Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Kinh tế học căn bản: Đồ thị hai biến

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

PHỤ LỤC CHƯƠNG 2: ĐỒ THỊ TRONG KINH TẾ HỌC

ĐỒ THỊ HAI BIẾN

Hình 2A-1 trình bày một đồ thị hai biến điển hình. Nó minh họa dữ liệu đi kèm trong bảng về nhiệt độ ngoài trời (outside temperature) và số lượng xô-đa (number of sodas) mà một người bán thông thường có thể hy vọng sẽ bán được trong sân bóng chày khi trận đấu đang diễn ra. Cột thứ nhất trình bày các giá trị của nhiệt độ ngoài trời (biến thứ nhất) và cột thứ hai trình bày các giá trị của số lượng xô-đa bán ra (biến thứ hai). Năm tổ hợp hay cặp biến được trình bày, mỗi cặp được ký hiệu từ A đến E ở cột thứ ba.

Bây giờ hãy chuyển sang việc vẽ đồ thị từ dữ liệu trong bảng này. Trong đồ thị hai biến bất kỳ, một biến gọi là x và biến kia gọi là y. Ở đây ta cho nhiệt độ ngoài trời là biến x và số lượng xô-đa bán ra là biến y. Đường nằm ngang liền nét trong đồ thị được gọi là trục hoành (horizontal axis) hay trục x (x-axis), và các giá trị của biến x - tức nhiệt độ ngoài trời - được xác định trên trục này. Tương tự như vậy, đường thẳng đứng liền nét trong đồ thị được gọi là trục tung (vertical axis) hay trục y (y-axis), và các giá trị của biến y - tức số lượng xô-đa bán ra - được xác định trên đó. Tại gốc (origin), tức giao điểm hai trục, cả hai biến đều bằng 0. Khi bạn di chuyển sang phải từ gốc dọc theo trục x, các giá trị của x sẽ dương và tăng dần. Khi bạn di chuyển lên trên từ gốc dọc theo trục y, các giá trị của y sẽ dương và tăng dần.

Bạn có thể vẽ lần lượt năm điểm từ A đến F trên đồ thị này bằng cách dùng từng cặp số - tức các giá trị mà biến x và biến y có được ứng với điểm đã cho. Ở Hình 2A-1, tại điểm C, biến x lấy giá trị 40 và biến y lấy giá trị 30. Bạn vẽ điểm C bằng cách vẽ một đường thẳng đứng qua giá trị 40 trên trục x và một đường nằm ngang qua giá trị 30 trên trục y. Ta ký hiệu điểm C là (40, 30), và ký hiệu gốc là (0, 0).

Xét hai điểm A và B trong Hình 2A-1, bạn có thể thấy rằng khi một trong hai biến ứng với một điểm có giá trị bằng 0, thì điểm đó sẽ nằm trên một trong hai trục. Nếu giá trị của biến x bằng 0, điểm đó sẽ nằm trên trục tung, như điểm A. Nếu giá trị của biến y bằng 0, điểm đó sẽ nằm trên trục hoành, như điểm B.

Hầu hết các đồ thị minh họa quan hệ giữa hai biến kinh tế đều biểu diễn quan hệ nhân quả (causal relationship), tức quan hệ mà giá trị của một biến có ảnh hưởng hay quyết định trực tiếp đến giá trị của biến kia. Trong một quan hệ nhân quả, biến gây ảnh hưởng được gọi là biến độc lập (independent variable), biến chịu tác động được gọi là biến phụ thuộc (dependent variable). Trong ví dụ bán xô-đa, nhiệt độ ngoài trời là biến độc lập. Nó trực tiếp tác động đến số lượng xô-đa bán ra, tức biến phụ thuộc trong trường hợp này.

Theo quy ước, ta đặt biến độc lập trên trục hoành và biến phụ thuộc trên trục tung. Hình 2A-1 được xây dựng nhất quán với quy ước này; biến độc lập (nhiệt độ ngoài trời) nằm trên trục hoành và biến phụ thuộc (số lượng xô-đa bán ra) nằm trên trục tung. Một ngoại lệ quan trọng với quy ước này là trong những đồ thị trình bày quan hệ kinh tế giữa giá sản phẩm và số lượng sản phẩm: mặc dù nói chung thì giá là biến độc lập tác động đến số lượng, giá luôn được thể hiện trên trục tung.

(còn tiếp)


-- Hình 2A-1. Các điểm trên một đồ thị hai biến.
-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét