KINH TẾ HỌC CĂN BẢN
CHƯƠNG 1: NGUYÊN TẮC CƠ BẢN (TIẾP THEO)
NGUYÊN TẮC #2: CHI PHÍ THẬT SỰ CỦA MỘT THỨ LÀ CHI PHÍ CƠ HỘI CỦA NÓ
Đã đến học kỳ cuối trước khi bạn tốt nghiệp, và thời khóa biểu dành cho lớp của bạn chỉ cho phép bạn đăng ký một môn tự chọn. Tuy nhiên, có hai môn bạn thực sự muốn học: Nhập môn Đồ họa Máy tính và Lịch sử nhạc Jazz.
Giả sử rằng bạn quyết định học Lịch sử nhạc Jazz. Chi phí của quyết định đó là bao nhiêu? Với dữ kiện là bạn không thể học Đồ họa Máy tính, tức phương án tốt nhất thứ hai của bạn. Các nhà kinh tế gọi loại chi phí đó - tức điều bạn phải từ bỏ để có được món hàng bạn muốn - là chi phí cơ hội (opportunity cost) của món hàng đó. Điều này đưa đến nguyên tắc lựa chọn cá nhân thứ hai:
Chi phí cơ hội của một món hàng - tức điều bạn phải từ bỏ để có được nó - là chi phí thật sự của nó.
Như vậy chi phí cơ hội của việc học Lịch sử nhạc Jazz là lợi ích bạn nhận được từ lớp Nhập môn Đồ họa Máy tính.
Khái niệm chi phí cơ hội rất quan trọng để hiểu lựa chọn cá nhân bởi vì cuối cùng thì mọi chi phí đều là chi phí cơ hội. Đó là vì mỗi một lựa chọn của bạn đều có nghĩa là từ bỏ phương án khác. Đôi khi các nhà chỉ trích khẳng định rằng những nhà kinh tế chỉ quan tâm đến chi phí và lợi ích nào có thể đo được bằng tiền. Nhưng điều đó không đúng. Phần lớn phân tích kinh tế bao hàm các trường hợp giống với ví dụ môn học tùy chọn của ta, ở đó ta chẳng phải đóng thêm học phí - tức không có chi phí trực tiếp đến tiền. Tuy nhiên, môn học bạn chọn có một chi phí cơ hội - tức môn học mong muốn mà bạn phải từ bỏ vì thời gian hạn hẹp chỉ cho phép bạn học một môn. Cụ thể hơn, chí phí cơ hội là lựa chọn mà bạn từ bỏ qua việc không chọn phương án tốt nhất kế tiếp.
Bạn có thể nghĩ rằng chi phí cơ hội là chi phí bổ sung - tức phần thêm vào chi phí thành tiền của một món hàng. Giả sử rằng một lớp tự chọn phải đóng thêm học phí là $750; giờ đây có một chi phí thành tiền khi học Lịch sử nhạc Jazz. Vậy chi phí cơ hội để học lớp đó có khác với chi phí thành tiền đó không?
Thế thì hãy xét hai trường hợp. Giả sử rằng khi học Nhập môn Đồ họa Máy tính thì cũng phải đóng $750. Trong trường hợp này, bạn sẽ phải đóng $750 cho bất kỳ lớp nào mà bạn chọn. Vì vậy điều bạn từ bỏ để học Lịch sử nhạc Jazz vẫn là Nhập môn Đồ họa Máy tính, chấm hết - dù gì thì bạn vẫn phải đóng $750. Nhưng giả sử rằng lớp Nhập môn Đồ họa Máy tính là miễn phí. Trong trường hợp đó, điều bạn từ bỏ là lợi ích từ lớp Nhập môn Đồ họa Máy tính cộng với lợi ích mà bạn có thể thu được khi trả $750 cho những thứ khác.
Trong cả hai trường hợp, chi phí thật sự để học được lớp bạn ưa thích là thứ bạn phải từ bỏ để học được lớp đó. Khi bạn mở rộng tập hợp các quyết định bên dưới từng chọn lựa - có học môn tự chọn hay không, có hoàn thành học kỳ này hay không, có muốn bỏ lớp hay không - bạn sẽ nhận ra rằng mọi chi phí cuối cùng đều là chi phí cơ hội.
Đôi khi số tiền bạn phải trả là một dấu hiệu tốt về chi phí cơ hội. Nhưng nhiều khi không phải như vậy. Một ví dụ hết sức quan trọng cho thấy chi phí tiền không phải là dấu hiệu tốt về chi phí cơ hội là chi phí cao đẳng - đại học. Học phí và nhà ở là các chi tiêu chủ yếu đối với hầu hết sinh viên; nhưng ngay cả khi không phải mất tiền cho những thứ này, việc học cao đẳng - đại học vẫn là một vấn đề tốn kém vì với hầu hết các sinh viên cao đẳng - đại học, nếu họ không vào cao đẳng - đại học, thì họ sẽ đi làm. Nghĩa là, khi học cao đẳng - đại học, sinh viên đã từ bỏ nguồn thu nhập mà họ có thể nhận được nếu họ đi làm. Điều này có nghĩa là chi phí cơ hội của việc học cao đẳng - đại học là khoản mà bạn phải trả học phí cùng nhà ở cộng với thu nhập từ việc làm mà bạn đã từ bỏ.
Ta dễ dàng thấy rằng chi phí cơ hội của việc học cao đẳng - đại học là đặc biệt cao đối với những người có thể có thu nhập cao trong thời gian mà nếu họ chọn con đường cao đẳng đại học. Đó là lý do tại sao các vận động viên ngôi sao như LeBron James và những doanh nhân như Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook, thường bỏ học hay trốn học.
-- Chú thích trên ảnh: Mark Zuckerberg hiểu rõ khái niệm chi phí cơ hội.
THUẬT NGỮ ANH-VIỆT
opportunity cost: chi phí cơ hội
-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét