Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Kiến thức phổ thông: Bình đẳng - Equality

Điều đầu tiên trong "các chân lý hiển nhiên" khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 là "Mọi người sinh ra đều bình đẳng." Đây là tuyên bố trực tiếp chống lại các khẳng định về quyền thừa kế thể hiện trong nền quân chủ Anh quốc, qua đó người Mỹ đòi quyền độc lập. Nhưng bản chất của sự bình đẳng này là gì? Quyền đó đã không bao gồm nô lệ và phụ nữ. Nhưng đó là một khởi đầu: mọi đàn ông trưởng thành tự do trong nền cộng hòa đều bình quyền, kể cả quyền bầu cử.

Loại bình đẳng kiến lập ở Hoa Kỳ là mọi người đều có tiềm năng tự cải thiện và hoàn cảnh ra đời không được có bất kỳ tác động nào đến cơ hội trong cuộc đời họ. Một vài tổng thống ở thế kỷ mười tám của Hoa Kỳ đã tự hào là họ được sinh ra trong túp lều bằng ván ghép. Tương tự, một số nhà công nghiệp hàng đầu vào thời đó cũng xuất thân từ tầng lớp nghèo hèn.

Tuy nhiên, người thuộc cánh tả cho rằng bình đẳng về cơ hội chỉ trở nên hiện thực khi nhà nước đảm bảo mọi người đều có xuất phát điểm như nhau trong đời - chẳng hạn qua việc cung cấp giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhà ở miễn phí. Điều này chỉ có thể đạt được nhờ việc tái phân bổ sự giàu có qua chính sách thuế, như vậy xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khá giả. Dưới chủ nghĩa cộng sản "hoàn hảo", mọi quyền tư hữu đều bị bãi bỏ và mọi người sẽ tận hưởng tiêu chuẩn sống như nhau.

Cánh tả còn cam kết bảo vệ bình quyền bất chấp chủng tộc, tôn giáo, giới tính, thiên hướng tình dục, ..., và có thể nỗ lực chống lại sự phân biệt đối với dân tộc thiểu số qua "hành động kiên quyết" - chẳng hạn qua việc đảm bảo mỗi dân tộc thiểu số đều chiếm tỉ lệ nhất định trong chính phủ.

Trong khi đó, cánh hữu lại chỉ trích hành động kiên quyết chống lại giới có khả năng tốt hơn. Họ còn chỉ trích - ở nhiều mức độ khác nhau - việc tái phân bổ sự giàu có, mà họ cho rằng đó là hành động quân bình tiêu cực chứ không phải quân bình tích cực, hành động đó còn xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản.


-- Hình: http://www.asperger-training.com/wp-content/uploads/2013/04/Equality-Training.jpg
-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Nhân liệu (Peopleware): 9 Tiết kiệm chi phí mặt bằng

NHÂN LIỆU (PEOPLEWARE): CÁC DỰ ÁN VÀ ĐỘI NGŨ HIỆU QUẢ

9 TIẾT KIỆM CHI PHÍ MẶT BẰNG

Nếu tổ chức của của bạn giống với những tổ chức được chúng tôi nghiên cứu trong ba cuộc điều tra hàng năm gần đây, xu hướng môi trường là giảm bớt riêng tư, thu hẹp không gian, và ồn ào hơn. Dĩ nhiên, lý do hiển nhiên cho tình trạng này là chi phí. Một xu tiết kiệm từ không gian làm việc là một xu thu về từ nhân viên, hay đại loại như thế. Ai ra phán quyết đó là đã phạm tội khi thực hiện nghiên cứu chi phí/lợi ích mà không thấy lợi từ việc nghiên cứu lợi ích. Họ chỉ thấy bên chi phí mà không thấy bên lợi ích. Chắc chắn rằng tiền tiết kiệm do giảm chi phí mặt bằng là hấp dẫn, nhưng so với cái gì? Câu trả lời hiển nhiên là tiền tiết kiệm phải so sánh với rủi ro hiệu quả bị giảm.

Với áp lực hiện nay về chi phí mặt bằng, thật ngạc nhiên khi người ta ít quan tâm so sánh giữa khả năng tiết kiệm và rủi ro tiềm tàng. Chi phí mặt bằng cho một người phát triển chỉ chiếm phần nhỏ so với tiền lương trả cho người đó. Nhỏ bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào các nhân tố như giá trị bất động sản, mức lương, và sách lược đi thuê so với mua đứt. Nói chung, nó di dịch từ 6% đến 16%. Với một lập trình viên/phân tích viên làm việc trong một công ty sở hữu mặt bằng, bạn cần dự kiến phải trả trực tiếp 15 dollars cho nhân viên đó ứng với mỗi dollar bạn chi cho mặt bằng và tiện nghi. Nếu bạn sổ sung thêm phúc lợi nhân viên, tổng đầu tư cho nhân viên có thể dễ dàng gấp 20 lần chi phí mặt bằng cho họ.

Tỉ lệ 20:1 cho thấy việc giảm chi phí mặt bằng là có rủi ro. Những nỗ lực tiết kiệm một phần nhỏ phía 1 dollar có thể khiến bạn phải hy sinh một phần lớn ở phía 20. Người quản lý cẩn trọng không thể di dời nhân viên về những nơi rẻ hơn, ồn ào hơn, và đông đúc hơn nếu ban đầu chưa đánh giá xem liệu hiệu quả làm việc có bị giảm sút hay không. Như vậy, bạn có thể kỳ vọng rằng người lập kế hoạch thực hiện việc di dời sẽ phải phân tích hiệu suất hết sức cẩn thận. Nếu không làm vậy thì đó là một minh họa cho sự thiếu quan tâm vô trách nhiệm đối với yếu tố môi trường.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Kinh tế học căn bản: Làm thế nào Priceline.com làm cách mạng trong công nghiệp du lịch

KINH TẾ HỌC CĂN BẢN

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

TÌNH HUỐNG KINH DOANH: LÀM THẾ NÀO PRICELINE.COM LÀM CÁCH MẠNG TRONG CÔNG NGHIỆP DU LỊCH

Vào năm 2001 và 2002, công nghiệp du lịch gặp khó khăn trầm trọng. Sau cuộc tấn công khủng bố 11/09/2001, nhiều người không đi máy bay nữa. Khi nền kinh tế suy trầm, máy bay nằm phơi sân và ngành hàng không mất hàng tỉ dollars. Khi một vài hãng hàng không lớn đứng trên bờ vực phá sản và sa thải 100 ngàn nhân viên, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua gói hỗ trợ 15 tỉ dollars và đã có vai trò tối quan trọng trong việc ổn định công nghiệp hàng không.

Đây còn là thời điểm đặc biệt khó khăn cho Priceline.com, công ty dịch vụ du lịch trực tuyến. Chỉ bốn năm sau khi thành lập, Priceline.com đứng trước nguy cơ phá sản. Thời vận của công ty biến động ghê gớm. Năm 1999, một năm sau khi thành lập Priceline.com, nhà đầu tư vô cùng ấn tượng về tiềm năng cách mạng hóa công nghiệp du lịch của công ty đến nỗi họ định giá công ty là 9 tỉ dollars. Nhưng đến năm 2002, nhà đầu tư đã có cái nhìn tiêu cực về công ty, giảm 95% giá trị của nó, tức chỉ còn 425 triệu dollars.

Tệ hơn nữa, Priceline.com cứ lỗ vài triệu dollars mỗi năm. Nhưng công ty đã vượt qua sóng gió; vào thời điểm 2012, nhà đầu tư định giá công ty là 31,74 tỉ dollars. Công ty không những bám trụ mà còn phát triển vững mạnh.

Vậy làm sao Priceline.com có thể đem lại cho công nghiệp du lịch sự thay đổi thần kỳ như thế? Điều gì đã giúp công ty bám trụ và thịnh vượng khi phải đối diện với các điều kiện kinh tế thảm khốc như vậy?

Thành công của Priceline.com nằm ở khả năng phát hiện những cơ hội có thể nắm bắt cho bản thân công ty cũng như cho khách hàng. Công ty hiểu rằng khi máy bay khởi hành với nhiều ghế trống hay khách sạn có nhiều giường trống thì đó là một phí tổn - doanh thu có thể gia tăng nếu lấp đầy số ghế trống và giường trống đó. Và mặc dù một số hành khách thích đặt trước chuyến bay và khách sạn cũng như muốn trả tiền trước, những người khác lại sẵn lòng đợi đến phút cuối, chấp nhận rủi ro là không lấy được chuyến bay hay không được ở khách sạn họ muốn nhưng lại được giá rẻ.

Khách hàng ra giá mà họ muốn chi cho một chuyến đi hay khách sạn, rồi Priceline.com sẽ đưa ra một danh sách các hãng hàng không hay khách sạn có thể chấp nhận giá đó, với giá cả giảm dần khi gần đến ngày khởi hành. Bằng cách kết hợp hãng hàng không và khách sạn còn trống với khách du lịch sẵn sàng hy sinh một số điều kiện để được giá rẻ, Priceline.com giúp mọi người khấm khá hơn - kể cả bản thân công ty, vì công ty tính một phí nhỏ cho mỗi giao dịch mà họ tham gia hỗ trợ.

Priceline.com còn nhanh chân khi phát hiện thị trường của họ bị thách thức bởi những công ty mới là Expedia và Orbitz. Để đáp lại, họ tập trung mạnh mẽ hơn vào mảng đăng ký khách sạn và hướng đến Âu châu, nơi công nghiệp du lịch trực tuyến còn khá nhỏ bé. Mạng lưới của họ đặc biệt có giá trị trong thị trường khách sạn Âu châu, gồm nhiều khách sạn nhỏ so với Hoa Kỳ, vốn nổi trội về mạng lưới khách sạn toàn quốc. Nỗ lực đã được đền đáp, đến năm 2003 Priceline.com bắt đầu có lợi nhuận.

Hiện nay Priceline.com vận hành một mạng lưới hơn 100 ngàn khách sạn trên 90 quốc gia. Đến tháng 09/2012, doanh thu của họ đã tăng trưởng tối thiểu 24% so với năm trước trong 4 năm liên tục, thậm chí đã tăng 34% trong thời kỳ suy thoái năm 2008.

Rõ ràng công nghiệp du lịch sẽ chẳng bao giờ trở lại như xưa.

(Còn tiếp)


-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Kiến thức phổ thông: Đạo đức học - Ethics

Đạo đức học - còn được gọi là triết học luân lý - tìm cách nghiên cứu ý nghĩa của các thuật ngữ đạo đức và tiêu chuẩn xét đoán đạo đức. Đừng nhầm lẫn với rao giảng đạo đức - tức việc đặt ra điều đúng điều sai. Tuy nhiên trong thực tế, các triết gia không phải lúc nào cũng phân biệt rõ ràng, và trong nhiều lĩnh vực - chẳng hạn nhân quyền, trừng phạt, y học, ... - tranh luận về các vấn đđạo đức được dùng làm hướng dẫn cho việc ra quyết định. Trong số những triết gia Hy lạp cổ đại, cả Plato và Aristotle đều tìm cách định nghĩa "sống tốt." Cả hai gắn nó với hạnh phúc, và hạnh phúc có được từ lối sống tuân theo các đức hạnh như điều độ, can đảm, hiếu thảo, và công bình. Vì chúng là đường hướng tốt nhất cho hành vi. Plato tin rằng "điều tốt" là một Dạng thức trừu tượng vượt thoát thế giới hàng ngày, trong khi Aristotle xem đức hạnh là phẩm chất tự nhiên của con người. Ở Âu châu thời Trung cổ, St. Thomas Aquinas đã tìm các tích hợp đạo đức Aristotle với thần học Thiên Chúa giáo. Ngài cho rằng Thượng Đế đã tạo dựng con người theo "luật tự nhiên" về bản chất của họ, và luật tự nhiên này trùng hợp với luật thiêng liêng. Điều này đặt ra một câu hỏi đầu tiên được Plato nêu lên: Có phải điều tốt là tốt chỉ vì Thượng Đế ra lệnh, hay Thượng Đế ra lệnh bởi vì điều đó là tốt? Nếu vế trước là đúng thì ý nghĩa đạo đức là gì khi ta tuân theo; còn nếu vế sau đúng thì tại sao lại phải đưa Thượng Đế vào đây?

Trong th
ời hiện đại, một trong những tranh luận gay gắt nhất liên quan đến cứu cánh và phương tiện. Đạo lý học (deontology) cho rằng sự đúng đắn của một hành động cần được thừa nhận nếu hành động đó thực hiện vì nghĩa vụ, bất chấp hậu quả. Ở thế kỷ mười tám, Immanuel Kant mô tả những huấn thị như "Không nói dối" hay "Không giết người" là những "mệnh lệnh vô điều kiện" - tức các nguyên tắc phải được tuyệt đối tuân thủ và vô điều kiện trong mọi tình huống. Trái lại, các học thuyết hệ quả, chẳng hạn thuyết vị lợi đánh giá hành động hoàn toàn hay phần lớn vào kết quả của chúng.

 
-- Hình: http://jeasprc.org/wp-content/uploads/2012/10/625_ethics.jpg
-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài
được tập hợp tại Kiến thức phổ thông

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Nhân liệu (Peopleware): Chúng tôi đã chứng minh điều gì?

NHÂN LIỆU (PEOPLEWARE): CÁC DỰ ÁN VÀ ĐỘI NGŨ HIỆU QUẢ

CHÚNG TÔI ĐÃ CHỨNG MINH ĐIỀU GÌ?

Dữ liệu trình bày ở trên không chứng minh chính xác rằng môi trường làm việc tốt hơn sẽ giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn. Nó chỉ có thể chứng tỏ rằng nhân viên làm việc hiệu quả hơn có xu hướng đổ về các tổ chức có môi trường làm việc tốt hơn. Điều đó thật sự quan trọng với bạn không? Về lâu dài, liệu không gian yên tĩnh, thoải mái, và riêng tư có giúp nhân ciên của bạn làm việc hiệu quả hơn không, hay liệu điều đó có giúp bạn thu hút hoặc giữ chân nhân viên giỏi được không?

Nếu chúng tôi đã chứng minh được điều gì, thì đó chính là chính sách mặc định về điều kiện làm việc là một sai lầm. Nếu bạn tham gia hay quản lý đội ngũ làm việc trí óc thì môi trường làm việc là trách nhiệm của bạn. Bạn không thể chỉ buông lời, "Chẳng thể làm xong việc gì ở đây từ 9 đến 5 giờ," rồi quay sang lo việc khác. Thật ngu ngốc nếu nhân viên không thể hoàn thành công việc trong giờ hành chính. Đây chính là lúc phải làm điều gì đó để giải quyết vấn đề này.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)

Nhân liệu (Peopleware): Tác động của môi trường làm việc

NHÂN LIỆU (PEOPLEWARE): CÁC DỰ ÁN VÀ ĐỘI NGŨ HIỆU QUẢ

TÁC ĐỘNG CỦA MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC

Sự thật trần trụi là cách bố trí của nhiều công ty khiến người phát triển mệt mỏi vì phải làm việc ở nơi quá đông đúc, ồn ào và dễ bị làm phiền. Riêng chuyện đó đã đủ giải thích vì sao hiệu suất giảm sút cũng như tình trạng người giỏi có xu hướng chuyển đi nơi khác.

Giả định cho rằng chất lượng của môi trường làm việc có thể liên hệ mật thiết với hiệu quả của người phát triển là một giả định dễ dàng kiểm chứng. Mọi điều bạn cần làm là đề ra một danh mục các nhiệm vụ cố định để đánh giá, các nhiệm vụ đó tương tự với những gì mà người phát triển đang làm hàng ngày, rồi quan sát xem họ thực hiện những công việc đó trong các môi trường khác nhau. Cuộc chơi Chiến tranh Lập trình được thiết kế theo đúng mục đích đó.

Để thu thập dữ liệu về môi trường làm việc, chúng tôi đề nghị người tham gia (trước khi làm bài) điền vào một bảng thăm dò về môi trường làm việc. Chúng tôi đã hỏi một số dữ liệu khách quan (chẳng hạn diện tích và chiều cao nơi làm việc) cùng với những câu hỏi chủ quan như "Môi trường làm việc có làm bạn cảm thấy được tôn trọng không?" và "Chỗ làm việc của bạn có đủ yên tĩnh không?" Sau đó chúng tôi đối chiếu các trả lời với hiệu suất làm bài của họ.

Một cách phát hiện xu hướng đễ dàng là nhìn vào các đặc trưng môi trường làm việc của người làm bài tốt (dựa trên một tham số hiệu suất tổng hợp) so với những người làm bài không tốt. Chúng tôi đã đối chiếu phần tư số người đạt kết quả cao nhất với phần tư số người đạt kết quả thấp nhất. Hiệu suất chênh lệch giữa hai nhóm đó là 2.6 lần. Kết quả được tổng kết ở Bảng 8-1.


Phần tư cao nhất, tức những người làm bài thi nhanh và hiệu quả nhất, làm việc trong môi trường rất khác so phần tư thấp nhất. Môi trường của người đạt hiệu quả cao nhất thì yên tĩnh hơn, có tính riêng tư hơn, được giữ để không bị làm phiền tốt hơn, và còn những thứ khác nữa.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Kinh tế học căn bản: Bài tập có lời giải: Đó không phải là ma thuật

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

BÀI TẬP CÓ LỜI GIẢI: ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ MA THUẬT

Trong tập ba của truyện viễn tưởng ăn khách Vòng Thừa kế của Christopher Paolini, người hùng Eragon đã đãi ra vàng từ mặt đất bằng cách dùng ma thuật. Eragon học được từ thầy của mình là Oromis rằng mặt đất chứa những hạt li ti của hầu hết mọi nguyên tố. Sẽ rất tốn kém nếu khai khoáng các nguyên tố này, nhưng có thể đãi ra chúng bằng cách dùng ma thuật.

Trong thế giới thực, các nguyên tố này gọi là đất hiếm, không được đãi ra nhờ ma thuật mà nhờ các công ty Trung Quốc. Đất hiếm đóng vai trò quan trọng trong vận hành của các thiết bị laser, điện thoại di động, ổ cứng máy tính, và nhiều thiết bị cầm tay mà ta dùng hàng ngày. Nhưng chúng rải rác khắp nơi với số lượng nhỏ, gây khó khăn và tốn kém cho việc khai thác. Hiện nay Trung Quốc kiểm soát khoảng 95% sản lượng đất hiếm trên toàn thế giới.

Trong khi đó, Hoa Kỳ là nước sản xuất thịt gà hàng đầu thế giới. May thay, Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể thông thương với nhau. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc từ chối xuất khẩu đất hiếm, buộc Hoa Kỳ phải tự khai thác? Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc ngưng nhập khẩu thịt gà và tự sản xuất lấy?

Bây giờ giả sử rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể sản xuất cả thịt gà và đất hiếm - một ví dụ giả định dựa trên hình mẫu thương mại thực tế. Giả sử năng suất đất hiếm và thịt gà như trong hình dưới đây.


Hãy tính chi phí cơ hội của đất hiếm và thịt gà cho cả hai nước. Trung Quốc có lợi thế so sánh trong sản xuất thịt gà không? Giả sử Trung Quốc muốn tiêu thụ 64 tỉ pounds thịt gà và 12 ngàn tấn đất hiếm. Hãy chỉ ra điểm này trên đồ thị khả năng sản xuất. Có thể không cần thông thương không?

BƯỚC 1: Tính chi phí cơ hội của đất hiếm và thịt gà cho cả hai nước.

Hãy xem lại phần "Lợi thế so sánh và lợi ích từ thương mại"

Đường biên khả năng sản xuất cho cả hai nước đều là đường thẳng, suy ra chi phí cơ hội của thịt gà theo đất hiếm là một hằng số. Độ dốc đường biên khả năng sản xuất của Trung quốc là -1/4 (độ dốc được định nghĩa là sự thay đổi theo biến y - tức đất hiếm - chia cho sự thay đổi theo biến x - tức thịt gà - trong trường hợp này bằng -20/80 = -1/4), và độ dốc đường biên khả năng sản xuất của Hoa Kỳ là -1/10. Như vậy chi phí cơ hội của Trung Quốc để sản xuất 1 ngàn tấn đất hiếm là 4 tỉ pounds thịt gà, và chi phí cơ hội của Hoa Kỳ để sản xuất 1 ngàn tấn đất hiếm là 10 tỉ pounds thịt gà. Tương tự, chi phí cơ hội của Trung Quốc để sản xuất 1 tỉ pounds thịt gà là 1/4 ngàn tấn (250 tấn) đất hiếm, và chi phí cơ hội của Hoa Kỳ để sản xuất 1 tỉ pounds thịt gà là 1/10 ngàn tấn (100 tấn) đất hiếm.

BƯỚC 2: Trung Quốc có lợi thế so sánh trong sản xuất thịt gà không?

Hãy xem lại phần "Lợi thế so sánh và lợi ích từ thương mại"

Một nước có lợi thế so sánh trong sản xuất một hàng hóa nếu chi phí cơ hội sản xuất thấp hơn so với một nước khác. Trong trường hợp này, chi phí cơ hội để sản xuất 1 tỉ pounds thịt gà là 1/4 ngàn tấn (250 tấn) đất hiếm đối với Trung Quốc và 1/10 ngàn tấn (100 tấn) đất hiếm đối với Hoa Kỳ. Vì 1/10 nhỏ hơn 1/4 nên Hoa Kỳ, chứ không phải Trung Quốc, có lợi thế so sánh trong sản xuất thịt gà.

BƯỚC 3: Giả sử Trung Quốc muốn tiêu thụ 64 tỉ pounds thịt gà và 12 ngàn tấn đất hiếm. Hãy chỉ ra điểm này trên đồ thị khả năng sản xuất. Có thể không cần thông thương không?

Hãy xem lại phần "Lợi thế so sánh và lợi ích từ thương mại"

Như trình bày ở hình dưới đây, mức tiêu thụ 64 tỉ pounds thịt gà và 12 ngàn tấn đất hiếm của Trung Quốc được minh họa ở điểm B, tức nằm ngoài đường biên sản xuất nếu không thông thương. Nếu Trung Quốc tiêu thụ 64 tỉ pounds thịt gà và không thông thương, họ chỉ có thể tiêu tụ 4 ngàn tấn đất hiếm, được vẽ ở điểm A. Như vậy, nếu không thông thương, mức độ tiêu thụ cả hai hàng hóa này là bất khả.


(Còn tiếp)

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Kiến thức phổ thông: Khoan dung - Toleration

Khoan dung về quyền của người khác được nói, suy nghĩ, và tin vào điều mà họ ao ước - một giá trị cốt lõi của chủ nghĩa tự do - có lịch sử đầy sóng gió. Ở Âu châu thời trung cổ chẳng hạn, xu hướng chung là phải hành hạ những người có niềm tin tôn giáo thiểu số, thậm chí ngày nay, những ai bất đồng chính kiến trong nhà nước độc tài độc đảng đều bị đối xử khắc nghiệt.

Khoan dung đã trở thành giá trị vào thời Khai sáng ở thế kỷ mười tám. "Tôi có thể không đồng ý với điều bạn nói," Voltaire (1694–1778), một trong những lãnh đạo phong trào, tuyên bố, "nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền được nói của bạn." Tuy nhiên, ngay cả trong các chế độ dân chủ tự do hiện đại, ràng buộc có để áp đặt trên quyền tự do ngôn luận - chẳng hạn dưới dạng điều luật nhằm ngăn chặn những kích động bạo loạn hay hận thù sắc tộc. Phép thử chính trong các trường hợp đó là xét xem liệu phát biểu đó có thể đưa đến tình trạng xâm hại thân thể hay không. Tuy nhiên, nhiều tranh luận đã nổ ra về việc liệu những phát biểu nào đó cần bị cấm đoán hay không đơn thuần chỉ vì chúng gây mất lòng.


-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Nhân liệu (Peopleware): Bạn có thể giấu lãnh đạo điều này

NHÂN LIỆU (PEOPLEWARE): CÁC DỰ ÁN VÀ ĐỘI NGŨ HIỆU QUẢ

BẠN CÓ THỂ GIẤU LÃNH ĐẠO ĐIỀU NÀY

Trong số những phát hiện của chúng tôi có tương quan dương tính với hiệu suất tốt là điều khá bất ngờ sau: Đồng nghiệp bắt cặp với bạn rất quan trọng. Nếu bạn bắt cặp với người làm việc tốt, bạn cũng làm việc tốt. Nếu người bắt cặp với bạn chẳng bao giờ hoàn thành công việc, bạn cũng vậy. Nếu người bắt cặp với bạn không hoàn thành bài thi, rất có thể bạn cũng vậy. Với cặp tham gia cuộc thi có trình độ trung bình, hiệu suất chỉ khác 21%.

Vậy tại sao điều đó lại hết sức quan trọng? Vì cho dù các cặp không làm chung, hai thành viên đều thuộc cùng tổ chức. (Trong hầu hết trường hợp, họ là cặp duy nhất từ tổ chức đó.) Họ làm việc trong cùng môi trường vật lý và chia sẻ cùng một văn hóa doanh nghiệp. Vấn đề họ có hiệu suất gần như tương đồng cho thấy mức độ dàn trải năng lực trên toàn bộ mẫu quan sát có thể không đúng trong một tổ chức: Hai người thuộc cùng tổ chức thường có hiệu suất như nhau. Điều đó có nghĩa là những người có hiệu suất cao nhất đang quy tụ về một số tổ chức trong khi những người có hiệu suất thấp nhất đang quy tụ về các tổ chức khác. Đây là hiệu ứng mà người đi tiên phong trong lĩnh vực phần mềm Harlan Mills năm 1981 đã dự đoán:

Trong khi khác biệt năng suất lập trình này (gấp 10 lần) là có thể hiểu được, vẫn còn có sự khác biệt về năng suất 10 lần giữa các tổ chức phần mềm.

Nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy có sự khác biệt to lớn trong 92 tổ chức tham gia cuộc thi. Trên toàn bộ mẫu quan sát, tổ chức tốt nhất (tổ chức có thành viên đạt hiệu suất trung bình cao nhất) làm nhanh gấp 10 lần so với tổ chức tệ nhất. Ngoài tốc độ, mọi thành viên thuộc tổ chức nhanh nhất còn vượt qua được phần nghiệm thu chính.

Điều này không chỉ hơi đáng lo. Các nhà quản lý từ lâu đã tác động đến định mệnh nhất định về sự khác biệt cá nhân. Họ cho rằng khác biệt là cố hữu, nên bạn không thể cải thiện gì nhiều về điều đó. Hiệu ứng qui tụ còn khó hơn nữa. Một số công ty đang hoạt động rất kém hiệu quả so với các công ty khác. Môi trường và văn hóa doanh nghiệp của họ đang thất bại trong việc thu hút và duy trì nhân viên giỏi hay không cách nào giúp nhân viên giỏi làm việc hiệu quả.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Kinh tế học căn bản: Kinh tế học trong thực tiễn: Nhà kinh tế vượt khỏi tháp ngà

KINH TẾ HỌC CĂN BẢN

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

KINH TẾ HỌC TRONG THỰC TIỄN: NHÀ KINH TẾ VƯỢT KHỎI THÁP NGÀ

Nhiều nhà kinh tế chủ yếu tham gia giảng dạy và nghiên cứu. Nhưng một vài người tham gia trực tiếp vào các sự kiện bên ngoài.

Như được giới thiệu trước đây trong chương (Dành cho người ham học: Mô hình gặm nhấm nền kinh tế), một nhánh cụ thể của kinh tế học, lý thuyết tài chính, đóng vai trò quan trọng trên Wall Street - không phải lúc nào cũng có tác dụng tốt. Doanh nghiệp cần dự báo về nhu cầu tương lai đối với các sản phẩm của họ, những dự báo về giá vật liệu thô trong tương lai, đánh giá nhu cầu tài chính của họ trong tương lai, và nhiều thứ nữa; vì mục đích này, phân tích kinh tế là hết sức quan trọng.

Một số nhà kinh tế được tuyển dụng trong thế giới kinh doanh, họ làm việc trực tiếp cho học viện nào cần kiến thức của họ. Cụ thể là các công ty tài chính hàng đầu như Goldman Sachs và Morgan Stanley duy trì những nhóm kinh tế chất lượng cao, chuyên đưa ra các phân tích về nguồn lực và sự kiện có thể tác động đến thị trường tài chính. Những nhà kinh tế khác được các công ty tư vấn tuyển dụng như Macro Advisers, chuyên bán những phân tích và tư vấn cho rất nhiều doanh nghiệp khác.

Sau cùng nhưng không kém phần quan trọng, các nhà kinh tế tham gia trong nhiều hoạt động của chính phủ. Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, các văn phòng chính phủ tuyển dụng khoảng phân nửa các nhà kinh tế chuyên nghiệp. Điều này không có gì ngạc nhiên: một trong những chức năng quan trọng nhất của chính phủ là làm chính sách kinh tế, và hầu hết mọi quyết định về chính sách của chính phủ đều phải quan tâm đến tác động kinh tế. Vì vậy chính phủ trên toàn thế giới cần tuyển dụng nhà kinh tế trong nhiều vai trò.

Trong chính phủ Hoa Kỳ, Hội đồng Tư vấn Kinh tế đóng vai trò hết sức quan trọng, mục đích duy nhất của hội đồng này là tư vấn tổng thống về các vấn đề kinh tế. Không giống với phần lớn nhân viên chính phủ, hầu hết nhà kinh tế không phải là nhân viên công vụ dài hạn; thay vào đó, họ chủ yếu là giáo sư tạm rời trường đại học một hay hai năm. Nhiều nhà kinh tế nổi tiếng từng làm việc trong Hội đồng Tư vấn Kinh tế.

Nhà kinh tế còn đóng vai trò quan trọng trong nhiều bộ phận chính phủ khác, từ Bộ Thương mại cho đến Bộ Lao động. Nhà kinh tế chiếm đa số trong Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, chuyên kiểm soát nguồn cung tiền tệ cho nền kinh tế cũng như giám sát ngân hàng. Nhà kinh tế còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hai tổ chức quốc tế có trụ sở chính ở Washington, D.C.: Quỹ Tiền tệ Quốc tế, chuyên tư vấn và cho vay với những quốc gia đang gặp khó khăn về kinh tế, và Ngân hàng Thế giới, chuyên tư vấn và cho vay để xúc tiến phát triển kinh tế dài hạn.

Trong quá khứ, không dễ theo dõi công việc thực tế của các nhà kinh tế này. Tuy nhiên ngày nay, có một diễn đàn trực tuyến hết sức sống động bàn về viễn cảnh kinh tế và chính sách, từ trang web của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (www.imf.org), những trang định hướng kinh doanh như economy.com, cho đến blog của các nhà kinh tế đơn lẻ, như blog của Mark Thoma (economistsview.typepad.com) và tất nhiên có blog của tác giả tập sách này, krugman.blogs.nytimes.com, thuộc 100 blogs hàng đầu theo sắp hạng của Technorati.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Kinh tế học căn bản: Dành cho người ham học Khi nhà kinh tế đồng thuận

KINH TẾ HỌC CĂN BẢN

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

DÀNH CHO NGƯỜI HAM HỌC: KHI NHÀ KINH TẾ ĐỒNG THUẬN

"Nếu tất cả các nhà kinh tế được sắp đặt theo đúng thứ bậc, họ vẫn không thể đạt được sự đồng thuận." Đây là lời nói đùa của một nhà kinh tế nổi tiếng. Nhưng có thật là các nhà kinh tế bất đồng đến mức đó?

Không phải vậy, theo một điều tra kinh điển của Hội Kinh tế Hoa Kỳ, báo cáo trong tạp chí American Economic Review tháng 05/1992. Các tác giả đã hỏi người tham gia xem họ đồng ý hay bất đồng trên một số phát biểu về nền kinh tế; họ phát hiện là các nhà kinh tế chuyên nghiệp đã đồng thuận cao về nhiều phát biểu. Hơn 90% nhà kinh tế đồng ý rằng "Thuế xuất nhập khẩu và hạn mức nhập khẩu thường làm giảm phúc lợi kinh tế nói chung" và "mức trần cho thuê nhà sẽ làm giảm số lượng lẫn chất lượng nhà cho thuê." Điều ngạc nhiên về hai phát biểu này là nhiều người không chuyên lại không đồng ý: thuế xuất nhập khẩu và hạn mức nhập khẩu nhằm hạn chế hàng hóa nước ngoài được nhiều cử tri tán đồng, và những đề xuất loại bỏ việc kiểm soát giá cho thuê nhà đã gặp phải chống đối chính trị kịch liệt ở các thành phố như New York và San Francisco.

Vậy rập khuôn cho rằng các nhà kinh tế hay cãi nhau là một điều hoang tưởng? Không hoàn toàn như vậy: các nhà kinh tế thực sự bất đồng trên một số vấn đề, đặc biệt trong kinh tế vĩ mô. Nhưng họ cũng đồng thuận trên rất nhiều vấn đề khác.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Kiến thức phổ thông: Ngôn ngữ và tư duy - Language and Thought

Tư duy phụ thuộc ngôn ngữ đến đâu? Ta có thể tư duy mà không cần ngôn ngữ không? Hai câu hỏi này phụ thuộc vào giải thích của ta về "tư duy" và "ngôn ngữ". Lên kế hoạch cho tương lai có vẻ là định nghĩa phù hợp của "tư duy," và việc lên kế hoạch chuẩn bị nấu gì cho bữa ăn tối có thể bao gồm toàn bộ các hình ảnh thị giác - đặc biệt khi không thể nhớ hết những thành phần kỳ lạ nào đó, nhưng lại nhận thức rõ ràng về chúng.

Lập luận suy diễn sẽ cần đến ngôn ngữ, giả định rằng toán học và logic ký hiệu được xem là "ngôn ngữ." Và nếu vậy âm nhạc thì sao? Các soạn giả vẽ lên "ngôn ngữ" giai điệu, hòa âm, và nhịp điệu để hình thành bản nhạc, và nếu ta đi một giai điệu trong đầu thì chính là ta đang dùng ngôn ngữ âm nhạc. Trái lại, học là dạng tư duy thường bao hàm việc đi đến những nguyên tắc tổng quát từ trải nghiệm cụ thể (qui nạp), và trẻ em cũng như chuột thí nghiệm chẳng hạn, dường như đạt được điều này mà không cần ngôn ngữ.


-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Nhân liệu (Peopleware): Các phi nhân tố năng suất

NHÂN LIỆU (PEOPLEWARE): CÁC DỰ ÁN VÀ ĐỘI NGŨ HIỆU QUẢ

CÁC PHI NHÂN TỐ NĂNG SUẤT

Khi phân tích kết quả cuộc thi, chúng tôi phát hiện các nhân tố sau ít hoặc không liên quan đến hiệu suất:

* Ngôn ngữ: Lập trình viên dùng ngôn ngữ cũ như COBOL và Fortran về cơ bản làm tốt như các lập trình viên dùng Pascal và C. Sự dàn trải trong từng nhóm ngôn ngữ rất gần với sự dàn trải về hiệu suất. Ngoại lệ duy nhất với quan sát này là ngôn ngữ assembly: người dùng assembly bị bỏ xa so với các nhóm ngôn ngữ khác. (Nhưng ai dùng assembly đều thường bị bỏ xa.)

* Số năm kinh nghiệm: Người có 10 năm kinh nghiệm không làm tốt hơn người có 2 năm kinh nghiệm. Chẳng có tương quan nào giữa kinh nghiệm và hiệu suất ngoại trừ người có ít hơn 6 tháng kinh nghiệm dùng một ngôn ngữ thường không làm tốt bằng những người khác.

* Số sai sót: Gần một phần ba người tham gia đã hoàn thành bài thi không sai sót. Số người này không bị giảm hiệu suất khi làm những bài đòi hỏi có độ chính xác cao hơn. (Thật ra, nói chung thì họ mất ít thời gian hoàn thành bài thi hơn những người mắc từ một lỗi trở lên.)

* Lương bổng: Mức lương thay đổi rất lớn trong mẫu. Có quan hệ rất yếu giữa lương bổng và hiệu suất. Bên nửa số người làm tốt hơn có lương cao không quá 10% nhiều hơn nửa còn lại, nhưng hiệu suất của họ gần gấp đôi. Sự dàn trải hiệu suất tại một mức lương cho trước gần như ngang với sự dàn trải hiệu suất trên toàn bộ mẫu.

Một lần nữa, chẳng có gì hết sức ngạc nhiên, vì phần lớn các tác động này đều đã được quan sát trước đây. Hơi ngạc nhiên là một số nhân tố có tác động đáng kể đến hiệu suất.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Kinh tế học căn bản: Khi nào và tại sao các nhà kinh tế bất đồng

KINH TẾ HỌC CĂN BẢN

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

KHI NÀO VÀ TẠI SAO CÁC NHÀ KINH TẾ BẤT ĐỒNG

Các nhà kinh tế nổi tiếng về chuyện tranh luận với nhau. Sự nổi tiếng này từ đâu mà ra, và biện minh được không?

Một giải đáp quan trọng là truyền thông có khuynh hướng phóng đại những khác biệt quan điểm có thực tế của các nhà kinh tế. Nếu gần như mọi nhà kinh tế đều đồng thuận về một vấn đề - chẳng hạn tuyên bố cho rằng việc kiểm soát mức giá cho thuê sẽ đưa đến tình trạng thiếu nhà ở - thì các phóng viên và ban biên tập có thể kết luận rằng đó không phải là chuyện đáng đưa lên mặt báo, khiến sự đồng thuận giữa các chuyên gia không được biết đến. Nhưng vấn đề nào mà các nhà kinh tế nổi tiếng bất đồng - chẳng hạn việc cắt giảm thuế ngay lập tức sẽ giúp phát triển nền kinh tế - lại là vấn đề đáng để đưa lên. Vì thế bạn nghe rất nhiều về những bất đồng trong kinh tế học hơn là các đồng thuận.

Cũng cần nhớ rằng kinh tế thường gắn liền với chính trị. Trên một số vấn đề, các nhóm lợi ích có quyền biết rõ ý kiến nào mà họ muốn nghe; vì thế họ muốn đi tìm và đề cao nhà kinh tế nào bày tỏ các ý kiến đó, làm cho những nhà kinh tế này nổi tiếng hơn các đồng nghiệp khác.

Trong khi xảy ra bất đồng trong các nhà kinh tế nhiều hơn thực tế, sự thật là các nhà kinh tế thường xuyên bất đồng về những vấn đề quan trọng. Chẳng hạn, một số nhà kinh tế có uy tín tranh luận dữ dội rằng chính phủ Hoa kỳ cần thay thuế thu nhập bằng thuế giá trị gia tăng (value-added tax, một loại thuế mua bán ở cấp quốc gia, là nguồn thu chính của chính phủ ở nhiều nước Âu châu). Các nhà kinh tế có uy tín khác lại không đồng ý. Tại sao lại có ý kiến khác biệt này?

Một nguyên nhân quan trọng về sự khác biệt nằm ở các giá trị: như trong bất kỳ nhóm đa thành phần, người có lý có thể khác biệt. So với thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng thường khiến người có thu nhập trung bình phải gánh chịu nhiều hơn. Vì vậy nhà kinh tế nào đánh giá cao giá trị xã hội và bình đẳng thu nhập sẽ có khuynh hướng phản đối thuế giá trị gia tăng. Nhà kinh tế nào có quan điểm khác thì có thể ít phản đối hơn.

Nguyên nhân quan trọng thứ hai về sự khác biệt nảy sinh từ mô hình kinh tế. Do nhà kinh tế đưa ra kết luận dựa trên mô hình, vốn là biểu diễn đơn giản hóa của thực tại, hai nhà kinh tế có thể bất đồng một cách hợp lý về những đơn giản hóa nào là thích hợp - và vì thế họ đi đến các kết luận khác nhau.

Giả sử chính phủ Hoa Kỳ đang xem xét việc áp dụng thuế giá trị gia tăng. Nhà kinh tế A có thể dựa trên mô hình tập trung vào chi phí quản lý của hệ thống thuế - tức chi phí giám sát, xử lý giấy tờ, thu thuế, ... Sau đó nhà kinh tế này chỉ ra những chi phí cao khi quản lý thuế giá trị gia tăng và do đó phản đối ý định thay đổi. Nhưng nhà kinh tế B có thể nghĩ rằng cách tiếp cận đúng vấn đề là phải bỏ qua chi phí quản lý và tập trung vào sự thay đổi hành vi tiết kiệm. Nhà kinh tế này có thể đưa ra các nghiên cứu cho thấy thuế giá trị gia tăng khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm nhiều hơn, và đây là điều đáng ao ước.

Do các nhà kinh tế dùng những mô hình khác nhau - tức dùng các giả định đơn giản hóa khác nhau - nên họ đi đến các kết luận khác nhau. Và vì thế hai nhà kinh tế có thể tự thấy rằng họ ở hai phía khác nhau.

Hầu hết các trường hợp xung đột đó cuối cùng được giải quyết bằng cách tích lũy bằng chứng cho thấy mô hình nào khớp với dữ kiện thực tế tốt hơn. Tuy nhiên, trong kinh tế học, cũng như bất kỳ ngành khoa học khác, có thể phải mất nhiều thời gian để giải quyết những bất đồng quan trọng - trong nhiều trường hợp phải mất hàng thập niên. Và vì nền kinh tế luôn luôn thay đổi, theo những cách làm các mô hình cũ không còn giá trị, hay nảy sinh những vấn đề chính sách mới, lúc nào cũng có các vấn đề mới khiến nhà kinh tế bất đồng. Vì thế người làm chính sách buộc phải quyết định nên tin nhà kinh tế nào.

Điểm quan trọng là phân tích kinh tế là một phương pháp, không phải là tập hợp các kết luận.

(Còn tiếp)


-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Kiến thức phổ thông: Tự do - Liberty

MỖI NGÀY MỘT KIẾN THỨC PHỔ THÔNG

TỰ DO - LIBERTY

Tự do là một trong những từ bị lạm dụng nhiều nhất trong thuật ngữ chính trị. Kẻ mị dân, lừa bịp, người yêu nước, người theo chủ nghĩa dân túy, và bạo chúa đều tự khoác vào lá cờ tự do khi nào phù hợp. Và chỉ vài người có thể cưỡng nổi sức lôi cuốn của nó, khi gặp phải lời hùng biện sau: từ Tuyên ngôn Arbroath, khẳng định sự độc lập khỏi người Anh của Scotland năm 1930: "Chúng ta không chiến đấu vì vinh quang, của cải, hay danh dự, chúng ta chiến đấu vì tự do, quyền tự do mà không một người tốt nào từ bỏ, ngay cả khi phải hy sinh mạng sống."

Lời thôi thúc tự do có sức lôi cuốn đặc biệt với các nhà Cách mạng Hoa kỳ. Tự do mà họ đương đầu là tự do khỏi sự can thiệp của chính phủ Anh vào công việc nội bộ của họ. Tuy nhiên, đây chỉ là viễn kiến tự do hết sức hạn chế, vì họ đã cho phép duy trì chế độ nô lệ và đã không trao quyền chính trị cho phụ nữ.

Kiểu tự do mà các nhà lập quốc Hoa Kỳ nhận thức có đặc điểm tự do "thụ động" - tức tự do khỏi chính phủ. Vì mục đích này mà họ đưa Luật Dân Quyền vào Hiến pháp, liệt kê những điều chính phủ không thể áp đặt người dân, chẳng hạn tước đoạt quyền tự do ngôn luận hay tôn giáo.

Việc duy trì quyền tự do thụ động là nền tảng cơ bản của chủ nghĩa tự do chính trị. Đi xa hơn về cánh hữu, tự do khỏi sự can thiệp của chính phủ trong vận hành thị trường là đòi hỏi cơ bản của người theo chủ nghĩa tự do kinh tế.

Trái lại, cánh tả chủ trương tự do "chủ động". Vấn đề là một người không bị luật pháp ngăn trở làm điều gì thì không nhất thiết họ được trao quyền làm điều đó. Tự do chủ động bao hàm việc chính phủ cung cấp điều kiện để người dân tự do đạt mục đích và tận dụng tối đa tài năng của họ - thậm chí nếu điều này hạn chế tự do của một số cá nhân muốn làm điều họ muốn.


-- Hình: http://hdwallpapersx.com/wp-content/uploads/2013/12/Liberty-8-1024x768.jpg
-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Nhân liệu (Peopleware): Khác biệt cá nhân

NHÂN LIỆU (PEOPLEWARE): CÁC DỰ ÁN VÀ ĐỘI NGŨ HIỆU QUẢ

KHÁC BIỆT CÁ NHÂN

Một trong những kết quả đầu tiên của Cuộc chơi Chiến tranh Lập trình là bằng chứng cho thấy có khác biệt to lớn giữa các thành viên tham gia. Dĩ nhiên, điều này đã được quan sát trước đây. Hình 8-1, chẳng hạn, là một tổng hợp những phát hiện từ ba nguồn về sự khác biệt cá nhân.

Hình 8-1: Khác biệt hiệu suất giữa các cá nhân

Ba quy luật sau dường như đúng khi bạn khảo sát khác biệt hiệu suất trên tập hợp các cá nhân.

* Hiệu suất của người giỏi nhất so với người dở nhất là 10:1.

* Hiệu suất của người giỏi nhất so với người trung bình là 2.5:1.

* Hiệu suất của nửa số người giỏi hơn so với nửa số người dở hơn là 2:1.

Các quy luật này hầu như đúng với bất kỳ độ đo mà bạn định nghĩa. Như vậy, chẳng hạn, phân nửa giỏi hơn của mẫu sẽ thực hiện công việc bằng nửa thời gian so với nửa kia; nửa dễ phạm lỗi hơn sẽ gây nhiều hơn 2/3 số lỗi, và ...

Kết quả Cuộc chơi Chiến tranh Lập trình cho kết quả rất tương đồng với bức tranh này. Chẳng hạn xét Hình 8-2, trình bày hiệu suất theo thời gian để đạt cột mốc đầu tiên (biên dịch thành công, sẵn sàng để kiểm thử) trong một bài thi.

Hình 8-2: Khác biệt hiệu suất giữa các cá nhân

Hiệu suất cao nhất gấp 2.1 lần so với hiệu suất trung bình. Nửa có hiệu suất cao hơn so với nửa kia là 1.9:1. Các bài thi tiếp theo có kết quả tương tự.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Kinh tế học căn bản: Kinh tế học thực chứng so với kinh tế học chuẩn tắc

KINH TẾ HỌC CĂN BẢN

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

KINH TẾ HỌC THỰC CHỨNG SO VỚI KINH TẾ HỌC CHUẨN TẮC

Hãy hình dung bạn làm cố vấn cho chủ tịch tỉnh hay thành phố. Những loại câu hỏi nào vị chủ tịch muốn bạn trả lời?

Đây là ba câu hỏi khả dĩ:

1. Năm sau các trạm thu phí trên địa bàn sẽ đạt doanh thu bao nhiêu?

2. Doanh thu sẽ tăng bao nhiêu nếu phí tăng từ 20 ngàn lên 30 ngàn?

3. Phí có nên tăng hay không, biết rằng phí tăng sẽ giảm mật độ lưu thông và ô nhiễm không khí trên đường nhưng sẽ gây khó khăn tài chính cho người thường xuyên đi lại?

Hai câu hỏi đầu rất khác câu hỏi thứ ba. Hai câu hỏi đầu hỏi về dữ kiện. Dự báo của bạn về doanh thu năm sau của phí giao thông sẽ được chứng minh là đúng hay sai khi có được số liệu thực tế. Ước lượng về tác động của việc thay đổi mức phí thì khó kiểm tra hơn - bên cạnh mức thu phí, doanh thu còn phụ thuộc vào những nhân tố khác, và có thể khó tách bạch các nguyên nhân khiến doanh số thay đổi. Hơn nữa, trên nguyên tắc thì chỉ có một đáp án.

Nhưng câu hỏi liệu có nên tăng phí hay không có thể không có câu trả lời "đúng" - hai người đồng thuận về tác động của việc tăng phí vẫn có thể bất đồng việc có nên tăng phí hay không. Chẳng hạn, người sống gần trạm thu phí nhưng không đi lại thường xuyên thì quan tâm nhiều đến tiếng ồn và ô nhiễm không khí nhưng không quan tâm nhiều đến phí giao thông. Một người đi lại thường xuyên nhưng không sống gần trạm thu phí sẽ có những mối bận tâm trái ngược.

Ví dụ này minh họa sự khác biệt chính giữa hai vai trò phân tích kinh tế. Phân tích nào cố gắng trả lời những câu hỏi về cách thế giới vận hành, vốn có câu trả lời đúng sai rõ ràng, được gọi là kinh tế học thực chứng (positive economics). Trái lại, phân tích nào bao hàm việc tuyên bố thế giới cần vận hành ra sao được gọi là kinh tế học chuẩn tắc (normative economics). Nói cách khác, kinh tế học thực chứng có tính mô tả; còn kinh tế học chuẩn tắc có tính kê đơn.

Kinh tế học thực chứng choán hầu hết thời gian và nỗ lực của nghề kinh tế. Đồng thời mô hình đóng vai trò cực kỳ quan trọng hầu như trong mọi ngành kinh tế học thực chứng. Như đã đề cập trước đây, chính phủ Hoa Kỳ dùng mô hình máy tính để đánh giá những đề xuất thay đổi trong chính sách thuế quốc gia, và nhiều chính quyền bang có mô hình tương tự để đánh giá tác động của chính sách thuế của chính họ.

Cần chú ý rằng có sự khác biệt tinh tế nhưng quan trọng giữa câu hỏi thứ nhất và thứ hai mà ta hình dung là vị chủ tịch sẽ hỏi. Câu hỏi 1 yêu cầu có một dự đoán đơn giản về doanh thu năm sau - tức dự báo (forecast). Câu hỏi 2 thuộc dạng "nếu ... thì sao?", yêu cầu cho biết doanh thu sẽ thay đổi ra sao nếu luật thuế thay đổi. Nhà kinh tế thường được vời đến để trả lời cả hai loại câu hỏi, nhưng mô hình rất hữu ích cho việc trả lời những câu hỏi thuộc dạng "nếu ... thì sao?"

Trả lời các câu hỏi đó thường phục vụ như một hướng dẫn cho chính sách, nhưng chúng vẫn là dự báo, không phải kê đơn. Nghĩa là chúng cho bạn biết điều gì sẽ xảy nếu một chính sách thay đổi; chúng không cho bạn biết liệu kết quả có tốt hay không. Giả sử mô hình kinh tế cho bạn biết rằng việc tăng phí giao thông sẽ tăng giá trị tài sản trong cộng đồng sống gần đường nhưng sẽ gây tổn hại cho người đi làm phải đi qua trạm thu phí. Vậy đề xuất tăng phí là ý tưởng tốt hay tệ? Nó phụ thuộc vào đối tượng bạn hỏi. Như ta vừa thấy, ai quan tâm đến cộng đồng sống gần đường sẽ ủng hộ việc tăng, còn ai quan tâm đến phúc lợi của người tham gia giao thông sẽ cảm thấy khác. Đó là một đánh giá chủ quan - đó không phải là câu hỏi phân tích kinh tế.

Hơn nữa, nhà kinh tế thường can dự vào kinh tế học chuẩn tắc và đưa ra lời khuyên về chính sách. Làm sao họ có thể làm được khi có thể không có câu trả lời "đúng"?

Trả lời rằng nhà kinh tế còn là công dân, và tất cả chúng ta đều có ý kiến của mình. Nhưng phân tích kinh tế thường có thể được dùng để chỉ ra một số chính sách rõ ràng tốt hơn những chính sách khác, bất chấp ý kiến của bất kỳ ai.

Giả sử rằng chính sách A và B đều đạt cùng mục tiêu, nhưng chính sách A làm mọi người khấm khá hơn chính sách B - hay ít ra là làm một số người khấm khá hơn mà không làm người khác bị thiệt. Thì chính sách A rõ ràng hiệu quả hơn B. Đó không phải là đánh giá chủ quan: ta đang bàn về việc làm thế nào đạt được mục tiêu tốt nhất, chứ không bàn về bản thân mục tiêu đó.

Chẳng hạn, hai chính sách khác nhau đã được dùng để giúp các gia đình thu nhập thấp có nhà: kiểm soát giá thuê, tức hạn chế tiền cho thuê mà chủ nhà được phép thu, và trợ giá thuê nhà, tức hỗ trợ một phần tiền thuê nhà cho các gia đình. Hầu hết mọi nhà kinh tế đều đồng thuận rằng trợ giá là chính sách hiệu quả hơn. Và vì vậy đa số nhà kinh tế, bất chấp quan điểm chính trị, đều thiên về trợ giá so với kiểm soát giá thuê.

Khi các chính sách có thể được sắp hạng rõ ràng theo cách này, thì nhà kinh tế nói chung đồng thuận. Nhưng sẽ chẳng có gì bí mật nếu các nhà kinh tế đôi khi bất đồng.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Kinh tế học căn bản: Dùng mô hình

KINH TẾ HỌC CĂN BẢN

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

DÙNG MÔ HÌNH

Kinh tế học, giờ đây ta đã biết, chủ yếu là vấn đề tạo ra các mô hình nhờ cậy một tập những nguyên tắc cơ bản nhưng thêm một số giả định cụ thể nhằm cho phép người dùng mô hình áp dụng các nguyên tắc đó vào một tình huống cụ thể. Nhưng nhà kinh tế thật sự làm gì với mô hình của họ?


(Còn tiếp)

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Kiến thức phổ thông: Ngôn ngữ và ý nghĩa - Language and Meaning

Một trong những mạch quan trọng nhất của triết học hiện đại là triết học ngôn ngữ. Rất nhiều nỗ lực được bỏ ra để làm sáng tỏ bản chất ngôn ngữ và làm thế nào để ta thật sự dùng nó. Kết quả là nhiều lý thuyết mà các triết gia đưa ra trong quá khứ được chứng minh là đã nảy sinh từ những hiểu sai về cách ngôn ngữ vận hành.

Về truyền thống, các triết gia giả định rằng ý nghĩa của một từ đơn giản là "sự tham chiếu" của nó, tức điều mà nó đại diện. Giả định này đúng trong nhiều trường hợp nhưng trở nên có vấn đề khi ta giải quyết những điều không hiện hữu. Vì ta có từ "ma quỷ," không cần suy diễn rằng đó là thực. Đây chính là bẫy khiến Plato tin rằng các thuật ngữ tổng quát như "ngựa," "hình tròn," hay "tốt" thật ra là những Dạng thức trừu tượng, phi vật chất.

Đến cuối thế kỷ mười chín, triết gia Đức Gottlob Frege (1848–1925) đề nghị rằng một từ vừa có một "cảm nhận" cũng như một tham chiếu. Các từ khác nhau có thể có cùng tham chiếu nhưng có cảm nhận khác nhau: chẳng hạn, hai cái tên Elton John và Reginald Dwight cùng tham chiếu đến một người, nhưng tên đầu là một nhân vật danh tiếng còn tên sau là một cá nhân riêng tư. Sau này những người theo chủ nghĩa thực chứng logic cương quyết cho rằng chỉ có các phát biểu có thể kiểm chứng được - hoặc qua kiểm tra thực nghiệm hoặc nhờ định nghĩa từ và cấu trúc văn phạm - mới có nghĩa.

Triết gia Áo có tầm ảnh hưởng lớn lao Ludwig Wittgenstein (1889–1951) đã phát triển một tiếp cận rất khác, ông cho rằng ý nghĩa của một từ ngữ phụ thuộc vào việc sử dụng của nó - nói cách khác, vào qui ước xã hội. Con người chơi "trò chơi ngôn ngữ" trong những ngữ cảnh khác nhau: chẳng hạn, một phát biểu có nghĩa trong một bài thơ có thể vô nghĩa trong ngữ cảnh của một báo cáo khoa học. Cách tiếp cận ngôn ngữ và ý nghĩa của Wittgenstein đã gây ảnh hưởng to lớn đến lĩnh vực triết học.


-- Hình: https://c2.staticflickr.com/8/7070/6886956625_b1b038981f_z.jpg
-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Nhân liệu (Peopleware): Cuộc chơi Chiến tranh Lập trình

NHÂN LIỆU (PEOPLEWARE): CÁC DỰ ÁN VÀ ĐỘI NGŨ HIỆU QUẢ

CUỘC CHƠI CHIẾN TRANH LẬP TRÌNH: CÁC NHÂN TỐ NĂNG SUẤT ĐÃ ĐƯỢC QUAN SÁT

Từ những năm trước lần xuất bản đầu tiên của quyển sách này, hàng năm chúng tôi đều tiến hành một dạng điều tra năng suất đại chúng. Đến nay, hơn ba trăm tổ chức trên toàn thế giới đã tham gia vào các cuộc khảo sát này. Sau này, chúng tôi bắt đầu tiến hành điều tra hàng năm dưới dạng một cuộc thi đại chúng trong đó các đội ngũ thi công phần mềm từ nhiều tổ chức khác nhau cạnh tranh để hoàn thành một chuỗi các bài tập lập trình và kiểm thử với thời gian tối thiểu và với sai sót tối thiểu. Chúng tôi gọi các cuộc thi này là Cuộc chơi Chiến tranh Lập trình. Sau đây là nội dung cuộc thi:

* Đơn vị cạnh tranh cơ bản là một cặp lập trình viên thuộc cùng một tổ chức. Các thành viên trong cặp không cùng nhau làm việc, mà cạnh tranh nhau đồng thời cạnh tranh với các cặp khác.

* Hai thành viên trong cặp làm công việc như nhau, thiết kế, mã hóa, và kiểm thử một chương trình có kích cỡ trung bình theo những đặc tả cố định của chúng tôi.

* Khi làm bài thi, các thành viên ghi thời gian thực hiện vào một nhật ký thời gian.

* Sau khi hoàn thành phần kiểm thử, các sản phẩm được đưa qua phần kiểm thử nghiệm thu chuẩn của chúng tôi.

* Các thành viên làm bài trong môi trường làm việc của bản thân họ, trong giờ làm việc bình thường, dùng cùng ngôn ngữ, công cụ, thiết bị đầu cuối, và máy tính mà họ dùng cho bất kỳ dự án nào khác.

* Mọi kết quả đều được giữ bí mật.

Từ 1984 đến 1986, hơn 600 lập trình viên từ 92 công ty đã tham gia cuộc chơi. Lợi ích của từng cá nhân là đối chiếu bản thân họ với những người khác. Lợi ích của công ty cũng là đối chiếu họ với các công ty khác. Và lợi ích của chúng tôi là biết rất nhiều về những nhân tố ảnh hưởng đến năng suất. Các nhân tố này được đề cập trong phần còn lại của chương.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Kinh tế học căn bản: Kinh tế học trong thực tế: Nước giàu, nước nghèo

KINH TẾ HỌC CĂN BẢN

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

KINH TẾ HỌC TRONG THỰC TẾ: NƯỚC GIÀU, NƯỚC NGHÈO

Hãy thử cởi bỏ quần áo - dĩ nhiên tại thời điểm thích hợp và ở nơi thích hợp - rồi nhìn vào nhãn bên trong để biết chúng được sản xuất ở đâu. Đa phần, nếu không phải hầu hết, quần áo ở Hoa Kỳ được sản xuất ở nước ngoài, ở một nước nghèo hơn Hoa Kỳ rất nhiều - chẳng hạn ở El Salvador, Sri Lanka, hay Bangladesh.

Tại sao những nước này lại nghèo hơn Hoa Kỳ rất nhiều? Lý do trực tiếp là nền kinh tế của họ có năng suất thấp hơn rất nhiều - với số lượng tài nguyên đã cho, các nước này không thể sản xuất nhiều như Hoa Kỳ hay như những nước giàu có khác. Tại sao các nước có khác biệt lớn về năng suất là một câu hỏi sâu sắc - thật vậy, đây là một trong những câu hỏi chính làm bận tâm các nhà kinh tế. Nhưng dù sao đi nữa, khác biệt về năng suất là có thực.

Nhưng nếu nền kinh tế của những nước này có năng suất quá thấp so với Hoa Kỳ, làm sao mà họ lại sản xuất được nhiều quần áo đến như vậy? Tại sao Hoa Kỳ không tự sản xuất quần áo?

Câu trả lời là "lợi thế so sánh." Mọi nền công nghiệp ở Bangladesh đều có năng xuất rất thấp so với nền công nghiệp tương ứng ở Hoa Kỳ. Nhưng khác biệt về năng xuất giữa nước giàu và nước nghèo thay đổi theo hàng hóa; có sự khác biệt rất lớn trong sản xuất hàng hóa phức tạp như máy bay nhưng không lớn như thế trong sản xuất các hàng hóa đơn giản hơn, chẳng hạn quần áo. Vì vậy vị thế của Bangladesh về sản xuất quần áo thì tương tự vị thế của Embraer về sản xuất máy bay nhỏ: không tốt bằng Boeing, nhưng thứ mà Embraer làm ra thì tốt về phương diện so sánh.

Bangladesh, dù bất lợi tuyệt đối khi so sánh với Hoa Kỳ hầu như về mọi thứ, có lợi thế so sánh trong sản xuất quần áo. Điều này nghĩa là cả Hoa Kỳ và Bangladesh có thể tiêu thụ nhiều hơn vì họ chuyên sản xuất những thứ khác nhau, Bangladesh cung cấp quần áo cho Hoa Kỳ còn Hoa Kỳ thí cung cấp cho Bangladesh những hàng hóa phức tạp hơn.

(Còn tiếp)


-- Hình: Mặc dù có năng suất thấp hơn công nhân Hoa Kỳ, công nhân Bangladesh có lợi thế so sánh trong sản xuất quần áo.
-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Kiến thức phổ thông: Tiến bộ - Progress

Là một khái niệm, tiến bộ giả định khả năng mọi điều có thể và thật sự sẽ tốt hơn. Ngụ ý trong đó là quan điểm nhân hậu về bản chất con người - ta sẽ tốt lên khi rơi vào đúng hoàn cảnh. Tiến bộ vừa là niềm tin vừa là giá trị, cùng được các đảng tự do, cấp tiến, và cánh tả chia sẻ. Trái lại, người theo phái phản động và bảo thủ có quan điểm bi quan hơn, họ bác bỏ khả năng cải thiện. Thật vậy, họ thường nhìn lại "thời hoàng kim" trong quá khứ nào đó rồi khẳng định rằng từ đó về sau mọi thứ đều xuống dốc.

Ý tưởng tiến bộ có thể lần ngược về thế kỷ mười sáu, với sự hé lộ của chủ nghĩa nhân văn trần tục và Cách mạng Khoa học. Từ đó về sau, khoa học và công nghệ đã tạo ra những tiến bộ vượt bậc, chủ yếu vì lợi ích con người. Tương tự, ít người bác bỏ rằng đã có sự cải thiện nào đó trong cách ta cư xử với nhau - chẳng hạn (ít ra ở phương Tây) qua việc bãi bỏ lao động trẻ em và chế độ nô lệ.


-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Nhân liệu (Peopleware): Chính sách mặc định

NHÂN LIỆU (PEOPLEWARE): CÁC DỰ ÁN VÀ ĐỘI NGŨ HIỆU QUẢ

CHÍNH SÁCH MẶC ĐỊNH

--------------------------------------------------
Một công ty ở California mà tôi tư vấn rất quan tâm lắng nghe nhân viên. Một năm nọ, bộ phận quản lý công ty đã tiến hành điều tra, mọi lập trình viên (hơn một ngàn người) được yêu cầu kê ra điều gì tốt nhất và tệ nhất trong công việc của họ. Người quản lý tiến hành cuộc điều tra hết sức kích động về những thay đổi mà công ty đã thực hiện. Anh bảo tôi rằng vấn đề thứ hai là truyền thông không tốt với quản lý cấp cao. Biết được điều đó từ cuộc điều tra, công ty đã thiết lập các nhóm chất lượng, những buổi họp lắng nghe ý kiến đóng góp, và các chương trình giao lưu khác. Tôi lịch sự lắng nghe anh kể chi tiết. Khi anh kết thúc, tôi hỏi còn vấn đề thứ nhất là gì. "Môi trường," anh trả lời. "Nhân viên mệt mỏi vì tiếng ồn." Tôi hỏi những bước nào công ty đã thực hiện để cứu chữa vấn đề đó. "Ô, chúng tôi không thể làm được gì," anh bảo. "Điều đó nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi."
-- TDM
--------------------------------------------------

Điều nản lòng hơn cả là người quản lý thậm chí không đặc biệt xấu hổ khi không thể tiến hành các bước cải thiện môi trường. Như thể các lập trình viên đã phàn nàn về sức ì quá lớn, sau khi suy xét đến một mức nào đó, bộ phận quản lý quyết định rằng họ thật sự không thể làm gì được nhiều, đó là vấn đề mà giải pháp vượt quá khả năng con người. Đây là chính sách hoàn toàn mặc định.

Thay đổi môi trường không vượt quá khả năng con người. Lúc nào cũng có một nhóm đầy quyền lực trong hầu hết các công ty, nhóm Quản trị Vật tư chịu trách nhiệm về môi trường vật lý. Nhưng không làm sao khiến họ thấy được lý do hay tước quyền của họ. Phần còn lại của chương này, chúng tôi sẽ trình bày một số lý do tại sao bạn sẽ bắt chước hệt như thế. Trong các chương tiếp theo, chúng tôi đưa ra một số hướng dẫn để cứu chữa vấn đề đó.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Kinh tế học căn bản: Giao dịch: Biểu đồ dòng chu chuyển

KINH TẾ HỌC CĂN BẢN

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

GIAO DỊCH: BIỂU ĐỒ DÒNG CHU CHUYỂN

Các nền kinh tế mô hình ta đã nghiên cứu đến nay - mỗi nền kinh tế chỉ chứa một công ty - là sự đơn giản hóa ghê gớm. Ta cũng đã đơn giản hóa thương mại giữa Hoa Kỳ và Brazil, giả định rằng họ chỉ tham gia vào dạng giao dịch đơn giản nhất, đổi chác (barter), trong đó một bên trao đổi trực tiếp một hàng hóa hay dịch vụ để được một hàng hóa hay dịch vụ khác mà không dùng tiền. Trong nền kinh tế hiện đại, đổi chác đơn giản hiếm khi xảy ra: thường người ta trao đổi hàng hóa hay dịch vụ để nhận tiền - những mẩu giấy màu mè vô giá trị - và rồi trao đổi các mẩu giấy màu mè đó để nhận hàng hóa và dịch vụ họ muốn. Nghĩa là, họ bán hàng hóa và dịch vụ này rồi mua hàng hóa và dịch vụ khác.

Và họ vừa mua vừa bán nhiều thứ khác nhau. Nền kinh tế Hoa Kỳ là thực thể vô cùng phức tạp, với hơn một trăm triệu người được tuyển dụng bởi hàng triệu công ty, sản xuất hàng triệu hàng hóa và dịch vụ khác nhau. Nhưng bạn có thể học một số điều hết sức quan trọng về nền kinh tế bằng cách xem xét đồ thị đơn giản ở Hình 2-6, biểu đồ dòng chu chuyển (circular-flow diagram). Biểu đồ này trình bày các giao dịch diễn ra trong một nền kinh tế bằng hai dòng chạy lòng vòng: dòng những thứ vật lý như hàng hóa, dịch vụ, lao động, hay vật liệu thô chạy theo một hướng, và dòng tiền trả cho những thứ vật lý đó chạy theo hướng ngược lại. Trong trường hợp này dòng vật lý có màu vàng, dòng tiền có màu xanh.

Hình 2-6: Biểu đồ Dòng Chu chuyển

Biểu đồ dòng chu chuyển đơn giản nhất minh họa một nền kinh tế chỉ chứa hai loại cư dân: các hộ dân (households) và các công ty (firms). Một hộ dân gồm cá nhân hay một nhóm người (thường là gia đình nhưng không nhất thiết) chia sẻ thu nhập của họ. Một công ty là tổ chức sản xuất hàng hóa hay dịch vụ để bán - và tuyển dụng các thành viên trong hộ dân.

Như bạn có thể thấy ở Hình 2-6, có hai loại thị trường trong nền kinh tế đơn giản này. Một bên (ở đây là bên trái) có các thị trường hàng hóa và dịch vụ (markets for goods and services) trong đó các hộ dân mua hàng hóa và dịch vụ họ muốn từ các công ty. Loại này sinh ra dòng hàng hóa và dịch vụ chảy vào các hộ dân và dòng tiền trả về các công ty.

Mặt khác, có các thị trường nhân tố (factor markets) trong đó các công ty mua tài nguyên họ cần để sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Nhắc lại từ đầu chương rằng những nhân tố chính trong sản xuất là đất đai, lao động, vốn vật lý, và vốn con người.

Thị trường nhân tố mà hầu hết chúng ta biết rõ nhất là thị trường lao động, trong đó công nhân bán dịch vụ của họ. Thêm vào đó, ta có thể nghĩ rằng các hộ dân đang làm chủ và bán những nhân tố sản xuất khác cho công ty. Chẳng hạn, khi một công ty mua vốn vật lý dưới dạng máy móc, chi trả cuối cùng chuyển vào hộ dân nào là chủ công ty chế tạo máy. Trong trường hợp này, giao dịch đang xảy ra trong thị trường vốn, thị trường trong đó vốn được mua và bán. Các trị trường nhân tố cuối cùng xác định phân bố thu nhập (income distribution) của một nền kinh tế, làm thế nào tổng thu nhập tạo ra trong một nền kinh tế được cấp phát trong số các công nhân tay nghề thấp, công nhân tay nghề cao, và những chủ vốn cũng như đất đai.

Biểu đồ dòng chu chuyển lờ đi một số chi tiết phức tạp trong thực tế vì mục đích đơn giản hóa. Sau đây là một vài ví dụ:

* Trong thực tế, khác biệt giữa công ty và hộ dân không phải lúc nào cũng rõ ràng. Xét một doanh nghiệp gia đình nhỏ - một nông trại, một cửa hàng, một khách sạn nhỏ. Đây là công ty hay hộ dân? Biểu đồ đầy đủ hơn sẽ có thêm một ô dành riêng cho các doanh nghiệp gia đình.

* Nhiều công ty không bán hàng cho hộ dân mà bán cho những công ty khác; chẳng hạn, công ty thép chủ yếu bán cho các công ty khác chẳng hạn cho nhà sản xuất ô tô, chứ không bán cho hộ dân. Biểu đồ đầy đủ hơn sẽ có thêm những dòng hàng hóa, dịch vụ, và tiền chạy bên trong phân khúc doanh nghiệp.

* Sơ đồ không cho thấy chính phủ, trong thực tế chính phủ thu vào khá nhiều tiền từ dòng chu trình dưới dạng thuế nhưng cũng đổ ngược vào đó rất nhiều tiền dưới dạng chi tiêu.

Nói cách khác, Hình 2-6 không phải là bức tranh toàn cảnh về tất cả các loại cư dân trong nền kinh tế thật sự hay tất cả các dòng tiền và hạng mục vật lý xảy ra trong những cư dân này.

Dù đơn giản, biểu đồ dòng chu trình là một hỗ trợ hết sức hữu ích khi tư duy về nền kinh tế.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

Kiến thức phổ thông: Nghịch lý - Paradoxes

Nghịch lý, được các triết gia để lại, là những khẳng định tự mâu thuẫn một cách hiển nhiên nhằm chỉ ra sự không phù hợp nào đó trong việc dùng ngôn ngữ hay cách tư duy của ta, chẳng hạn nghịch lý Achilles (xem bài Quyết định luận) hay nghịch lý người dối trá (xem bài Chân lý).

Một trong những nghịch lý thách thức nhất là nghịch lý đụn cát từ thời Hy Lạp cổ đại (tương tự như các nghịch lý được đề cập ở trên). Nghịch lý này chỉ ra rằng một hạt cát không thể tạo nên đụn cát, và nếu một hạt không thể, thì hai, ba, hay bốn hạt cũng không thể. Vậy tại điểm nào mà việc bỏ thêm một hạt cát vào tập hợp cát của ta sẽ tạo nên một đụn cát? Nghịch lý đụn cát liên can đến nhiều vấn đề, chẳng hạn trong tranh luận về phá thai: tại điểm nào thì bào thai, đầu tiên chỉ là một vài tế bào, trở thành một con người? Kiểu nghịch lý này dạy ta về bản chất của thể liên tục, nơi không có điểm xác định đơn nhất để vật này trở thành vật khác.


-- Hình: Một biến thể của nghịch lý đụn cát là tại điểm nào thì việc rụng đi một tí tóc sẽ làm người ta bị hói?
-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông

Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Nhân liệu (Peopleware): 8 "Bạn chẳng làm xong việc gì ở đây từ 9 đến 5 giờ."

NHÂN LIỆU (PEOPLEWARE): CÁC DỰ ÁN VÀ ĐỘI NGŨ HIỆU QUẢ

8 "BẠN CHẲNG LÀM XONG VIỆC GÌ Ở ĐÂY TỪ 9 ĐẾN 5 GIỜ."

Một phần truyền thống trong cộng đồng phát triển ở mọi phân khúc trong nền kinh tế của ta là, "Làm thêm giờ là hiển nhiên." Điều này ngụ ý rằng công việc chẳng bao giờ có thể hoàn thành với thời lượng dành cho nó. Đối với chúng tôi đó là lời khẳng định khá nghi ngờ. Chẳng hạn, làm thêm giờ là hiển nhiên trong công nghiệp phần mềm, nhưng ngành công nghiệp đó khó có thể đạt đến thời kỳ thịnh vượng ấn tượng như thế nếu phần mềm được xây dựng trên tổng thể mà không có giá trị cao hơn nhiều so với chi phí đã bỏ ra. Như vậy làm sao giải thích được rằng người làm phần mềm cũng như người làm việc trí óc khác đang đang phải làm thêm giờ quá nhiều?

Một khả năng có thể gây khó chịu là làm thêm giờ không phải là cách tăng số giờ làm việc để cải thiện chất lượng. Bằng chứng là bạn thường nghe các phát biểu sau được lặp đi lặp lại nhiều lần:

"Tôi đạt năng suất cao nhất vào sáng sớm, trước khi người khác đến làm việc."

"Một đêm thức khuya, tôi có thể đạt năng suất bằng 2-3 ngày làm việc."

"Văn phòng lúc nào cũng như cái chợ, nhưng đến khoảng 6 giờ chiều, mọi thứ bắt đầu yên tĩnh nên bạn thật sự có thể làm xong việc."

Để làm việc hiệu quả, nhân viên có thể phải đến sớm hay ở lại trễ hay thậm chí phải trốn ở nhà cả ngày để có thể hoàn thành phần việc hết sức quan trọng nào đó. Một trong những thành viên tham gia buổi thuyết trình của chúng tôi cho biết lãnh đạo mới của cô không cho phép cô làm việc tại nhà, vì vậy một ngày trước hạn nộp báo cáo quan trọng, cô phải kiếu bệnh để có thể hoàn thành báo cáo đó.

Ở lại trễ hay đến sớm để yên tĩnh làm việc là lời buộc tội đầy uất ức về môi trường làm việc. Điều gây ngạc nhiên không phải là ai cũng biết rằng không thể làm việc trong môi trường như thế; điều ngạc nhiên là ai cũng biết nhưng không ai làm gì để cải thiện nó.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)

Phát triển ERP bằng MS Access: 3. Đặt lại tiêu đề cho ứng dụng

Để ý rằng thanh tiêu đề của cửa sổ Access chứa một tiêu đề khá dài.

Tiêu đề trước khi sửa

Để có một tiêu đề ngắn gọn, chẳng hạn BIS-ERP, trên dải công cụ (Ribbon), ta nhấp vào thẻ FILE (FILE tab) để chuyển sang cửa sổ hậu trường (backstage view).

Ribbon và FILE tab

Backstage view


Trong backstage view, ta nhấp vào lệnh Options ở góc trái dưới để chuyển sang cửa sổ Access Options. Ở khung bên trái, ta nhấp chọn Current Database, tức cơ sở dữ liệu hiện hành, rồi ở khung bên phải ta gõ tiêu đề của ứng dụng vào ô Application Title, rồi nhấp nút OK.

Cửa sổ Access Options

Đến đây ta thấy thanh tiêu đề của cửa sổ Access chỉ chứa một tiêu đề ngắn gọn.

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Kinh tế học căn bản: So sánh toàn cầu: Cộng hòa Quần áo ngủ

KINH TẾ HỌC CĂN BẢN

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

SO SÁNH TOÀN CẦU: CỘNG HÒA QUẦN ÁO NGỦ

Các nước nghèo thường có năng suất thấp trong sản xuất quần áo, nhưng ngay cả năng suất thấp trong các ngành công nghiệp khác (xem phần Kinh tế học trong Thực tế tới đây), vẫn cho họ lợi thế so sánh trong sản xuất quần áo. Kết quả là ngành sản xuất may mặc có khuynh hướng nổi trội trong nền kinh tế của họ. Một quan chức thuộc một nước nghèo từng nói đùa, "Chúng tôi không phải là một nước cộng hòa chuối (banana republic, mang nghĩa tiêu cực) - chúng tôi là một nước cộng hòa quần áo ngủ (pajama republic)."

Hình bên minh họa thu nhập trên mỗi đầu người - per capita income (tổng thu nhập quốc gia chia cho dân số) so với phần trăm tuyển dụng công nhân trong sản xuất may mặc (employment in clothing production) ở một số quốc gia. Đồ thị cho thấy có một quan hệ âm tính cao giữa thu nhập trên mỗi đầu người của từng quốc gia và quy mô của ngành công nghiệp may mặc: các nước nghèo có ngành công nghiệp may mặc với qui mô lớn, trong khi những nước giàu lại có qui mô khá nhỏ.


Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, công nghiệp may mặc của Bangladesh có "năng suất thấp, mức độ biết đọc biết viết rất thấp, thường xuyên có bất ổn về lao động, và công nghệ lạc hậu." Nhưng Bangladesh tập trung phần lớn lực lượng lao động vào sản xuất quần áo, phân khúc mà họ có lợi thế so sánh vì năng suất ở các ngành công nghiệp khác còn thấp hơn. Trái lại, Costa Rica có năng suất khá cao trong may mặc. Nhưng họ có lực lượng lao động khá thấp và ngày càng giảm trong sản xuất quần áo. Đó là vì năng suất trong các ngành công nghiệp khác ở Costa Rica hơi cao hơn so với Bangladesh.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Kinh tế học căn bản: Hiểu sai về lợi thế so sánh

KINH TẾ HỌC CĂN BẢN

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

NHẦM LẪN: HIỂU SAI VỀ LỢI THẾ SO SÁNH

Các sinh viên nhầm, các học cũng nhầm, các chính trị gia cũng nhầm trong mọi lúc: họ nhầm lợi thế so sánh với lợi thế tuyệt đối. Chẳng hạn, quay về những năm 1980, nền kinh tế Hoa Kỳ dường như tụt hậu so với Nhật Bản, người ta thường nghe các bình luận viên khuyến cáo rằng nếu không cải thiện năng suất, chẳng bao lâu Hoa Kỳ sẽ chẳng còn ưu thế so sánh ở bất cứ thứ gì.

Điều mà các bình luận viên ngụ ý thật ra là Hoa Kỳ sẽ chẳng còn ưu thế tuyệt đối ở bất cứ điều gì - sẽ có lúc người Nhật giỏi hơn về mọi phương diện. (Điều đó đã không xảy ra, nhưng đó là một câu chuyện khác.) Và họ có suy nghĩ rằng trong trường hợp đó, Hoa Kỳ sẽ chẳng lợi lộc gì từ thương mại với Nhật.

Nhưng trong ví dụ của ta, Brazil có lợi từ thương mại với Hoa Kỳ (và ngược lại) cho dù Hoa Kỳ sản xuất cả máy bay lớn lẫn máy bay nhỏ giỏi hơn, trên thực tế các quốc gia vẫn có lợi từ thương mại cho dù họ kém năng suất trong mọi ngành công nghiệp so với các nước mà họ thương mại.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Kinh tế học căn bản: Lợi thế so sánh và thương mại quốc tế trong thực tế

KINH TẾ HỌC CĂN BẢN

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

LỢI THẾ SO SÁNH VÀ THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ TRONG THỰC TẾ

Hãy nhìn vào nhãn hiệu một hàng hóa được bán ở Hoa Kỳ, rất có thể bạn sẽ thấy rằng hàng hóa đó được sản xuất ở một nước khác - Trung Quốc, Nhật Bản, hay thậm chí Canada. Mặt khác, nhiều ngành công nghiệp Hoa kỳ bán một lượng lớn sản phẩm của họ ra nước ngoài. (Đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, công nghệ cao, và giải trí.)

Có nên tán thưởng sự trao đổi quốc tế hàng hóa và dịch vụ này, hay đó là một quan ngại? Các chính trị gia và công chúng thường chất vấn về thương mại quốc tế, cho rằng quốc gia cần tự sản xuất hàng hóa thay vì mua từ nước ngoài. Các ngành công nghiệp trên toàn thế giới yêu cầu phải được bảo vệ trước cạnh tranh từ nước ngoài: nông dân Nhật muốn ngăn nhập khẩu gạo từ Mỹ, công nhân Mỹ muốn ngăn nhập khẩu thép từ Âu Châu. Và những đòi hỏi này thường được công luận ủng hộ.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế có quan điểm hết sức tích cực về thương mại quốc tế. Tại sao? Vì họ nhìn điều đó dưới góc độ lợi thế so sánh. Như đã được học từ ví dụ máy bay lớn của Hoa Kỳ và máy bay nhỏ của Brazil, thương mại quốc tế đem lại lợi ích cho cả hai. Mỗi nước có thể tiêu thụ nhiều hơn là không thương mại và tự cung tự cấp. Hơn nữa, các lợi ích tương hỗ này không phụ thuộc chuyện nước này giỏi hơn nước kia về sản xuất một hàng hóa nào đó. Chẳng hạn, thậm chí nếu công nhân một nước có năng suất cao hơn ở cả hai ngành công nghiệp - lợi ích thương mại vẫn xảy ra. Phần So sánh Toàn cầu tới đây, nhằm diễn giải hình mẫu sản xuất quần áo của nền kinh tế toàn cầu, sẽ minh họa luận điểm này.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Kiến thức phổ thông: Quyền lực và chủ nghĩa độc đoán - Authority and Authoritarianism

Những người cánh hữu, ngoài một vài theo chủ nghĩa tự do, rất coi trọng quyền lực. Họ tin rằng đây là chìa khóa để duy trì trật tự xã hội, từ đó bảo toàn quyền sở hữu tài sản và cho phép thị trường tự do vận hành hiệu quả. Một số người cánh hữu thấy có nhu cầu cân bằng quyền lực và quyền dân chủ, trong khi những người khác thiên về chính phủ độc đoán - cho dù đó là một quốc vương có quyền tuyệt đối hay một nhà độc tài.

Sau Cách mạng Pháp 1789 thì bất ổn theo sau, khiến các nhà tư tưởng cách hữu muốn bảo vệ quyền lực truyền thống. Triết gia vùng Savoyard, Joseph de Maistre (1754–1821) đã chỉ trích các nhà tư tưởng theo chủ nghĩa thế tục và tự do thời Khai sáng về cuộc tắm máu, ông tranh luận để phục hồi  quốc vương có quyền tuyệt đối và trở về quyền lực gia trưởng trong nhà nước cũng như gia đình. Ngoài ra, de Maistre tin rằng Giáo hội La Mã cần có một vị trí đặc quyền bên trong nhà nước, và tranh luận rằng đạo đức Thiên Chúa giáo cần được áp đặt qua luật. Kiểu tư duy chính trị thần quyền này đã được tán đồng trong nhiều chế độ khác nhau như Tây Ban Nha thời Franco và Iran do các thủ lĩnh Hồi giáo cao tuổi lãnh đạo.

Lý thuyết gia bảo thủ người Ireland Edmund Burke (1729–97), có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, đã chỉ trích các nhà Cách mạng Pháp từ một quan điểm hơi khác. Ông tin rằng quyền lực xác lập là phương tiện qua đó phong tục và truyền thống được duy trì, nhờ đó cũng là phương tiện để sự thông thái và kinh nghiệm tích lũy của nhân loại được truyền cho các thế hệ tương lai. Burke tin rằng việc phá bỏ quyền lực sẽ đưa đến sự buông thả và hỗn loạn cực độ, từ đó dẫn đến độc tài.

Trong thời Chiến tranh Lạnh, các chế độ dân chủ - đặc biệt là Hoa Kỳ - đã phân biệt những chế độ mà họ xem là độc đảng, chẳng hạn Liên Xô và các đồng minh của Liên Xô, với những chế độ độc đoán thuần túy, chẳng hạn các chế độ độc tài quân sự cánh hữu. Loại thứ hai thường được ủng hộ, bất chấp vấn đề vi phạm nhân quyền, nếu họ được xem là thành trì chống lại chủ nghĩa cộng sản.


-- Hình: http://i2.wp.com/www.ff.org/wp-content/uploads/2013/08/Leadership-Authoritarian.jpg
-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông