Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Kinh tế học căn bản: Tình huống kinh doanh: Hiệu quả, chi phí cơ hội, và logic của sản xuất tinh gọn

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

TÌNH HUỐNG KINH DOANH: HIỆU QUẢ, CHI PHÍ CƠ HỘI, VÀ LOGIC CỦA SẢN XUẤT TINH GỌN

Mùa hè và mùa thu năm 2010, nhân viên sắp xếp lại đồ đạc trong nhà máy lắp ráp cuối cùng của Boeing ở Everett, Washington, để chuẩn bị sản xuất Boeing 767. Tuy nhiên, đây là một qui trình khó và mất thời gian, vì "món đồ" nào - tức thiết bị lắp ráp của Boeing - cũng nặng cỡ 200 tấn. Nhiệm vụ cần thiết là thiết lập hệ thống sản xuất dựa trên "sản xuất tinh gọn," còn được gọi là sản xuất "đúng thời điểm". Sản xuất tinh gọn, do Toyota Motors Nhật Bản đi tiên phong, dựa trên nguyên tắc chuyển các cấu kiện đến công xưởng vào đúng thời điểm mà công xưởng cần chúng để sản xuất. Điều này sẽ giảm lượng tồn kho cũng như số công xưởng sản xuất - trong trường hợp này là giảm diện tích sàn dành cho việc sản xuất 767 đến 40%.

Boeing đã áp dụng sản xuất tinh gọn vào năm 1999 để sản xuất 737, máy bay thương mại thông dụng nhất. Đến năm 2005, sau khi tinh chỉnh liên tục, Boeing đã giảm được 50% thời gian sản xuất một máy bay và giảm gần 60% số cấu kiện tồn kho. Một đặc điểm quan trọng là dây chuyền lắp ráp di chuyển liên tục, chuyển các sản phẩm từ đội ngũ lắp ráp này sang đội ngũ tiếp theo với tiến độ nhịp nhàng, đồng thời loại bỏ tình trạng nhân viên phải di chuyển để lấy công cụ và cấu kiện cần thiết.

Các kỹ thuật sản xuất tinh gọn của Toyota đang được áp dụng rộng rãi nhất và đã cách mạng hóa quá trình sản xuất trên toàn thế giới. Nói một cách đơn giản, sản xuất tinh gọn tập trung vào vấn đề tổ chức và truyền thông. Nhân viên và cấu kiện được tổ chức để đảm bảo qui trình vận hành nhịp nhàng và kiên định, giảm thiểu tình trạng lãng phí năng lực và vật liệu. Sản xuất tinh gọn còn được thiết kế để có thể đáp ứng nhanh với những thay đổi về sản phẩm xuất xưởng - chẳng hạn, nhanh chóng sản xuất nhiều ô tô hơn và ít xe tải cỡ nhỏ hơn, theo những thay đổi về yêu cầu của khách hàng.

Các phương pháp sản xuất tinh gọn của Toyota thành công đến nỗi họ đã chuyển hóa công nghiệp ô tô toàn cầu và đe dọa nghiêm trọng đến các nhà sản xuất ô tô Hoa Kỳ, từng một thời thống trị ngành này. Cho đến những năm 1980, "Ba Ông Lớn" - Chrysler, Ford, và General Motors - đã thống trị công nghiệp ô tô Hoa Kỳ, hầu như không nhà sản xuất ô tô nước ngoài nào có thể bán được xe ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong những năm 1980, Toyota ngày càng trở nên thông dụng nhờ chất lượng cao và giá khá hạ - thông dụng đến nỗi cuối cùng Ba Ông Lớn phải thuyết phục chính phủ bảo vệ họ bằng cách hạn chế việc bán ô tô Nhật trong nước Hoa Kỳ. Theo thời gian, Toyota phản ứng bằng cách xây nhà máy lắp ráp bên trong Hoa Kỳ, đưa vào kỹ thuật sản xuất tinh gọn, từ đó lây lan ra toàn ngành sản xuất Hoa Kỳ. Tăng trưởng của Toyota tiếp tục đến năm 2008 thì bị lấn át bởi nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới là General Motors.

(Còn tiếp)


-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, xuất bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét