NGUYÊN TẮC #9: KHI THỊ TRƯỜNG KHÔNG ĐẠT HIỆU QUẢ, CAN THIỆP CỦA CHÍNH PHỦ CÓ THỂ CẢI THIỆN PHÚC LỢI XÃ HỘI
Ta hãy nhớ lại bản chất của sự bất lực thị trường gây ra bởi nạn kẹt xe - một người lái xe đi làm chẳng được khích lệ để quan tâm đến chi phí mà họ gây ra cho người lái xe khác dưới dạng gia tăng nạn kẹt xe. Có vài giải pháp khả dĩ cho tình huống này; chẳng hạn tăng phí giao thông, trợ giá cho phương tiện vận chuyển công cộng, và đánh thuế xăng lên người lái xe. Mọi giải pháp này vận hành bằng cách thay đổi các khích lệ dành cho người muốn lái xe, khuyến khích họ lái xe ít hơn và sử dụng phương tiện vận chuyển khác. Nhưng các giải pháp còn có cùng một đặc trưng khác: mọi giải pháp đều dựa trên sự can thiệp của chính phủ vào thị trường. Điều này đưa ta đến nguyên tắc thứ chín:
Khi thị trường không đạt hiệu quả, can thiệp của chính phủ có thể cải thiện phúc lợi xã hội.
Nghĩa là khi thị trường lạc lối, một chính sách được thiết kế thích hợp của chính phủ đôi khi sẽ đưa xã hội đến kết cục hiệu quả bằng việc thay đổi cách sử dụng tài nguyên của xã hội.
Một nhánh kinh tế học quan trọng chuyên nghiên cứu lý do tại sao thị trường bất lực và cần vận dụng những chính sách nào để cải thiện phúc lợi xã hội. Ta sẽ nghiên cứu sâu các vấn đề này và giải pháp của chúng ở những chương sau, nhưng một cách vắn gọn, có ba lý do chính khiến thị trường bất lực:
- Các hành vi cá thể vô tình gây hiệu ứng lề mà thị trường không quan tâm đến chúng đúng mức. Chẳng hạn hành vi gây ô nhiễm.
- Một bên ngăn cản những thương mại đôi bên cùng có lợi bằng cách thâu tóm nhiều tài nguyên dùng chung cho mình. Chẳng hạn công ty dược phẩm nâng giá thuốc cao hơn giá thành, khiến một số người không đủ khả năng hưởng lợi từ đó.
- Một số hàng hóa, về bản chất là không phù hợp để thị trường quản lý hiệu quả. Chẳng hạn quản lý không lưu.
Một nhiệm vụ quan trọng khi học kinh tế là không những nhận biết khi nào thị trường vận hành tốt mà còn phải biết khi nào chúng bất lực, đồng thời xác định chính sách nào của chính phủ là phù hợp trong từng tình huống.
(còn tiếp)
-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét