Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

Kiến thức phổ thông: Chủ nghĩa kinh nghiệm - Empiricism

CHỦ NGHĨA KINH NGHIỆM - EMPIRICISM

Chủ nghĩa kinh nghiệm là triết thuyết cho rằng mọi kiến thức cuối cùng đều dẫn xuất từ trải nghiệm (tiếng Hy Lạp là empeiria) - nói cách khác, từ bằng chứng của thế giới bên ngoài cung cấp cho ta qua các giác quan. Chẳng có những thứ như ý tưởng nội tại hay khái niệm tiên nghiệm - tức các khái niệm độc lập với trải nghiệm, vốn cho là dẫn xuất từ bản chất hay cấu trúc của tâm thức. Chỉ có những khái niệm hậu nghiệm - tức dẫn xuất từ trải nghiệm - mới có ý nghĩa đúng đắn nào đó. Như vậy chủ nghĩa thực nghiệm đối lập với chủ nghĩa duy lý.

Triết gia và chính trị gia người Anh Francis Bacon (1561–1626) là một trong những người tiên phong ủng hộ các phương pháp thực nghiệm trong khoa học. Ông đề cao tính quy nạp (induction) - tức đưa đến lý thuyết tổng quát từ những gì quan sát trong thế giới vật lý. Phương pháp này đã được Sir Isaac Newton chứng minh thành công, ông đã dùng toán học để dẫn ra các định luật chuyển động và trọng trường từ quan sát của mình.

Tiếp nối truyền thống của Bacon, John Locke (1632–1704), một người Anh khác, được công nhận rộng rãi là triết gia theo chủ nghĩa kinh nghiệm đầu tiên. Trong tác phẩm Luận bàn về hiểu biết của con người (1690) ông bác bỏ chủ nghĩa duy lý của Descartes, cho rằng chẳng có những thứ như ý tưởng nội tại. Ông cho rằng khi sinh ra, tâm thức là một tabula rasa hay tờ giấy trắng, và kiến thức mà chúng ta có được chỉ nhờ trải nghiệm qua các giác quan.

Thế kỷ sau đó, triết gia Scotland David Hume (1711–76) đã xét lại cách thức con người hành xử và tư duy, ông bác bỏ chủ nghĩa duy lý thiên về phương pháp tâm lý hoài nghi. Hume kết luận rằng con người bị chi phối bởi ước vọng nhiều hơn lý lẽ, và ý tưởng dẫn xuất từ ấn tượng thông qua các quá trình như ký ức và tưởng tượng. Cách mà ta tư duy được xác định bởi "phong tục": những phán xét đạo đức của ta dựa trên cảm nhận thay vì trên các nguyên tắc đạo đức trừu tượng, và những khái niệm như nhân quả, ông khẳng định, đơn thuần là thói quen trong não.


-- Hình: Năm giác quan: nhìm, nghe, nếm, sờ, ngửi (http://thecosmicfire.com/wp-content/uploads/2013/01/5-senses.jpg)
-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét