Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Kiến thức phổ thông: Chủ nghĩa hoài nghi - Skepticism

CHỦ NGHĨA HOÀI NGHI - SKEPTICISM

Chủ nghĩa hoài nghi (từ tiếng Hy Lạp skeptikos, tức "người điều tra") là một tiếp cận triết học nghi ngờ các giả định và những xác quyết đã được tuyên bố. Người theo chủ nghĩa hoài nghi trung dung thì nghi vấn các khẳng định tri thức cụ thể nhằm tiến xa hơn trong việc xác lập chân lý. Người theo chủ nghĩa cực đoan thì cho rằng kiến thức tuyệt đối của bất kỳ điều gì đều không thể đạt đến.

Chủ nghĩa hoài nghi là trái tim của truyền thống triết học phương Tây. Ở thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, Parmenides và những người khác đã hoài nghi về thực tại của biến động, trong khi đó Socrates thường xuyên thách thức các khẳng định tri thức của người khác. Pyrro (khoảng 360 - 270 trước Công nguyên) thậm chí còn đi xa hơn, ông khẳng định rằng trạng thái bình yên chỉ có thể đạt được bằng cách gạt bỏ mọi khẳng định về tính xác thực. Những nhà theo chủ nghĩa hoài nghi cổ đại đặt nghi vấn rằng liệu có bất kỳ tiêu chuẩn nào được thiết lập để phân biệt giữa đúng và sai, mặc dù một số kết luận rằng các quyết định có thể dựa trên những cân bằng về xác suất.

Chủ nghĩa hoài nghi đã đóng vai trò thứ yếu trong tư duy Thiên Chúa giáo ở thời Trung Cổ, nhưng với Cải tổ và Cách mạng Khoa học, các xác quyết từ Giáo hội La Mã đã bắt đầu bị chất vấn. Đến thế kỷ mười bảy, René Descartes đã dùng các phương pháp của chủ nghĩa hoài nghi để tái lập sự xác quyết, nhưng những hoài nghi của ông liên quan đến độ tin cậy của các giác quan của chúng ta đã bị các nhà theo chủ nghĩa kinh nghiệm chẳng hạn John Locke phê phán là bất hợp lý và mâu thuẫn với lẽ thường.

Đến thế kỷ mười tám, David Hume, tuy là người theo chủ nghĩa kinh nghiệm, đã có quan điểm hoài nghi cực đoan đối với một số khái niệm, chẳng hạn nhân quả. Thậm chí lý luận cũng không miễn trừ: Hume khẳng định rằng cả phương pháp quy nạp và suy diễn đều không có khả năng xác lập chân lý cho bất kỳ vấn đề gì. Ông cho rằng niềm tin của chúng ta về thế giới không dẫn xuất từ lý luận hay bằng chứng, mà từ phong tục và thói quen. Cho dù rất tự nhiên khi ta tin vào bản thân và vào một thế giới khác, thậm chí Thượng Đế, Hume cho rằng không đủ bằng chứng để chứng minh rằng những niềm tin đó là đúng đắn. Vận dụng "lẽ thường" đơn giản là né tránh vấn đề.


-- Hình: http://www.skepticalob.com/wp-content/uploads/2012/10/iStock_000021683171XSmall.jpg
-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét