Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Kiến thức phổ thông: Chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa công cụ - Pragmatism and Instrumentalism

CHỦ NGHĨA THỰC DỤNG VÀ CHỦ NGHĨA CÔNG CỤ - PRAGMATISM AND INSTRUMENTALISM

Chủ nghĩa thực dụng là một trào lưu triết học nảy sinh ở Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ mười chín. Theo lời của nhà tâm lý và triết gia Mỹ William James (1842–1910), người theo chủ nghĩa thực dụng "quay lưng với cái trừu tượng và thiểu năng, với những giải pháp chỉ bằng lời nói, với những lập luận suy diễn tệ lậu, với những nguyên tắc bất di bất dịch, những hệ thống đóng kín, và những cái tuyệt đối giả tạo. Họ hướng đến điều cụ thể và thỏa đáng, đến sự thật, đến hành động".

Chủ nghĩa thực dụng khởi đầu từ người bạn của James, triết gia Mỹ C. S. Peirce (1839–1914), người đầu tiên nói rõ "phương châm thực dụng" là gì vào năm 1878: "Hãy xét những tác dụng nào, về nhận thức có thể có ý nghĩa thực tiễn, mà ta có được khi ta nhận thức về đối tượng nhận thức của ta. Thế thì nhận thức của ta về những tác dụng này là tổng thể nhận thức của ta về đối tượng". Nói cách khác, tính đúng đắn của một tuyên bố chỉ có thể được xét đoán qua các kết quả thực tiễn của nó. Như vậy những suy đoán siêu hình về truyền thống Âu Châu lục địa bị xem là vô nghĩa, vì cái đúng hay sai của chúng chẳng tác động thực tiễn đến con người.

Triết gia và nhà giáo dục Mỹ John Dewey (1859–1952) đã phát triển một dạng chủ nghĩa thực dụng gọi là chủ nghĩa công cụ. Chủ nghĩa này khẳng định rằng giá trị của lý thuyết khoa học bất kỳ không nằm ở tính đúng đắn mà ở tính hữu dụng của nó, chẳng hạn khi dự báo. Dewey cho rằng chẳng có thực tại nào ngoài điều mà ta bắt gặp qua trải nghiệm thường ngày và qua thẩm tra khoa học. Ông chủ trương giáo dục cần hướng đến việc giải quyết vấn đề.

William James đã mở rộng chủ nghĩa thực tiễn sang các nguyên tắc đạo đức và niềm tin tôn giáo, ông cho rằng những nguyên tắc hay niềm tin đó là "đúng đắn" miễn là chúng tỏ ra hữu ích, chẳng hạn giúp gia tăng hạnh phúc con người. Tuy nhiên, nhiều triết gia thuộc các trường phái khác nhau đã phê phán sự đồng nhất của James về niềm tin đúng đắn với niềm tin hữu ích, họ khẳng định một số niềm tin có thể hữu ích nhưng sai trái. Các triết gia khác đã bác bỏ chủ nghĩa thực dụng là cách tiếp cận điển hình hướng đến thành công của Hoa Kỳ, vốn phớt lờ nhiều vấn đề triết lý phức tạp.


-- Hình: http://news.bbcimg.co.uk/media/images/47033000/jpg/_47033245_iphone.jpg
-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét