Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Kinh tế học căn bản: Trai hay gái sẽ phụ thuộc chi phí

CHƯƠNG 1: NGUYÊN TẮC CƠ BẢN (TIẾP THEO)

KINH TẾ HỌC TRONG THỰC TẾ: TRAI HAY GÁI SẼ PHỤ THUỘC CHI PHÍ

Một sự kiện về Trung Quốc không thể gây tranh cãi: đó là một nước lớn đông dân. Đến 2011, dân số Trung Quốc là 1,344,130,000. Đúng vậy: hơn một tỉ ba trăm triệu.

Năm 1978, chính phủ Trung Quốc ban hành "chính sách một con" nhằm giải quyết thách thức về kinh tế và dân số. Trung Quốc rất rất nghèo vào năm 1978, lãnh đạo Trung Quốc lo rằng họ không thể chăm lo giáo dục và y tế cho dân số ngày càng tăng. Trong những năm 1970 trung bình một phụ nữ có từ năm con trở lên. Vì thế chính phủ đã hạn chế hầu hết các cặp vợ chồng, đặc biệt tại thành thị, để chỉ có một con, phạt những ai vi phạm chính sách này. Kết quả là đến năm 2011, trung bình một phụ nữ ở Trung Quốc chỉ có 1,5 con.

Nhưng chính sách một con đã gây ra hậu quả khôn lường. Do Trung Quốc là nước nông thôn chiếm phần lớn, con trai có khả năng lao động chân tay, nên các gia đình chuộng con trai hơn con gái. Thêm vào đó, truyền thống qui định con dâu là một thành viên thuộc gia đình chồng và con trai phải chăm sóc cha mẹ già. Kết quả của chính sách một con là Trung Quốc chẳng bao lâu có quá nhiều "con gái không mong muốn." Một số cho làm con nuôi ở nước ngoài, nhưng quá nhiều trường hợp "biến mất" trong năm đầu ra đời, chúng là nạn nhân của bỏ bê và ngược đãi.

Ấn Độ, một nước nghèo và nông thôn chiếm phần lớn với áp lực dân số cao, cũng gặp vấn đề "bé gái biến mất." Năm 1990, Amartya Sen, một nhà kinh tế người Anh gốc Ấn Độ sau này nhận giải Nobel 1998, đã ước tính có đến 100 triệu "phụ nữ thất lạc" ở châu Á. (Con số chính xác vẫn còn tranh luận, nhưng rõ ràng là Sen đã nhận diện đây là vấn đề có thật và phổ biến.)

Các nhà nhân khẩu học hiện nay nhận thấy có sự chuyển biến rõ rệt ở Trung Quốc, vốn đang đô thị hóa nhanh chóng. Tất cả ngoại trừ một tỉnh có trung tâm đô thị, tình trạng mất cân đối giữ nam và nữ lên đến đỉnh điểm vào năm 1995 và sau đó giảm dần về tỉ lệ tự nhiên sinh học. Nhiều người tin rằng lý do thay đổi là nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa mạnh mẽ ở Trung Quốc. Khi người dân chuyển về thành thị để khai thác nhu cầu tuyển dụng, họ không cần con trai làm nông. Hơn nữa, giá đất đô thị tăng chóng mặt, khiến nhiều bậc cha mẹ không thể mua căn hộ cho con trai trước khi lập gia đình. Chắc chắn con trai vẫn được ưa chuộng tại nông thôn. Nhưng một dấu hiệu chắc chắn cho thấy thời đại đã thay đổi, nhiều trang web hiện nay đưa ra lời khuyên cho các cặp vợ chồng cách có con gái thay vì con trai.

Chi phí của "chính sách một con" ở Trung Quốc là một thế hệ bé gái "biến mất" - một hiện tượng mà bản thân nó đã bắt đầu biến mất khi điều kiện kinh tế thay đổi.

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản (http://cstmind.blogspot.com/p/kinh-te-hoc-can-ban.html)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét