Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Trường phái Hiện đại và Hậu hiện đại - Modernism and Postmodernism

Trường phái Hiện đại là dự án nghệ thuật vĩ đại của thế kỷ hai mươi. Mục tiêu của trường phái Hiện đại, cho dù có tuyên bố hay không, là hết sức nghiêm túc - nhằm chuyển biến cách mà ta nhận thức cũng như tư duy về thế giới và về bản thân. Để làm được điều này, những qui ước cổ hủ khô khan bị phá hủy hoàn toàn để tạo một khởi đầu hoàn toàn mới, một "khởi đầu từ số không" trên đó sự táo bạo và óc tưởng tượng có thể thể nghiệm với các ý niệm nghệ thuật và thực tại mới. Kết quả là phần lớn nghệ thuật mới do người theo trường phái Hiện đại tạo ra đều thách thức và "phức tạp" có chủ đích.

Khát vọng của trường phái Hiện đại đã khuấy động mọi loại hình nghệ thuật. Trong âm nhạc, âm điệu qui ước đã bị nhiều nhà soạn nhạc phớt lờ như Schoenberg, Stravinsky, và Bartók, đồng thời xuất hiện những thể nghiệm với sắc thái, nhịp điệu, và cấu trúc mới. Trong nghệ thuật thị giác, ý tưởng cho rằng bức tranh trưng bày một "cửa sổ nhìn ra thế giới" đã đưa đến nhiều quan điểm trong trường phái Lập thể, các giá trị trừu tượng trong trường phái Hình thức, cường độ cảm xúc trong trường phái Biểu hiện, và những thám hiểm tiềm thức của trường phái Siêu thực.

Trong văn học, sự phân mảnh của cú pháp, chủ đề, và quan điểm được người theo trường phái Biểu tượng đi tiên phong đã được đẩy lên những thái cực cao hơn. Chẳng hạn bài thơ Đất hoang (1922) của T. S. Eliot chứa đựng nhiều quang cảnh, giọng nói, và hình ảnh để tạo phần nên thơ trước cảnh hoang tàn về vật chất, đạo đức, và tinh thần của Thế chiến thứ Nhất. Tiểu thuyết Ulysses (1922) của James Joyce có tính cách tân tương tự, thay thế lối tường thuật tuyến tính bằng nhiều quan điểm và "luồng ý thức" phi chọn lọc, trình bày những suy nghĩ và cảm nhận tức thời của các nhân vật.

Đến cuối thế kỷ hai mươi, các nhà bình luận bắt đầu sử dụng tính từ "Hậu hiện đại" để ám chỉ những công trình nghệ thuật nào đề ra các qui ước mới do trường phái Hiện đại thiết lập, nhưng theo cách tự qui chiếu và thường có tính châm biếm để thay thế các tham vọng to lớn của trường phái Hiện đại bằng sự tự ý thức và châm biếm, chẳng hạn được thấy trong các tiểu thuyết của Vladimir Nabokov, Kurt Vonnegut, hay Jorge Luis Borges.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://www.laimyours.com/wp-content/uploads/Palm-Springs-Modernism-Week-24.jpg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét