KINH TẾ HỌC CĂN BẢN
CHƯƠNG 1: NGUYÊN TẮC CƠ BẢN (TIẾP THEO)
CÁC NGUYÊN TẮC ĐẰNG SAU LỰA CHỌN CÁ NHÂN: CỐT LÕI CỦA KINH TẾ HỌC
Ở mức độ cơ bản nhất, mọi vấn đề kinh tế đều bao hàm lựa chọn cá nhân (individual choice) - tức các quyết định cá nhân về điều nên làm và điều không nên làm. Thật vậy, bạn có thể nói rằng đó không phải là kinh tế học nếu không liên quan đến lựa chọn.
Hãy bước vào một cửa hàng lớn như Walmart hay Target. Có hàng ngàn sản phẩm khác nhau, và bạn hay bất kỳ ai hoàn toàn không có khả năng mua mọi thứ bạn muốn. Và dù gì đi nữa, bạn chỉ có từng ấy khoảng không trong phòng hay trong căn hộ của bạn. Vậy bạn sẽ mua thêm một kệ sách hay một tủ lạnh nhỏ đây? Với kinh phí và không gian sống hữu hạn, bạn phải chọn mua sản phẩm gì và thứ gì đành phải để lại trên kệ.
Ngay từ đầu những sản phẩm bày trên kệ cũng bao hàm lựa chọn - người quản lý cửa hàng đã chọn đặt chúng lên đó, và nhà sản xuất đã chọn tạo ra chúng. Mọi hoạt động kinh tế đều bao hàm lựa chọn cá nhân.
Bốn nguyên tắc cơ bản đằng sau kinh tế học về lựa chọn cá nhân được trình bày ở Bảng 1-1.
BẢNG 1-1 Các nguyên tắc lựa chọn cá nhân
1. Người ta phải lựa chọn do khan hiếm tài nguyên.
2. Chi phí cơ hội của một món hàng - tức điều bạn phải từ bỏ để có được nó - là chi phí thật sự của món hàng đó.
3. Các quyết định "nhiều bao nhiêu" đòi hỏi những tương nhượng tại biên: so sánh chi phí và lợi ích khi làm nhiều hơn một tí so với làm ít đi một tí.
4. Người ta thường đáp lại các khích lệ, tận dụng cơ hội để làm bản thân họ khấm khá hơn.
Bây giờ ta sẽ xem xét chi tiết từng nguyên tắc một.
(Còn tiếp)
THUẬT NGỮ ANH-VIỆT
individual choice: lựa chọn cá nhân
-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét