Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Kinh tế học căn bản: Nguyên tắc #4: Người ta thường đáp lại các khích lệ, tận dụng cơ hội để làm bản thân họ khấm khá hơn

KINH TẾ HỌC CĂN BẢN

CHƯƠNG 1: NGUYÊN TẮC CƠ BẢN (TIẾP THEO)

NGUYÊN TẮC #4: NGƯỜI TA THƯỜNG ĐÁP LẠI CÁC KHÍCH LỆ, TẬN DỤNG CƠ HỘI ĐỂ LÀM BẢN THÂN HỌ KHẤM KHÁ HƠN

Một ngày kia, trong khi lắng nghe tin tức tài chính buổi sáng, các tác giả của tập sách này nghe được một mẹo tuyệt vời để đậu xe rẻ ở Manhattan. Các bãi đậu xe ở khu vực Wall Street thu đến $30 một ngày. Nhưng theo người đưa tin, một số người đã phát hiện ra một cách đậu xe rẻ hơn: thay vì gửi vào bãi, họ thay nhớt tại Manhattan Jiffy Lube mất $19.95 - và người ta giữ xe cho bạn cả ngày.

Đây là một câu chuyện hay, nhưng không may điều đó không có thật - thực tế là không có Jiffy Lube ở Manhattan. Nhưng nếu có, chắc chắn bạn sẽ thay nhớt thường xuyên ở đó. Tại sao vậy? Vì khi người ta được trao cơ hội để bản thân họ khá giả hơn, họ thường nắm bắt cơ hội đó - và nếu họ có thể tìm ra cách đậu xe cả ngày với giá $19.95 thay vì $30, họ sẽ áp dụng ngay.

Ở ví dụ này nhà kinh tế nói rằng người ta đang đáp lại một khích lệ (incentive) - tức cơ hội làm bản thân họ khấm khá hơn. Giờ đây ta có thể phát biểu nguyên tắc thứ tư về chọn lựa cá nhân:

Người ta thường đáp lại các khích lệ, tận dụng cơ hội để làm bản thân họ khấm khá hơn.

Khi bạn muốn dự báo xem cá nhân sẽ hành xử ra sao trong một tình huống kinh tế, một cách dự báo rất tốt là họ sẽ đáp lại các khich lệ - tức tận dụng cơ hội để làm bản thân họ khấm khá hơn. Hơn nữa, cá nhân sẽ tiếp tục tận dụng các cơ hội này cho đến khi chúng cạn kiệt. Nếu thật sự có Manhattan Jiffy Lube và thật sự việc thay nhớt là một cách đậu xe rẻ, ta có thể an tâm dự báo rằng danh sách đợi thay nhớt sẽ kéo dài hàng tuần, nếu không nói hàng tháng.

Thật vậy, nguyên tắc cho rằng người ta sẽ tận dụng cơ hội để làm bản thân họ khấm khá hơn là cơ sở để nhà kinh tế thực hiện mọi dự đoán về hành vi cá nhân. Nếu thu nhập của người có bằng MBA (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) tăng trong khi thu nhập của người có bằng luật lại giảm, ta có thể kỳ vọng là có nhiều sinh viên học kinh doanh hơn và có ít sinh viên học luật hơn. Nếu xăng tăng giá và duy trì ở mức cao trong thời gian dài, ta có thể kỳ vọng là người ta sẽ mua xe nhỏ hơn và ít tiêu hao nhiên liệu hơn - tức làm bản thân họ khấm khá hơn khi giá xăng tăng cao bằng cách lái xe ít tiêu hao nhiên liệu hơn.

Điểm cuối cùng: nhà kinh tế có xu hướng hoài nghi về bất kỳ nỗ lực thay đổi hành vi con người mà không thay đổi các khích lệ cho họ. Chẳng hạn, kế hoạch kêu gọi nhà sản xuất tự giác giảm ô nhiễm rất có thể sẽ không hiệu quả vì kế hoạch đó không thay đổi khích lệ cho nhà sản xuất. Trái lại, kế hoạch khen thưởng tài chính để giảm ô nhiễm có thể hiệu quả hơn nhiều vì điều đó đã thay đổi khích lệ cho họ.

Như vậy ta đã sẵn sàng học kinh tế học chưa? Chưa đâu - vì hầu hết những điều thú vị nảy sinh trong nền kinh tế không đơn thuần là kết quả của các chọn lựa cá nhân mà còn phụ thuộc vào cách mà những lựa chọn cá nhân đó tương tác với nhau.


THUẬT NGỮ ANH - VIỆT

incentive /ɪnˈsen.t̬ɪv/ khích lệ

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Toàn bộ nội dung được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kinh-te-hoc-can-ban.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét