Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

Kiến thức phổ thông: Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc - Racism

CHỦ NGHĨA PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC - RACISM

Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là niềm tin cho rằng "các chủng tộc" nào đó không những khác, mà còn cao cấp hơn "các chủng tộc" khác. Niềm tin này có thể dẫn đến hậu quả là những hành động phân biệt, từ sỉ nhục, đối xử bất công, cho đến cô lập cưỡng bách và thậm chí diệt chủng. Các niềm tin và hành động đó hiện nay nói chung đã bị lên án trên cơ sở đạo đức lẫn khoa học nhưng chúng từng phổ biến trong Thế Chiến Hai và sau đó.

Bản thân khái niệm "chủng tộc" vừa phức tạp vừa đáng nghi vấn. Trong quá khứ, những hạn chế về liên lạc và giao thông khiến cộng đồng nghi ngờ người ngoài, nhưng lý do chủ yếu là ngôn ngữ và phong tục - điều mà hiện nay ta gọi là dân tộc. Nếu người ngoài tiếp nhận phong tục cộng đồng, người đó sẽ thấy rằng họ được thừa nhận. Với cách hiểu chủng tộc như vậy, chẳng có khác biệt nào từ bên trong.

Thế kỷ mười chín phát sinh một thái độ mới về cấp cao so với dân tộc thuộc địa ngoài Âu châu. Thái độ này được gia cố bởi sự xuất hiện của nhiều thuyết giả khoa học về chủng tộc, trong đó loài người trên thế giới được phân thành các "tiểu loài" khác nhau, theo đặc trưng thể chất như màu da và gương mặt (những khác biệt mà các nhà di truyền học hiện đại không để mắt tới vì chúng quá hời hợt). Theo những thuyết giả khoa học này, người Âu châu da trắng được cho là "tiến hóa" hay "cao cấp" nhất, về mặt thể chất cũng như trí tuệ.

Các lý thuyết đó được người theo thuyết Darwin Xã hội bám vào - họ chủ trương "cái thích nghi tốt nhất sẽ sống còn" - và những người theo thuyết ưu sinh, vốn cho rằng hôn nhân với người bị cho là "hèn kém" về trí tuệ hay thể chất phải được hạn chế, để không pha loãng chất lượng "dòng giống". Vào đầu thế kỷ hai mươi, thuyết ưu sinh được khá nhiều người tôn trọng, nhưng nó bị căm ghét vì đã gắn liền với chủ nghĩa phát xít. Chính quyền Hitler khiến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đi đến hồi kết, đã giết hại 14 triệu người - bao gồm người Do Thái, Slav, Gypsy, và nhiều dân tộc bị xem là "nửa người nửa ngợm". Đó là nạn diệt chủng lớn nhất nhưng chưa phải là nạn diệt chủng cuối cùng trong lịch sử.


-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông
-- Ảnh: http://feminspire.com/wp-content/uploads/2013/03/image.jpeg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét