổ nhìn ra thế giới" đã đưa đến nhiều quan điểm trong trường phái Lập thể, các giá trị trừu tượng trong trường phái Hình thức, cường độ cảm xúc trong trường phái Biểu hiện, và những thám hiểm tiềm thức của trường phái Siêu thực.

Trong văn học, sự phân mảnh của cú pháp, chủ đề, và quan điểm được người theo trường phái Biểu tượng đi tiên phong đã được đẩy lên những thái cực cao hơn. Chẳng hạn bài thơ Đất hoang (1922) của T. S. Eliot chứa đựng nhiều quang cảnh, giọng nói, và hình ảnh để tạo phần nên thơ trước cảnh hoang tàn về vật chất, đạo đức, và tinh thần của Thế chiến thứ Nhất. Tiểu thuyết Ulysses (1922) của James Joyce có tính cách tân tương tự, thay thế lối tường thuật tuyến tính bằng nhiều quan điểm và "luồng ý thức" phi chọn lọc, trình bày những suy nghĩ và cảm nhận tức thời của các nhân vật.

Đến cuối thế kỷ hai mươi, các nhà bình luận bắt đầu sử dụng tính từ "Hậu hiện đại" để ám chỉ những công trình nghệ thuật nào đề ra các qui ước mới do trường phái Hiện đại thiết lập, nhưng theo cách tự qui chiếu và thường có tính châm biếm để thay thế các tham vọng to lớn của trường phái Hiện đại bằng sự tự ý thức và châm biếm, chẳng hạn được thấy trong các tiểu thuyết của Vladimir Nabokov, Kurt Vonnegut, hay Jorge Luis Borges.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://www.laimyours.com/wp-content/uploads/Palm-Springs-Modernism-Week-24.jpg

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Toàn cầu hóa - Globalization

Toàn cầu hóa bắt đầu với các cuộc thám hiểm của Âu châu vào những thế kỷ mười lăm và mười sáu, từ đó mở ra thời kỳ mới về thương mại quốc tế, di trú, và trao đổi văn hóa. Tiến trình toàn cầu hóa đã tăng tốc trong các thập niên gần đây, đặc biệt sau Chiến tranh Lạnh. Những rào cản về chính trị và thương mại đã sụp đổ, và nhiều công ty Tây phương đã chuyển các căn cứ sản xuất của họ sang những nước đang phát triển nơi có lương thấp hơn. Cách mạng về vận chuyển và liên lạc - chẳng hạn hệ thống hóa vận chuyển kiện hàng và Internet - cũng đóng vai trò quan trọng.

Toàn cầu hóa đem lại tăng trưởng kinh tế đáng kể cho các nền kinh tế "đang trỗi dậy", như Ấn Độ và Trung Quốc, đồng thời góp phần truyền bá những giá trị dân chủ Tây phương. Tuy nhiên, các nhà chỉ trích chỉ ra rằng toàn cầu hóa gia tăng tình trạng bất bình đẳng và bóc lột nhân công ở những nước đang phát triển, các nhà sản xuất địa phương bị những công ty đa quốc gia chèn ép, và tính đa dạng văn hóa bị sự đồng hóa êm dịu đe dọa mọi mặt, từ thức ăn nhanh cho đến điện ảnh và thời trang.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://budgetboxtulsa.com/wp-content/uploads/2012/08/Sales-Cargo-Worthy-Container-Ship.jpg

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Chuyên chế - Absolutism

Lúc nào cũng có những nhà cầm quyền muốn dùng quyền lực tuyệt đối, nhưng khái niệm quân chủ chuyên chế là một ý tưởng đặc biệt gắn liền với Âu châu thế kỷ mười bảy và mười tám. Trong nền quân chủ chuyên chế, quốc vương sử dụng quyền tối thượng trong phạm vi quốc gia, theo hiến pháp uy quyền của quốc vương là vô hạn. Nền quân chủ chuyên chế tìm cách hạn chế hay phủ nhận quyền của các bộ phận khác bên trong vương quốc, như giới quý tộc, Giáo hội, và hội đồng nghị viện.

Quốc vương chuyên chế tin rằng họ được Thượng Đế trao quyền, và điều này được thể hiện trong ý tưởng "quyền thiêng liêng của các vị vua". Ý tưởng này được Vua James I của Anh nêu rõ khi ông tuyên bố trước Nghị viện năm 1610: "Quân chủ là cao cả nhất trên trái đất; các vị vua không những là khâm sai của Thượng Đế trên trái đất, và ngồi trên ngai của Thượng Đế, mà còn nhân danh Thượng Đế để được gọi là các thần linh".

Những tuyên bố của James, được người con trai ngu dốt Charles I duy trì, phớt lờ quyền lực thực tế của nghị viện, cuối cùng đưa đến Nội chiến Anh và bản thân nhà vua bị hành quyết - với lý do chống lại nhân dân. Sự rối ren của nội chiến đã khiến triết gia Thomas Hobbes chủ trương chỉ có một quốc vương với quyền lực tuyệt đối mới có thể duy trì sự an bình cho người dân, nhưng quan điểm này tỏ ra không thuyết phục ở nước Anh.

Nguyên mẫu của quốc vương chuyên chế ở Âu châu là Louis XIV  của Pháp, người có câu tuyên bố nổi tiếng, "L’état, c’est moi" - "Ta là nhà nước". Trong suốt triều đại kéo dài của mình (1643–1715), Louis đã thành công trong việc làm suy yếu quyền lực của giới quý tộc và tập trung phần lớn quyền hành vào cá nhân. Các quốc vương Âu châu khác cũng cố gắng bắt chước thành công của Louis, nhưng chỉ đạt được kết quả hạn chế. Trong những thế kỷ mười tám và mười chín, các thay đổi kinh tế - đặc biệt trong thương mại quốc tế và công nghiệp hóa - đã đưa đến chuyển dịch quyền lực về giai cấp tư sản đô thị, họ gây sức ép để thành lập chính phủ lập hiến trong đó họ làm đại diện.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://share.pdfonline.com/935805df717341c08c3be80072887956/Absolutism%20Concepts%20Chart%20and%20article_images/Absolutism%20Concepts%20Chart%20and%20article19x1.jpg

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Mô hình chuẩn và Thuyết dây - The Standard Model and String Theory

Mô hình chuẩn của vật lý hạt được mô tả là "thuyết của hầu hết mọi điều". Mô hình chuẩn quan tâm đến ba trong bốn lực cơ bản của tự nhiên và dùng cơ học lượng tử để mô tả cách mà những lực này tác động đến các hạt hạ nguyên tử.

Xây dựng trên những mô hình nguyên tử trước đây, từ giữa thế kỷ hai mươi các nhà vật lý lý thuyết đã đề xuất nhiều hạt hạ nguyên tử. Những đề xuất này giải thích cho nhiều kết quả thực nghiệm, từ đó sự tồn tại của nhiều hạt giả định này đã được xác lập. Chẳng hạn, vào năm 1964 nhà vật lý Mỹ Murray Gell-Mann cho rằng các proton và neutron có mặt trong hạt nhân nguyên tử và mỗi hạt được tạo bởi ba hạt nhỏ hơn, mà ông gọi là quark. Những hạt này đã được khám phá từ đó.

Quark có một số "hương vị" và "màu sắc" và thuộc một lớp hạt cơ bản. Chúng được giữ cùng nhau nhờ lực hạt nhân mạnh, lực này bị chi phối bởi sự trao đổi giữa các hạt gọi là gluons. Các gluons là một kiểu gauge boson, tức lớp hạt cơ bản chi phối những lực cơ bản. Lực hạt nhân yếu, bao gồm các loại phóng xạ nhất định, bị chi phối bởi những W và Z bosons, trong khi lực điện từ bị chi phối bởi các quang tử (photons). Lực điện từ gây ra tương tác giữa các hạt tích điện, chẳng hạn protons và điện tử (electrons). Điện tử thuộc lớp hạt cơ bản thứ ba, tức leptons. Những leptons khác bao gồm neutrino, không tích điện và hầu như không có khối lượng.

Mô hình chuẩn không dùng lực cơ bản thứ tư, tức lực trọng trường, vốn chịu sự chi phối của thuyết tương đối tổng quát. Việc sử dụng lực này đòi hỏi sự có mặt của một gauge boson thứ tư, đó là graviton, nhưng hạt này vẫn còn nằm trong vòng giả định. Một nỗ lực hòa hợp cơ học lượng tử và thuyết tương đối rộng về một "thuyết của mọi điều" là thuyết dây, thuyết này cho rằng các điện tử và quarks là những "dây" dao động một chiều. Thuyết dây vẫn gây tranh cãi vì nó yêu cầu thêm những chiều không thể quan sát và chưa đưa ra bất kỳ dự đoán nào có thể kiểm chứng được.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://physics.dorpstraat21.nl/images/images/standard%20model.png

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Cầu nguyện và thiền định - Prayer and Meditation

Cầu nguyện là hành động cố gắng liên lạc với một hay nhiều thần linh, hoặc với những quyền lực siêu nhiên. Cầu nguyện thể hiện ở dạng này hay dạng khác trong hầu hết các tôn giáo và có thể được thực hiện đơn lẻ hay tập thể. Một số hoạt động cầu nguyện được mô tả sẵn từng chi tiết, và vì thế có tính lễ nghi cao, trong khi những hoạt động khác lại có tính cá nhân hơn. Một số hoạt động cầu nguyện cố gắng kết nối con người với đấng thiêng liêng, trong khi các hoạt động khác lại nhằm mục đích liên lạc với thần linh từ bên trong.

Cầu nguyện có thể được hỗ trợ bằng một số kỹ thuật và công cụ. Tràng hạt được dùng trong một số tôn giáo nhằm gợi nhớ những bài kinh đã định sẵn. Hình ảnh đôi khi được dùng để hướng đến sự tôn sùng hay để giúp tập trung. Trong Giáo hội Công giáo La mã hay Giáo hội Chính thống phương Đông, đây là hình ảnh của Chúa Giê-su hay các vị thánh, trong khi một số tông phái Phật giáo lại sử dụng những thiết kế hình học phức tạp gọi là mandala. Hồi giáo và hầu hết nhà thờ Tin Lành xem việc sử dụng hình ảnh trong cầu nguyện là mang tính sùng bái.

Cầu nguyện có một số chức năng. Tôn kính là ca ngợi quyền năng và các phẩm chất khác của thần linh. Cầu xin là yêu cầu cụ thể về vật chất hay tinh thần cho bản thân hoặc cho người khác. Tạ ơn là lòng biết ơn về những phước lành trong đời như thực phẩm và sức khỏe. Xưng tội là thừa nhận những lệch lạc của bản thân khỏi đường ngay lẽ phải.

Một dạng cầu nguyện hết sức đặc biệt là nhằm hợp nhất mầu nhiệm với đấng thiêng liêng. Hình thức cầu nguyện này, còn được gọi là thiền định, bao gồm các kỹ thuật như tập trung, suy niệm,và trừu tượng. Trong truyền thống Thiên Chúa giáo, hợp nhất mầu nhiệm được mô tả là trạng thái ngây ngất hay vinh phúc chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa. Có một truyền thống tương tự trong Hồi giáo, gọi là Sufism.

Trong Ấn giáo và Phật giáo, các kỹ thuật thiền định thường là yoga. Mục đích nhằm giải thoát bản thân khỏi vướng mắc vào thế giới và vì thế giải thoát khỏi khổ đau, đạt đến giác ngộ - tức giải thoát khỏi vòng sinh, tử, và tái sinh.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://www.thenegroqueen.com/wp-content/uploads/2012/06/11985908_s.jpg

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Phi lý - The Absurd

Trong thế kỷ mười chín, số người tin rằng số phận của thế giới được Thượng Đế định đoạt đã bắt đầu thu hẹp. Trên hết, các nhà địa chất thấy rằng trái đất đã xuất hiện rất lâu so với giải thích trong kinh thánh. Qua hóa thạch, họ còn chứng minh được rằng nhiều sinh vật đã từng sinh sống trên trái đất và hiện nay đã tuyệt chủng.

Sau đó Charles Darwin (1809–82) chứng minh rằng các sinh vật tiến hóa nhờ chọn lọc tự nhiên hơn thay vì được Thượng Đế tạo tác tức thời dưới hình hài hiện nay. Nhiều nhà tư tưởng thấy rằng những lập luận của Darwin là không thể bác bỏ, và đã gây tác động khủng khiếp. Triết gia Đức Friedrich Nietzsche đã nói lên nỗi sợ của nhiều người khi ông tuyên bố vào năm 1882 rằng "Thượng Đế đã chết".

Nếu Thượng Đế không chịu trách nhiệm về sự sống, thì sự sống không có mục đích cao quý, hay có thể chẳng có mục đích nào cả. Khuynh hướng chung đi tìm ý nghĩa của sự sống của con người đã bị chắn ngang bởi thực tế trần trụi của khoa học. Con người không còn có thể trả lời câu hỏi bất diệt, "Tại sao chúng ta hiện diện nơi đây?" Mâu thuẫn này dẫn đến nỗi lo rằng vũ trụ là vô nghĩa và phi lý. Nhân loại phải đối diện với cuộc khủng hoảng. Vấn đề làm sao hành xử trong một vũ trụ phi lý như thế là một trong những quan tâm chính của trào lưu triết học hiện sinh.

Mặc dù triết học hiện sinh và khái niệm phi lý có nguồn gốc từ thế kỷ mười chín, chúng có một vị trí đặc biệt trong tư duy phương Tây vào sau Thế Chiến Hai. Cuộc tàn sát người Do Thái đã cho thấy tính vô nhân của con người, và hành động thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki đã đưa ra lời cảnh báo rằng nhân loại có thể tự diệt vong hoàn toàn. Cảm giác vô vọng, lo lắng, và hoang mang đã phát sinh xu hướng "phi lý" trong văn học, được cô đọng trong vở kịch Đợi chờ Godot (1953) của Samuel Beckett - trong đó hai nhân vật chờ đợi mãi một nhân vật thứ ba, có tên là Godot, người sẽ chẳng bao giờ xuất hiện.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://www.northleedslifegroup.com/wp-content/uploads/2012/02/WYP-Talawa_Godot_imageRichardHubertSmith-4817.jpg

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Trường phái Thẩm mỹ - Aesthiticism

Năm 1818, triết gia Pháp Victor Cousin giảng bài cho đại học Sorbonne ở Paris, ông tuyên bố: "Chúng ta phải có tôn giáo vị tôn giáo, đạo đức vị đạo đức, cũng như nghệ thuật vị nghệ thuật... Cái đẹp không thể là đường đưa đến điều hữu ích, hay đưa đến điều tốt, hay đưa đến điều thánh thiện; nó chỉ đưa đến chính nó".

Thành ngữ "nghệ thuật vị nghệ thuật" đã trở thành khẩu hiệu của trường phái thẩm mỹ, một xu hướng nổi bật ở thế kỷ mười chín, bác bỏ ý niệm cho rằng nghệ thuật cần phục vụ cho một mục đích ngoài bản thân nó, và đặt nghệ sĩ vào một "tháp ngà". Trường phái thẩm mỹ đã được nhiều nhóm ủng hộ, như những người theo trường phái Biểu tượng, trường phái Tiền Raphael, và trào lưu Thẩm mỹ. Nhân vật nổi bật nhất của trào lưu Thẩm mỹ là Oscar Wilde, người viết ra câu nổi tiếng "Thà đẹp còn hơn tốt". Những câu dí dóm như thế, đã nêu bật tính ưu việt, những hào nhoáng, và tính phi luân lý của trường phái thẩm mỹ, trớ trêu thay, đã góp phần xói mòn sự nghiêm túc của bản thân nghệ thuật.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgu5f6Q2CIDv4RUnML0q0uDrSj0kbQPE9GmjUzWUPn05wLg5TiER3Y3ET6SXtwaHu0U6u9-hpaZMgAmu15Z6TCYsySnyKeIi9300vviIFWvs11DP9q88WXbXNA2VDajDb2wvssj-7xuJW4/s1600/1899+-+Salome_Jean_Benner_c1899.jpg

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Phát triển - Development

Trong lĩnh vực kinh tế, thuật ngữ "phát triển" ngụ ý quá trình qua đó các tầng lớp nghèo sinh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp chuyển biến thành những nền kinh tế công nghiệp hóa hiện đại. Mặc dù đôi khi được xem tương đương với tăng trưởng kinh tế, phát triển thường ngụ ý quá trình biến đổi cấu trúc, và vì vậy các thay đổi bao hàm cả chất và lượng.

Phát triển đã trở thành vấn đề quốc tế từ cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi thời kỳ chủ nghĩa thực dân Âu châu đến hồi kết thúc. Mặc dù cán cân về quyền lực chính trị đã dịch chuyển, thế giới phát triển - vẫn thiết tha duy trì các thị trường ngoài nước nhằm sản xuất hàng hóa cho họ và nhằm đảm bảo nguồn cung đều đặn về tài nguyên thiên nhiên cũng như sản phẩm nông nghiệp - vẫn chiếm ưu thế về mặt kinh tế so với những nước thuộc địa trước đây. Hỗ trợ thường ràng buộc với các lợi ích kinh tế của nước tài trợ - đồng thời, đặc biệt trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, còn ràng buộc với những lợi ích chính trị. Trong nhiều năm, một phần năm thế giới là các nước giàu, trong khi bốn phần năm vẫn nghèo.

Sau Chiến tranh Lạnh, bức tranh đã bắt đầu thay đổi. Những nước như Trung Quốc đã xóa bỏ kinh tế mệnh lệnh xã hội chủ nghĩa và bắt đầu quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Ngày nay, một phần năm các nền kinh tế của thế giới vẫn giàu, ba phần năm đang nổi lên, công nghiệp hóa, và nhanh chóng bám đuổi, còn một phần năm (chủ yếu ở ở tiểu vùng Sahara Phi châu) thì vẫn nghèo. Nhiều nhân tố đã được nhận diện là nguyên nhân ngăn chặn sự phát triển của các nước nghèo, đó là nội chiến, lãnh đạo tồi, tham nhũng, và dựa dẫm quá mức vào một nguồn tài nguyên thiên nhiên duy nhất như dầu hay kim cương.

Năm 2001, Liên hiệp quốc đã thỏa thuận tám "Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ". Đó là: triệt để loại trừ tình trạng bần cùng và thiếu ăn; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học; nâng cao bình đẳng giới và vị thế, năng lực của phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; cải thiện sức khỏe bà mẹ; phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác; đảm bảo sự bền vững của môi trường; và tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển. Dự kiến tất cả các mục tiêu này đến năm 2015 phải đạt, nhưng xem ra chưa tiến triển mấy.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://www.un.org.kh/unv/sites/files/MDG-logos.jpg

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Chủ nghĩa Hòa bình - Pacifism

Chủ nghĩa hòa bình là niềm tin rằng giết người - và mọi hình thức bạo lực khác - là hoàn toàn sai trong mọi tình huống. Người theo chủ nghĩa hòa bình không giống với người phản đối một cuộc chiến nào đó; vì người kia có thể tin rằng một số cuộc chiến là chính nghĩa. Trong nhiều trường hợp, chủ nghĩa hòa bình bắt nguồn từ niềm tin tôn giáo: chẳng hạn mọi tín đồ Quaker đều theo chủ nghĩa hòa bình, và nhiều tín đồ đạo Bụt (Phật giáo) cũng vậy. Tuy nhiên, phần lớn tín đồ Thiên Chúa giáo và Hồi giáo ủng hộ "chiến tranh chính nghĩa".

Cho dù người theo chủ nghĩa hòa bình đôi khi bị chế nhạo là những kẻ lý tưởng mơ hồ, bất bạo động thường cho thấy là một sách lược chính trị thành công. Trong cuộc đấu tranh đòi độc lập của Ấn Độ thoát khỏi sự cai trị của nước Anh ở nửa đầu thế kỷ hai mươi, Mahatma Gandhi (1869–1948) đã chủ trương bất tuân dân sự bất bạo động - một phương thức chứng tỏ được tầm ảnh hưởng lớn lao, chẳng hạn, các chiến dịch do Martin Luther King Jr. (1929–68) lãnh đạo đòi quyền bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi vào những năm 1950 và 1960.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://www.colourbox.com/preview/3192746-679872-.jpg

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Thuyết tương đối - Relativity

Cơ học Newton cho rằng khối lượng, không gian, và thời gian là hoàn toàn tuyệt đối (không đổi). Hầu như với mọi mục đích thực tiễn, các giả định này hoàn toàn đúng, nhưng thuyết tương đối đặc biệt và tổng quát của Albert Einstein thì cho rằng trong những trường hợp nhất định, cơ học Newton không còn đúng nữa.

Thuyết tương đối đặc biệt phát biểu rằng chẳng có vật nào có thể di chuyển nhanh hơn vận tốc ánh sáng, trong chân không thì vận tốc này là hằng số, bất chấp chuyển động của người quan sát. Nếu một đối tượng lướt nhanh qua người quan sát, nó sẽ trở nên ngắn hơn và nặng hơn - mặc dù hiệu ứng này chỉ xảy ra với vận tốc đạt gần vận tốc ánh sáng. Thuyết tương đối tổng quát đưa ra ý niệm không - thời gian và phát biểu rằng khối lượng có thể "bẻ cong" cả thời gian và ánh sáng nhờ trọng trường. Sau này các thực nghiệm đã kiểm chứng được lý thuyết của Einstein.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://www.photoready.co.uk/people-life/images/e-equals-mc-squared.jpg

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Thiên đường và Địa ngục - Heaven and Hell

Quan niệm về thiên đường và địa ngục - những nơi hoặc được hạnh phúc đời đời hoặc bị trừng phạt đời đời - xuất hiện trong nhiều tôn giáo. Thiên đường có thể là nơi ở đó người đức hạnh và/hoặc anh hùng tận hưởng vô vàn niềm vui, hay nói cách khác là được đắm mình trong tình yêu của Thượng Đế. Cũng vậy, địa ngục có thể là nơi hành xác đau đớn, hay đó là nơi khủng khiếp và tuyệt vọng vì thiếu vắng Thượng Đế và tình yêu của ngài.

Ý niệm về thiên đường và địa ngục phản ánh nhu cầu rất người về niềm tin vào một hệ thống công lý thiêng liêng - đặc biệt là do tình trạng thiếu hụt tiện nghi cơ bản trên trái đất. Kẻ ác có thể sống một cuộc đời giàu sang, nhưng sau này họ sẽ bị trừng phạt; cũng vậy, người hiền lành và tốt bụng bây giờ có thể khổ sở, nhưng "sẽ được ban bánh bởi trời khi con qua đời". Một số người cho rằng đây chẳng qua là màn tung hỏa mù để duy trì trật tự xã hội và ngăn họ không kiếm tìm công lý ở đây và ngay bây giờ.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjE6LCBqjuqOTD9FW0LlmESvQMoU2vDTKttEbqXJ6aoA9D5InPQEGPGm0KLOlLGDwRTG1QG5IISGVm8i2XkGicnygb_VXSs2AUCfjQzS3Mwg12y1TqqsHRBZt5oZBmXiFtDHQzH6AxvwjZU/s1600/HeavenPA048.jpg

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Mục đích - Purpose

Niềm tin rằng cuộc đời, vũ trụ, và mọi vật đều có mục đích - hay "căn nguyên" - thì được gọi là mục đích luận. Xu hướng trí tuệ này có thể phát sinh từ hành xử của con người , nói chung là hành động hợp lý để đạt mục tiêu cụ thể. Những loại ngôn ngữ mà ta dùng mô tả hành vi định hướng mục tiêu đã khuyến khích ta áp dụng loại ngôn ngữ này - gồm kết quả định trước hay kỳ vọng - vào các quá trình phi nhân tính.

Tiềm ẩn hay hiển hiện trong phần lớn tư duy mục đích là ý niệm về một thiết kế sẵn có đằng sau mọi hiện tượng tự nhiên, đặc biệt là sự sống trên trái đất. Một số người theo Thiên Chúa giáo tin rằng chẳng có điều gì là có thể nếu không có một "nhà thiết kế thông minh", tức Thượng Đế. Thói quen ngôn ngữ khi gắn mục đích vào sự vật là chiếc bẫy mà đôi khi những người theo trường phái Darwin cũng mắc phải, nhưng thật ra đó là một đường tắt nhằm giải thích hiện tượng làm thế nào mà một đột biến di truyền ngẫu nhiên có thể đem đến lợi thế hoạt động cho một sinh vật và nhờ vậy mà trường tồn qua chọn lọc tự nhiên.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://richard-hooker.com/sites/worldcultures/GRAPHICS/GLOSSARY/GENERAL.GIF

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Trường phái Biểu tượng - Symbolism

Ta thường phân biệt giữa biểu tượng và dấu hiệu, hai dạng hình tượng được dùng trong nghệ thuật và văn học. Nói chung, ám dụ và ngụ ngôn là những hệ thống dấu hiệu trong đó thường có một quan hệ song ánh (một-một) đơn giản giữa dấu hiệu và điều được ám chỉ, khá giống với việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Vì vậy "Thần Cupid" ám chỉ "ái tình", còn "Cáo' ám chỉ "xảo quyệt".

Biểu tưởng không đơn giản như vậy. Biểu tượng kết hợp ngữ thái ngoại diên (denotation) và ngữ ý nội hàm (connotation). Ngữ ý nội hàm là quá trình qua đó một từ, ngữ, đối tượng, hay bức tranh gợi lên nhiều liên tưởng.

Ví dụ, danh xưng "nhân vật" trong tiểu thuyết Moby-Dick (1851) của Herman Melville không đơn giản là cá voi trắng khổng lồ. Khi câu chuyện được trải ra, cá voi chứa nhiều vai trò biểu tượng - nó trở thành hình ảnh thu nhỏ của ma quỷ, thần linh mà con người muốn phá đổ, sự khác biệt và lãnh đạm bất khả chế ngự của vũ trụ, đối tượng thể hiện ước vọng của con người. Thậm chí cá voi còn ngụ ý sự ngu xuẩn đi tìm ý nghĩa ở nơi vô vọng.

Như vậy biểu tượng cá voi trắng vô cùng phong phú về ý nghĩa, nhưng những nhập nhằng của chúng cũng có thể gây bối rối. Đây chắc chắn là một chỉ trích khi trào lưu Biểu tượng nổi lên ở Pháp vào cuối thế kỷ mười chín, một phần để phản ứng lại trường phái Hiện thực. Các nhà thơ Biểu tượng như Paul Verlaine và Stéphane Mallarmé đã vận dụng đặc tính âm nhạc và liên tưởng của ngôn ngữ để diễn tả cảm xúc phù du và những trạng thái bất định của thực tại, tỏa sáng lung linh vào biên giới phân cách thế giới vật lý và tâm linh.

Còn có trào lưu Biểu tượng trong hội họa, tiêu biểu là Odilon Redon và Gustave Moreau. Quan trọng hơn nữa là ảnh hưởng của các nhà thơ Biểu tượng lên những nhà văn Hiện đại vĩ đại như T. S. Eliot, Ezra Pound, W. B. Yeats, James Joyce, và Rainer Maria Rilke.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://static.comicvine.com/uploads/original/4/48250/933085-moby_dick.jpg

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Tâm lý trắc học - Psychometrics

Tâm lý trắc học là một nhánh tâm lý học tìm cách đo các hiện tượng như trí khôn, kiến thức, năng khiếu, thái độ, và cá tính. Việc kiểm tra tâm thần có hệ thống được bắt đầu vào cuối thế kỷ mười chín do khoa học gia người Anh Francis Galton (1822–1911) thực hiện trong các nghiên cứu di truyền. Sau này, phần lớn nỗ lực tập trung vào việc đo trí khôn bằng cách dùng các trắc nghiệm IQ chuẩn hóa. Những trắc nghiệm đó được dùng rộng rãi trong tuyển sinh và chọn nghề, mặc dù chúng bị chỉ trích là thiên lệch văn hóa.

Qua những thập niên hiện nay, các bộ phận nhân sự ngày càng dùng nhiều trắc nghiệm tâm lý để sàng lọc ứng viên. Những trắc nghiệm nhằm xác định năng khiếu, thái độ, và cá tính, thường dưới dạng nhiều câu trắc nghiệm yêu cầu ứng viên trả lời trong nhiều tình huống khác nhau. Người ủng hộ khẳng định rằng các trắc nghiệm này cho họ bức tranh chính xác để xem ứng viên có thích hợp với công việc hay không. Người chỉ trích thì lại cho rằng quan điểm này không có cơ sở khoa học vững chắc.

* Chú thích cho hình: Trong trắc nghiệm Vết mực loang Rorschach, ứng viên được cho xem một số thẻ in những mẫu trông ngẫu nhiên và được hỏi rằng họ thấy gì. Các trả lời được giả định là sẽ cung cấp những chỉ dấu về cá tính của họ.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj7wrAMfhpyJC_JaYaq0gTQUY-IWK-oJx_oWt7RM-fyP6_nXuE4v43TtkvJ0alJs2d_qFetDPiqC7rIOX-RjZW9QNC-oAITQErpJMGKIa7dMfBjMCVyGSe5Gwz5_5K3MCm80U6_nUWLx4Y/s1600/machete.jpg

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Chủ nghĩa tiền tệ - Monetarism

Chủ nghĩa tiền tệ là học thuyết kinh tế chiếm ưu thế từ những năm 1970 và gắn liền với tên tuổi của kinh tế gia Hoa Kỳ Milton Friedman (1912–2006). Chủ nghĩa tiền tệ chủ trương rằng nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế là nguồn cung tiền tệ - tức tổng số tiền trong một nền kinh tế, ở dạng tiền xu, tiền giấy, và ký gởi ngân hàng. Nếu nguồn cung tiền tệ tăng mà không cân đối với gia tăng sản xuất hàng hóa và dịch vụ, nhu cầu sẽ tăng, và phát sinh lạm phát.

Đối lập với chủ nghĩa Keynes, người theo chủ nghĩa tiền tệ cho rằng, ngoài việc quản lý nguồn cung tiền tệ, chính phủ không được can thiệp vào nền kinh tế. Cùng với niềm tin vào thị trường tự do, họ bác bỏ mục đích bảo đảm việc làm đầy đủ, với lý do rằng mức thất nghiệp nhất định sẽ giúp lương không tăng và kiểm soát được lạm phát. Sau khi xảy ra tình trạng lạm phát cao vào những năm 1970, chủ nghĩa tiền tệ đã được một vài chính phủ áp dụng vào những năm 1980, như chính phủ của của tổng thống Hoa Kỳ Reagan và của thủ tướng Anh Margaret Thatcher.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://www.american.com/archive/2012/march/economics-a-million-mutinies-now-part-two/FeaturedImage

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Chiến tranh - War

Chiến tranh được thừa nhận rộng rãi là một sự xấu, nhưng lịch sử lại chứa đầy chiến tranh, được bên gây ra biện minh trên cơ sở đạo đức hay pháp lý. Những lý lẽ đó giả định trước rằng họ có quyền thực hiện sự xấu để chống lại sự xấu ghê gớm hơn. Điều này phù hợp với quan điểm luân lý của người theo chủ nghĩa tất định, chủ trương kết quả biện minh cho phương tiện, nhưng lại xung đột với quan điểm của người theo thuyết đạo nghĩa và chủ nghĩa hòa bình, chủ trương rằng các huấn thị như "Chớ giết người" là tuyệt đối và áp dụng trong mọi tình huống.

Ý tưởng "chiến tranh chính đáng" được Giáo hội Công giáo La Mã phát triển vào thời Trung Cổ và hiện nay đã được đưa vào luật quốc tế. "Lý do chính đáng" là điều kiện quan trọng nhất - và cũng gây tranh luận nhiều nhất - để một chiến tranh được xem là chính đáng. Bảo vệ chống xâm lược lãnh thổ được thừa nhận rộng rãi, nhưng những "lý so chính đáng" khác lại gây tranh cãi. Các lý do này bao gồm động cơ tôn giáo và ý thức hệ, hành động ra tay trước chống lại sự gây hấn tiềm tàng, và hành động bảo vệ quyền lợi kinh tế ở nước ngoài.

Một điều kiện khác là "tư duy đúng", tức lý do tiến hành chiến tranh là nhằm chỉnh sửa tuyên bố sai lầm về lý do chính đáng. Khái niệm "thẩm quyền" tuyên bố rằng chỉ có một nhà nước chủ quyền được quốc tế công nhận mới có thể có quyền thực hiện hành động quân sự; tuy nhiên, khái niệm này không thể giải quyết nhiều tình huống mà một số có thể tin rằng hành động quân sự là chính đáng, chẳng hạn, khi người dân bị đàn áp dã man nổi lên chống lại chế độ cai trị bất chính.

Chiến tranh phải luôn luôn được xem là biện pháp cuối cùng, sau khi biện pháp ngoại giao và trừng phạt kinh tế thất bại, đồng thời hành động tiến hành chiến tranh phải tương xứng với mục tiêu sửa sai. Thêm vào đó, có các luật quốc tế như Hiệp định Geneva nhằm làm dịu tình hình chiến tranh - chẳng hạn qua điều luật bảo vệ dân sự và tù binh chiến tranh. Bất kỳ vi phạm điều luật chiến tranh nào đều có thể bị xem là tội ác chiến tranh và bị trừng phạt thích đáng.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/archive/1/10/20071207072903!Nguyen_Ngoc_Loan.jpg

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Thuyết lượng tử - Quantum Theory

Đến cuối thế kỷ mười chín, các quan sát trên nhiều hiện tượng khác nhau về phát xạ điện từ đã đặt ra những câu hỏi mà vật lý cổ điển dường như không thể trả lời nổi. Đến năm 1900 nhà vật lý người Đức Max Planck cho rằng phát xạ điện từ - kể cả ánh sáng - không được phát xạ như một sóng liên tục, mà là những bó năng lượng rời rạc gọi là các lượng tử. Planck liên kết năng lượng (E) của mỗi lượng tử với tần số sóng (f) trong phương trình E = hf, trong đó h được gọi là hằng số Planck.

Một trong những hiện tượng gây bối rối hơn là hiệu ứng quang điện, trong đó các điện tử được phát ra khi ánh sáng hay những dạng phát xạ điện từ khác chạm vào các kim loại nhất định. Đến năm 1905, Albert Einstein cho rằng hiệu ứng này chỉ có thể được giải thích nếu thuyết lượng tử của Planck về ánh sáng là đúng. Hai thập niên sau, nhà vật lý người Pháp Louis Victor de Broglie (1892–1987) cho rằng điện tử biểu hiện "tính đối ngẫu sóng-hạt" tương tự.

Ý tưởng của Planck làm liên tưởng đến đề xuất của nhà vật lý người Đan Mạch Niels Bohr  vào năm 1913, ông cho rằng bên trong nguyên tử, các điện tử chỉ có thể di chuyển trong những quỹ đạo được phép nhất định, mỗi quỹ đạo ứng với một mức năng lượng của nó. Khi một điện tử nhảy từ mức năng lượng cao xuống mức năng lượng thấp hơn, phát xạ được giải phóng theo các lượng tử rời rạc.

Đến năm 1927, nhà vật lý người Đức Werner Heisenberg đề xuất nguyên lý bất định nổi tiếng của mình. Cơ học Newton giả định rằng vị trí và động lượng của một vật thể có thể được đo đồng thời với độ chính xác vô hạn. Nguyên lý bất định lại phát biểu rằng ở thang nguyên tử và hạ nguyên tử, khả năng này là không thể bởi vì mỗi lần quan sát thì kết quả lại thay đổi.

Thuyết lượng tử, khiến suy yếu nhiều khái niệm như nhân quả, dường như trái ngược với lẽ thường. Nhưng đã chứng tỏ được tính đúng đắn trong vô vàn ứng dụng thực tiễn, không chỉ trong hiểu biết của chúng ta về chất bán dẫn, vốn là cơ sở của công nghệ máy tính hiện đại.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://www.bubblews.com/assets/images/news/661369461_1366106196.jpg

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Đầu thai - Reincarnation

MỖI NGÀY MỘT KIẾN THỨC PHỔ THÔNG

ĐẦU THAI - REINCARNATION

Đầu thai là quá trình qua đó sau khi thân xác chết đi thì linh hồn được cho là sẽ đi vào một thân xác khác - đôi khi vào người, đôi khi vào súc vật, và đôi khi thậm chí vào cây cỏ. Đầu thau còn được gọi là luân hồi. Đây là điều khác biệt rõ rệt so với những ý tưởng về linh hồn và số phận của linh hồn sau khi chết được truyền bá trong các độc thần giáo.

Khái niệm đầu thai được phát hiện trong triết Hy Lạp cổ đại ở nhiều tôn giáo cổ đại khác nhau bên Trung Đông, đồng thời trong một số trào lưu thần bí hiện đại chẳng hạn thuyết thần tri. Tuy nhiên, khái niệm này phần lớn gắn liền với những tôn giáo bắt nguồn từ tiểu lục địa Ấn Độ - Ấn giáo, Giai-na giáo, đạo Sikh, và đạo Bụt (Phật giáo) - trong đó thuật ngữ samsara (vòng luân hồi sinh tử) ngụ ý một chu kỳ liên tục của sinh, tử, và tái sinh.

Trong các tôn giáo này, hình thức tái sinh sẽ phụ thuộc vào karma (nghiệp) - một từ với nghĩa đen là "hành động", tức ý tưởng cho rằng một người sẽ phải chịu hậu quả về những hành động của mình. Nếu một người qua hành động phạm đến dharma - được diễn tả bằng nhiều từ như "pháp", "luật", "đạo", "bổn phận", hay "tự nhiên" - thì người đó sẽ chịu nghiệp xấu.

Trong Ấn giáo, chu kỳ vô tận của vòng luân hồi sinh tử chỉ có thể bij phá vỡ nếu người đó đạt đến tự tri hoàn hảo, tức nhận thức được rằng linh hồn bất tử hay cốt lõi của cá nhân và thực tại tuyệt đối là một và vẫn là nó. Điều này đưa đến moksha, tức giải thoát khỏi vòng luân hồi.

Trong đạo Bụt, không có điều gọi là "tự ngã" thường hằng - thật ra thì chẳng có gì thường hằng cả. Chỉ qua thiền, con người mới có thể tách mình ra khỏi vô thường và nhận thức được rằng tham là nguyên nhân của mọi đau khổ, rằng con người có thể đạt đến niết bàn, hay chứng ngộ, và nhờ đó thoát khỏi vòng luân hồi.

Các triết gia đạo Bụt đặt nghi vấn về khái niệm đầu thai của Ấn giáo, (có thể cả chúng ta cũng) thắc mắc về ý nghĩa của vấn đề một người đầu thai được xem là giống hệt với người vừa qua đời, trong khi người đầu thai chẳng có ký ức gì về cuộc đời của họ trước đó cả.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://edgeba.webs.com/reincarnation1.jpg

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Siêu hình học - Metaphysics

Siêu hình học là nhánh triết học quan tâm đến hiện hữu, hiểu biết, và bản chất tối hậu của thực tại. Siêu hình học tập trung vào các vấn đề liệu Thượng Đế và thế giới bên ngoài có hiện hữu không, bản chất của thời gian và không gian, quan hệ của thân và tâm, phải chăng nhân quả, định mệnh và tự do ý chí của con người là có thật. Phương diện siêu hình quan tâm đến hiểu biết thì được gọi là nhận thức luận.

Các vấn đề siêu hình đã nổi lên từ thời Hy Lạp cổ đại cho đến trời Trung Cổ và sau đó. Chẳng hạn, Plato cho rằng thực tại chỉ hiện hữu trong thế giới trừu tượng của những Dạng thức, trong khi nhà thần học Thiên Chúa giáo ở thế kỷ mười ba, Thánh Thomas Aquinas lại dùng lập luận của Aristotle để suy ra sự hiện hữu của Thượng Đế. Vào thế kỷ mười bảy, triết gia Pháp René Descartes dùng lập luận hữu lý để kết luận rằng thân và tâm là hai thực thể tách rời rồi sau đó buộc phải tự biện về cách làm thế nào mà phi vật chất và vật chất có thể tương tác với nhau.

Những khẳng định về thực tại của các nhà siêu hình thì vượt quá khả năng quan sát chúng ta, thậm chí lập luận của họ khiến nhiều người nhạo báng là những kẻ nằm mơ chỉ sống trên mây. Đến thế kỷ mười tám triết gia Scotland David Hume cho rằng cần phải đặt hai câu hỏi trước một công trình siêu hình. Thứ nhất, "Nó có chứa bất kỳ lập luận khái quát nào về đại lượng hay con số hay không?" Thứ hai, "Nó có bất kỳ lập luận thực nghiệm nào về sự kiện hay sự hiện hữu không?" Nếu trả lời "Không" cho hai câu hỏi này, thì Hume khuyên rằng hãy quẳng quyển sách đó vào đống lửa, "vì nó có thể chẳng chứa điều gì ngoài ngụy biện và ảo tưởng".

Đến đầu thế kỷ hai mươi, các nhà thực chứng lô gic đả kích siêu hình dựa trên cơ sở tương tự, trong khi những người khác thì cho rằng mớ rối rắm mà các nhà siêu hình tự đắm mình vào đó đã nảy sinh từ những nhận thức sai lầm về cách vận hành của ngôn ngữ. Tuy nhiên, bất chấp các chỉ trích này, những vấn đề siêu hình vẫn tiếp tục xâm chiếm tâm trí của nhiều triết gia.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://www.wellnessgoods.com/images/treasuresofLight.jpg

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Trường phái Ấn tượng - Impressionism

Trường phái Ấn tượng là một trào lưu nghệ thuật bắt nguồn từ Pháp vào những năm 1860. Trường phái này lấy tên từ một bức tranh được Claude Monet trưng bày tại cuộc triển lãm Ấn tượng lần đầu vào năm 1874, đó là: Ấn tượng Mặt trời mọc. Các họa sĩ thuộc trường phái Ấn tượng là Renoir, Manet, Degas, Pissarro, Cézanne, Mary Cassatt, Sisley, Seurat, và Signac. Còn Cézanne, Gauguin, và Van Gogh thường được gán là những họa sĩ Hậu Ấn tượng. Giống như những nhà theo trường phái Hiện thực trước họ, người theo trường phái Ấn tượng tập trung vào đời sống hiện đại và vẽ tranh phong cảnh ngoài trời.

Người theo trường phái Ấn tượng tạo ra nhiều đổi mới. Họ cố gắng nắm bắt những "ấn tượng" nhất thời của ánh sáng và chuyển động, không dùng đường sắc nét, sử dụng các phối cảnh bất thường, và thí nghiệm phong cách vẽ riêng để xem những hiệu ứng nào có thể tạo được bằng cách nhân ghép các màu sắc và kết cấu khác nhau. Họ gây ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật. Chẳng hạn, Van Gogh đã ảnh hưởng đến trường phái Biểu hiện, trường phái Lập thể Cézanne, và trường phái Biểu hiện Trừu tượng Monet.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://uploads1.wikipaintings.org/images/claude-monet/impression-sunrise.jpg

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Tâm lý học nhận thức - Cognitive Psychology

Thuật ngữ "tâm lý học nhận thức" được nhà tâm lý học Mỹ Ulric Neisser đưa ra trong quyển sách xuất bản năm 1965 với cùng tên. Là lĩnh vực liên quan đến nhận thức, tâm lý học nhận thức bao hàm mọi quá trình tâm lý gồm tiếp nhận, tổ chức, và sử dụng tri thức, từ việc phân tích những kích thích giác quan cho đến việc sắp xếp những kinh nghiệm chủ quan.

Giống với tâm lý học hành vi, tâm lý học nhận thức không xem  suy niệm là một phương pháp khoa học. Nhưng khác với tâm lý học hành vi, nó thừa nhận sự tồn tại của các trạng thái nội tâm, nghiên cứu những quá trình như nhận thức, ghi nhớ, tư duy, ngôn ngữ, và giải quyết vấn đề. Việc thừa nhận sự tồn tại các trạng thái nội tâm ban đầu bị chỉ trích là thiếu thực chứng, nhưng sau này khoa học thần kinh đã cung cấp bằng chứng cho thấy những trạng thái nội tâm tương quan với các não trạng sinh lý.

Đằng sau tâm lý học nhận thức là khái niệm cho rằng con người là "hệ thống xử lý thông tin động", tương tự như máy tính. Neisser cho rằng nhận thức bao gồm "mọi quá trình mà qua đó dữ liệu nhập nhờ các giác quan được biến đổi, rút gọn, trau chuốt, lưu trữ, truy tìm, và sử dụng. Nó liên quan đến những quá trình này thậm chí khi các quá trình này vận hành trong sự thiếu vắng kích thích phù hợp, như trong hình ảnh và ảo giác..." Những tiến bộ của ngành trí tuệ nhân tạo vào các năm 1960 và 1970 đã góp phần phát triển tâm lý học nhận thức, và cả hai ngành này - cùng với khoa học thần kinh (nghiên cứu não bộ và hệ thống thần kinh) - thường được xem là những nhánh của một lĩnh vực liên ngành mới, đó là khoa học nhận thức.

Tâm lý học nhận thức có nhiều ứng dụng thực tiễn. Chẳng hạn liệu pháp hành vi nhận thức (CBT - cognitive behavioral therapy), dựa trên cả hai ngành tâm lý học nhận thức và tâm lý học hành vi, đặc biệt là điều kiện hóa hành động. Giống với phân tâm học, CBT là một "liệu pháp trò chuyện", nhưng thay vì đào sâu quá khứ để khám phá nguyên nhân gây bệnh hiện tại, CBT tập trung vào ngay nơi đây và ngay lúc này. Bằng việc dùng nhiều biện pháp có hệ thống và định hướng mục tiêu, CBT nhằm giải quyết tình trạng bất thường về cảm xúc, hành vi, và nhận thức, và đã cho thấy hiệu quả trong nhiều trường hợp trầm cảm lâm sàng, ăn uống vô độ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, và rối loạn tâm lý sau chấn thương.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://www.niu.edu/psyc/undergrad_prospective/ExplorePSYC/images/CognitiveBanner.jpg

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Trừng phạt - Punishment

Tội ác có thể được xem là một xâm phạn đến quyền và tự do của nạn nhân - gồm quyền sống, quyền sở hữu tài sản, và quyền tự do không bị xâm hại. Đây là các quyền, theo ý tưởng về khế ước xã hội, mà nhà nước tồn tại là để duy trì và bảo vệ. Trớ trêu thay, hình phạt mà nhà nước áp dụng lên những tội phạm cướp đoạt quyền và tự do của người khác thì thường là chối từ quyền và tự do của họ.

Có hai biện minh chính cho biện pháp trừng phạt. Biện minh thứ nhất thấy rằng bản thân trừng phạt là tốt, là thực thi công lý "hình phạt phải tương xứng với tội ác". Quan điểm trừng phạt vì công lý này được tổng kết trong sắc lệnh của Cựu Ước, "mắt đền mắt, răng đền răng" - biện minh này vẫn được một số sử dụng để bảo vệ cho hình phạt tử hình vì tội giết người.

Hình ảnh tội phạm phải "trả giá" cho tội ác của mình là thường gặp và gợi lên một hình thức thực thi đạo đức nào đó. Một khi "nợ xã hội đã trả", xem như cân bằng và ổn định xã hội được tái lập. Ở một số nước ngoài phương Tây, tội phạm có thể thoát án phạt bằng cách trả "tiền nợ máu" cho gia đình nạn nhân, trong khi ở một vài quốc gia phương Tây, kẻ bị kết án có thể bị buộc phải bồi thường như một phần trong án phạt của họ.

Biện minh thứ hai về trừng phạt là biện minh có tính vị lợi, không cho rằng bản thân trừng phạt là tốt mà đó là sự xấu cần thiết khiến xã hội tốt lên. Người theo chủ nghĩa vị lợi có thể bảo vệ cho sự trừng phạt dựa trên nhiều cơ sở. Thứ nhất, tước đoạt tự do (hay thậm chí tính mạng) của tội phạm sẽ ngăn chặn tội ác tái diễn, vì vậy giúp xã hội an toàn hơn. Thứ hai, áp dụng hình phạt là để răn đe, khiến kẻ có tiềm năng gây ác phải chùn tay, từ đó giúp ích cho toàn xã hội. Thứ ba, trừng phạt là cách cải tạo tội phạm để họ có thể trở về với xã hội.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/7/7a/Chapeltown_Stocks.jpg

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Tăng trưởng - Growth

Theo thuật ngữ kinh tế, tăng trưởng là gia tăng tổng thể sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong một nền kinh tế, trong một chu kỳ thời gian xác định. Các chính phủ xem tăng trưởng là một trong những chỉ tiêu chủ chốt trong chính sách của họ, vì tăng trưởng góp phần vào sự thịnh vượng của cộng đồng, cho phép người tiêu dùng mua nhiều hơn, đồng thời tạo điều kiện để chính phủ cung cấp dịch vụ tốt hơn, chẳng hạn giáo dục và y tế. Tóm lại tăng trưởng gia tăng mức sống người dân.

Một số nhân tố có thể tác động đến tăng trưởng của một quốc gia là: tăng số lượng và chất lượng tư liệu sản xuất (chẳng hạn máy móc công nghiệp), lực lượng lao động và tài nguyên thiên nhiên; tăng hiệu quả sử dụng các nhân tố này, đưa đến tăng năng suất; áp dụng tiến bộ công nghệ và đổi mới sản phẩm; đồng thời tăng nhu cầu về tổng thể. Việc sản xuất và phân phối hiệu quả hơn sẽ làm hàng hóa rẻ hơn đồng thời có thể tăng lương công nhân, từ đó quay lại kích thích nhu cầu.

Đây là những nhân tố điển hình khi một nước công nghiệp hóa - tiến trình này diễn ra ở Âu Châu và Bắc Mỹ trong cuộc Cách mạng Công nghiệp vào các thế kỷ mười tám và mười chín, ngày nay đang diễn ra ở những nước như Brazil, Ấn Độ, và Trung Quốc, với tốc độ tăng trưởng hiện nay đã vượt xa các nước phương Tây.

Việc xem tăng trưởng là một mục tiêu cốt lõi đã bị chỉ trích từ một số quan điểm. Tăng trưởng có thể tạo ra nhu cầu giả tạo, qua đó người tiêu dùng bị thuyết phục là cần phải có sản phẩm mới nhất, cho dù chẳng có lý do nào thuyết phục được rằng nhu cầu đó là cần thiết. Tăng trưởng vô hạn có thể làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo, như kim loại và nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời các hoạt động công nông nghiệp phục vụ tăng trưởng có thể phá hủy môi trường về lâu dài. Vì vậy một số người cho rằng tăng trưởng phải bị giới hạn ở mức đảm bảo trái đất bền vững.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://www.visionnoblesville.com/wp-content/uploads/2012/11/GREEN-GROWTH.jpg

Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Răn đe - Deterrence

Răn đe là học thuyết cho rằng nếu một quốc gia có lực lượng vũ trang đủ mạnh và một kho vũ khí đồ sộ thì chẳng nước nào dám tấn công hay xâm phạm lợi ích. Nói chung đây là lý do để một nước chi những khoản tiền "quốc phòng" khổng lồ, với hy vọng là nếu làm như vậy thì sẽ chẳng bao giờ cần phải tham gia chiến tranh.

Vấn đề của học thuyết này là sẽ đưa đến các cuộc chạy đua vũ trang, gây gia tăng căng thẳng và nỗi lo sợ lẫn nhau. Trong thời Chiến tranh Lạnh, học thuyết răn đe đã phát triển thành học thuyết "tất yếu hủy diệt lẫn nhau" (gọi tắt là MAD - mutually assured destruction). Học thuyết này cho rằng chẳng có phe nào dám đơn phương tấn công hạt nhân, bởi vì họ biết rằng phe kia có thể đáp trả tương tự. Việc phát triển các hệ thống phòn thủ tên lửa luôn là mối đe dọa "thế cân bằng hủy diệt" mong manh này, bởi vì những hệ thống như vậy có thể cho phép một bên thoát khỏi sự hủy diệt.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgcHyrY7a5qhyspnvV6iOnxZAMfsgKRsbXF4UJhKIF4OXCXiBz792emonKBmrYiT0HZoRDg21Q6I9diSpY3lVzfrbi5qUqJWWHuDOdxapTTaTBgAmlf2niLuIUd1xWWjsUqqHY0kttl8w/s1600/Nuclear+mushroom+cloud.jpg

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Điện từ học - Electromagnetism

Điện và từ được hiểu sơ sài cho đến đầu thế kỷ mười chín, khi một loạt các thực nghiệm chứng minh được rằng dòng điện chạy qua dây đồng đã tác động đến những chiếc kim la bàn từ tính đặt gần đó. Rõ ràng rằng cả điện và từ đều là các lực tác động lên nhau ở một khoảng cách nhất định. Năm 1831, nhà vật lý người Anh Michael Faraday (1791–1867) chứng tỏ rằng dòng điện sẽ phát sinh trên dây dẫn nếu chịu tác động bởi một từ trường biến đổi. Đây là cơ sở của máy phát điện, còn quá trình ngược lại là cơ sở cho động cơ điện.

Sau đó cũng trong thế kỷ mười chín, nhà vật lý người Scotland James Clerk Maxwell (1831–79) cho rằng điện và từ là những biểu hiện của một lực điện từ duy nhất và dao động điện sẽ phát sinh sóng điện từ. Nghiên cứu sâu hơn đã kiểm chứng được lý thuyết của ông, và người ta khám phá ra rằng mọi hiện tượng, từ sóng vô tuyến, ánh sáng khả kiến cho đến tia X về bản chất đều là điện từ.

* Chú thích cho ảnh: Một nam châm điện gồm dây dẫn cuốn quanh lõi sắt. Khi có dòng điện chạy qua dây, từ trường sẽ phát sinh bên trong và xung quanh lõi sắt.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Thần lý học - Theodicy

Nếu Thượng Đế là toàn năng, toàn trí, và giàu lòng thương xót, thì làm sao ngài lại có thể để sự dữ tồn tại trên thế gian? Mục đích thiêng liêng nào đằng sau những thiên tai như bệnh tật, động đất, và lũ lụt, hay những sự xấu luân lý như giết người, chiến tranh, và nghèo đói?

Đây là vấn đề được thần lý học thuộc thần học Thiên Chúa giáo nhắm đến, như trong phần mở đầu tác phẩm Thiên đường đã mất (1667) của nhà thơ Anh John Milton, để "minh chứng cho đường lối của Thượng Đế dành cho con người". Hầu hết các lập luận đều viện dẫn ý tưởng về ý chí tự do: Thượng Đế đã trao con người quyền tự do chọn lựa, và nếu họ chọn sự xấu luân lý, đó là trách nhiệm của họ. Đây là điều đã xảy ra với Adam và Eve, và "tội lỗi nguyên thủy" của họ là nguồn gốc của mọi sự xấu, về luân lý cũng như thiên tai, trong đó thiên tai là sự trừng phạt tội lỗi. Một lập luận khá khác biệt thì cho rằng điều lành và sự dữ tồn tại là để giúp con người trưởng thành, vươn đến sự hoàn thiện mà Thượng Đế đã sắp đặt.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://s3.hubimg.com/u/6699882_f496.jpg

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Tự nhiên - Nature

Tự nhiên, như tình yêu, là một trong những từ đa nghĩa và chất đầy sức nặng văn hóa. "Tự nhiên" của điều gì nghĩa là bản chất hay điều xác định phẩm chất của nó. "Tự nhiên" còn ngụ ý toàn bộ vũ trụ vật lý, tương phản với thế giới tư tưởng hay tinh thần.

Ngoài ra, "tự nhiên" là mọi thứ tách biệt khỏi "văn minh". Phần lớn lịch sử loài người, tự nhiên theo nghĩa này được cho là ghê rợn. Chẳng hạn, rừng núi là nguy hiểm, vô dụng, và vì vậy xấu xa. Chỉ những phong cảnh được khai hoang nhờ trồng trọt và công nghiệp mới có giá trị tinh thần và thẩm mỹ. Nhưng khởi đầu của trào lưu Lãng mạn ở cuối thế kỷ mười tám đã thay đổi quan điểm của chúng ta, miêu tả nơi hoang dã là nguồn khích lệ cao cả. Gần đây, phong trào môi trường đã nhấn mạnh giá trị sinh thái của những vùng hoang dã chưa dấu chân người.

* Chú thích: Bức tranh Ngựa Sợ Sư tử của George Stubbs phác họa phương diện tàn bạo cũng như lãng mạn của tự nhiên.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://uploads8.wikipaintings.org/images/george-stubbs/a-horse-frightened-by-a-lion-1770.jpg

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Trường phái hiện thực và trường phái tự nhiên - Realism and Naturalism

Trong văn học và nghệ thuật thị giác, chủ nghĩa hiện thực thể hiện cách tiếp cận trong đó nghệ sĩ cố gắng phác họa thế giới đúng như vậy, thay vì dưới dạng một thế giới được lý tưởng hóa hay tưởng tượng nào đó. Thuật ngữ này đặc biệt liên hệ đến thời kỳ hậu Lãng mạn, khi đó người theo chủ nghĩa hiện thực bác bỏ yếu tố đa cảm và lý tưởng hóa của phần lớn tác phẩm văn học và nghệ thuật ở thế kỷ mười tám, cũng như bác bỏ tính chủ quan, nỗi ám ảnh với những chủ đề vĩ đại và hùng tráng từng đánh dấu thời kỳ Lãng mạn.

Thuật ngữ "chủ nghĩa hiện thực" đầu tiên được dùng ở Pháp vào những năm 1830 nhằm ám chỉ các nhà văn Balzac và Stendhal. Trong thiên tiểu thuyết vĩ đại của mình bắt đầu từ năm 1836 và được gọi chung là La Comédie Humaine ("Tấn trò đời"), Balzac can đảm soi rọi vào xã hội Pháp thời đó. Nhân vật của Balzac là những con người phức tạp, về mặt đạo đức thì không trắng cũng chẳng đen, mà được tô vẽ bằng nhiều mảng xám khác nhau. Tập trung của Balzac về xã hội đương thời (hay cận đương thời) và đặc trưng nhận thức tâm lý của ông được nhiều nhà văn hiện thực khác chia sẻ, từ Flaubert và Maupassant ở Pháp, Turgenev, Gogol, Tolstoy, và Chekhov ở Nga, cho đến Dickens, Trollope, và George Eliot ở Anh.

Trong nghệ thuật, chủ nghĩa hiện thực cũng bắt nguồn từ Pháp, các cảnh tượng thô ráp và vô cảm từ đời sống đương thời, chẳng hạn tác phẩm Người đập đá của Courbet (1850) và Tiệc trưa trên bãi cỏ của Manet (1863) - phác họa hai phụ nữ mại dâm cùng với khách hàng - đã gây sốc công chúng. Về tranh phong cảnh cũng vậy, các họa sĩ như Corot và Théodore Rousseau đã vẽ tranh ngoài trời thay vì trong xưởng đã gây nhiều tranh luận.

Đến cuối thế kỷ mười chín, một tiếp cận văn học mới xuất hiện: chủ nghĩa tự nhiên. Ở đó các tiểu thuyết hiện thực biết chọn lọc điều cần mô tả và thường tập trung vào một vài nhân vật, tác phẩm của các nhà văn theo trường phái tự nhiên như Zola ở Pháp, Gorki ở Nga, và Dreiser ở Hoa Kỳ hàm chứa những mảng quan sát xã hội "có tính khoa học", quan tâm nhiều đến việc làm sao để môi trường xã hội có thể tác động đến hành xử của con người và làm thế nào cải cách xã hội.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://parodiesandvariations.files.wordpress.com/2012/03/manet-le-dejeuner-sur-l_herbe-sculpture-parody.jpg

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Tâm lý học tiến hóa - Evolutionary Psychology

Tâm lý học tiến hóa tìm cách diễn giải các đặc điểm tâm lý là những thích nghi do chọn lọc tự nhiên hay chọn lọc giới tính. Người theo trường phái này cho rằng phần lớn hành vi con người đều tiến hóa tương tự như cách tiến hóa của các đặc trưng thể chất của ta - tức cách giải quyết những vấn đề chung mà tổ tiên ta từng gặp. Tâm lý học tiến hóa đánh giá thấp vai trò văn hóa, mặc dù không loại bỏ hoàn toàn. Chẳng hạn, khả năng phổ quát của con người về sử dụng ngôn ngữ được cho là một thích nghi tiến hóa, trong khi các ngôn ngữ cụ thể lại là những kiến lập văn hóa. Các ví dụ khác về thích nghi thường được các tâm lý gia tiến hóa trích dẫn là chủ nghĩa vị tha, khả năng nhận biết họ hàng, sự hợp tác, tính gây hấn của giống đực, và sự chọn lựa bạn đời.

Các giả định của tâm lý học tiến hóa bị chỉ trích là không thể kiểm chứng được. Tuy nhiên, một số giả định đã được kiểm chứng thành công: chẳng hạn, có thể chứng minh rằng con người nhớ những gì liên quan đến sự sinh tồn (như thực phẩm, dã thú, chỗ ở) dễ dàng hơn rất nhiều so với các vấn đề khác.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/2/28/Eugen_de_Blaas_The_Flirtation.jpg

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Tội ác - Crime

Tội ác là bất kỳ hành động nào mà luật pháp của một quốc gia cho là có hại và nguy hiểm cho xã hội. Khi những hành động như trộm cướp và giết người bị xem là tội ác ở hầu hết các xã hội trong suốt chiều dài lịch sử, những tội ác khác lại tùy thời điểm và tùy xã hội. Chẳng hạn, tới những năm 1960 thì tự tử là tội ác đối với nhiều quốc gia, nhưng đến những năm 1980 thì "giao dịch nội gián" chứng khoán động sản mới trở thành tội ác với nhiều nước.

Tội ác có thể được phân làm nhiều loại. Tội ác chống con người như giết người và cưỡng dâm; tội ác về tài sản như trộm cướp và phá hoại; tội ác về trật tự công cộng như bạo động và gây chia rẽ dân tộc; tội ác chống nhà nước như nổi loạn và phản quốc. Trong phiên tòa xét xử tội ác, bên truy tố phải chứng minh được rằng bị can đã vi phạm mà "không một mảy may nghi ngờ" và bị can hoàn toàn cố ý hành động. Nếu có tội, bị can có thể dùng các biện hộ như là để tự vệ, bị ép buộc, hay bị mất trí để được khoan hồng.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://www.loosenessofassociation.com/wp-content/uploads/2012/03/Cain-Kill-Abel2.jpg

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Chủ nghĩa Keynes - Keynesianism

Chủ nghĩa Keynes là học thuyết kinh tế do kinh tế gia người Anh John Maynard Keynes (1883–1946) đề xuất sau khi phát sinh tình trạng thất nghiệp tràn lan trong cuộc Đại Suy trầm vào những năm 1930. Trong khi các kinh tế gia khác cho rằng thị trường tự do sẽ nhanh chóng tạo đầy đủ việc làm nếu công nhân chấp nhận lương thấp, thì Keynes lại tin rằng tình trạng thất nghiệp nhiều là hậu quả của việc thiếu hụt nhu cầu tổng thể về sản phẩm và dịch vụ, và việc giảm lương công nhân còn khiến nhu cầu giảm thấp hơn nữa.

Để kích cầu, Keynes chủ trương chính phủ phải can thiệp - chẳng hạn thông qua tài trợ các công trình công cộng. Hoa Kỳ đã theo đuổi chính sách này trong những năm 1930 dưới tên gọi Tân Chính sách của tổng thống Franklin D. Roosevelt, kết quả là xuất hiện các dự án khổng lồ như Đập Hoover. Đến những năm 1950 và 1960, chủ nghĩa Keynes được nhiều chính phủ phương Tây áp dụng. Đến các năm 1970 thì ý tưởng Keynes bị những người theo chủ nghĩa tiền tệ đả kích, nhưng nó vẫn có tầm ảnh hưởng sâu rộng và chứng tỏ hiệu quả trong việc giải quyết tình trạng khủng hoảng tài chính 2007-8.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: https://wbacorp.com/public/userfiles/6-bridge.jpg