Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Kinh tế học căn bản: Độc dốc của đường phi tuyến

PHỤ LỤC CHƯƠNG 2: ĐỒ THỊ TRONG KINH TẾ HỌC

CHƯƠNG 2: CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ: TƯƠNG NHƯỢNG VÀ THƯƠNG MẠI (TIẾP THEO)

ĐỘ DỐC CỦA ĐƯỜNG PHI TUYẾN

Đường phi tuyến (nonlinear curve) là đường mà độ dốc thay đổi khi bạn di chuyển dọc theo nó. Các phần (a), (b), (c), và (d) Hình 2A-4 cho thấy nhiều đường phi tuyến khác nhau. Phần (a) và (b) cho thấy hai đường phi tuyến có độ dốc thay đổi khi bạn di chuyển dọc theo chúng, nhưng các độ dốc luôn luôn dương. Mặc dù cả hai đều đi lên, đường cong trong phần (a) dốc hơn khi bạn di chuyển từ trái sang phải so với đường cong trong phần (b), bằng phẳng hơn. Đường cong có dốc lên và ngày càng dốc hơn, như trong phần (a), thì được nói rằng nó có độ dốc tăng dương tính (positive increasing). Đường cong có dốc lên nhưng ngày càng bằng phẳng hơn, như trong phần (b), thì được nói rằng nó có độ dốc giảm dương tính (positive decreasing).

Khi ta tính độ dốc dọc theo các đường phi tuyến này, ta nhận được những giá trị độ dốc khác nhau tại các điểm khác nhau. Cách mà độ dốc thay đổi dọc theo đường cong sẽ xác định hình dạng của đường cong. Chẳng hạn, ở phần (a) Hình 2A-4, độ dốc của đường cong là một số dương không ngừng tăng khi bạn di chuyển từ trái sang phải, trong khi ở phần (b), độ dốc là một số dương giảm dần.

Độ dốc của đường cong trong phần (c) và (d) là những số âm. Nhà kinh tế thường chuộng biểu diễn số âm theo trị tuyệt đối (absolute value) của nó, tức giá trị của số âm đó nhưng không có dấu trừ. Thông thường ta ký hiệu trị tuyệt đối của một số bằng hai thanh song song bao quanh số đó, chẳng hạn trị tuyệt đối của -4 được viết là |-4| = 4. Trong phần (c), trị tuyệt đối của độ dốc tăng dần khi bạn di chuyển từ trái sang phải. Vì thế đường cong có độ dốc tăng âm tính (negative increasing). Và trong phần (d), trị tuyệt đối của độ dốc giảm dần dọc theo đường cong. Vì thế đường cong này có độ dốc giảm âm tính (negative decreasing).

(còn tiếp)


-- Hình 2A-4: Các đường phi tuyến
-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét