CHƯƠNG 1: NGUYÊN TẮC CƠ BẢN (TIẾP THEO)
NGUYÊN TẮC #11: ĐÔI KHI TỔNG CHI KHÔNG KHỚP VỚI NĂNG SUẤT CỦA NỀN KINH TẾ
Kinh tế vĩ mô đã thành một nhánh kinh tế riêng vào những năm 1930, khi tình trạng suy sụp về chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp, khủng hoảng trong công nghiệp ngân hàng, và các yếu tố khác đã đưa đến tình trạng trượt dốc về tổng chi. Tình trạng trượt dốc về chi tiêu này đã đưa đến thời kỳ tỉ lệ thất nghiệp rất cao, gọi là cuộc Đại Suy thoái.
Bài học mà các nhà kinh tế rút ra từ khó khăn của những năm 1930 là tổng chi - tức tổng hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng muốn mua - đôi khi không khớp với hàng hóa và dịch vụ mà nền kinh tế có thể sản sinh. Trong những năm 1930, chi tiêu giảm quá mức cần thiết để duy trì việc làm của công nhân Hoa Kỳ, kết quả là khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Thật vậy, giảm chi là nguyên nhân chủ yếu, mặc dù không phải là nguyên nhân duy nhất, đưa đến suy thoái.
Tổng chi cũng có thể quá cao. Trong trường hợp đó, nền kinh tế bị lạm phát (inflation), tức tình trạng tăng giá trên toàn nền kinh tế. Tình trạng này phát sinh do cầu cao hơn cung, nhà sản xuất có thể tăng giá mà vẫn tìm được khách hàng. Tình trạng giảm chi cũng như tăng chi đưa ta đến nguyên tắc 11:
Đôi khi tổng chi không phù hợp với năng suất của nền kinh tế.
(còn tiếp)
-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét