Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Kinh tế học căn bản: Nguyên tắc #3: "Nhiều bao nhiêu" là một quyết định tại biên

KINH TẾ HỌC CĂN BẢN

CHƯƠNG 1: NGUYÊN TẮC CƠ BẢN (TIẾP THEO)

NGUYÊN TẮC #3: "NHIỀU BAO NHIÊU" LÀ MỘT QUYẾT ĐỊNH TẠI BIÊN

Một số quyết định quan trọng bao hàm chọn lựa "hoặc-hoặc" - chẳng hạn, bạn quyết định hoặc học cao đẳng - đại học hoặc bắt đầu đi làm; bạn quyết định học kinh tế hay học một chuyên ngành khác. Nhưng các quyết định quan trọng khác còn bao hàm những chọn lựa "nhiều bao nhiêu" - chẳng hạn, nếu bạn học kinh tế và hóa trong học kỳ này, bạn phải quyết định dành thời gian "nhiều bao nhiêu" cho từng môn. Khi bàn về các quyết định "nhiều bao nhiêu", nhà kinh tế đưa ra một tuệ giác quan trọng: "nhiều bao nhiêu" là một quyết định được thực hiện tại biên.

Giả sử bạn đang học kinh tế và hóa. Và giả sử bạn là sinh viên dự bị y khoa, vì vậy điểm hóa của bạn quan trọng hơn điểm kinh tế. Có phải vì vậy mà bạn dành toàn bộ thời gian học hóa và bỏ mặc bài thi kinh tế? Rất có thể không; ngay cả khi bạn nghĩ rằng điểm hóa của bạn quan trọng hơn, bạn sẽ nỗ lực một ít cho việc học kinh tế.

Dành nhiều thời gian học hóa bao hàm một lợi ích (điểm cao hơn) và một chi phí (bạn đã có thể dành thời gian đó để làm việc khác, chẳng hạn đạt điểm kinh tế cao hơn). Nghĩa là quyết định của bạn bao hàm sự tương nhượng (trade-off) - tức so sánh giữa chi phí và lợi ích.

Làm sao bạn quyết định được cho loại câu hỏi "nhiều bao nhiêu" này? Câu trả lời điển hình là bạn quyết định mỗi lúc một tí, bằng cách hỏi bạn cần làm gì vào giờ tới. Chẳng hạn cả hai môn đều thi cùng ngày, buổi tối trước ngày thi bạn ôn tập hai môn. Vào 6 giờ chiều, bạn quyết định là nên dành một giờ cho từng môn. Đến 8 giờ tối, bạn quyết định tiếp tục dành một giờ cho từng môn. Đến 10 giờ tối, bạn mệt mỏi và biết rằng bạn còn một giờ ôn tập trước khi đi ngủ - hóa hay kinh tế đây? Nếu bạn đang học dự bị ngành y, rất có thể là hóa; nếu bạn đang học dự bị Cao học Quản trị Kinh doanh, rất có thể là kinh tế.

Hãy để ý đến cách bạn quyết định dành thời gian: tại từng thời điểm câu hỏi là nên dành một giờ nữa cho mỗi môn hay không. Và khi quyết định dành thêm một giờ để học hóa, bạn đã cân nhắc giữa chi phí (một giờ không học kinh tế hay một giờ thức khuya) và lợi ích (có thể đạt điểm hóa cao hơn). Khi nào lợi ích học hóa thêm một giờ lớn hơn chi phí bỏ ra, bạn cần quyết định học thêm một giờ nữa.

Quyết định kiểu này - tức nên làm nhiều hơn một tí hay ít hơn một tí, chẳng hạn nên làm gì trong giờ kế, làm gì nếu có thêm một dollar, v.v... - gọi là quyết định biên (marginal decisions). Điều này đưa ta đến nguyên tắc thứ ba về chọn lựa cá nhân:

Các quyết định "nhiều bao nhiêu" đòi hỏi những tương nhượng tại biên: tức so sánh giữa chi phí và lợi ích khi làm nhiều hơn một tí so với làm ít hơn một tí.

Việc nghiên cứu các quyết định đó được gọi là phân tích biên (marginal analysis). Nhiều câu hỏi mà ta gặp trong kinh tế - cũng như trong đời thường - bao hàm phân tích biên: Cần thuê bao nhiêu nhân công cho cửa hàng? Đi được bao xa thì nên thay nhớt? Hiệu ứng phụ cỡ nào là chấp nhận được với dược phẩm mới? Phân tích biên đóng vai trò trọng tâm trong kinh tế học vì đó là chìa khóa quyết định nên làm điều gì "nhiều bao nhiêu".


THUẬT NGỮ ANH - VIỆT

trade-off /ˈtreɪd.ɒf/ tương nhượng
marginal decision: quyết định biên
marginal analysis: phân tích biên

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Toàn bộ nội dung được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kinh-te-hoc-can-ban.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét