CHỦ NGHĨA TỰ DO - LIBERALISM
Từ liberal - bắt nguồn từ tiếng Latin nghĩa là tự do - có nhiều nghĩa, nhưng nói chung người theo chủ nghĩa tự do tin vào dân chủ, bình đẳng, dân quyền, và chính phủ bị hạn chế về quyền lực. Một số người theo chủ nghĩa tự do đặt nặng tinh thần khoan dung trong xã hội - chẳng hạn quyền cho người đồng tính - trong khi những người khác đặt nặng tự do kinh tế, đề cao thị trường tự do và bác bỏ sự điều phối của chính phủ, giống với người theo chủ nghĩa bảo thủ.
Ở Hoa Kỳ, quan điểm chính trị thường được phân chia giữa "phe bảo thủ" cánh hữu và "phe tự do" cánh tả. Phe tự do ở Hoa Kỳ (nhiều người trong số họ thuộc Đảng Dân chủ) có quan điểm thế tục, ủng hộ quyền cho dân tộc thiểu số, và tin vào việc sử dùng quyền lực chính phủ để hỗ trợ người nghèo. Trong nhiều quốc gia khác, phe tự do (chẳng hạn đảng Dân chủ Tự do ở Anh), mặc dù ủng hộ các giá trị tương tự, lại nằm ở trung tâm giải phổ chính trị, với phe bảo thủ ở bên phải và phe dân chủ xã hội cũng như xã hội chủ nghĩa ở bên trái.
Chủ nghĩa tự do hiện đại bắt nguồn từ triết gia người Anh John Locke, người đã phát triển khế ước xã hội vào cuối thế kỷ mười bảy. Locke có tầm ảnh hưởng lớn lao trên một số khai quốc công thần của Hoa Kỳ, đặc biệt là Thomas Jefferson, tác giả bản Tuyên ngôn Độc lập.
Sự phơi bày của chủ nghĩa tự do kinh điển là từ tác phẩm Bàn về Tự do (1859) của triết gia người Anh John Stuart Mill. Trong tác phẩm này, Mill cho rằng tự do cá nhân cần bị rút bớt chỉ khi nào phương hại đến cá nhân khác. Gần đây hơn, triết gia người Mỹ John Rawls, trong tác phẩm Luận thuyết về Công lý (1971), phác họa một phiên bản có tầm ảnh hưởng sâu rộng về chủ nghĩa tự do, trong đó ông cho rằng nếu không biết sinh ra trong xã hội nào, ta sẽ chọn xã hội trong đó mọi người có quyền bình đẳng, và trong đó sự bất bình đẳng về xã hội và kinh tế là tối thiểu.
-- Ảnh: http://japancommentator.com/wp-content/uploads/2010/04/theory-of-justice.jpg
-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét