Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Kinh tế học căn bản: Dành cho người ham học: Chọn bên

CHƯƠNG 1: NGUYÊN TẮC CƠ BẢN (TIẾP THEO)

DÀNH CHO NGƯỜI HAM HỌC: CHỌN BÊN

Tại sao người Mỹ lái xe bên phải? Dĩ nhiên, đó là luật. Nhưng trước khi trở thành luật, đó là một trạng thái cân bằng.

Trước khi chính thức có luật giao thông, đã có "qui tắc đi đường" bất thành văn, tức những thực hành mà ai cũng nghĩ rằng mọi người sẽ tuân thủ. Qui tắc này là biết rằng người ta thường đi một bên . Ở một số nơi, chẳng hạn Anh quốc, qui tắc là đi bên trái; ở các nước khác, chẳng hạn Pháp, qui tắc lại đi bên phải.

Tại sao một số nơi chọn bên phải trong khi những nơi khác lại chọn bên trái? Lý do không hoàn toàn rõ ràng, mặc dù có thể phụ thuộc vào phương tiện đi lại phổ biến. Đàn ông cưỡi ngựa và đeo kiếm bên hông trái thì muốn cưỡi ngựa bên trái (hãy hình dung việc lên xuống ngựa thì bạn sẽ hiểu tại sao). Mặt khác, người thuận tay phải mà đi bộ và dắt ngựa thì rõ ràng muốn đi bên phải.

Dù thế nào chăng nữa, một khi qui tắc đi đường đã được xác lập, cá nhân sẽ được khích lệ mạnh mẽ để đi về phía "thông thường": người bất tuân sẽ va chạm với hướng lưu thông ngược lại. Như vậy một khi đã được xác lập, qui tắc đi đường sẽ tự áp đặt - nghĩa là nó sẽ ở trạng thái cân bằng. Dĩ nhiên ngày nay việc lái xe bên nào được qui định bởi luật; một số nước thậm chí đã đổi bên (Thụy Điển đã đổi từ trái sang phải vào năm 1967).

Nhưng với người đi bộ thì sao? Không có luật, nhưng có qui tắc bất thành văn. Ở Hoa Kỳ, người thành thị thường đi bộ bên phải. Nhưng nếu bạn có dịp đến một nước mà người dân lái xe bên trái, thì hãy cẩn trọng: người lái xe bên trái cũng thường đi bộ bên trái. Vậy khi ra nước ngoài, hãy bắt chước người dân ở đó. Bạn sẽ không bị phạt nếu đi bộ bên phải, nhưng bị thiệt thòi nếu phải chấp nhận trạng thái cân bằng và đi bộ bên trái.

(còn tiếp)

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét