Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Kiến thức phổ thông: Nhận thức luận - Epistemology

NHẬN THỨC LUẬN - EPISTEMOLOGY

Nhận thức luận, một trong những nhánh chính của triết học hiện đại, nghiên cứu bản chất của tri thức. Người Hy Lạp cổ đại đã đặt câu hỏi về sự khác biệt giữa tri thức, chân lý và niềm tin. Theo Plato, tri thức liên quan đến các Dạng thức (Forms), thực tại tối hậu, bất biến chỉ có thể lĩnh hội qua vận dụng lý luận. Trái lại, cũng theo Plato, thế giới không ngừng biến đổi mà ta lĩnh hội qua các giác quan là vấn đề niềm tin chứ không phải tri thức.

Cách mạng Khoa học xuất hiện ở đầu thế kỷ mười sáu từ nhà thiên văn học Ba Lan Copernicus đã làm giảm giá trị của giáo lý trong Kinh thánh và Giáo hội, mà tới thời điểm đó được cho là kho tàng chân lý. Điều này đưa đến những tiếp cận mới đến vấn đề tri thức - chẳng hạn, trường phái hoài nghi có lý trí của René Descartes cho rằng chẳng có cơ sở nào thừa nhận bằng chứng của các giác quan và kết luận rằng điều chắc chắn duy nhất là, vì ông biết ông đang tư duy, nên ông biết là ông đang tồn tại. (Người dịch: kết luận này tương tự với Plato)

Đối lập với Descartes, người theo trường phái trải nghiệm như John Locke thì cho rằng tri thức của ta hoàn toàn bắt nguồn từ các ấn tượng giác quan. Triết gia Scotland David Hume triển khai thêm, bác bỏ khả năng có bất kỳ tri thức nào mà không bắt nguồn từ trải nghiệm. Là người theo trường phái hoài nghi cực đoan, ông cho rằng hầu hết điều ta cho là chân lý chỉ là thói quen tâm lý và hầu như chẳng có điều gì ta nghĩ rằng ta biết về hiện hữu có thể được chứng minh đúng một cách lô-gic.

Triết gia Đức Immanuel Kant cho rằng tri thức, mặc dù phần nào bắt nguồn từ các ấn tượng giác quan, phụ thuộc vào một số "dạng thức" hay "phân loại" cơ bản (chẳng hạn thời gian, không gian, và nhân quả) cố hữu trong hiểu biết con người. Một đồng nghiệp Đức của Kant, G.W.F. Hegel, thì cho rằng chẳng có khác biệt giữa thực tại và tri thức của ta về thực tại, một quan điểm được gọi là "trường phái tuyệt đối lý tưởng".

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông (http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html)
-- Ảnh: http://www.philosophy.dept.shef.ac.uk/hangseng/readinggroups/media/Descartes_mind_and_body.gif

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét