Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Kinh tế học căn bản: Nguyên tắc #8: Thị trường thường đưa đến hiệu quả

KINH TẾ HỌC CĂN BẢN

CHƯƠNG 1: NGUYÊN TẮC CƠ BẢN (TIẾP THEO)

NGUYÊN TẮC #8: THỊ TRƯỜNG THƯỜNG ĐƯA ĐẾN HIỆU QUẢ

Chẳng có ban ngành nào trong chính phủ Hoa Kỳ được giao nhiệm vụ đảm bảo hiệu quả kinh tế tổng thể trong nền kinh tế thị trường - Hoa Kỳ không có đặc vụ nào đi lòng vòng để đảm bảo bác sĩ phẫu thuật não không ra đồng cày cấy hay nông dân Minnesota đừng trồng cam. Chính phủ không cần ép buộc phải sử dụng hiệu quả tài nguyên, vì trong phần lớn trường hợp, bàn tay vô hình làm công việc đó.

Những khích lệ có sẵn trong nền kinh tế thị trường đảm bảo tài nguyên thường được sử dụng hiệu quả và các cơ hội khiến người dân khấm khá hơn không bị lãng phí. Nếu trường cao đẳng đại học nào tai tiếng về việc dồn nhiều học viên vào những phòng học nhỏ trong khi phòng học lớn lại để trống, thì chẳng bao lâu số lượng học viên đăng ký sẽ giảm, khiến rủi ro mất việc của đội ngũ quản trị tăng cao. "Thị trường" sinh viên cao đẳng đại học sẽ phản ứng theo cách buộc nhà quản trị phải vận hành trường học hiệu quả.

Một diễn giải chi tiết lý do tại sao thị trường thường rất giỏi trong việc đảm bảo tài nguyên được sử dụng hiệu quả sẽ phải đợi cho đến khi ta nghiên cứu cách thị trường thật sự vận hành. Nhưng lý do cơ bản nhất là trong nền kinh tế thị trường, trong đó cá nhân tự do chọn tiêu thụ và sản xuất mặt hàng, người dân thường chớp cơ hội để đôi bên cùng có lợi - tức lợi ích từ thương mại. Nếu có cách nào khiến một số người có thể khấm khá hơn, họ thường có khả năng chớp cơ hội đó. Và đó chính là định nghĩa về hiệu quả: mọi cơ hội khiến một số người khấm khá hơn mà không làm người khác thiệt thòi đã được tận dụng. Điều này đưa đến nguyên tắc thứ tám:

Do con người thường tận dụng lợi ích từ thương mại, thị trường thường đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, như ta đã biết trong phần đầu của chương này, có những ngoại lệ đối với nguyên tắc này. Trường hợp thị trường bất lực, mưu cầu lợi ích cá nhân trong thị trường khiến toàn xã hội chịu thiệt - nghĩa là kết cục thị trường tỏ ra không hiệu quả. Và như ta sẽ thấy khi xem xét nguyên tắc tiếp theo, nếu thị trường bất lực, can thiệp của chính phủ có thể phát huy tác dụng. Nhưng nếu thị trường không bất lực, nói chung thị trường là cách tổ chức nền kinh tế tốt đáng kể.

(còn tiếp)

-- Ảnh:
-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét