Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

Nhân liệu (Peopleware): Nhân viên bằng nhựa mặc đồng phục

NHÂN LIỆU (PEOPLEWARE): CÁC DỰ ÁN VÀ ĐỘI NGŨ HIỆU QUẢ

NHÂN VIÊN BẰNG NHỰA MẶC ĐỒNG PHỤC

Thậm chí người mới làm quản lý, lần đầu thực hiện việc tuyển dụng, đều biết đôi điều về các nguyên tắc tuyển dụng tốt. Chẳng hạn, họ biết rằng bạn không thể dựa vào ngoại hình để tuyển dụng. Ứng viên có ngoại hình đẹp nhất không thể làm ra sản phẩm tốt hơn ứng viên thô kệch.

Mọi người đều biết, nhưng kỳ lạ là hầu hết những sai lầm trong tuyển dụng đều do quan tâm quá mức đến ngoại hình và chưa đúng mức đến năng lực. Đây không phải chỉ vì sự thiếu hiểu biết hay nông cạn của người thực hiện việc tuyển dụng. Quá trình tiến hóa đã gieo vào mỗi người chúng ta tâm trạng không thoải mái nhất định đối với người rất khác chuẩn mực.

Với mỗi người trưởng thành, họ biết cách gạt bỏ định kiến sẵn có về chuẩn mực khi chọn bạn bè và phát triển mối quan hệ thân thiết. Mặc dù bạn có thể đã học bài học đó từ lâu trong đời sống cá nhân, bạn phải học lại toàn bộ nó khi phát triển kỹ năng tuyển dụng.

Rất có thể bạn không cảm thấy mình có xu hướng mất kiểm soát trong tuyển dụng người có ngoại hình hấp dẫn hay "chuẩn". Vậy tại sao ta bàn điều này? Vì khuynh hướng cá nhân của bạn về chuẩn không chỉ ảnh hưởng đến việc tuyển dụng của bạn, đó còn là sự áp đặt chuẩn của cả tổ chức. Mỗi người mà bạn tuyển dụng sẽ trở nên một phần trong đế chế nhỏ bé của bạn và còn là một phần trong đế chế của lãnh đạo của bạn và cứ đi dần lên cao. Chuẩn mà bạn áp dụng không chỉ cho bản thân. Bạn đang thay mặt toàn bộ thang bậc doanh nghiệp bên trên khi tuyển dụng. Nhận thức về chuẩn của quản lý cấp cao đang vận hành với bạn khi bạn xem xét việc tuyển dụng. Áp lực khó cảm nhận đó đang đẩy đến quan điểm bình quân của công ty, khuyến khích bạn tuyển dụng nhân viên sao cho trông giống, nói năng giống, và suy nghĩ giống mọi người. Trong một văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, tác động này khá nhỏ để có thể lờ đi. Nhưng khi văn hóa không lành mạnh, thật khó hoặc không thể nào tuyển được người đáng cần nhất, người có tư duy không giống phần còn lại.

Nhu cầu đồng bộ là dấu hiệu bất an của một bộ phận quản lý. Nhà quản lý giỏi sẽ không quan tâm đến lúc nào nhân viên phải cắt tóc hay lúc nào họ phải đeo cà vạt. Niềm tự hào của họ gắn liền duy nhất với thành quả của nhân viên.

(Còn tiếp)

-- Nguồn: Tom DeMarco, Timothy Lister (2014) Nhân liệu (Peopleware): Các dự án và đội ngũ hiệu quả, xuất bản lần 3.
-- Bài được tập hợp tại Nhân liệu (Peopleware)

1 nhận xét:

  1. Với việc coi doanh nghiệp như một cơ thể sống, có thể ví ban lãnh đạo như bộ não, nhân viên và hệ thống quản lý cấp cơ sở như chân, tay của doanh nghiệp, còn Văn hóa doanh nghiệp chính là cái linh hồn, cái tính cách của doanh nghiệp mà khi đánh giá có thể phần nào biết được hoạt động của doanh nghiệp có hiệu suất, đạt hiệu quả về lâu về dài hay không.

    Trả lờiXóa