Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Kiến thức phổ thông: Trường phái Siêu thực - Surrealism

Các tác phẩm của Sigmund Freud về giấc mơ, ham muốn đè nén, và tiềm thức đã mở ra một thế giới hoàn toàn mới cho các văn nghệ sĩ. Sự phá vỡ những cấm kỵ cũ kỹ - đặc biệt các ngăn cấm thảo luận về giới tính - và thừa nhận tính phi lý trong bản chất con người là một trải nghiệm tự do đối với nhiều người. Đó còn là cuộc cách mạng lật đổ những giá trị bảo thủ truyền thống. Các họa sĩ, nhà soạn kịch, và nhà thơ thuộc trường phái Siêu thực vào những năm 1920 và 1930 đã đi tiên phong trong nỗ lực lật đổ thói trưởng giả.

Xu hướng bài trừ mê muội trong nghệ thuật hiện đại không phải hoàn toàn mới. Trước Thế Chiến thứ Nhất những người theo thuyết Vị lai ở Ý đã bác bỏ mọi thứ trước đó và cho rằng ô tô phải là hình ảnh thu nhỏ của vẻ đẹp, trong khi đó, lúc cuộc chiến đang diễn ra, trường phái Dada đã tuyên bố các giá trị thẩm mỹ hiện tiền tương tự. Một người dẫn đầu trào lưu Dada, Marcel Duchamp (1887–1968), đã gây tiếng vang qua việcđặt chiếc bồn tiểu trong một phòng trưng bày nghệ thuật, và đặt tên đó là Vòi nước (1917).

Trường phái Siêu thực xuất hiện trực tiếp từ phong trào Dada sau khi Dada biến mất vào năm 1922. Phát ngôn nhân chủ chốt của phong trào mới này, André Breton (1896–1966), định nghĩa Siêu thực là "hành động vô thức thuần túy, qua đó muốn biểu đạt, qua lời nói, chữ viết, hay bất kỳ phương tiện nào khác, quá trình tư duy thật sự. Biểu đạt của tư duy được giải phóng khỏi mọi kiểm soát của lý luận, độc lập với mọi ưu tư về thẩm mỹ hay đạo đức". Breton đánh đồng Siêu thực với chủ nghĩa cộng sản, cho dù Đảng Cộng sản phản bác điều này.

Theo lời kêu gọi của Breton, phần lớn văn học Siêu thực dựa vào sáng tác tự phát - viết ra bất cứ điều gì nảy sinh trong đầu. Một số họa sĩ Siêu thực cũng theo lối sáng tác tương tự (chẳng hạn tác phẩm chà xát của Max Ernst và vẽ mực tự do của André Masson) hay các công trình nghệ thuật gom góp từ nhiều đối tượng "được phát hiện" ngẫu nhiên. Những họa sĩ khác như Salvador Dali và René Magritte đã tạo ra thế giới trong mơ từ các đối tượng nằm chồng lên nhau một cách kỳ quặc. Phong cách đó còn được vận dụng trong kịch nghệ và phim ảnh. Tuy nhiên, sau Thế Chiến Hai, trường phái Siêu thực không còn sức mạnh gây sốc và đã thẩm thấu vào khuynh hướng thương mại.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://paintings-art-picture.com/Salvador-Dali/images/Salvador%20Dali%20Paintings%20189.jpeg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét