Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

Kinh tế học căn bản: Nguyên tắc #5: Có lợi từ thương mại

CHƯƠNG 1: NGUYÊN TẮC CƠ BẢN (TIẾP THEO)

NGUYÊN TẮC #5: CÓ LỢI TỪ THƯƠNG MẠI

Tại sao các chọn lựa của tôi lại tương tác với những chọn lựa của bạn? Một gia đình đã có thể tự lo mọi nhu cầu  - tự trồng lương thực, tự may quần áo, tự giải trí, tự viết sách giáo khoa kinh tế. Nhưng thử sống cách đó sẽ rất vất vả. Chìa khóa đưa đến một tiêu chuẩn sống cao hơn nhiều là thương mại (trade), ở đó con người tự phân công trách nhiệm và mỗi người cung cấp hàng hóa hay dịch vụ mà người khác cần để nhận được hàng hóa và dịch vụ mà họ muốn.

Lý do mà ta có một nền kinh tế, chứ không phải nhiều cá nhân tự cung tự cấp, là vì lợi ích từ thương mại (gains from trade): bằng cách phân công trách nhiệm và thương mại, mỗi người trong cả hai (hay 6 tỉ người) có thể có nhiều điều họ muốn hơn là tự cung tự cấp. Điều này đưa đến nguyên tắc thứ năm:

Có lợi từ thương mại.

Lợi ích từ thương mại phát sinh từ việc phân công trách nhiệm, điều mà nhà kinh tế gọi là chuyên hóa (specialization) - tức tình huống trong đó mỗi người tham gia vào một nhiệm vụ khác nhau, chuyên tâm vào nhiệm vụ mà họ giỏi. Ưu điểm của chuyên hóa, từ đó đưa đến lợi ích từ thương mại, bắt nguồn từ tác phẩm Thịnh vượng của các Quốc gia năm 1776 của Adam Smith, tác phẩm mà nhiều người cho đó là khởi điểm khiến kinh tế trở thành một ngành. Tác phẩm của Smith bắt đầu bằng câu chuyện nhà máy sản xuất kim băng ở thế kỷ mười tám, thay vì từng người trong 10 công nhân làm ra một chiếc kim băng từ đầu đến cuối, mỗi công nhân chuyên vào một trong nhiều công đoạn sản xuất:

Một người kéo sợi, người khác làm cho thẳng, người thứ ba cắt, người thứ tư vót, người thứ năm mài một phía để có thể gắn đầu kim vào; sản xuất đầu kim sẽ cần hai hay ba công đoạn; đánh bóng là công đoạn đặc biệt khác; ngay cả gắn kim vào giấy cũng là một công đoạn; Và theo cách này, công việc sản xuất một kim băng được chia thành mười tám công đoạn khác nhau... Vì thế mười người đó có thể sản xuất đến bốn mươi tám ngàn chiếc kim mỗi ngày. Nhưng nếu họ đều làm riêng và độc lập, chắc chắn mỗi người không thể sản xuất được hai mươi chiếc, có thể còn không thể sản xuất nổi một chiếc mỗi ngày...

Nguyên tắc tương tự cũng đúng khi ta nhìn vào cách con người tự phân công công việc và mua bán trong nền kinh tế. Toàn bộ nền kinh tế có thể sản xuất nhiều hơn nếu mỗi người chuyên một việc và trao đổi với người khác.

Lợi ích của chuyên hóa là lý do tại sao một người thường chỉ chọn một nghề.  Sẽ mất nhiều năm học tập và trải nghiệm để trở thành một bác sĩ; cũng phải mất nhiều năm học tập và trải nghiệm để trở thành một phi công. Nhiều bác sĩ có thể có tiềm năng trở thành phi công giỏi, và ngược lại; nhưng khó người nào quyết định học hai nghề mà có thể giỏi hơn người quyết định chuyên vào một lĩnh vực ngay từ đầu. Vì vậy lợi ích cho mọi người là mỗi cá nhân chuyên vào việc chọn lựa nghề nghiệp cho họ.

Thị trường là điều cho phép bác sĩ và phi công chuyên vào lĩnh vực của họ. Do tồn tại thị trường du lịch và dịch vụ y tế, bác sĩ được đảm bảo là sẽ đặt được chuyến bay và phi công được đảm bảo là có thể tìm được bác sĩ. Khi cá nhân biết rằng họ có thể tìm được trong thị trường hàng hóa và dịch vụ họ cần, họ sẽ từ bỏ ý định tự cung tự cấp và hướng vào chuyên hóa. Nhưng điều gì đảm bảo cho họ rằng thị trường sẽ cung cấp được thứ họ muốn? Trả lời cho câu hỏi này đưa ta đến nguyên tắc thứ hai về cách mà các chọn lựa cá nhân tương tác với nhau.

(còn tiếp)

"Tôi săn bắt còn nàng hái lượm - bằng không sẽ không đủ sống."

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét