CHỦ NGHĨA DUY TÂM - IDEALISM
Trong ngữ cảnh triết học, thuật ngữ chủ nghĩa duy tâm dành cho bất kỳ học thuyết nào cho rằng thực tại không tồn tại độc lập tâm thức, hay thực tại chỉ có thể được biết qua các phân loại và cấu trúc thuộc về trí tuệ của chính chúng ta. Đó là quan điểm "nhất nguyên", cho rằng thực tại được tạo nên bởi một chất liệu duy nhất, đó là tâm thức, đối lập với quan điểm "nhị nguyên", cho rằng tâm thức và vật chất là hai thứ khác nhau. Chủ nghĩa duy tâm tương phản với chủ nghĩa duy vật, một quan điểm nhất nguyên khác, cho rằng vật chất là thực tại duy nhất, và tâm thức, cảm nhận, ... chỉ là những chức năng của vật chất. Nó còn đối lập với thuyết duy thực, quan điểm cho rằng ta thấy được mọi vật đúng như chúng như thế, độc lập với tâm thức.
George Berkeley (1685–1753), một giám mục người Ireland, thường được cho là triết gia duy tâm đầu tiên. "Chủ nghĩa duy tâm chủ quan" của ông cho rằng các đối tượng vật chất chỉ tồn tại cho đến khi chúng được nhận thức bởi tâm thức, một học thuyết được gói gọn trong tuyên bố Esse est percipi (tồn tại là nhận thức được). Chỉ có những thứ nhận thức được mới có thực, và những thứ nhận thức được là các ý tưởng chỉ tồn tại trong tâm thức.
"Chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm" của triết gia Đức Immanuel Kant (1724–1804) thì phân biệt giữa bề ngoài và thực tại. Kant cho rằng bề ngoài chỉ là biểu hiện, không phải là "bản thân của thứ đó". Ông tiếp tục khẳng định rằng thời gian và không gian là những cấu trúc thuộc trí tuệ của con người, "chẳng có quả quyết nào được cho là tồn tại bởi bản thân chúng, cũng chẳng có trạng thái đối tượng nào được xem là bản thân của thứ đó".
Một nhánh thứ ba là "chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối" do triết gia Đức G.W.F. Hegel (1770–1831) đề ra. Theo chủ nghĩa này, không còn phân biệt giữa ý thức và đối tượng của ý thức, đưa đến khái niệm Tuyệt đối, một kiểu tâm thức phổ quát, trong đó thực tại là hoàn hảo, nguyên vẹn và đầy đủ. Những khẳng định siêu hình mạnh mẽ như thế đã gây nên nhiều hoài nghi. Tuy nhiên, xu hướng duy tâm tiếp tục duy trì trong một tiếp cận triết học gọi là hiện tượng học.
-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét