Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Kiến thức phổ thông: Dân chủ - Democracy

Dân chủ nghĩa đen là "cai trị bởi nhân dân". Dân chủ có thể dưới dạng nhân dân thuộc một quốc gia trực tiếp cầm quyền, bỏ phiếu trên mọi vấn đề. Một cách khác - và thông dụng hơn nhiều - là thành lập chính phủ gồm các đại diện do dân bầu lên. Ngay cả trong những nền dân chủ đại diện, một số vấn đề hết sức quan trọng - chẳng hạn các thay đổi hiến pháp - được giao phó cho những cuộc trưng cầu dân ý qua hình thức bỏ phiếu rộng rãi.

Dân chủ xuất hiện đầu tiên ở Hy Lạp vào cuối thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên. Chẳng hạn ở thành phố tự trị Athens, các quyết định được đưa ra bởi những hội đồng gồm các công dân nam trưởng thành (phụ nữ và nô lệ bị loại). Ở La Mã dưới thời Cộng hòa (509-27 trước Công nguyên), hình thức cai trị dân chủ cũng đã phát triển: ban đầu chỉ có tầng lớp quý tộc được đại diện (trong Thượng viện), nhưng sau này dân thường, hay tầng lớp hạ lưu, có được tiếng nói qua các lãnh đạo được bầu lên.

Dưới thời những hoàng đế sau thời Cộng hòa La Mã, mọi hình thức dân chủ đều biến mất, và ở Âu châu thời trung cổ, mặc dù các quốc vương thỉnh thoảng triệu tập nghị viện, những hội đồng đó chỉ đại diện cho một bộ phận dân số hết sức nhỏ hẹp và chỉ có thực quyền nhỏ bé.

Dân chủ dưới hình thức hiện đại chỉ xuất hiện dần dần. Chẳng hạn ở Anh quốc, thế kỷ mười bảy chứng kiến cuộc tranh giành kéo dài giữa vua và Nghị viện, sau này Nghị viện chiếm ưu thế. Tuy nhiên ở thời kỳ đó mặc dù được bầu ra, Nghị viện chỉ đại diện cho một bộ phận dân số nhỏ bé - giới quý tộc, Giáo hội, địa chủ, và một số người giàu ở thành thị (phụ nữ không được bỏ phiếu). Phải đến những thập niên đầu của thế kỷ hai mươi, sau thời gian dài vận động và khích động quần chúng, mọi người dân Anh trưởng thành - không phân biệt giới tính - mới có quyền đi bầu.

Các cuộc đấu tranh tương tự đã xảy ra ở những nước khác để người lao động, dân tộc thiểu số, và phụ nữ có quyền bỏ phiếu. Ngày nay, hầu hết các quốc gia đều, hay tối thiểu là có dấu hiệu, dân chủ, cho dù nhiều nơi bầu cử bị gian lận do tham nhũng, hăm dọa, truyền thông giật dây, và cấm đoán những đảng đối lập.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/f/fc/Election_MG_3455.JPG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét