Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

Kinh tế học căn bản: Các mô hình kinh tế: Một vài ví dụ quan trọng

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: MỘT VÀI VÍ DỤ QUAN TRỌNG

Mô hình (model) là bất kỳ biểu diễn đơn giản hóa về thực tại dùng để hiểu thấu hơn những tình huống trong đời thực. Nhưng làm sao tạo được một biểu diễn đơn giản hóa về một tình huống kinh tế?

Một khả năng - tương đương với đường ống khí động của nhà kinh tế - là tìm ra hay tạo nên một nền kinh tế có thực nhưng được đơn giản hóa. Chẳng hạn, các nhà kinh tế quan tâm đến vai trò kinh tế của tiền tệ đã nghiên cứu hệ thống trao đổi được phát triển trong những trại tù thời Đại Chiến II, ở đó thuốc lá đã trở thành hình thức chi trả được thừa nhận rộng rãi ngay cả với các tù nhân không hút thuốc.

Một khả năng khác là mô phỏng hoạt động của nền kinh tế bằng máy tính. Chẳng hạn, khi những thay đổi trong luật thuế được đề xuất, các viên chức chính phủ dùng những mô hình thuế - tức các chương trình máy tính toán học phức tạp - để xem những đề xuất thay đổi sẽ tác động đến các tầng lớp nhân dân ra sao.

Mô hình là quan trọng vì sự đơn giản của chúng cho phép nhà kinh tế tập trung vào các tác động của duy nhất một thay đổi tại một thời điểm. Nghĩa là chúng cho phép ta giữ nguyên mọi thứ khác và chỉ nghiên cứu một thay đổi sẽ tác động đến kết quả kinh tế tổng thể ra sao. Như vậy một giả định quan trọng khi xây dựng mô hình kinh tế là giả định mọi thứ khác đều giữ nguyên (other things equal assumption), nghĩa là mọi nhân tố thích hợp khác đều không đổi.

Nhưng bạn không thể lúc nào cũng tìm được hay tạo được một phiên bản ở qui mô nhỏ của toàn bộ nền kinh tế, và chương trình máy tính cũng chỉ tốt ngang bằng với dữ liệu mà nó sử dụng. (Lập trình viên có câu: "rác vào thì rác ra.") Với nhiều mục đích, dạng mô hình kinh tế hiệu quả nhất là tạo ra "các thực nghiệm đã được suy tính": đó là những phiên bản giả định đơn giản hóa về các tình huống trong đời thực.

Chương 1 đã minh họa khái niệm trạng thái cân bằng qua ví dụ làm thế nào khách hàng tại một siêu thị tự thu xếp với nhau khi mở ra một quầy thâu ngân mới. Mặc dù không nói ra, đây là ví dụ về một mô hình đơn giản - tức một siêu thị ảo, trong đó nhiều chi tiết đã được lờ đi. (Chẳng hạn không quan tâm đến chuyện khách hàng đang mua những gì.) Mô hình đơn giản này có thể được dùng để trả lời câu hỏi "Điều gì sẽ xảy ra nếu": điều gì sẽ xảy ra nếu mở ra một quầy thâu ngân mới?

Như câu chuyện về quầy thâu ngân đã chỉ ra, thường ta có thể mô tả và phân tích một mô hình kinh tế hữu ích bằng ngôn ngữ bình thường. Tuy nhiên, vì kinh tế học đa phần bao gồm những thay đổi về lượng - giá sản phẩm, sản lượng, hay số công nhân huy động trong quá trình sản xuất - nhà kinh tế thường thấy rằng toán học có thể giúp làm rõ vấn đề. Cụ thể là một ví dụ tính toán, một phương trình đơn giản, hay đặc biệt một đồ thị có thể là chìa khóa giúp thấu hiểu một khái niệm kinh tế.

Với bất kỳ hình thức nào, một mô hình kinh tế tốt có thể là một hỗ trợ to lớn cho hiểu biết. Cách tốt nhất để lĩnh hội điểm này là xét một số mô hình kinh tế đơn giản nhưng quan trọng và xem chúng sẽ cho ta biết được điều gì. Đầu tiên, ta sẽ xét đường giới hạn khả năng sản xuất (production possibility frontier), một mô hình giúp nhà kinh tế tư duy về những tương nhượng mà mọi nền kinh tế đều phải đương đầu. Sau đó ta sẽ chuyển sang lợi thế so sánh (comparative advantage), một mô hình làm rõ nguyên tắc có lợi từ thương mại - thương mại giữa cá nhân cũng như giữa các quốc gia. Ngoài ra, ta còn xét biểu đồ dòng chu chuyển (circular-flow diagram), một biểu đồ giúp hiểu được cách thức dòng tiền, hàng hóa, và dịch vụ lưu chuyển trong nền kinh tế.

Khi thảo luận những mô hình này, ta lợi dụng khá nhiều đồ thị để biểu diễn các quan hệ toán học. Đồ thị đóng một vai trò quan trọng trong toàn bộ tập sách này. Nếu bạn đã quen với việc sử dụng đồ thị, bạn có thể bỏ qua phần phụ lục của chương. Nếu chưa quen, đây là lúc thích hợp để đọc nó.

(còn tiếp)

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản (http://cstmind.blogspot.com/p/kinh-te-hoc-can-ban.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét