Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Kinh tế học căn bản: Nguyên tắc #7: Cần dùng tài nguyên hiệu quả để đạt mục tiêu xã hội

CHƯƠNG 1: NGUYÊN TẮC CƠ BẢN (TIẾP THEO)

NGUYÊN TẮC #7: CẦN DÙNG TÀI NGUYÊN HIỆU QUẢ ĐỂ ĐẠT MỤC TIÊU XÃ HỘI

Giả sử bạn đang theo học một khóa mà phòng học quá nhỏ so với số học viên - nhiều người buộc phải đứng hay ngồi trên sàn - cho dù gần đó có một số phòng lớn và để trống. Nhà kinh tế sẽ gọi tình huống này là sử dụng tài nguyên không hiệu quả (inefficient). Nhưng nếu không muốn sử dụng tài nguyên không hiệu quả, thì sử dụng tài nguyên hiệu quả (efficient) nghĩa là gì? Bạn có thể hình dung sử dụng tài nguyên hiệu quả phần nào dính dáng đến tiền. Nhưng trong kinh tế học, cũng như trong đời, tiền chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh (đích đến). Thước đo mà nhà kinh tế thực sự quan tâm không phải là tiền mà là hạnh phúc và phúc lợi của người dân. Nhà kinh tế nói rằng tài nguyên của nền kinh tế được sử dụng hiệu quả khi chúng được dùng theo cách tận dụng mọi cơ hội để mọi người khấm khá hơn. Nói cách khác, nền kinh tế là hiệu quả nếu nó tận dụng mọi cơ hội để một số người khấm khá hơn mà không làm người khác bị thiệt.

Trong ví dụ phòng học, rõ ràng có cách khiến mọi người thoải mái hơn - chuyển lớp học sang phòng rộng hơn sẽ làm học viên thoải mái hơn mà không gây thiệt hại cho các học viên khác. Bố trí lớp vào phòng nhỏ là dùng tài nguyên của trường không hiệu quả, trong khi bố trí lớp vào phòng lớn là dùng hiệu quả tài nguyên của trường.

Khi nền kinh tế vận hành hiệu quả, nó sinh lợi tối đa từ thương mại với tài nguyên hiện có. Tại sao vậy? Vì không có cách sử dụng tài nguyên nào khác mà có thể làm mọi người khấm khá hơn. Trong ví dụ phòng học, nếu mọi phòng học lớn hơn đã dùng hết, tức nhà trường đang vận hành hiệu quả: lớp của bạn có thể thoải mái bằng cách chuyển sang phòng lớn nhưng sẽ làm học viên đang học phòng lớn bị thiệt vì phải chuyển sang phòng nhỏ.

Giờ đây ta có thể phát biểu nguyên tắc thứ bảy:

Tài nguyên cần được sử dụng càng hiệu quả càng tốt để đạt mục tiêu xã hội.

Người làm chính sách kinh tế có cần lúc nào cũng nỗ lực để đạt hiệu quả kinh tế ? Không hẳn như vậy, vì hiệu quả chỉ là phương tiện đạt đến mục tiêu xã hội. Đôi khi hiệu quả có thể xung đột với mục tiêu mà xã hội muốn đạt đến. Chẳng hạn, trong hầu hết các xã hội, người dân còn quan tâm đến công bằng (equity). Và thường có sự tương nhượng giữa công bằng và hiệu quả: những chính sách cải thiện công bằng thường làm giảm hiệu quả kinh tế, và ngược lại.

Để thấy điều này, hãy xét tình huống về chỗ đậu xe dành cho người tàn tật trong bãi xe công cộng. Nhiều người đi lại khó khăn do tuổi tác hay tàn tật, nên có vẻ chỉ công bằng khi bố trí chỗ đậu xe gần nơi họ muốn đến. Tuy nhiên, bạn có thể thấy phát sinh tình trạng không hiệu quả. Để chắc rằng lúc nào cũng có chỗ khi một người tàn tật cần đến, thường ta phải trừ hao chỗ đậu xe. Kết quả là một số chỗ không dùng đến. (Và người lành lặn có ý định đậu xe vào những chỗ đó lớn đến nỗi phải ngăn chặn bằng hình phạt.) Như vậy, đã có xung đột giữa công bằng, khiến cuộc đời "công bình hơn" với người tàn tật, và hiệu quả, làm sao mọi cơ hội khiến mọi người khấm khá hơn được tận dụng hết bằng cách không để trống chỗ ở gần nơi muốn đến.

Chính xác là người làm chính sách cần nỗ lực bao nhiêu để thúc đẩy công bằng so với hiệu quả là một vấn đề khó, liên quan mật thiết đến chính trị. Đó không phải là vấn đề mà nhà kinh tế có thể giải đáp. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với nhà kinh tế là lúc nào cũng phải tìm cách sử dụng tài nguyên kinh tế càng hiệu quả càng tốt nhằm mưu cầu mục tiêu xã hội, bất chấp mục tiêu đó là gì.

(còn tiếp)

Đôi khi công bằng lấn át hiệu quả.

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét