Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Kinh tế học căn bản: Đường cong trên đồ thị

PHỤ LỤC CHƯƠNG 2: ĐỒ THỊ TRONG KINH TẾ HỌC

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

ĐƯỜNG CONG TRÊN ĐỒ THỊ

Phần (a) trên Hình 2A-2 có một số thông tin tương tự như Hình 2A-1, với một đường vẽ qua các điểm B, C, D, và E. Đường như thế trên đồ thị được gọi là đường cong (curve), cho dù đường đó thẳng hay cong. Nếu đường thể hiện quan hệ giữa hai biến là một đường thẳng, các biến có quan hệ tuyến tính (linear relationship). Khi đường đó không thẳng, hay phi tuyến, các biến có quan hệ phi tuyến (nonlinear relationship).

Một điểm trên đường cong chỉ ra giá trị của biến y ứng với một giá trị của biến x. Chẳng hạn, điểm D chỉ ra rằng tại nhiệt độ 60°F, nhà cung cấp có thể kỳ vọng bán được 50 lon xô-đa. Hình dạng và hướng của đường cong thể hiện bản chất tổng quát của quan hệ giữa hai biến. Hướng đi lên của đường cong ở phần (a) Hình 2A-2 cho thấy nhà cung cấp có thể kỳ vọng bán được nhiều xô-đa hơn khi nhiệt độ ngoài trời cao hơn.

Khi các biến quan hệ theo cách này - nghĩa là khi một biến tăng thì biến kia cũng tăng - các biến được nói là có quan hệ dương tính (positive relationship). Điều đó được minh họa bằng đường có độ dốc đi lên từ trái sang phải. Vì đường này còn có tính chất tuyến tính, quan hệ giữa nhiệt độ ngoài trời và số lượng xô-đa bán ra được minh họa bằng ở phần (a) Hình 2A-2 là một quan hệ tuyến tính dương tính (positive linear relationship).

Khi một biến tăng mà biến kia lại giảm, hai biến được nói là có quan hệ âm tính (negative relationsgip). Điều đó được minh họa bằng đường có độ dốc đi xuống từ trái sang phải, như đường ở phần (b) Hình 2A-2. Vì đường này còn có tính chất tuyến tính, quan hệ mà nó minh họa là một quan hệ tuyến tính âm tính (negative linear relationship). Hai biến có thể có quan hệ như thế là nhiệt độ ngoài trời và số lượng thức uống nóng mà nhà cung cấp có thể kỳ vọng bán ra tại một sân vận động.

Tạm thời trở lại đường ở phần (a) Hình 2A-2, bạn có thể thấy rằng nó cắt trục hoành tại điểm B. Điểm này, gọi là độ chắn nằm ngang (horizontal intercept), cho thấy giá trị của biến x khi giá trị của biến y bằng không. Ở phần (b) Hình 2A-2, đường cong cắt trục tung tại điểm J. Điểm này, gọi là độ chắn thẳng đứng (vertical intercept), cho thấy giá trị của biến y khi giá trị của biến x bằng không.

(còn tiếp)


-- Hình 2A-2. Các điểm trên một đồ thị hai biến.
-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét