KINH TẾ HỌC CĂN BẢN
CHƯƠNG 1: NGUYÊN TẮC CƠ BẢN (TIẾP THEO)
NGUYÊN TẮC #1: LỰA CHỌN LÀ CẦN THIẾT VÌ KHAN HIẾM TÀI NGUYÊN
Bạn không thể lúc nào cũng có được thứ bạn muốn. Mọi người đều muốn một ngôi nhà đẹp ở một vị trí đẹp (và có người giúp việc), một hay hai chiếc ô tô mới, và một nơi nghỉ mát tuyệt vời tại một khách sạn sang trọng. Nhưng ngay ở một quốc gia giàu có như Hoa Kỳ, không có nhiều gia đình có được mọi điều đó. Vì vậy họ phải lựa chọn - năm nay hoặc đi chơi Disney World hoặc mua một ô tô tốt hơn, hoặc có một sân sau nho nhỏ hoặc chấp nhận đi xa để sống nơi đất rẻ.
Thu nhập hạn chế không phải là điều duy nhất khiến người ta không có được mọi thứ họ muốn. Thời gian cũng bị hạn chế: chỉ có 24 giờ một ngày. Và vì thời gian hạn chế, dành thời gian cho hoạt động này đồng nghĩa với việc không dành thời gian cho hoạt động khác - dành thời gian ôn thi đồng nghĩa với việc từ bỏ một tối xem phim. Thật vậy, nhiều người thiếu thời gian đến nỗi họ muốn trả tiền để mua thời gian. Chẳng hạn, các cửa hàng tiện lợi thường bán giá cao hơn những siêu thị thông thường. Nhưng họ có vai trò đáng giá trong phục vụ khách hàng thiếu thời gian mà sẵn sàng trả giá cao thay vì phải đến siêu thị xa nhà.
Điều này đưa ta đến nguyên tắc lựa chọn cá nhân đầu tiên:
Người ta phải lựa chọn do khan hiếm tài nguyên
Một tài nguyên (resource) là bất kỳ thứ gì có thể được dùng để tạo ra thứ khác. Danh mục các tài nguyên của một nền kinh tế thường bắt đầu với đất đai, lao động (giờ làm), vốn (máy móc, nhà xưởng, tư liệu sản xuất khác do con người tạo ra), nhân lực (thành quả giáo dục đào tạo và kỹ năng làm việc). Một tài nguyên bị khan hiếm (scarce) là khi không đủ tài nguyên đó để thỏa mãn nhu cầu xã hội. Có nhiều tài nguyên bị khan hiếm. Bao gồm tài nguyên thiên nhiên - tức tài nguyên đến từ môi trường vật lý, như khoáng sản, gỗ, và dầu khí. Tài nguyên con người cũng bị giới hạn - lao động, kỹ năng, và trí tuệ. Và tại một quốc gia có nền kinh tế đang tăng trưởng với dân số gia tăng nhanh chóng, ngay cả không khí trong lành và nước sạch cũng trở thành tài nguyên khan hiếm.
Cũng như cá nhân phải lựa chọn, khan hiếm tài nguyên khiến toàn xã hội cũng phải lựa chọn. Một cách mà xã hội lựa chọn là cứ để nhiều cá nhân lựa chọn, đây là điều thường diễn ra trong nền kinh tế thị trường. Chẳng hạn, người Mỹ chỉ có bấy nhiêu giờ trong một tuần: bao nhiêu giờ họ đi siêu thị để được giá rẻ, thay vì tiết kiệm thời gian bằng cách mua sắm ở cửa hàng tiện lợi? Câu trả lời là tổng số từ các quyết định cá nhân: từng cá nhân thuộc hàng triệu người trong nền kinh tế tự chọn mua sắm ở đâu, và chọn lựa toàn thể chẳng qua là tổng của những quyết định cá nhân đó.
Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, có một số quyết định mà xã hội cho rằng tốt nhất là không để cá nhân lựa chọn. Chẳng hạn, các tác giả của tập sách này cư ngụ tại một vùng mà đến gần đây chủ yếu là đất canh tác nhưng hiện nay đang xây dựng nhanh chóng. Hầu hết cư dân địa phương thấy rằng cộng đồng sẽ an vui hơn nếu một số đất đai được để thông thoáng. Nhưng chẳng ai được khuyến khích giữ đất của họ như nguyên trạng, thay vì bán cho nhà thầu. Vì vậy xu hướng nổi lên trong nhiều cộng đồng trên toàn Hoa Kỳ là chính phủ địa phương mua lại đất chưa xây dựng và duy trì khoảng không thông thoáng. Ở những chương sau ta sẽ thấy tại sao thường các quyết định sử dụng tài nguyên khan hiếm tốt nhất nên để cá nhân lựa chọn nhưng đôi khi cần phải để một cấp cao hơn, ở phạm vi toàn xã hội quyết định.
THUẬT NGỮ ANH-VIỆT
resource /ˈriː.sɔːrs/ tài nguyên
scarce /skers/ khan hiếm
-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét