Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Kinh tế học căn bản: Công việc đời thường

KINH TẾ HỌC CĂN BẢN

CHƯƠNG 1: NGUYÊN TẮC CƠ BẢN (TIẾP THEO)

CÔNG VIỆC ĐỜI THƯỜNG

Hãy hình dung rằng bạn đã có thể đưa một người Mỹ từ thời thuộc địa đến thời đại của chúng ta. (Đây có phải là một kịch bản phim? Có thể đúng đấy.) Điều gì khiến du khách thời gian này phải kinh ngạc?

Chắc chắn điều gây kinh ngạc nhất sẽ là cái giàu nứt đố đổ vách của nước Mỹ đương đại - sự phong phú về hàng hóa và dịch vụ mà các gia đình bình dân có thể có được. Nhìn vào tất cả sự giàu có đó, du khách thời thuộc địa của chúng ta sẽ tự hỏi, "Làm sao mình có thể có được phần nào sự giàu có đó?" Hay có thể vị đó sẽ tự hỏi, "Làm sao thế hệ của mình có thể có được phần nào sự giàu có đó?"

Câu trả lời là: để giàu có như vậy, bạn cần một hệ thống vận hành tốt để điều phối hoạt động sản xuất - tức hoạt động tạo ra hàng hóa và dịch vụ mà người dân muốn tạo ra đồng thời đưa hàng hóa và dịch vụ đó đến người có nhu cầu. Kiểu hệ thống đó là điều mà ta đề cập khi bàn về nền kinh tế (economy). Và kinh tế học (economics) là ngành khoa học xã hội nhằm nghiên cứu sản xuất, phân phối, và tiêu thụ hàng hóa dịch vụ. Như nhà kinh tế ở thế kỷ mười chín Alfred Marshall định nghĩa, kinh tế học là "nghiên cứu hoạt động đời thường của nhân loại."

Một nền kinh tế thành công là nền kinh tế phải cung ứng được hàng hóa. Du khách thời gian ở thế kỷ mười tám - hay thậm chí ở năm 1950 - sẽ kinh ngạc về khả năng cung ứng hàng hóa dịch vụ của nền kinh tế Hoa Kỳ đương đại và về số lượng đông đảo người dân có thể có được. So với bất kỳ nền kinh tế quá khứ và với tất cả, ngoại trừ một vài, các quốc gia khác hiện nay, Hoa Kỳ có mức sống cao ngất ngưởng.

Như vậy nền kinh tế Hoa Kỳ ắt đang làm đúng điều gì, và du khách thời gian có thể muốn ca tụng nhân vật tạo ra điều đó. Nhưng hãy đoán thử xem? Không một ai là nhân vật đó hết. Hoa Kỳ có nền kinh tế thị trường (market economy), trong đó sản xuất và tiêu thụ là kết quả của các quyết định phi tập trung từ nhiều công ty và cá nhân. Chẳng có nhà chức trách trung ương nào chỉ bảo người dân phải sản xuất thứ gì và phải phân phối ở đâu. Từng nhà sản xuất đơn lẻ cứ làm ra thứ mà họ nghĩ sẽ sinh lợi nhiều nhất; mỗi nhà tiêu thụ cứ mua thứ mà họ muốn mua.

Phương án khác với kinh tế thị trường là kinh tế mệnh lệnh (command economy), ở đó có nhà chức trách trung ương ra quyết định về sản xuất và tiêu thụ. Kinh tế mệnh lệnh đã được thử nghiệm, nổi bật nhất ở Liên Xô từ năm 1917 đến năm 1991. Nhưng kinh tế mệnh lệnh không vận hành thật tốt. Các nhà sản xuất ở Liên Xô thường xuyên tự nhận ra rằng họ không thể sản xuất do không có nguyên liệu thô, hoặc họ sản xuất thành công nhưng phát hiện ra rằng chẳng ai muốn dùng sản phẩm của họ. Người tiêu thụ thường xuyên không tìm được mặt hàng cần dùng - kinh tế mệnh lệnh nổi tiếng về việc xếp hàng dài trước cửa hàng.

Tuy nhiên, kinh tế thị trường có khả năng điều phối thậm chí các hoạt động rất phức tạp đồng thời cung ứng đáng tin cậy cho người tiêu thụ hàng hóa dịch vụ mà họ muốn. Thật vậy, người dân khá tình cờ đặt niềm tin vào hệ thống thị trường: dân cư tại bất kỳ thành phố lớn sẽ thiếu ăn nhiều ngày nếu hoạt động phi kế hoạch nhưng khá qui củ của hàng ngàn doanh nghiệp không thể cung ứng thực phẩm thường xuyên. Ngạc nhiên thay, "sự hỗn loạn" phi kế hoạch của nền kinh tế thị trường đã chứng tỏ là có qui củ hơn nhiều so với "việc lập kế hoạch" của nền kinh tế mệnh lệnh.
Năm 1776, một đoạn nổi tiếng trong sách Thịnh vượng của các Quốc gia, nhà kinh tế học tiên phong người Scotland Adam Smith đã viết về cách mà cá nhân, khi mưu cầu lợi riêng, lại thường đem đết kết quả là phục vụ lợi ích của toàn xã hội. Về việc doanh nhân mưu cầu lợi nhuận sẽ khiến quốc gia thịnh vượng hơn, Smith viết như sau: "Họ chỉ chăm thu vén cá nhân, và khi làm thế, như trong nhiều trường hợp khác, được một bàn tay vô hình đưa đến kết quả nằm ngoài mục đích của họ." Từ đó về sau, các nhà kinh tế đã dùng thuật ngữ bàn tay vô hình (invisible hand) để ám chỉ cách thức quản lý của nền kinh tế thị trường nhằm khai thác năng lực của lợi ích cá nhân vì sự tốt đẹp của toàn xã hội.

Việc nghiên cứu cách cá nhân ra quyết định ra sao và cách những quyết định này tương tác với nhau thế nào thì được gọi là kinh tế vi mô (microeconomics). Một trong những chủ đề chính của kinh tế vi mô là tính đúng đắn trong tuệ giác của Adam Smith: cá nhân mưu cầu lợi riêng thường thúc đẩy lợi chung của toàn xã hội.

Như vậy một phần trả lời câu hỏi của du khách thời gian của ta - "Làm sao xã hội của tôi có thể có được kiểu thịnh vượng đương nhiên của bạn?" - sẽ là xã hội của du khách thời gian cần biết đánh giá cao phẩm chất của nền kinh tế thị trường và năng lực của bàn tay vô hình.

Nhưng bàn tay vô hình không phải lúc nào cũng là bạn tốt. Cần phải hiểu khi nào và tại sao mưu cầu lợi riêng cá nhân có thể dẫn đến hành vi phản tác dụng.


CHÚ THÍCH TRÊN ẢNH

Kinh tế học qua các thời đại

(1) Đổi chác
- Lần sau ta sẽ cùng sẻ thịt voi mammoth nếu tôi được phép vào ở hang động của anh.
- Anh thật dở hơi. Tôi ngốc chứ không ngu đâu.

(2) Tiền mặt
- Để tôi nói lại một lần nữa với anh rằng tôi đưa anh mảnh giấy do một nhóm người in ra, họ hứa giao hàng cho anh, đổi lại thì anh giao hàng cho tôi.
- Tôi không biết.

(3) Tín dụng
- Tôi biết là kỳ cục, nhưng màu sắc của miếng nhựa sẽ xác định xem tôi có được đối xử tử tế hay không.
- Rồi sau đó tin rằng bà sẽ thanh toán "bất cứ lúc nào" phải không?

(4) Nền kinh tế mới
- Tôi sẽ cấp cho anh một biển quảng cáo nếu tôi được cùng đứng tên trong phân khúc thương mại điện tử của anh.
- Nghe có vẻ hấp dẫn với tôi!


THUẬT NGỮ ANH-VIỆT

economy /ɪˈkɒn.ə.mi/ nền kinh tế
economics /ˌiː.kəˈnɒm.ɪks/ kinh tế học
market economy: nền kinh tế thị trường
command economy: nền kinh tế mệnh lệnh
invisible hand: bàn tay vô hình
microeconomics /ˌmaɪ.krəʊ.iː.kəˈnɒm.ɪks/ kinh tế vi mô

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét