CHỦ NGHĨA VÔ CHÍNH PHỦ - ANARCHISM
Vô chính phủ thường được dùng như một từ đồng nghĩa với "hỗn loạn", nhưng theo thuật ngữ chính trị, người theo chủ nghĩa vô chính phủ không nhằm mục đích gây hỗn loạn mà nhằm cổ vũ cho sự vắng mặt của nhà nước, cho phép người dân tự do liên kết với nhau vì sự tốt đẹp chung. Mặc dù họ chủ trương loại bỏ nhà nước và mọi thể chế của nó, người theo chủ nghĩa vô chính phủ không giống với người theo chủ nghĩa hư vô, vốn chối bỏ mọi giá trị đã được thiết lập và chủ trương phá bỏ chỉ vì muốn phá bỏ. Cả hai nhóm người này không nhất thiết giống với người theo chủ nghĩa tự do, trong đó các giá trị của họ có tính cá nhân nhiều hơn tập thể.
Người theo chủ nghĩa vô chính phủ tin rằng bản chất con người là ôn hòa và hợp tác. Họ chỉ bị chính phủ làm biến chất qua bóc lột và đàn áp. Người theo chủ nghĩa vô chính phủ còn là người chống đối chủ nghĩa tư bản, họ cho rằng chủ nghĩa tư bản công nghiệp đã làm biến chất và tước đoạt quyền con người, ngăn không cho họ phát huy hết năng lực. Mặc dù thường được xem là một xu hướng cánh tả, chủ nghĩa vô chính phủ cũng lên án chủ nghĩa Marx qui ước, bác bỏ chủ trương xem kiểm soát nhà nước là một giai đoạn cần thiết trên con đường đi đến chủ nghĩa cộng sản thật sự.
Người đầu tiên tự gọi mình là người theo chủ nghĩa vô chính phủ là triết gia và nhà xã hội học người Pháp Pierre-Joseph Proudhon (1809–65), ông có phát biểu nổi tiếng "Tài sản là đồ ăn cắp". Mặc dù Proudhon và Marx có ảnh hưởng lẫn nhau, sau này họ bất đồng với nhau. Proudhon tin vào sự thay đổi ôn hòa hơn là cách mạng bạo lực, ông chủ trương sở hữu hợp tác xã hay cho từng công nhân hoặc nông dân đơn lẻ thay vì sở hữu tư nhân, tập đoàn, hay nhà nước, vì mọi hình thức này đều bao hàm mức độ kiểm soát nào đó trên cá nhân này bởi cá nhân khác. Trái với Proudhon, nhà vô chính phủ người Nga chủ trương giành chính quyền bằng bạo lực, hoạt động khủng bố vừa có tính cá nhân vừa có tính tập thể. Ông này cũng bất đồng với Marx.
Chủ nghĩa vô chính phủ chưa bao giờ là một phong trào chính trị được số đông ủng hộ, mặc dù nó có ảnh hưởng rõ rệt đối với chủ nghĩa công đoàn. Nó còn thu hút được các nhóm thanh niên, thường thuộc tầng lớp trung lưu, chẳng hạn các sinh viên tham gia biểu tình năm 1968 hay các nhà hoạt động chống toàn cầu hóa hiện nay.
-- Hình: http://www.crwflags.com/fotw/images/q/qt-a_dga.gif
-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét