CHƯƠNG HAI
BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN - THE BALANCE SHEET
Bảng cân đối kế toán của một công ty sẽ chỉ ra tình hình tài chính của công ty đó tại một thời điểm đã cho. Đó đơn giản là một biểu hiện hình thức của Phương trình Kế toán (the Accounting Equation). Như bạn có thể đoán ra, ba thành phần của một bảng cân đối kế toán là tài sản có, công nợ, và vốn của chủ sở hữu.
Hãy nhìn vào ví dụ về một bảng cân đối kế toán sau. Ta xét từng tài khoản (account) mà bảng này đề cập.
Tài sản có
Cash and Cash Equivalents (tiền mặt và những thứ tương đương tiền mặt): Các số dư trong những tài toàn séc (checking account) và tài khoản tiết kiệm (savings account), cũng như bất kỳ đầu tư nào sẽ đáo hạn (mature) trong vòng 3 tháng hay ít hơn.
Inventory (hàng tồn kho): Hàng hóa lưu trong kho, sẵn có để bán.
Accounts Receivable (khoản phải thu): Tiền nợ từ khách hàng do hàng hóa hay dịch vụ đã giao.
Property, Plant, and Equipment (tài sản, nhà xưởng, và thiết bị): Các tài sản không dễ dàng chuyển đổi sang tiền mặt - tức những thứ như máy tính, thiết bị sản xuất, xe cộ, nội thất, ...
Công nợ
Accounts Payable (khoản phải trả): Tiền nợ nhà cung cấp do hàng hóa hay dịch vụ đã nhận.
Notes Payable (thương phiếu phải trả): Nghĩa vụ theo hợp đồng đối với người cho vay (chẳng hạn các khoản nợ ngân hàng).
Vốn của chủ sở hữu
Common Stock (cổ phiếu thường): Tiền đầu tư bởi các chủ sở hữu công ty.
Retained Earnings (lợi nhuận để lại): Tổng tất cả các thu nhập ròng trong kinh doanh mà chưa phân phối cho các chủ sở hữu dưới dạng lợi nhuận. (Nếu điều này còn mơ hồ lúc này, đừng lo lắng. Nó sẽ được diễn giải chi tiết sau.)
NGẮN HẠN SO VỚI DÀI HẠN
Thông thường, tài sản có và công nợ trên một bảng cân đối kế toán sẽ được phân thành tài sản ngắn hạn(current assets) hay công nợ ngắn hạn (current liabilities) và tài sản dài hạn (long-term assets) hay công nợ dài hạn (long-term liabilities). Tài sản ngắn hạn là tài sản được kỳ vọng chuyển thành tiền mặt trong vòng 12 tháng hay ít hơn. Các tài sản ngắn hạn điển hình bao gồm khoản phải thu (accounts receivable), tiền mặt, và hàng tồn kho.
Mọi thứ không phải là tài sản ngắn hạn, theo ngầm định, là tài sản dài hạn. Đôi khi tài sản dài hạn được gọi là tài sản không ngắn hạn (non-current assets). Tài sản, nhà xưởng và thiết bị là tài khoản tài sản dài hạn.
Công nợ ngắn hạn là công nợ cần phải trả trong vòng 12 tháng hay ít hơn. Ví dụ điển hình nhất của công nợ ngắn hạn là khoản phải trả (accounts payable). Thương phiếu phải trả (notes payable) mà được trả theo chu kỳ thời gian thì được phân chia trên bảng cân đối kế toán sao cho các chi trả trong vòng 12 tháng tới được ghi nhận là công nợ ngắn hạn, phần còn lại được ghi nhận là công nợ dài hạn.
BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN NHIỀU KỲ - MULTIPLE-PERIOD BALANCE SHEETS
Điều bạn thường thấy khi nhìn vào các báo cáo tài chính được công bố là bảng cân đối kế toán - chẳng hạn bảng dưới đây - gồm hai cột. Một cột cho biết số dư vào cuối kỳ kết toán gần nhất, và cột kế bên cho biết số dư của cuối kỳ trước. Báo cáo được trình bày như vậy để người đọc có thể thấy được tình hình tài chính của công ty đã thay đổi ra sao theo thời gian.
Chẳng hạn, nhìn vào bảng cân đối kế toán dưới đây ta có thể biết vài điều về tình hình hoạt động của công ty. Trên tổng thể, mọi thứ đang diễn tiến tốt đẹp. Tài sản có của công ty gia tăng trong khi công nợ đang được trả dần.
Điều duy nhất đáng lo ngại là khoản phải thu (accounts receivable) tăng. Khoản phải thu tăng có thể là dấu hiệu khó khăn trong việc thu tiền khách hàng đúng hạn. Mặt khác, đó cũng có thể chỉ là kết quả của việc gia tăng bán hàng, và chẳng có gì đáng lo.
-- Nguồn: Mike Piper (2010) Kế toán căn bản được diễn giải dưới 100 trang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét