CHƯƠNG 1: NGUYÊN TẮC CƠ BẢN (TIẾP THEO)
NGUYÊN TẮC #6: THỊ TRƯỜNG SẼ CHUYỂN ĐẾN TRẠNG THÁI CÂN BẰNG
Đó là một buổi chiều bận rộn tại siêu thị; những hàng dài tại quầy trả tiền. Thế rồi một quầy trước đây đóng nay được mở. Điều gì sẽ xảy ra? Dĩ nhiên, đầu tiên là sự hối hả chuyển đến quầy đó. Tuy nhiên sau vài phút, mọi thứ sẽ ổn định; khách hàng sẽ tự lo liệu để dòng người tại quầy mới mở có độ dài tương tự như dòng người tại mọi quầy khác.
Làm sao ta biết được điều đó? Ta biết nhờ nguyên tắc thứ tư phát biểu rằng con người sẽ tận dụng cơ hội để tự họ khấm khá hơn. Nghĩa là người ta sẽ hối hả di chuyển đến quầy mới mở để tiết kiệm thời gian sắp hàng. Và mọi thứ sẽ ổn định khi khách hàng không còn cơ hội cải thiện vị trí của họ bằng cách chuyển quầy - nghĩa là khi mọi cơ hội khiến tự họ khấm khá hơn đều đã được tận dụng.
Câu chuyện sắp hàng tại siêu thị dường như chẳng mấy ăn nhập đến cách mà các lựa chọn cá nhân tương tác, nhưng thật ra nó minh họa một nguyên tắc quan trọng. Tình huống trong đó cá nhân không thể tự khấm khá hơn khi làm khác đi - tức tình huống mọi hàng đợi đều có cùng độ dài - là điều mà nhà kinh tế gọi là trạng thái cân bằng (equilibrium). Tình huống kinh tế ở trạng thái cân bằng khi không ai khấm khá hơn khi làm khác đi.
Nhớ lại câu chuyện hoang đường Jiffy Lube, trong đó giả định rằng gửi xe nơi thay nhớt sẽ rẻ hơn gửi xe vào bãi. Nếu cơ hội thật sự tồn tại và người ta vẫn trả tiền để gửi xe vào bãi, thì tình huống đó không ở trạng thái cân bằng. Và điều đó ắt hẳn tầm ruồng khiến câu chuyện không có thật. Trong thực tế, người ta sẽ tận dụng cơ hội để đậu xe rẻ, giống như họ tận dụng cơ hội để tiết kiệm thời gian sắp hàng. Và khi làm vậy thì họ đã triệt tiêu cơ hội! Hoặc sẽ rất khó lấy hẹn để được thay nhớt hoặc công thay nhớt sẽ tăng đến mức không còn hấp dẫn nữa (trừ phi bạn thật sự cần công việc thay nhớt). Điều này đưa ta đến nguyên tắc thứ sáu:
Do con người đáp lại các khích lệ, thị trường sẽ chuyển đến trạng thái cân bằng.
Như ta sẽ thấy, thị trường thường đạt đến trạng thái cân bằng nhờ thay đổi giá cả, hoặc lên hoặc xuống cho đến khi không còn cơ hội nào để cá nhân tự làm họ khấm khá hơn.
Khái niệm cân bằng hết sức hữu ích trong tương tác kinh tế vì nó cung cấp một cách có thể hiểu thấu những chi tiết tương tác đôi khi phức tạp. Để hiểu điều gì xảy ra khi mở thêm một quầy mới tại siêu thị, bạn không cần lo làm sao khách hàng có thể tự thu xếp, ai sẽ di chuyển nhanh hơn ai, quầy nào nên mở, ... Điều bạn cần biết là bất kỳ lúc nào có thay đổi, tình huống sẽ chuyển đến trạng thái cân bằng.
Vấn đề thị trường chuyển đến trạng thái cân bằng là lý do tại sao ta có thể lệ thuộc vào chúng để hoạt động theo cách có thể dự liệu được. Thật vậy, ta có thể tin rằng thị trường sẽ cung cấp mọi nhu yếu cuộc sống. Chẳng hạn, người thành thị có thể đinh ninh rằng kệ hàng trong siêu thị lúc nào cũng chất đầy hàng hóa. Tại sao vậy? Vì nếu thương gia phân phối thực phẩm nào không thể cung ứng, cơ hội có lợi nhuận cao sẽ tạo ra cho bất kỳ thương gia nào có thể đáp ứng - và người ta sẽ hối hả cung ứng thực phẩm, giống như sự hối hả khi một quầy hàng mới mở ra. Và trở lại nguyên tắc thứ năm, nguyên tắc này cho phép người thành thị cứ là người thành thị - tức chuyên làm việc thành thị thay vì phải sống ở nông thôn và tự trồng trọt lấy.
Kinh tế thị trường, như ta thấy, cho phép người dân hưởng lợi từ thương mại. Nhưng làm sao biết được nền kinh tế đang vận hành tốt ra sao? Nguyên tắc tiếp theo cung cấp tiêu chuẩn đánh giá hiệu suất của nền kinh tế.
(còn tiếp)
-- Ảnh: -- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét