Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Kiến thức phổ thông: Tốt - Good

Cách dùng ngôn ngữ thường làm ta hiểu lầm. Một trường hợp điển hình là từ tốt, được ta dùng theo nhiều cách khác nhau. Thông dụng nhất, nó được dùng là một tính từ. Ta nói "người tốt", "việc làm tốt", "phim hay", "xe tốt", ... Bề ngoài, điều này thể hiện chất lượng nào đó, "chất lượng tốt", mà mọi thứ ta cho là "tốt".

Nhưng rõ ràng là những thứ này chẳng có thuộc tính quan trọng nào chung. Khi nói một người hay một hành động là tốt, ta đang đánh giá khía cạnh đạo đức; khi nói một bộ phim là hay, ta đang đánh giá khía cạnh thẩm mỹ; và khi nói một chiếc xe là tốt, ta đang ca ngợi các khía cạnh như chức năng, sự thoải mái, và tính kinh tế. Tuy nhiên, những thứ này có thể có chung thuộc tính bên ngoài, nghĩa là theo cách này hay cách khác, chúng thỏa mãn mối quan tâm nào đó của con người. Một số triết gia phê phán việc dùng từ tốt để ám chỉ bất kỳ thuộc tính nào chỉ nhằm thể hiện sự chấp nhận của ta.

Trong đàm luận triết học, tốt còn được dùng là một danh từ, và các triết gia thường phân biệt giữa "cái tốt bên trong" hay "cái tốt tự thân", và "cái tốt bên ngoài." Aristotle đưa ví dụ về sức khỏe để minh họa cái tốt bên trong, tức điều được theo đuổi vì bản thân nó, và tiền bạc là một minh họa về cái tốt bên ngoài, tức điều được theo đuổi vì kết quả của nó.

Một số triết gia và nhà thần học đề cập đến "cái tốt nhất."  Plato hiểu cái tốt là Dạng thức cao nhất trong các Dạng thức trừu tượng và phi vật chất, trong khi Aristotle xem cái tốt nhất cho con người là việc thực thi các đức hạnh, nhờ đó con người có thể đạt đến cuộc sống tốt đẹp hay hạnh phúc.

Các nhà tư tưởng khác hiểu cái tốt nhất theo nhiều nghĩa khác nhau, chẳng hạn vâng theo ý Thượng Đế, hay tình yêu, hay hạnh phúc, hay thỏa mãn, hay hòa hợp với người khác và với thiên nhiên.


-- Hình: http://www.school-psychology.com.au/wp-content/uploads/2008/09/kids_world.jpg
-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét