KINH TẾ HỌC CĂN BẢN
CHƯƠNG 1: NGUYÊN TẮC CƠ BẢN (TIẾP THEO)
KINH TẾ HỌC TRONG THỰC TIỄN: CUỘC PHIÊU LƯU CỦA VIỆC GIỮ TRẺ
Trang web đưa ra lời khuyên cho các gia đình quân đội, myarmyonesource.com, đề nghị cha mẹ tham gia chương trình hợp tác giữ trẻ, một hoạt động thường gặp trong đời sống. Trong chương trình hợp tác giữ trẻ, các cha mẹ chia nhau giữ trẻ thay vì thuê mướn người ngoài làm công việc này. Nhưng làm sao chương trình có thể chắc rằng mọi thành viên đều chia sẻ công việc ngang nhau? Theo giải thích của myarmyonesource.com, "Thay vì tiền, hầu hết những hợp tác đều thông qua phiếu hay điểm. Khi cần người giữ trẻ, bạn gọi một người trong danh sách, và trả cho họ bằng phiếu. Bạn cũng nhận được phiếu khi giữ trẻ cho người khác tham gia chương trình".
Nói cách khác, chương trình hợp tác giữ trẻ là một nền kinh tế thu nhỏ trong đó mọi người mua bán dịch vụ giữ trẻ. Kết quả là một nền kinh tế có thể xảy ra các vấn đề kinh tế vĩ mô. Một bài báo nổi tiếng nhan đề, "Học thuyết tiền tệ và cuộc đại khủng hoảng về giữ trẻ ở Capitol Hill" xuất bản năm 1977, đưa ra những khó khăn trong chương trình hợp tác giữ trẻ do lượng phiếu phát hành quá ít. Nói chung, người tham gia chương trình đều muốn để dành phiếu đề phòng trường hợp đôi lúc họ buộc phải vắng nhà.
Trong trường hợp này, vì không có nhiều phiếu, hầu hết các cha mẹ đều sợ hết phiếu nên họ ngại vắng nhà. Do quyết định vắng nhà của một người là cơ hội giữ trẻ của một người khác, thật khó để thu được phiếu. Biết rõ điều này, các cha mẹ lại càng ngại vắng nhà ngoại trừ những trường hợp đặc biệt.
Tóm lại, chương trình hợp tác đã rơi vào tình trạng suy thoái. Nạn suy thoái trong nền kinh tế rộng lớn hơn và không liên quan đến việc giữ trẻ thì phức tạp hơn một tí, nhưng khó khăn của chương trình hợp tác giữ trẻ ở Capitol Hill đã minh họa hai trong ba nguyên tắc tương tác toàn nền kinh tế. Chi tiêu của một người là thu nhập của một người khác: cơ hội giữ trẻ chỉ phát sinh nếu người khác vắng nhà. Và nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng do chi tiêu quá ít: khi không đủ số người muốn rời khỏi nhà, mọi người đều chán nản vì thiếu cơ hội giữ trẻ.
Còn chính sách thay đổi chi tiêu của chính phủ thì sao? Thật ra thì chương trình hợp tác ở Capitol Hill cũng đã áp dụng. Cuối cùng, vấn đề được giải quyết bằng cách phát hành nhiều phiếu hơn, và khi số phiếu để dành gia tăng, các cha mẹ đều muốn ra khỏi nhà nhiều hơn.
(hết chương 1)
-- Ảnh: Người tham gia chương trình hợp tác giữ trẻ nhanh chóng nhận ra rằng ban đêm họ càng ít vắng nhà thì mọi người càng bị thiệt.
-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét