Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Kiến thức phổ thông: Trường phái hiện thực và trường phái tự nhiên - Realism and Naturalism

Trong văn học và nghệ thuật thị giác, chủ nghĩa hiện thực thể hiện cách tiếp cận trong đó nghệ sĩ cố gắng phác họa thế giới đúng như vậy, thay vì dưới dạng một thế giới được lý tưởng hóa hay tưởng tượng nào đó. Thuật ngữ này đặc biệt liên hệ đến thời kỳ hậu Lãng mạn, khi đó người theo chủ nghĩa hiện thực bác bỏ yếu tố đa cảm và lý tưởng hóa của phần lớn tác phẩm văn học và nghệ thuật ở thế kỷ mười tám, cũng như bác bỏ tính chủ quan, nỗi ám ảnh với những chủ đề vĩ đại và hùng tráng từng đánh dấu thời kỳ Lãng mạn.

Thuật ngữ "chủ nghĩa hiện thực" đầu tiên được dùng ở Pháp vào những năm 1830 nhằm ám chỉ các nhà văn Balzac và Stendhal. Trong thiên tiểu thuyết vĩ đại của mình bắt đầu từ năm 1836 và được gọi chung là La Comédie Humaine ("Tấn trò đời"), Balzac can đảm soi rọi vào xã hội Pháp thời đó. Nhân vật của Balzac là những con người phức tạp, về mặt đạo đức thì không trắng cũng chẳng đen, mà được tô vẽ bằng nhiều mảng xám khác nhau. Tập trung của Balzac về xã hội đương thời (hay cận đương thời) và đặc trưng nhận thức tâm lý của ông được nhiều nhà văn hiện thực khác chia sẻ, từ Flaubert và Maupassant ở Pháp, Turgenev, Gogol, Tolstoy, và Chekhov ở Nga, cho đến Dickens, Trollope, và George Eliot ở Anh.

Trong nghệ thuật, chủ nghĩa hiện thực cũng bắt nguồn từ Pháp, các cảnh tượng thô ráp và vô cảm từ đời sống đương thời, chẳng hạn tác phẩm Người đập đá của Courbet (1850) và Tiệc trưa trên bãi cỏ của Manet (1863) - phác họa hai phụ nữ mại dâm cùng với khách hàng - đã gây sốc công chúng. Về tranh phong cảnh cũng vậy, các họa sĩ như Corot và Théodore Rousseau đã vẽ tranh ngoài trời thay vì trong xưởng đã gây nhiều tranh luận.

Đến cuối thế kỷ mười chín, một tiếp cận văn học mới xuất hiện: chủ nghĩa tự nhiên. Ở đó các tiểu thuyết hiện thực biết chọn lọc điều cần mô tả và thường tập trung vào một vài nhân vật, tác phẩm của các nhà văn theo trường phái tự nhiên như Zola ở Pháp, Gorki ở Nga, và Dreiser ở Hoa Kỳ hàm chứa những mảng quan sát xã hội "có tính khoa học", quan tâm nhiều đến việc làm sao để môi trường xã hội có thể tác động đến hành xử của con người và làm thế nào cải cách xã hội.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html
-- Ảnh: http://parodiesandvariations.files.wordpress.com/2012/03/manet-le-dejeuner-sur-l_herbe-sculpture-parody.jpg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét