Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Kinh tế học căn bản: Tương tác - Cách vận hành của nền kinh tế

CHƯƠNG 1: NGUYÊN TẮC CƠ BẢN (TIẾP THEO)

TƯƠNG TÁC: CÁCH VẬN HÀNH CỦA NỀN KINH TẾ

Nền kinh tế là hệ thống điều phối hoạt động sản xuất của nhiều người. Trong nền kinh tế thị trường Hoa Kỳ, sự điều phối diễn ra mà không cần bất kỳ nhà điều phối nào: từng cá nhân thực hiện những chọn lựa của chính mình. Nhưng các chọn lựa đó không có nghĩa là chúng độc lập với nhau: cơ hội của từng cá nhân, và như vậy những chọn lựa, phụ thuộc phần lớn vào các chọn lựa của người khác. Vì vậy để hiểu kinh tế thị trường hành xử ra sao, ta phải xem xét tính tương tác (interaction) này trong đó những chọn lựa nào của tôi sẽ ảnh hưởng đến các chọn lựa của bạn, và ngược lại.

Khi nghiên cứu tương tác kinh tế, ta nhanh chóng nhận ra rằng kết quả cuối cùng của những chọn lựa cá nhân có thể khá khác với ý định của cá nhân đó. Chẳng hạn, trong thế kỷ trước nông dân Hoa Kỳ hăm hở áp dụng các kỹ thuật canh tác và chủng cây trồng mới để giảm chi phí và tăng sản lượng. Rõ ràng đây là lợi ích của từng nông dân khi cập nhật kỹ thuật canh tác mới nhất.

Nhưng kết quả cuối cùng của từng nông dân cố gắng tăng thu nhập của chính mình thật ra đã khiến nhiều nông dân khác mất việc. Do nông dân Mỹ quá thành công trong việc tạo ra sản lượng cao hơn, nên giá nông sản liên tục giảm. Nghĩa là, một nông dân cá thể trồng một loại ngô bắp giỏi hơn thì sẽ khấm khá hơn; nhưng khi nhiều nông dân trồng một loại ngô bắp giỏi hơn, thì kết quả có thể khiến cả nhóm nông dân chịu thiệt.

Một nông dân trồng một loại ngô bắp mới với năng suất cao hơn không chỉ trồng nhiều ngô bắp hơn. Nông dân đó còn tác động đến thị trường ngô bắp qua sản lượng gia tăng, tác động đến các nông dân khác, đến người tiêu dùng, ...

Cũng như có bốn nguyên tắc kinh tế đằng sau chọn lựa cá nhân, có năm nguyên tắc đằng sau tương tác kinh tế. Năm nguyên tắc này được tổng kết ở Bảng 1-2.

BẢNG 1-2. Các nguyên tắc tương tác giữa những chọn lựa cá nhân

5. Có lợi từ thương mại.

6. Do con người đáp lại các khích lệ, thị trường sẽ chuyển đến trạng thái cân bằng.

7. Tài nguyên cần được sử dụng càng hiệu quả càng tốt để đạt mục tiêu xã hội.

8. Do con người thường tận dụng lợi ích từ thương mại, thị trường thường đạt hiệu quả cao.

9. Khi thị trường không đạt hiệu quả, can thiệp của chính phủ có thể cải thiện phúc lợi xã hội.

(còn tiếp)

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét