Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Toán học trong vài phút: Các tập hợp số - Families of Numbers

CÁC TẬP HỢP SỐ - FAMILIES OF NUMBERS

Số có thể được phân loại thành các tập hợp số có cùng tính chất nào đó. Có nhiều cách phân loại số. Thật vậy, cũng như có vô hạn số, ta cũng có vô hạn cách phân loại số. Chẳng hạn tập hợp số tự nhiên (natural numbers), tức những số nguyên ta dùng để đếm các đối tượng trong thế giới thực là một cách phân loại, cũng như tập hợp số nguyên (integers) - tức các số nguyên kể cả những số nguyên nhỏ hơn 0. Các số hữu tỷ (rational numbers) tạo nên một tập hợp số khác, từ đó giúp định nghĩa một tập hợp số lớn hơn nữa, đó là tập hợp số vô tỷ (irrational numbers). Tập hợp số đại số (algebraic numbers) và tập hợp số siêu việt (transcendental numbers) được định nghĩa qua các hành vi khác. Mọi phần tử thuộc tất cả các tập hợp số này đều là phần tử thuộc tập hợp số thực (real numbers), đối lập với tập hợp số ảo (imaginary numbers).

Nói rằng một số là phần tử thuộc tập hợp nào đó là cách ngắn gọn mô tả các tính chất của số đó, và vì thế làm rõ những vấn đề toán học mà ta có thể hỏi về số đó. Thông thường, các tập hợp phát sinh từ việc tạo ra những hàm số cho biết cách tạo nên một dãy số. Ngoài ra, ta có thể xây dựng một hàm số hay quy tắc để mô tả các tập hợp mà ta nhận biết một cách trực quan.

Chẳng hạn, bản năng cho ta nhận biết các số chẵn, nhưng chúng là những số nào? Về mặt toán học, ta có thể định nghĩa chúng là mọi số tự nhiên có dạng 2 × n trong đó n cũng là một số tự nhiên. Tương tự, số lẻ có dạng 2n + 1, trong khi số nguyên tố là số lớn hơn 1, và chỉ có ước số (divisor) là 1 cùng bản thân nó.

Những tập hợp khác phát sinh một cách tự nhiên trong toán học - chẳng hạn các số Fibonacci (1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, . . .), mỗi số là tổng của hai số trước đó. Hình mẫu này phát sinh tự nhiên trong sinh học và toán học. Số Fibonacci còn gắn liền với tỷ số vàng (golden ratio).

Các ví dụ khác bao gồm bảng cửu chương, được hình thành bằng cách nhân các số nguyên dương với một số đặc biệt, và các số bình phương, trong đó mỗi số là tích của một số tự nhiên với bản thân nó: n nhân n, hay n², hay n bình phương.


-- Ảnh: http://mathequality.files.wordpress.com/2011/08/number-sets.png
-- Nguồn: Paul Glendinning (2013) Toán học trong vài phút: 200 khái niệm được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Toán học trong vài phúthttp://cstmind.blogspot.com/p/toan-hoc-pho-thong.html

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Kế toán căn bản: Chương 4. Báo cáo lợi nhuận giữ lại - The Statement of Retained Earnings

CHƯƠNG BỐN

BÁO CÁO LỢI NHUẬN GIỮ LẠI - THE STATEMENT OF RETAINED EARNINGS

Báo cáo lợi nhuận giữ lại là một báo cáo tài chính rất ngắn gọn. Nó chỉ có một mục đích, như bạn có thể đoán được, là chi tiết các thay đổi về lợi nhuận giữ lại của công ty trên một chu kỳ thời gian. Nhắc lại, lợi nhuận giữ lại là tổng cộng tất cả những lợi nhuận không được chia của công ty trên toàn thời gian tồn tại của công ty. Ta nói "không được chia" để phân biệt với lợi nhuận đã được phân bổ cho các cổ đông (shareholder) dưới dạng cổ tức (dividend).

VÍ DỤ: ABC Construction được thành lập vào ngày 01/01/2011. Vào ngày thành lập, dĩ nhiên công ty có số dư Lợi nhuận Giữ lại là 0 (vì công ty chưa có lãi ròng). Trong năm 2011, lãi ròng của ABC Construction là $50.000. Đến tháng 12/2011, công ty chia $20.000 cổ tức cho cổ đông. Báo cáo lợi nhuận giữ lại của công ty sẽ trông như sau.


Nếu trong năm 2012, lãi ròng của ABC Construction là $70.000 và công ty tiếp tục chia $20.000 cổ tức, báo cáo lợi nhuận giữ lại của công ty sẽ như sau:



Cầu nối giữa các báo cáo tài chính

Báo cáo lợi nhuận giữ lại hoạt động rất giống một cầu nối giữa báo cáo thu nhập (income statement) và bảng cân đối kế toán. Nó lấy thông tin từ báo cáo thu nhập, và nó cung cấp thông tin cho bảng cân đối kế toán.

Bước chuẩn bị cuối cùng của một báo cáo thu nhập là tính lãi ròng của công ty:


Rồi lãi ròng được dùng trong báo cáo lợi nhuận giữ lại để tính số dư cuối năm về Lợi nhuận Giữ lại:


Rồi số dư Lợi nhuận Giữ lại cuối cùng được dùng để chuẩn bị bảng cân đối kế toán cuối năm của công ty:



Cổ tức: không phải là chi phí

Đầu tiên khi học kế toán, nhiều người có xu hướng phân cổ tức như một chi phí. Vậy cũng đúng, chúng trông như một chi phí vì chúng là tiền mặt mà công ty thanh toán cho một bên khác.

Tuy nhiên, không giống nhiều thanh toán tiền mặt khác, cổ tức đơn thuần là một phân bổ lợi nhuận (trái với chi phí là thứ làm giảm lợi nhuận). Vì chúng không phải là bộ phthành phần trong tính toán lãi ròng, cổ tức không xuất hiện trong báo cáo thu nhập, thay vào đó, chúng xuất hiện trong báo cáo lợi nhuận giữ lại.


Lợi nhuận giữ lại: không giống tiền mặt

Định nghĩa của lợi nhuận giữ lại - tổng lợi nhuận không được chia của công ty trên toàn bộ thời gian tồn tại của công ty - khiến cho nó có vẻ như số dư Lợi nhuận Giữ lại của công ty phải nằm đâu đó như tiền mặt trong tài khoản séc hay tài khoản tiết kiệm. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp đều không phải như vậy.

Chỉ vì công ty chưa phân bổ lợi nhuận cho chủ nhân không có nghĩa là nó chưa dùng cho việc nào khác. Chẳng hạn, lợi nhuận thường được tái đầu tư để tăng trưởng công ty bằng cách mua thêm kho hàng hay mua thêm thiết bị sản xuất.

-- Nguồn: Mike Piper (2010) Kế toán căn bản được diễn giải dưới 100 trang.

Kinh tế học căn bản: Dành cho người ham học: Chọn bên

CHƯƠNG 1: NGUYÊN TẮC CƠ BẢN (TIẾP THEO)

DÀNH CHO NGƯỜI HAM HỌC: CHỌN BÊN

Tại sao người Mỹ lái xe bên phải? Dĩ nhiên, đó là luật. Nhưng trước khi trở thành luật, đó là một trạng thái cân bằng.

Trước khi chính thức có luật giao thông, đã có "qui tắc đi đường" bất thành văn, tức những thực hành mà ai cũng nghĩ rằng mọi người sẽ tuân thủ. Qui tắc này là biết rằng người ta thường đi một bên . Ở một số nơi, chẳng hạn Anh quốc, qui tắc là đi bên trái; ở các nước khác, chẳng hạn Pháp, qui tắc lại đi bên phải.

Tại sao một số nơi chọn bên phải trong khi những nơi khác lại chọn bên trái? Lý do không hoàn toàn rõ ràng, mặc dù có thể phụ thuộc vào phương tiện đi lại phổ biến. Đàn ông cưỡi ngựa và đeo kiếm bên hông trái thì muốn cưỡi ngựa bên trái (hãy hình dung việc lên xuống ngựa thì bạn sẽ hiểu tại sao). Mặt khác, người thuận tay phải mà đi bộ và dắt ngựa thì rõ ràng muốn đi bên phải.

Dù thế nào chăng nữa, một khi qui tắc đi đường đã được xác lập, cá nhân sẽ được khích lệ mạnh mẽ để đi về phía "thông thường": người bất tuân sẽ va chạm với hướng lưu thông ngược lại. Như vậy một khi đã được xác lập, qui tắc đi đường sẽ tự áp đặt - nghĩa là nó sẽ ở trạng thái cân bằng. Dĩ nhiên ngày nay việc lái xe bên nào được qui định bởi luật; một số nước thậm chí đã đổi bên (Thụy Điển đã đổi từ trái sang phải vào năm 1967).

Nhưng với người đi bộ thì sao? Không có luật, nhưng có qui tắc bất thành văn. Ở Hoa Kỳ, người thành thị thường đi bộ bên phải. Nhưng nếu bạn có dịp đến một nước mà người dân lái xe bên trái, thì hãy cẩn trọng: người lái xe bên trái cũng thường đi bộ bên trái. Vậy khi ra nước ngoài, hãy bắt chước người dân ở đó. Bạn sẽ không bị phạt nếu đi bộ bên phải, nhưng bị thiệt thòi nếu phải chấp nhận trạng thái cân bằng và đi bộ bên trái.

(còn tiếp)

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Kiến thức phổ thông: Tưởng tượng - Imagination

TƯỞNG TƯỢNG - IMAGINATION

Tưởng tượng là năng lực của con người, cho phép ta nắm bắt điều không xảy ra trước mắt, và thậm chí hình dung được những điều không hiện hữu trong thế giới bên ngoài. Ở trường hợp đầu tiên, tưởng tượng chồng lấn với ký ức; ở trường hợp thứ hai, tưởng tượng thường kết hợp với sáng tạo.

Người ta có thể hỏi liệu điều mà ta tưởng tượng có thật hay không. Tôi có thể tưởng tượng ra một thiên nga đỏ, nhưng con vật đó chưa ai nhìn thấy. Mọi loại hình nghệ thuật (hội họa, âm nhạc, thơ văn, ...) đều ra đời từ tưởng tượng. Trong bối cảnh nghệ thuật, điều này có thể được mô tả là năng lực qua đó ta tổng hợp nên những điều mới từ trải nghiệm của ta về thế giới bên ngoài kết hợp với kiến thức của ta về các qui ước và truyền thống nghệ thuật. Nghệ thuật hàm chứa các đối tượng thực tế và tiến trình thực tế, do con người trải nghiệm với nhiều cường độ khác nhau. Quá trình tạo nên công trình tưởng tượng và quá trình thụ hưởng chúng đều là thực.

Người theo trào lưu Lãng mạn tuyên bố rằng tưởng tượng là năng lực siêu việt của con người, họ đề cao vai trò đơn nhất và trọng tâm của nghệ nhân trong cuộc đời. Nhà thơ Samuel Taylor Coleridge cho rằng "óc tưởng tượng trên hết" phải là "sự lặp đi lặp lại trong tâm thức hữu hạn về hoạt động sáng tác không ngừng bên trong CÁI TÔI vô hạn". Người bạn của ông, William Wordsworth, định nghĩa tưởng tượng là:

... sức mạnh tuyệt đối
Là nhận thức rõ ràng nhất, là biên độ của tâm thức
Và là lý luận, trong niềm hứng khởi cao nhất.

Một nhà thơ thuộc trường phái Lãng mạn khác, Percy Bysshe Shelley, khẳng địng tưởng tượng là "công cụ vĩ đại của tính thiện" - có lẽ bà nhận diện tưởng tượng qua sự cảm thông.

Mặc dù Wordsworth cho rằng lý luận góp phần vào tưởng tượng, di sản của trào lưu Lãng mạn phần lớn lại xem tưởng tượng đối lập với lý luận và/hay khoa học. Nhưng khi con người tư duy, chẳng hạn liên tưởng của Newton giữa hình ảnh táo rơi trên mặt đất và Trái Đất xoay quanh Mặt Trời, rõ ràng một số đột phá khoa học đã diễn ra thông qua những chuyển hóa đột ngột về tưởng tượng.


-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông
-- Ảnh: https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhN1tRmWenhmzuOVNMKdu84uD6msKcq_7y8bgorlqrxS0_TvB8KW7YTV6l-2-RGIkm0D-k-mqUUnvcksNs7XOFB8jhzFhnNDtJLfOlSazBoP-n7N0XOP-RNwKxMmR9DSZTnseLw40keqNQ/s1600/Imagination+children.jpg

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Toán học trong vài phút: Trục số - The Number Line

TOÁN HỌC TRONG VÀI PHÚT

TRỤC SỐ - THE NUMBER LINE

Trục số là một khái niệm hữu ích để tư duy về ý nghĩa của các phép toán. Đó là một đường nằm ngang với các vạch phân chia lớn đánh dấu những số nguyên dương và âm trải dài theo hai hướng.

Cộng một số dương ứng với việc di chuyển sang phải trục số một khoảng cách tương đương với số dương đã cho. Trừ một số dương ứng với việc di chuyển sang trái một khoảng cách dương tương ứng. Như vậy một trừ mười nghĩa là di chuyển 10 đơn vị sang trái số 1, kết quả là trừ chín, được viết là -9.

Ở giữa các số dương được hiển thị, còn có các số khác, chẳng hạn phần hai(halves), phần ba (thirds), và phần tư (quarters). Đây là những tỷ số (ratios) tạo nên bằng cách chia một số nguyên bất kỳ cho một số nguyên khác không. Cùng với các số tự nhiên - tức  0 và những số nguyên dương, thật ra là các tỷ số chia cho 1 - những tỷ số tạo nên các số hữu tỷ (rational numbers). Những số này được đánh dấu bằng các vạch phân cách ngày càng mịn trên trục số.

Nhưng các số hữu tỷ có lấp đầy trục số hay không? Người ta phát hiện ra rằng hầu hết mọi số giữa 0 và 1 không thể được viết dưới dạng tỷ số. Những số này được gọi là các số vô tỷ (irrational numbers), những số mà biểu diễn thập phân của chúng không bao giờ ngưng và cuối cùng không thể lặp đi lặp lại. Tập hợp hoàn chỉnh gồm các số hữu tỷ và vô tỷ cùng nhau được gọi là những số thực (real numbers).


-- Ảnh: http://thinkzone.wlonk.com/Numbers/RealLine.png
-- Nguồn: Paul Glendinning (2013) Toán học trong vài phút: 200 khái niệm được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Toán học trong vài phút

Tin học căn bản: Làm việc với files nén

LÀM VIỆC VỚI FILES NÉN

Ta nén file/folder để nó chiếm ít không gian trên đĩa hơn. Sẽ hữu ích khi nén files trước khi chuyển chúng sang nơi khác, chẳng hạn từ đĩa cứng sang đĩa có thể tháo rời hay ngược lại, hoặc chuyển từ máy tính này sang máy tính khác nhờ email, vì như vậy sẽ nhanh hơn. Hơn nữa, nếu ta chỉ có thể gởi nhận files với kích thước hạn chế, việc nén files lớn có thể làm chúng nhỏ lại để có thể gởi nhận được.

Ta có thể nén một hay nhiều files trong File Explorer bằng cách dùng ribbon > Share tab > nhóm lệnh Send > nút lệnh Zip. Windows sẽ lưu files nén vào một kiểu folder nén đặc biệt gọi là archive (kho lưu trữ). File Explorer dùng biểu tượng dây kéo (phéc-mơ-tuya, zipper) để biểu thị folder nén. Để nén thêm files/folders, ta có thể kéo chúng vào folder nén. Ta có thể trực tiếp mở file trong folfer nén, nhưng không thể thay đổi file. Để soạn thảo và lưu file nén, trước tiên ta cần giải nén file đó. Khi giải nén, ta tạo ra một bản sao đã được giải nén, file gốc vẫn nguyên vẹn trong folder nén.

Ta có thể di chuyển và sao chép files/folders trong folder nén đã được mở sẵn sang vị trí khác, nhưng không thể đổi tên. Thông thường, ta giải nén tất cả các files trong folder nén vào vị trí mới.


-- Nguồn: Joseph J. Adamski, Kathleen T. Finnegan, Sharon Scollard (2014) Các phương diện mới về Microsoft Access 2013.
-- Bài được tập hợp tại Tin học căn bản

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Kinh tế học căn bản: Nguyên tắc #6: Thị trường sẽ chuyển đến trạng thái cân bằng

CHƯƠNG 1: NGUYÊN TẮC CƠ BẢN (TIẾP THEO)

NGUYÊN TẮC #6: THỊ TRƯỜNG SẼ CHUYỂN ĐẾN TRẠNG THÁI CÂN BẰNG

Đó là một buổi chiều bận rộn tại siêu thị; những hàng dài tại quầy trả tiền. Thế rồi một quầy trước đây đóng nay được mở. Điều gì sẽ xảy ra? Dĩ nhiên, đầu tiên là sự hối hả chuyển đến quầy đó. Tuy nhiên sau vài phút, mọi thứ sẽ ổn định; khách hàng sẽ tự lo liệu để dòng người tại quầy mới mở có độ dài tương tự như dòng người tại mọi quầy khác.

Làm sao ta biết được điều đó? Ta biết nhờ nguyên tắc thứ tư phát biểu rằng con người sẽ tận dụng cơ hội để tự họ khấm khá hơn. Nghĩa là người ta sẽ hối hả di chuyển đến quầy mới mở để tiết kiệm thời gian sắp hàng. Và mọi thứ sẽ ổn định khi khách hàng không còn cơ hội cải thiện vị trí của họ bằng cách chuyển quầy - nghĩa là khi mọi cơ hội khiến tự họ khấm khá hơn đều đã được tận dụng.

Câu chuyện sắp hàng tại siêu thị dường như chẳng mấy ăn nhập đến cách mà các lựa chọn cá nhân tương tác, nhưng thật ra nó minh họa một nguyên tắc quan trọng. Tình huống trong đó cá nhân không thể tự khấm khá hơn khi làm khác đi - tức tình huống mọi hàng đợi đều có cùng độ dài - là điều mà nhà kinh tế gọi là trạng thái cân bằng (equilibrium). Tình huống kinh tế ở trạng thái cân bằng khi không ai khấm khá hơn khi làm khác đi.

Nhớ lại câu chuyện hoang đường Jiffy Lube, trong đó giả định rằng gửi xe nơi thay nhớt sẽ rẻ hơn gửi xe vào bãi. Nếu cơ hội thật sự tồn tại và người ta vẫn trả tiền để gửi xe vào bãi, thì tình huống đó không ở trạng thái cân bằng. Và điều đó ắt hẳn tầm ruồng khiến câu chuyện không có thật. Trong thực tế, người ta sẽ tận dụng cơ hội để đậu xe rẻ, giống như họ tận dụng cơ hội để tiết kiệm thời gian sắp hàng. Và khi làm vậy thì họ đã triệt tiêu cơ hội! Hoặc sẽ rất khó lấy hẹn để được thay nhớt hoặc công thay nhớt sẽ tăng đến mức không còn hấp dẫn nữa (trừ phi bạn thật sự cần công việc thay nhớt). Điều này đưa ta đến nguyên tắc thứ sáu:

Do con người đáp lại các khích lệ, thị trường sẽ chuyển đến trạng thái cân bằng.

Như ta sẽ thấy, thị trường thường đạt đến trạng thái cân bằng nhờ thay đổi giá cả, hoặc lên hoặc xuống cho đến khi không còn cơ hội nào để cá nhân tự làm họ khấm khá hơn.

Khái niệm cân bằng hết sức hữu ích trong tương tác kinh tế vì nó cung cấp một cách có thể hiểu thấu những chi tiết tương tác đôi khi phức tạp. Để hiểu điều gì xảy ra khi mở thêm một quầy mới tại siêu thị, bạn không cần lo làm sao khách hàng có thể tự thu xếp, ai sẽ di chuyển nhanh hơn ai, quầy nào nên mở, ... Điều bạn cần biết là bất kỳ lúc nào có thay đổi, tình huống sẽ chuyển đến trạng thái cân bằng.

Vấn đề thị trường chuyển đến trạng thái cân bằng là lý do tại sao ta có thể lệ thuộc vào chúng để hoạt động theo cách có thể dự liệu được. Thật vậy, ta có thể tin rằng thị trường sẽ cung cấp mọi nhu yếu cuộc sống. Chẳng hạn, người thành thị có thể đinh ninh rằng kệ hàng trong siêu thị lúc nào cũng chất đầy hàng hóa. Tại sao vậy? Vì nếu thương gia phân phối thực phẩm nào không thể cung ứng, cơ hội có lợi nhuận cao sẽ tạo ra cho bất kỳ thương gia nào có thể đáp ứng - và người ta sẽ hối hả cung ứng thực phẩm, giống như sự hối hả khi một quầy hàng mới mở ra. Và trở lại nguyên tắc thứ năm, nguyên tắc này cho phép người thành thị cứ là người thành thị - tức chuyên làm việc thành thị thay vì phải sống ở nông thôn và tự trồng trọt lấy.

Kinh tế thị trường, như ta thấy, cho phép người dân hưởng lợi từ thương mại. Nhưng làm sao biết được nền kinh tế đang vận hành tốt ra sao? Nguyên tắc tiếp theo cung cấp tiêu chuẩn đánh giá hiệu suất của nền kinh tế.

(còn tiếp)

-- Ảnh:  -- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Tin học căn bản: Đổi tên file/folder

ĐỔI TÊN FILE/FOLDER

Sau khi tạo và đặt tên cho một file/folder, ta có thể nhận ra một tên khác sát nghĩa hơn. Ta dễ dàng đổi tên file/folder bằng cách dùng shortcut menu và lệnh Rename.

-- Nguồn: Joseph J. Adamski, Kathleen T. Finnegan, Sharon Scollard (2014) Các phương diện mới về Microsoft Access 2013.
-- Bài được tập hợp tại Tin học căn bản

Tin học căn bản: Xóa files và folders

XÓA FILES VÀ FOLDERS

Ta nên định kỳ xóa files và folders không cần nữa để các files và folders quan trọng khỏi lộn xộn. Trong File Explorer, ta có thể xóa file/folder bằng cách dùng shortcut menu, hay chọn một hoặc nhiều files/folders rồi nhấn phím Delete.

Khi xóa một file khỏi đĩa cứng, Windows loại file đó khỏi folder nhưng lưu vào Recycle Bin (thùng rác). Recycle Bin là vùng trên đĩa cứng nhằm lưu các files bị xóa cho đến khi ta xóa chúng vĩnh viễn. Khi xóa một folder trên đĩa cứng, folder và tất cả các files trong đó được lưu vào Recycle Bin. Nếu đổi ý muốn hồi phục file/folder đã xóa, ta có thể kích kép (double-click) vào Recycle Bin trên desktop, kích phải (right-click) vào file/folder nào muốn hồi phục, rồi kích Restore. Tuy nhiên, sau khi đã dọn sạch Recycle Bin, ta không còn khả năng hồi phục files/folders trong đó nữa.

Trong hầu hết trường hợp, một file/folder bị xóa trong ổ USB sẽ không được chuyển vào Recycle Bin, tức không thể hồi phục được nữa.

-- Nguồn: Joseph J. Adamski, Kathleen T. Finnegan, Sharon Scollard (2014) Các phương diện mới về Microsoft Access 2013.
-- Bài được tập hợp tại Tin học căn bản

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Kiến thức phổ thông: Chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc - Colonialism and Imperialism

CHỦ NGHĨA THỰC DÂN VÀ CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC - COLONIALISM AND IMPERIALISM

Từ thế kỷ mười sáu trở đi, một số thế lực Âu châu cạnh tranh nhau để thành lập thuộc địa tại những vùng xa xôi trên thế giới - chủ yếu là để kiểm soát nguồn lợi thương mại về vật liệu thô và cung cấp cho các thị trường mới hàng hóa mà họ sản xuất. Đến thế kỷ mười chín, được thúc đẩy bởi một hỗn hợp gồm tôn giáo và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, người theo chủ nghĩa thực dân đã phát triển một đặc tính "đế quốc", với mục đích cao cả là đem ưu điểm của nền văn minh phương Tây đến những nước thuộc địa "sơ khai". Tuy nhiên, nằm dưới lớp áo đẹp đẽ này thì quyền lợi thương mại vẫn đóng vai trò tối quan trọng.

Tiếp xúc các giá trị phương Tây về dân chủ và bình đẳng khiến giới tinh hoa có giáo dục tại những nước thuộc địa cật vấn về quyền cai trị của thế lực đế quốc lên trên họ. Điều này đưa đến phong trào giải phóng dân tộc và tiến trình chậm chạp lật đổ chế độ thực dân và đôi khi phát sinh bạo động vào nửa cuối thế kỷ hai mươi. Tuy nhiên, một số người tin rằng chủ nghĩa đế quốc chính trị đã được thay thế bằng chủ nghĩa đế quốc kinh tế.


Biếm họa nổi tiếng vào năm 1892 phác họa  viên toàn quyền Cecil Rhodes của đế quốc Anh như một tượng đài trải dài Phi châu.
-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông
-- Ảnh: http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/e/ec/Punch_Rhodes_Colossus.png

Tin học căn bản: Di chuyển và sao chép files/folders

DI CHUYỂN VÀ SAO CHÉP FILES/FOLDERS

Di chuyển một file là xóa file đó khỏi vị trí hiện tại và đặt nó vào vị trí mới mà ta qui định. Sao chép một file là đặt một bản sao của file đó vào vị trí mới mà ta qui định. Ta cũng có thể di chuyển và sao chép một folder. Khi đó, ta di chuyển hay sao chép toàn bộ files nằm trong folder đó.

Trong File Explorer, ta có thể di chuyển và sao chép file bằng cách dùng Home tab & nhóm lệnh Organize & nút lệnh Copy to (sao chép sang) hay Move to (di chuyển sang); dùng lệnh Copy (sao chép) hay Cut (cắt) trên shortcut menu của file; hay dùng phím tắt (keyboard shortcuts). Khi dùng các phương pháp này để di chuyển hay sao chép files, ta đang sử dụng clipboard (bảng nhớ tạm), tức vùng lưu trữ tạm thời dành cho files và thông tin mà ta di chuyển hay sao chép từ vị trí này sang vị trí khác.

Ta còn có thể di chuyển files bằng các kéo thả files/folders trong cửa sổ File Explorer. Theo qui ước, nếu ta kéo một file/folder rồi thả vào một vị trí trên ổ đĩa (drive) khác, thì file/folder đó không được di chuyển, mà được sao chép.

Một cách tiết kiệm thời gian khi di chuyển hay sao chép nhiều files/folders là chọn tất cả các files/folders mà ta muốn di chuyển hay sao chép, rồi xem chúng là một nhóm. Sau đây là một số kỹ thuật chọn nhiều files/folders cùng một lúc.

* Chọn files/folders trong ô bên phải của File Explorer

        - Trường hợp files/folders nằm sát nhau: Kích chọn mục đầu tiên, sau đó nhấn và giữ phím Shift xuống, kích chọn mục cuối cùng, rồi thả phím Shift ra; hay kéo con trỏ chuột để tạo một khung bao quanh tất cả các mục mà ta muốn chọn.

        - Trường hợp files/folders không nằm sát nhau: Nhấn và giữ phím Ctrl xuống, kích từng mục mà ta muốn chọn, rồi thả phím Ctrl ra.

        - Trường hợp muốn chọn tất cả các files và folders: Trên Home tab và nhóm lệnh Select, kích nút lệnh Select all.


* Không muốn chọn files/folders trong ô bên phải của File Explorer nữa

        - Trường hợp không muốn chọn một file/folder trong nhóm đã chọn: Nhấn và giữ phím Ctrl xuống, kích vào mục mà ta không muốn chọn nữa, rồi thả phím Ctrl ra.

        - Trường hợp không muốn chọn bấy kỳ files/folders nào nữa: Kích vào một vùng trống trong cửa sổ File Explorer.

-- Nguồn: Joseph J. Adamski, Kathleen T. Finnegan, Sharon Scollard (2014) Các phương diện mới về Microsoft Access 2013.
-- Bài được tập hợp tại Tin học căn bản

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Toán học trong vài phút: Hệ thống số - Number Systems

HỆ THỐNG SỐ - NUMBER SYSTEMS

Hệ thống số là một cách viết ra các con số. Chẳng hạn, trong hệ thập phân (decimal system) hàng ngày, ta biểu diễn số dưới dạng 434,15. Chữ số bên trong giá trị biểu thị hàng đơn vị (units), hàng chục (tens), hàng trăm (hundreds), phần mười (tenths), phần trăm (hundreths), phần ngàn (thousandths), ... và được gọi là hệ số (coefficient).  Như vậy 434,15 = (4 × 100) + (3 × 10) + (4 × 1) + (1/10) + (5/100). Đây là một biểu diễn ngắn gọn của tổng các lũy thừa 10, và bất kỳ số thực (real number) nào đều có thể viết được bằng cách này.

Nhưng chẳng có gì đặc biệt về hệ "cơ số 10" (base 10) này. Một số có thể được viết trong cơ số nguyên dương n bất kỳ, bằng cách dùng các hệ số từ 0 đến n - 1. Ví dụ, trong cơ số hai hay nhị phân (binary), số 8.3125 có thể được viết là 1000.0101. Các hệ số bên trái dấu phân cách thập phân (decimal point) biểu diễn hàng đơn vị (units), hàng hai (twos), hàng bốn (fours) và hàng tám (eights) - tức các lũy thừa của 2. Còn các hệ số bên phải biểu diễn phần hai (halves), phần tư (quarters), phần tám (eighths), và phần mười sáu (sixteenths). Hầu hết máy tính (computers) dùng hệ nhị phân (binary system), bởi vì về mặt điện tử, hai hệ số (0 và 1) vận hành dễ dàng hơn.

-- Người dịch: Về đại thể, ta chỉ cần biết rằng có hai hệ thống số thông dụng, đó là hệ thập phân rất tiện dụng với con người, và hệ nhị phân (chỉ dùng 0 và 1) lại rất tiện dụng với máy tính.


-- Nguồn: Paul Glendinning (2013) Toán học trong vài phút: 200 khái niệm được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Toán học trong vài phút

Tin học căn bản: Tạo folders

TẠO FOLDERS

Ta tạo folders trong File Explorer bằng một trong ba phương pháp: trên Home tab & nhóm lệnh New & nút lệnh New folder; trên Thanh công cụ Truy xuất Nhanh (Quick Access Toolbar) & nút lệnh New folder; hoặc kích nút chuột phải (right-click) để hiển thị shortcut menu & kích New & kích Folder.

Sau đây là vài hướng dẫn sau khi tạo folders:

  • Dùng tên ngắn gọn nhưng phải đủ để mô tả nội dung của folder. Dù sao cũng không nên quá cầu toàn, vì khi tìm được một tên hay hơn thì ta tiến hành đổi lại tên cho folder ngay.
  • Khi số lượng files trong một folder quá nhiều (một dấu chỉ của hiện tượng này là danh mục file dài quá một màn hình) thì cần tổ chức chúng vào các subfolders.


Tạo một folder mới

-- Nguồn: Joseph J. Adamski, Kathleen T. Finnegan, Sharon Scollard (2014) Các phương diện mới về Microsoft Access 2013.
-- Bài được tập hợp tại Tin học căn bản (http://cstmind.blogspot.com/p/tin-ho.html)

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

Kế toán căn bản: Chương 3. Báo cáo doanh thu - The Income Statement

CHƯƠNG BA

BÁO CÁO DOANH THU - THE INCOME STATEMENT

Báo cáo doanh thu của một công ty cho biết hiệu suất tài chính của công ty đó trên một chu kỳ thời gian (thường là một năm). Báo cáo này tương phản với bảng cân đối kế toán (the balance sheet), vốn cho biết tình hình tài chính tại một thời điểm. Hình tượng thường dùng để minh họa bảng cân đối kế toán là chiếc máy chụp hình, trong khi báo cáo doanh thu thì giống một băng ghi hình (video) hơn.

Báo cáo doanh thu - đôi khi được gọi là bảng tổng kết lời lỗ (profit and loss statement hay P&L statement) - được tổ chức đúng theo như bạn dự kiến. Phần đầu là chi tiết doanh thu của công ty, trong khi phần hai là chi tiết về chi tiêu của công ty.


Tổng lợi nhuận (gross profit) và giá thành hàng đã bán (cost of goods sold)

Tổng lợi nhuận ám chỉ tổng doanh thu của công ty, trừ giá thành hàng đã bán. Giá thành hàng đã bán (CoGS) là số tiền mà công ty đã trả cho hàng hóa mà công ty đã bán trong một chu kỳ.

VÍ DỤ: Laura vận hành một doanh nghiệp nhỏ bán áo thun in hình ban nhạc. Vào đầu tháng, Laura đặt mua 100 chiếc mỗi chiếc $3. Đến cuối tháng, cô bán sạch áo và được tổng cộng $800. Trong tháng, giá thành hàng đã bán của Laura là $300, và tổng lợi nhuận của cô là $500.

VÍ DỤ: Rich vận hành một doanh nghiệp nhỏ về khai thuế. Mọi chi phí của anh đều là chi phí gián tiếp - tức mỗi bản khai thuế mà anh chuẩn bị sẽ không thêm gì vào chi phí tổng cộng của anh - vì vậy anh không có giá thành hàng đã bán. Tổng lợi nhuận của anh đơn giản là doanh thu của anh.

Thu nhập Kinh doanh (Operating Income) so với Lãi Ròng (Net Income)

Đôi khi, ta sẽ thấy một báo cáo doanh thu - như báo cáo dưới đây - tách phần "Chi phí Tác nghiệp" (Operating Expenses) khỏi phần "Chi phí Phi Tác nghiệp" (Non-Operating Expenses). Chi phí Tác nghiệp là chí phí liên quan đến vận hành thông thường của doanh nghiệp và cũng có thể phải gánh chịu trong tương lai. Chi phí Phi Tác nghiệp là chi phí không liên quan đến vận hành thường xuyên của doanh nghiệp, và kết quả là không phải gánh chịu một lần nữa trong năm tiếp theo. (Một ví dụ điển hình của Chi phí Phi Tác nghiệp là việc kiện tụng.)


Lý do đằng sau việc tách Chi phí Tác nghiệp khỏi Chi phí Phi Tác nghiệp là nó cho phép tính toán Thu nhập Kinh doanh. Về lý thuyết Thu nhập Kinh doanh là một số có ý nghĩa hơn là Lãi Ròng, vì nó đưa ra chỉ dấu tốt hơn về doanh thu của công ty sẽ ra sao trong những năm tiếp theo.

Hiệu ứng của việc tập trung vào Thu nhập Kinh doanh thay vì Lãi Ròng đã khiến nhiều công ty nỗ lực phân loại các chi phí là Phi Tác nghiệp càng nhiều càng tốt  nhằm mục đích làm cho Thu nhập Kinh doanh trông ấn tượng hơn đối với nhà đầu tư. Kết quả của "kế toán sáng tạo" này đã tạo ra một tranh luận nhỏ là số liệu doanh thu nào thật sự là dấu hiệu tốt hơn về thành công trong tương lai.

-- Nguồn: Mike Piper (2010) Kế toán căn bản được diễn giải dưới 100 trang.

Kinh tế học căn bản: Nguyên tắc #5: Có lợi từ thương mại

CHƯƠNG 1: NGUYÊN TẮC CƠ BẢN (TIẾP THEO)

NGUYÊN TẮC #5: CÓ LỢI TỪ THƯƠNG MẠI

Tại sao các chọn lựa của tôi lại tương tác với những chọn lựa của bạn? Một gia đình đã có thể tự lo mọi nhu cầu  - tự trồng lương thực, tự may quần áo, tự giải trí, tự viết sách giáo khoa kinh tế. Nhưng thử sống cách đó sẽ rất vất vả. Chìa khóa đưa đến một tiêu chuẩn sống cao hơn nhiều là thương mại (trade), ở đó con người tự phân công trách nhiệm và mỗi người cung cấp hàng hóa hay dịch vụ mà người khác cần để nhận được hàng hóa và dịch vụ mà họ muốn.

Lý do mà ta có một nền kinh tế, chứ không phải nhiều cá nhân tự cung tự cấp, là vì lợi ích từ thương mại (gains from trade): bằng cách phân công trách nhiệm và thương mại, mỗi người trong cả hai (hay 6 tỉ người) có thể có nhiều điều họ muốn hơn là tự cung tự cấp. Điều này đưa đến nguyên tắc thứ năm:

Có lợi từ thương mại.

Lợi ích từ thương mại phát sinh từ việc phân công trách nhiệm, điều mà nhà kinh tế gọi là chuyên hóa (specialization) - tức tình huống trong đó mỗi người tham gia vào một nhiệm vụ khác nhau, chuyên tâm vào nhiệm vụ mà họ giỏi. Ưu điểm của chuyên hóa, từ đó đưa đến lợi ích từ thương mại, bắt nguồn từ tác phẩm Thịnh vượng của các Quốc gia năm 1776 của Adam Smith, tác phẩm mà nhiều người cho đó là khởi điểm khiến kinh tế trở thành một ngành. Tác phẩm của Smith bắt đầu bằng câu chuyện nhà máy sản xuất kim băng ở thế kỷ mười tám, thay vì từng người trong 10 công nhân làm ra một chiếc kim băng từ đầu đến cuối, mỗi công nhân chuyên vào một trong nhiều công đoạn sản xuất:

Một người kéo sợi, người khác làm cho thẳng, người thứ ba cắt, người thứ tư vót, người thứ năm mài một phía để có thể gắn đầu kim vào; sản xuất đầu kim sẽ cần hai hay ba công đoạn; đánh bóng là công đoạn đặc biệt khác; ngay cả gắn kim vào giấy cũng là một công đoạn; Và theo cách này, công việc sản xuất một kim băng được chia thành mười tám công đoạn khác nhau... Vì thế mười người đó có thể sản xuất đến bốn mươi tám ngàn chiếc kim mỗi ngày. Nhưng nếu họ đều làm riêng và độc lập, chắc chắn mỗi người không thể sản xuất được hai mươi chiếc, có thể còn không thể sản xuất nổi một chiếc mỗi ngày...

Nguyên tắc tương tự cũng đúng khi ta nhìn vào cách con người tự phân công công việc và mua bán trong nền kinh tế. Toàn bộ nền kinh tế có thể sản xuất nhiều hơn nếu mỗi người chuyên một việc và trao đổi với người khác.

Lợi ích của chuyên hóa là lý do tại sao một người thường chỉ chọn một nghề.  Sẽ mất nhiều năm học tập và trải nghiệm để trở thành một bác sĩ; cũng phải mất nhiều năm học tập và trải nghiệm để trở thành một phi công. Nhiều bác sĩ có thể có tiềm năng trở thành phi công giỏi, và ngược lại; nhưng khó người nào quyết định học hai nghề mà có thể giỏi hơn người quyết định chuyên vào một lĩnh vực ngay từ đầu. Vì vậy lợi ích cho mọi người là mỗi cá nhân chuyên vào việc chọn lựa nghề nghiệp cho họ.

Thị trường là điều cho phép bác sĩ và phi công chuyên vào lĩnh vực của họ. Do tồn tại thị trường du lịch và dịch vụ y tế, bác sĩ được đảm bảo là sẽ đặt được chuyến bay và phi công được đảm bảo là có thể tìm được bác sĩ. Khi cá nhân biết rằng họ có thể tìm được trong thị trường hàng hóa và dịch vụ họ cần, họ sẽ từ bỏ ý định tự cung tự cấp và hướng vào chuyên hóa. Nhưng điều gì đảm bảo cho họ rằng thị trường sẽ cung cấp được thứ họ muốn? Trả lời cho câu hỏi này đưa ta đến nguyên tắc thứ hai về cách mà các chọn lựa cá nhân tương tác với nhau.

(còn tiếp)

"Tôi săn bắt còn nàng hái lượm - bằng không sẽ không đủ sống."

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Tin học căn bản: Lưu file

LƯU FILE

Khi tạo mới hay soạn thảo một file, ta nên lưu (save) file thường xuyên để giữ gìn thành quả. Khi lưu, ta phải xác định tên file và vị trí lưu trữ. Hầu hết ứng dụng đều cung cấp một vị trí mặc định để lưu file, khiến việc tìm kiếm sau này được dễ dàng. Tuy nhiên, ta có thể tùy chọn một vị trí khác.

Ngoài vị trí lưu trữ, mỗi file phải có tên, đây là thông tin quan trọng, cùng với nội dung và mục đích của file. Một tên file chẳng hạn Italian Tours.docx gồm ba phần:

* Phần chính - Khi lưu file, ta chỉ cần cung cấp phần chính, chẳng hạn "Italian Tours".

* Dấu chấm - Dấu chấm (.) ngăn cách phần chính và phần mở rộng.

* Phần mở rộng - Phần mở rộng gồm ba hay bốn ký tự ngay sau dấu chấm trong tên file, dùng để nhận diện kiểu file.

Tương tự với tên folder, phần chính của một tên file có thể chứa đến 255 ký tự. Điều này cho phép ta đặt tên đủ chính xác để có có thể nhận biết nội dung file bằng cách chỉ nhìn vào tên. Ta có thể sử dụng khoảng trống và một số dấu chấm câu khi đặt tên. Tuy nhiên, tên file không thể chứa các ký hiệu / \ : * ? “ < > hay | vì những ký hiệu này có ý nghĩa đặc biệt trong Windows.

Windows và các software khác bổ sung dấu chấm và phần mở rộng vào tên file, mặc dù File Explorer không hiển thị chúng theo mặc định. Thay vào đó, File Explorer hiển thị biểu tượng file gắn liền với phần mở rộng hoặc một thumbnail (hình nhỏ) biểu thị một số kiểu file nào đó, chẳng hạn kiểu đồ họa. Ví dụ, trong tên file Italian Tours.docx, phần mở rộng docx cho biết đây là file được tạo trong ứng dụng xử lý văn bản Microsoft Word. File Explorer  hiển thị file này bằng cách dùng biểu tượng Microsoft Word và phần tên chính. Với file có tên Italian Tours.png, phần mở rộng png cho biết đây là file tạo bởi một ứng dụng đồ họa chẳng hạn Paint. Trong Details view (cách nhìn chi tiết) hay List view (cách nhìn kiểu danh mục), File Explorer  hiển thị file này bằng cách dùng biểu tượng Paint và phần tên chính. Trong các views khác, File Explorer không dùng biểu tượng, mà hiển thị nội dung bằng một thumbnail. File Explorer hành xử khác nhau với Italian Tours.docxItalian Tours.png vì phần mở rộng cho biết chúng thuộc kiểu file khác nhau, cho dù phần tên chính giống nhau.

Khi lưu một file mới, ta dùng hộp thoại (dialog box) Save As để đặt tên và xác định vị trí lưu trữ. Ta có thể tạo folder cho file mới vào thời điểm lưu file. Khi soạn thảo một file đã được lưu trước đó, ta có thể dùng lệnh Save để lưu các thay đổi trong file, và giữ nguyên tên file cũng như vị trí. Tuy nhiên, nếu muốn lưu file vừa soạn thảo với một tên khác và ở một vị trí khác, ta cần dùng hộp thoại Save As.

Lưu file bằng hộp thoại Save As

-- Nguồn: Joseph J. Adamski, Kathleen T. Finnegan, Sharon Scollard (2014) Các phương diện mới về Microsoft Access 2013.
-- Bài được tập hợp tại Tin học căn bản

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Kiến thức phổ thông: Chân lý - Truth

CHÂN LÝ - TRUTH

Nếu khớp với thực tế, thì phát biểu "Chiếc áo của bạn được làm bằng lụa" là đúng. Phát biểu "Tôi thích chiếc áo của bạn" có thể đúng, nếu người nói không giả dối. Phát biểu thứ nhất bao hàm một chân lý khách quan; liên hệ đến một hiện tượng bên ngoài ("khách thể") và có thể được chứng minh là đúng hay sai. Phát biểu thứ hai bao hàm một chân lý chủ quan, đặc trưng bởi cảm nhận, ý kiến, hay nhận thức của một cá thể ("chủ thể"). Nó không thể được chứng minh là đúng hay sai.

Một số triết gia khẳng định rằng có những chân lý tuyệt đối, trong khi các triết gia khác lại cho rằng chân lý chỉ có tính tương đối. Một số cho rằng chỉ có thể đạt đến chân lý thông qua lý luận từ các nguyên lý đầu tiên, trong khi số khác lại cho rằng chân lý chỉ có thể đạt đến qua trải nghiệm. Một trong những tiên tri thuộc chính dân tộc Crete từng nói: "Người Crete luôn dối trá." Thư gửi Titus, 1: 12–13.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông
-- Ảnh: http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/f/fa/Crete_location_map.png

Tin học căn bản: Mở file

MỞ FILE

Ta có thể mở file bằng cách double-click (kích nút chuột trái liên tiếp hai lần) ở ô bên phải của File Explorer. File thường được mở trong ứng dụng từng tạo hay soạn thảo file đó. Thỉnh thoảng, File Explorer mở file trong ứng dụng không phải là ứng dụng mà ta muốn làm việc với file. Ví dụ, khi double-click một file ảnh số (digital picture), ảnh thường được mở trong một ứng dụng chỉ dùng để xem ảnh. Nếu muốn sửa ảnh, ta phải mở file trong một ứng dụng soạn thảo đồ họa. Khi cần chỉ định một ứng dụng để mở file, ta kích nút chuột phải (right-click) lên file, trỏ vào Open with trên trình đơn ngõ tắt (shortcut menu), rồi kích tên ứng dụng mà ta muốn dùng.

Shortcut menu để mở file

-- Nguồn: Joseph J. Adamski, Kathleen T. Finnegan, Sharon Scollard (2014) Các phương diện mới về Microsoft Access 2013.
-- Bài được tập hợp tại Tin học căn bản

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Toán học trong vài phút: Vô hạn - Infinity

VÔ HẠN - INFINITY

Vô hạn hay vô cực (được biểu diễn về mặt toán học là ∞) chẳng qua là khái niệm không có kết thúc: một đối tượng vô hạn thì không bị chặn. Thật khó hình dung khi làm toán mà không gặp vô cực ở dạng này hay dạng khác. Nhiều lập luận và kỹ thuật toán học bao gồm việc chọn điều gì đó từ một danh sách dài vô hạn, hoặc xét điều gì sẽ xảy ra nếu quá trình nào đó được phép tiến ra vô hạn.

Các tập hợp số hay đối tượng vô hạn được gọi là tập vô hạn, là một bộ phận quan trọng của toán học. Mô tả toán học của những tập hợp đó đưa đến kết luận đẹp rằng có nhiều hơn một loại tập vô hạn, và như vậy có nhiều kiểu vô hạn khác nhau.

Thật vậy có vô hạn kiểu tập vô hạn, ngày càng lớn, và trong lúc điều này có vẻ phản trực quan, nó suy ra từ việc lý luận trên các định nghĩa toán học.


-- Ảnh: http://www.the-fashion-street.com/gallery/the-elegance-of-infinity-bracelets/the_elegance_of_infinity_bracelets.jpg
-- Nguồn: Paul Glendinning (2013) Toán học trong vài phút: 200 khái niệm được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Toán học trong vài phút

Tin học căn bản: Thay đổi cách nhìn trong File Explorer

THAY ĐỔI CÁCH NHÌN TRONG FILE EXPLORER

File Explorer có tám cách nhìn (view) vào nội dung của một folder: Extra large icons (biểu tượng ngoại cỡ), Large icons (biểu tượng lớn), Medium icons (biểu tượng trung bình), Small icons (biểu tượng nhỏ), List (danh mục), Details (chi tiết), Tiles (phiến lát), và Content (nội dung).

Để thay đổi cách nhìn của File Explorer về một trong tám views, trên dải công cụ (ribbon) ta kích vào thẻ bài (tab) View. Để chuyển sang Details view hay Large icons view, ta có thể dùng các nút lệnh view (view buttons) trên thanh trạng thái (status bar).

Dù đang ở view nào, ta luôn có thể sắp xếp danh mục file theo tên file hay kích cỡ, kiểu, và ngày tháng. Khi đang ở Details view, ta sắp xếp bằng cách kích vào đầu đề cột ở đầu danh mục file. Ở những views khác, ta dùng View tab trên ribbon để sắp xếp.

Files trong Tutorial foder ở Medium icons view

-- Nguồn: Joseph J. Adamski, Kathleen T. Finnegan, Sharon Scollard (2014) Các phương diện mới về Microsoft Access 2013.
-- Bài được tập hợp tại Tin học căn bản

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Kinh tế học căn bản: Tương tác - Cách vận hành của nền kinh tế

CHƯƠNG 1: NGUYÊN TẮC CƠ BẢN (TIẾP THEO)

TƯƠNG TÁC: CÁCH VẬN HÀNH CỦA NỀN KINH TẾ

Nền kinh tế là hệ thống điều phối hoạt động sản xuất của nhiều người. Trong nền kinh tế thị trường Hoa Kỳ, sự điều phối diễn ra mà không cần bất kỳ nhà điều phối nào: từng cá nhân thực hiện những chọn lựa của chính mình. Nhưng các chọn lựa đó không có nghĩa là chúng độc lập với nhau: cơ hội của từng cá nhân, và như vậy những chọn lựa, phụ thuộc phần lớn vào các chọn lựa của người khác. Vì vậy để hiểu kinh tế thị trường hành xử ra sao, ta phải xem xét tính tương tác (interaction) này trong đó những chọn lựa nào của tôi sẽ ảnh hưởng đến các chọn lựa của bạn, và ngược lại.

Khi nghiên cứu tương tác kinh tế, ta nhanh chóng nhận ra rằng kết quả cuối cùng của những chọn lựa cá nhân có thể khá khác với ý định của cá nhân đó. Chẳng hạn, trong thế kỷ trước nông dân Hoa Kỳ hăm hở áp dụng các kỹ thuật canh tác và chủng cây trồng mới để giảm chi phí và tăng sản lượng. Rõ ràng đây là lợi ích của từng nông dân khi cập nhật kỹ thuật canh tác mới nhất.

Nhưng kết quả cuối cùng của từng nông dân cố gắng tăng thu nhập của chính mình thật ra đã khiến nhiều nông dân khác mất việc. Do nông dân Mỹ quá thành công trong việc tạo ra sản lượng cao hơn, nên giá nông sản liên tục giảm. Nghĩa là, một nông dân cá thể trồng một loại ngô bắp giỏi hơn thì sẽ khấm khá hơn; nhưng khi nhiều nông dân trồng một loại ngô bắp giỏi hơn, thì kết quả có thể khiến cả nhóm nông dân chịu thiệt.

Một nông dân trồng một loại ngô bắp mới với năng suất cao hơn không chỉ trồng nhiều ngô bắp hơn. Nông dân đó còn tác động đến thị trường ngô bắp qua sản lượng gia tăng, tác động đến các nông dân khác, đến người tiêu dùng, ...

Cũng như có bốn nguyên tắc kinh tế đằng sau chọn lựa cá nhân, có năm nguyên tắc đằng sau tương tác kinh tế. Năm nguyên tắc này được tổng kết ở Bảng 1-2.

BẢNG 1-2. Các nguyên tắc tương tác giữa những chọn lựa cá nhân

5. Có lợi từ thương mại.

6. Do con người đáp lại các khích lệ, thị trường sẽ chuyển đến trạng thái cân bằng.

7. Tài nguyên cần được sử dụng càng hiệu quả càng tốt để đạt mục tiêu xã hội.

8. Do con người thường tận dụng lợi ích từ thương mại, thị trường thường đạt hiệu quả cao.

9. Khi thị trường không đạt hiệu quả, can thiệp của chính phủ có thể cải thiện phúc lợi xã hội.

(còn tiếp)

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản

Tin học căn bản: Định vị files

ĐỊNH VỊ FILES

Để định vị files, ta cần hiểu khái niệm đường dẫn (file path), vì đường dẫn cho ta biết chính xác file được lưu trữ ở đâu trong hệ thống phân cấp ổ đĩa và folders trên máy tính. Ví dụ ta có một file tên là "Logo.png" chứa ảnh biểu trưng của công ty. Nếu ta lưu Logo file vào một folder có tên "Marketing" và lưu folder này vào folder có tên "Savvy Traveler" trên ổ đĩa F (ổ USB), thanh Địa chỉ (Address bar) sẽ hiển thị đường dẫn đến Logo file như sau:

This PCRemovable Disk (F:)Savvy TravelerMarketing Logo.png

Đường dẫn có năm phần, mỗi phần được tách bởi nút lệnh (button) hình mũi tên:

* This PC - Bộ phận chính chứa file, chẳng hạn có tên "This PC" hay "Network"

* Removable Disk (F:) - Tên ổ đĩa, gồm mẫu tự đặt tên cho ổ, theo sau là dấu hai chấm, nhằm chỉ rõ đây là ổ đĩa chứ không phải folder

* Savvy Traveler - folder ở mức cao nhất (top level) trên ổ F

* Marketing - subfolder (folder con) bên trong Savvy Traveler folder

* Logo.png - Tên file

Mặc dù File Explorer dùng nút lệnh hình mũi tên để phân định vị trí trong đường dẫn, tài liệu in ấn sẽ dùng dấu chéo ngược \ (backslash). Ví dụ, nếu đọc tài liệu hướng dẫn đề nghị mở Logo file trong Savvy Traveler\Marketing folder trên ổ USB, ta biết rằng ta phải chuyển đến ổ USB gắn vào máy tính, mở Savvy Traveler folder, rồi mở Marketing folder để tìm Logo file.


-- Nguồn: Joseph J. Adamski, Kathleen T. Finnegan, Sharon Scollard (2014) Các phương diện mới về Microsoft Access 2013.
-- Bài được tập hợp tại Tin học căn bản

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Kiến thức phổ thông: Chủ nghĩa dân tộc - Nationalism

CHỦ NGHĨA DÂN TỘC - NATIONALISM

Chủ nghĩa dân tộc là một ý thức hệ chính trị chú trọng đến sự độc tôn của bản sắc dân tộc, dựa trên các yếu tố như nòi giống, ngôn ngữ, và truyền thống văn hóa. Nghệ thuật thường đóng vai trò quan trọng trong chủ nghĩa dân tộc, và sức lôi cuốn cốt lõi của nó lúc nào cũng nhiều cảm xúc hơn lý trí. Dân tộc được bảo tồn như một thực thể thiêng liêng, cao quý hơn tập hợp gồm các cá nhân trong đó.

Phong trào dân tộc đã nổi lên ở những quốc gia muốn giành độc lập từ cai trị ngoại bang, và các cuộc đấu tranh giải phóng đó có thể bày ra một dải phổ chính trị rộng lớn. Đó là trường hợp Âu châu ở thế kỷ mười chín, nơi khai sinh chủ nghĩa dân tộc hiện đại. Vào đầu thế kỷ mười chín, Đức và Ý bao gồm nhiều bang nhỏ, trong khi nhiều dân tộc thuộc trung Âu thì được gộp lại dưới sự cai trị của vương quốc Áo.

Các hoàng đế, vua, và hoàng tử cai trị những lãnh thổ này nói chung là các quốc vương có quyền tuyệt đối, và chống đối quyền cai trị của họ là những thành phần tự do dân chủ và dân tộc chủ nghĩa. Họ bị giới văn nghệ sĩ thuộc trào lưu Lãng mạn lôi cuốn, những người dùng truyện dân gian và nhạc dân tộc để dấy lên cảm xúc mới về bản sắc dân tộc. Sau một thế kỷ tranh đấu, quyền tự quyết của các quốc gia nhỏ hơn thuộc Âu châu đã được công nhận qua hiệp ước hòa bình sau Thế Chiến thứ Nhất. Từ đó sự kiện này thúc đẩy phong trào giành độc lập ở nước ngoài do Âu châu cai trị. Đôi khi nguyện vọng độc lập đã bị các lực lượng đế quốc ngăn cản bằng bạo lực, nhưng trong giai đoạn 1945-75, khoảng một trăm nước thuộc địa đã trở thành quốc gia độc lập và có chủ quyền.

Chủ nghĩa dân tộc có mặt trái của nó. Các đảng phái dân tộc nổi lên tại các quốc gia vừa giành được độc lập có xu hướng chú trọng - đôi khi quá khích - đến sự độc tôn dân tộc so với những dân tộc khác. Ở dạng cực đoan hơn, chủ nghĩa dân tộc sẽ hòa hợp với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phát xít.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông (http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html)
-- Ảnh: http://www.zeus.aegee.org/magazine/wp-content/uploads/Europe_Flag_map_by_lg_studio-1024x833.png

Tin học căn bản: Trình thám hiểm file - File Explorer

TRÌNH THÁM HIỂM FILE - FILE EXPLORER

Để mở File Explorer:

1. Từ màn hình Khởi động (the Start screen), kích phiến Desktop (the Desktop tile) để hiển thị màn hình bàn làm việc (desktop).

2. Trên thanh tác vụ (taskbar) kích nút lệnh File Explorer. Cửa sổ File Explorer mở ra, hiển thị các folders mặc định.

Ta dùng File Explorer (trình thám hiểm file) trong Windows để thám hiểm files và folders trên máy tính. File Explorer hiển thị nội dung trên máy tính bằng việc dùng các biểu tượng (icons) để biểu thị ổ đĩa (drives), folders, và files. Khi mở File Explorer, theo mặc định, nó sẽ hiển thị các folders có sẵn trong Windows. Windows cung cấp những folders này để ta có thể tổ chức files theo loại - như Documents (tài liệu), Music (âm nhạc), Pictures (hình ảnh), và Videos (phim ảnh).

Cửa sổ File Explorer được chia làm hai phần, mỗi phần gọi là một ô (pane). Bên trái là ô lèo lái (navigation pane), chứa các biểu tượng và các liên kết đến những vị trí trên máy tính. Nếu navigation pane hiển thị cùng lúc toàn bộ nội dung trên máy tính, đó có thể là một danh sách rất dài. Thay vì vậy, ta chỉ mở ổ đĩa và folders nào mà ta cần xem nội dung bên trong. Chẳng hạn, để hiển thị hệ thống phân cấp folders và các vị trí khác trên máy tính, ta chọn biểu tượng This PC trong navigation pane, rồi chọn biểu tượng biểu thị một ổ đĩa, chẳng hạn Windows8_OS (C:) hay Removable Disk (F:). Rồi có thể mở và thám hiểm folders trên ổ đó.

Nếu một folder chứa những subfolders chưa được hiển thị ra, một biểu tượng mở rộng (expand icon) xuất hiện bên trái biểu tượng folder. (Tương tự như ổ đĩa.) Để xem folders nằm trong một đối tượng, ta kích (click) vào biểu tượng mở rộng. Khi đó một biểu tượng thu gọn (collapse icon) sẽ xuất hiện cạnh biểu tượng folder. Để xem files nằm trong một folder, ta kích vào biểu tượng folder, và files sẽ xuất hiện trong ô bên phải.

Navigation pane giúp ta thám hiểm máy tính định hướng vị trí hiện tại. Khi ta di chuyển, sao chép, xóa, và thi hành các nhiệm vụ khác với files và folders trong ô bên phải của File Explorer, ta có thể tham khảo navigation pane để thấy những thay đổi đã tác động ra sao trên tổ chức tổng thể của vị trí đã chọn.

Ngoài việc dùng navigation pane, ta có thể thám hiểm máy tính với File Explorer bằng các kỹ thuật lèo lái sau:

* Mở ổ đĩa và folders trong ô bên phải - Để xem nội dung một ổ đĩa hay folder, kích liên tiếp hai lần (double-click) vào biểu tượng ổ đĩa hay folder trong khung bên phải của File Explorer.

* Dùng thanh Địa chỉ (Address bar) - có thể dùng thanh Địa chỉ để chuyển đến một folder khác. Thanh Địa chỉ hiển thị đường dẫn (file path) đến folder hiện thời (đường dẫn cho biết vị trí của một folder hay file.) Kích vào tên của một folder chẳng hạn Documents trong thanh địa chỉ để chuyển đến folder đó, hay kích nút lệnh mũi tên (arrow button) để chuyển đến một vị trí khác trong hệ thống phân cấp folder.

* Kích vào các nút lệnh Back (quay lui), Forward (đi tới), Recent locations (các vị trí hiện thời), và Up to (lên trên) - Dùng những nút lệnh Back, Forward, và Recent locations để chuyển đến các folders khác mà ta đã từng mở. Dùng nút lệnh Up to để chuyển lên folder chứa folder hiện tại.

* Dùng hộp Tìm kiếm (Search box) - Để tìm một file hay folder được lưu trong folder hiện thời hoặc trong các subfolders của folder hiện thời, ta gõ một từ hay một ngữ vào Search box. Việc tìm kiếm sẽ bắt đầu ngay khi ta bắt đầu gõ. Windows sẽ tìm file dựa trên tên file (filename), nội dung trong file, và các thuộc tính khác của file.

Cửa sổ File Explorer

-- Nguồn: Joseph J. Adamski, Kathleen T. Finnegan, Sharon Scollard (2014) Các phương diện mới về Microsoft Access 2013.
-- Bài được tập hợp tại Tin học căn bản

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Toán học trong vài phút: Không - Zero

KHÔNG - ZERO

Không là một ý niệm phức tạp, trong một thời gian dài đã có sự ngần ngại đáng kể về triết lý để nhận biết và đặt tên cho nó. Các ký hiệu không đầu tiên chỉ được thấy giữa những chữ số khác, chỉ định sự thiếu vắng. Chẳng hạn, hệ thống số Babylon cổ đại đã dùng một vật thế chỗ là không khi nó nằm giữa các chữ số khác, nhưng không nằm cuối. Việc dùng 0 đầu tiên là số giống như những số khác bắt nguồn từ các nhà toán học Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ chín.

Bên cạnh những quan tâm triết học, các nhà toán học đầu tiên e ngại dùng 0 vì không phải lúc nào nó cũng hành xử như những số khác. Chẳng hạn, chia cho 0 là một hành động vô nghĩa, và nhân một số bất kỳ với 0  thì luôn bằng 0. Tuy nhiên, 0 đóng vai trò trong phép cộng tương tự với 1 trong phép nhân. Tính chất đó gọi là đồng nhất cộng tính (additive identity), vì một số bất kỳ cộng 0 luôn đúng bằng số đó.

-- Ảnh: http://www.subeimagenes.com/img/logo-zero-cigarro-247795.jpg
-- Nguồn: Paul Glendinning (2013) Toán học trong vài phút: 200 khái niệm được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Toán học trong vài phút

Tin học căn bản: Hiểu cách tổ chức tập tin và thư mục - Understanding How to Organize Files and Folders

HIỂU CÁCH TỔ CHỨC TẬP TIN VÀ THƯ MỤC - UNDERSTANDING HOW TO ORGANIZE FILES AND FOLDERS

Windows lưu hàng ngàn files trong nhiều folders trên đĩa cứng (hard disk). Đây là những tập tin hệ thống (system files) mà Windows cần để hiển thị màn hình Khởi động (the Start screen) và màn hình bàn làm việc (desktop), dùng các ổ đĩa (drives), và thi hành những nhiệm vụ điều hành hệ thống. Để giữ hệ thống được ổn định và để tìm files nhanh chóng, Windows tổ chức folders và files trong một hệ thống phân cấp, hay hệ thống file (file system). Ở vị trí cao nhất (top level) của hệ thống phân cấp, Windows lưu các folders và files quan trọng mà Windows sẽ cần khi khởi động máy tính. Vị trí này được gọi là thư mục gốc (root directory) và thường là ổ C. Trên hình, thư mục gốc chứa tất cả các folders và files trên máy tính. Hình còn cho thấy folders có thể chứa những folders khác. Một máy tính được tổ chức hiệu quả sẽ chứa vài folders trong thư mục gốc, và các folders này sẽ chứa những folders khác, còn gọi là thư mục con (subfolders).

Thư mục gốc ở mức cao nhất (top level) của hard disk và dành riêng cho files và folders hệ thống. Ta không nên lưu công việc của bản thân vào thư mục gốc vì files của ta có thể gây nhiễu Windows hay một ứng dụng nào đó.

Đừng xóa hay di chuyển bất kỳ files hoặc folders trong thư mục gốc của hard disk; vì làm như vậy có thể phá vỡ hệ thống khiến máy tính không khởi động được. Thật sự là không nên tổ chức lại hay thay đổi bất kỳ folder nào chứa software cài sẵn vì Windows dự kiến sẽ tìm files của ứng dụng cụ thể trong những folders nhất định. Trong hình, folders chứa software được lưu ở Mức 2 (Level 2) của hệ thống file. Nếu tổ chức lại hay thay đổi các folders này, Windows không thể định vị và khởi động ứng dụng trong những folders đó. Cũng vậy, không nên thay đổi folder (thường có tên là Windows) chứa hệ điều hành Windows.

Mức 2 còn chứa folder dành cho tài khoản người dùng (user account), chẳng hạn User folder. Folder này chứa tất cả các thiết đặt hệ thống (system settings), sở thích (preferences), và thông tin khác liên quan đến user account. Nó còn chứa những subfolders, chẳng hạn Documents folder, dành cho các files cá nhân. Những folders ở Mức 3 (Level 3) của hệ thống file được thiết kế để lưu các subfoders dành cho những files cá nhân. Ta có thể tạo nhiều subfolders ở Mức 4 (Level 4) khi cần lưu folders và files để tổ chức chúng cho tốt.

Ảnh: Tổ chức files và folders trên hard disk

-- Nguồn: Joseph J. Adamski, Kathleen T. Finnegan, Sharon Scollard (2014) Các phương diện mới về Microsoft Access 2013.
-- Bài được tập hợp tại Tin học căn bản

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Kinh tế học căn bản: Trai hay gái sẽ phụ thuộc chi phí

CHƯƠNG 1: NGUYÊN TẮC CƠ BẢN (TIẾP THEO)

KINH TẾ HỌC TRONG THỰC TẾ: TRAI HAY GÁI SẼ PHỤ THUỘC CHI PHÍ

Một sự kiện về Trung Quốc không thể gây tranh cãi: đó là một nước lớn đông dân. Đến 2011, dân số Trung Quốc là 1,344,130,000. Đúng vậy: hơn một tỉ ba trăm triệu.

Năm 1978, chính phủ Trung Quốc ban hành "chính sách một con" nhằm giải quyết thách thức về kinh tế và dân số. Trung Quốc rất rất nghèo vào năm 1978, lãnh đạo Trung Quốc lo rằng họ không thể chăm lo giáo dục và y tế cho dân số ngày càng tăng. Trong những năm 1970 trung bình một phụ nữ có từ năm con trở lên. Vì thế chính phủ đã hạn chế hầu hết các cặp vợ chồng, đặc biệt tại thành thị, để chỉ có một con, phạt những ai vi phạm chính sách này. Kết quả là đến năm 2011, trung bình một phụ nữ ở Trung Quốc chỉ có 1,5 con.

Nhưng chính sách một con đã gây ra hậu quả khôn lường. Do Trung Quốc là nước nông thôn chiếm phần lớn, con trai có khả năng lao động chân tay, nên các gia đình chuộng con trai hơn con gái. Thêm vào đó, truyền thống qui định con dâu là một thành viên thuộc gia đình chồng và con trai phải chăm sóc cha mẹ già. Kết quả của chính sách một con là Trung Quốc chẳng bao lâu có quá nhiều "con gái không mong muốn." Một số cho làm con nuôi ở nước ngoài, nhưng quá nhiều trường hợp "biến mất" trong năm đầu ra đời, chúng là nạn nhân của bỏ bê và ngược đãi.

Ấn Độ, một nước nghèo và nông thôn chiếm phần lớn với áp lực dân số cao, cũng gặp vấn đề "bé gái biến mất." Năm 1990, Amartya Sen, một nhà kinh tế người Anh gốc Ấn Độ sau này nhận giải Nobel 1998, đã ước tính có đến 100 triệu "phụ nữ thất lạc" ở châu Á. (Con số chính xác vẫn còn tranh luận, nhưng rõ ràng là Sen đã nhận diện đây là vấn đề có thật và phổ biến.)

Các nhà nhân khẩu học hiện nay nhận thấy có sự chuyển biến rõ rệt ở Trung Quốc, vốn đang đô thị hóa nhanh chóng. Tất cả ngoại trừ một tỉnh có trung tâm đô thị, tình trạng mất cân đối giữ nam và nữ lên đến đỉnh điểm vào năm 1995 và sau đó giảm dần về tỉ lệ tự nhiên sinh học. Nhiều người tin rằng lý do thay đổi là nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa mạnh mẽ ở Trung Quốc. Khi người dân chuyển về thành thị để khai thác nhu cầu tuyển dụng, họ không cần con trai làm nông. Hơn nữa, giá đất đô thị tăng chóng mặt, khiến nhiều bậc cha mẹ không thể mua căn hộ cho con trai trước khi lập gia đình. Chắc chắn con trai vẫn được ưa chuộng tại nông thôn. Nhưng một dấu hiệu chắc chắn cho thấy thời đại đã thay đổi, nhiều trang web hiện nay đưa ra lời khuyên cho các cặp vợ chồng cách có con gái thay vì con trai.

Chi phí của "chính sách một con" ở Trung Quốc là một thế hệ bé gái "biến mất" - một hiện tượng mà bản thân nó đã bắt đầu biến mất khi điều kiện kinh tế thay đổi.

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại Kinh tế học căn bản (http://cstmind.blogspot.com/p/kinh-te-hoc-can-ban.html)

Tin học căn bản: Tổ chức tập tin và thư mục - Organizing Files and Folder

TỔ CHỨC TẬP TIN VÀ THƯ MỤC - ORGANIZING FILES AND FOLDERS

Thường khi làm việc trên máy tính, ta khởi động một ứng dụng (application) và mở một tập tin (file), file thường ám chỉ một tài liệu (document), tức tập hợp dữ liệu được đặt tên và lưu trên máy tính. Bạn xem, thêm, hay thay đổi nội dung file, rồi lưu và đóng file.

Ta tổ chức files bằng cách lưu chúng vào các thư mục (folder). Folder là công cụ dùng để chứa files. Ta cần tổ chức files và folders sao cho có thể tìm kiếm dễ dàng và làm việc hiệu quả.

Tủ hồ sơ là hình tượng thông dụng cho việc tổ chức file trên máy tính (xem hình). Máy tính giống như tủ hồ sơ nhiều ngăn - mỗi ngăn là một thiết bị lưu trữ (storage device), hay đĩa (disk). Mỗi đĩa chứa nhiều folders và mỗi folders chứa nhiều files. Để dễ dàng tra cứu files, ta nên tổ chức chúng hợp lý trong các folders. Chẳng hạn, một folder có thể lưu dữ liệu tài chính, một folder khác lưu kết quả làm việc, và một folder khác chứa thông tin về chuyến nghỉ hè sắp tới.

Máy tính có thể lưu folders và files trên nhiều kiểu đĩa khác nhau, từ kiểu có thể tháo rời - chẳng hạn ổ USB (USB drives, hay USB flash drives)đĩa hình số (digital video discs - DVDs) - cho đến đĩa cứng (hard disks hay fixed disks) nằm thường trực bên trong máy tính. Hard disks là dạng lưu trữ thông dụng nhất do chúng là cách lưu trữ kinh tế nhiều gigabytes dữ liệu. (Một gigabyte, hay Gb, bằng khoảng 1 tỉ byte, mỗi byte tương đương một ký tự dữ liệu.)

Để máy tính truy xuất được kiểu đĩa có thể tháo rời, ta phải gắn đĩa vào ổ (drive), tức thiết bị có thể tra cứu và đôi khi có thể ghi dữ liệu lên đĩa. Hard disk đã nằm sẵn vào ổ bên trong máy tính, nên ta không cần đặt nó vào ổ mỗi khi dùng.

Máy tính phân biệt ổ này với ổ khác bằng cách gán một mẫu tự cho ổ. Hard disk được gán là ổ C. Các ổ còn lại có thể có mẫu tự khác, thường theo thứ tự khi cài chúng vào máy tính - vì vậy ổ USB có thể là D hay F.

Máy tính giống như tủ hồ sơ

-- Nguồn: Joseph J. Adamski, Kathleen T. Finnegan, Sharon Scollard (2014) Các phương diện mới về Microsoft Access 2013.
-- Bài được tập hợp tại Tin học căn bản

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Kiến thức phổ thông: Nhận thức luận - Epistemology

NHẬN THỨC LUẬN - EPISTEMOLOGY

Nhận thức luận, một trong những nhánh chính của triết học hiện đại, nghiên cứu bản chất của tri thức. Người Hy Lạp cổ đại đã đặt câu hỏi về sự khác biệt giữa tri thức, chân lý và niềm tin. Theo Plato, tri thức liên quan đến các Dạng thức (Forms), thực tại tối hậu, bất biến chỉ có thể lĩnh hội qua vận dụng lý luận. Trái lại, cũng theo Plato, thế giới không ngừng biến đổi mà ta lĩnh hội qua các giác quan là vấn đề niềm tin chứ không phải tri thức.

Cách mạng Khoa học xuất hiện ở đầu thế kỷ mười sáu từ nhà thiên văn học Ba Lan Copernicus đã làm giảm giá trị của giáo lý trong Kinh thánh và Giáo hội, mà tới thời điểm đó được cho là kho tàng chân lý. Điều này đưa đến những tiếp cận mới đến vấn đề tri thức - chẳng hạn, trường phái hoài nghi có lý trí của René Descartes cho rằng chẳng có cơ sở nào thừa nhận bằng chứng của các giác quan và kết luận rằng điều chắc chắn duy nhất là, vì ông biết ông đang tư duy, nên ông biết là ông đang tồn tại. (Người dịch: kết luận này tương tự với Plato)

Đối lập với Descartes, người theo trường phái trải nghiệm như John Locke thì cho rằng tri thức của ta hoàn toàn bắt nguồn từ các ấn tượng giác quan. Triết gia Scotland David Hume triển khai thêm, bác bỏ khả năng có bất kỳ tri thức nào mà không bắt nguồn từ trải nghiệm. Là người theo trường phái hoài nghi cực đoan, ông cho rằng hầu hết điều ta cho là chân lý chỉ là thói quen tâm lý và hầu như chẳng có điều gì ta nghĩ rằng ta biết về hiện hữu có thể được chứng minh đúng một cách lô-gic.

Triết gia Đức Immanuel Kant cho rằng tri thức, mặc dù phần nào bắt nguồn từ các ấn tượng giác quan, phụ thuộc vào một số "dạng thức" hay "phân loại" cơ bản (chẳng hạn thời gian, không gian, và nhân quả) cố hữu trong hiểu biết con người. Một đồng nghiệp Đức của Kant, G.W.F. Hegel, thì cho rằng chẳng có khác biệt giữa thực tại và tri thức của ta về thực tại, một quan điểm được gọi là "trường phái tuyệt đối lý tưởng".

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Kiến thức phổ thông (http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html)
-- Ảnh: http://www.philosophy.dept.shef.ac.uk/hangseng/readinggroups/media/Descartes_mind_and_body.gif

Windows 8.1: Tắt và khởi động lại

WINDOWS 8.1: TẮT VÀ KHỞI ĐỘNG LẠI

Để tắt (shut down) hay khởi động lại (restart) Windows 8.1, bạn theo các bước sau:

* Mở Charms Menu
* Kích Settings
* Kích Power
* Kích Shut down để tắt hay Restart để khởi động lại

Chức năng Sleep sẽ đặt máy tính ở trạng thái chờ sẵn (standby) ít hao năng lượng. Trạng thái này giúp khởi động lại nhanh chóng, nhưng sẽ hao một ít năng lượng, từ đó có thể làm hết pin.

Tắt và khởi động lại Windows 8.1
-- Bài được tập hợp tại Tin học căn bản

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Kế toán căn bản: Chương hai. Bảng cân đối kế toán - The Balance Sheet

CHƯƠNG HAI

BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN - THE BALANCE SHEET

Bảng cân đối kế toán của một công ty sẽ chỉ ra tình hình tài chính của công ty đó tại một thời điểm đã cho. Đó đơn giản là một biểu hiện hình thức của Phương trình Kế toán (the Accounting Equation). Như bạn có thể đoán ra, ba thành phần của một bảng cân đối kế toán là tài sản có, công nợ, và vốn của chủ sở hữu.

Hãy nhìn vào ví dụ về một bảng cân đối kế toán sau. Ta xét từng tài khoản (account) mà bảng này đề cập.


Tài sản có

Cash and Cash Equivalents (tiền mặt và những thứ tương đương tiền mặt): Các số dư trong những tài toàn séc (checking account) và tài khoản tiết kiệm (savings account), cũng như bất kỳ đầu tư nào sẽ đáo hạn (mature) trong vòng 3 tháng hay ít hơn.

Inventory (hàng tồn kho): Hàng hóa lưu trong kho, sẵn có để bán.

Accounts Receivable (khoản phải thu): Tiền nợ từ khách hàng do hàng hóa hay dịch vụ đã giao.

Property, Plant, and Equipment (tài sản, nhà xưởng, và thiết bị): Các tài sản không dễ dàng chuyển đổi sang tiền mặt - tức những thứ như máy tính, thiết bị sản xuất, xe cộ, nội thất, ...


Công nợ

Accounts Payable (khoản phải trả): Tiền nợ nhà cung cấp do hàng hóa hay dịch vụ đã nhận.

Notes Payable (thương phiếu phải trả): Nghĩa vụ theo hợp đồng đối với người cho vay (chẳng hạn các khoản nợ ngân hàng).


Vốn của chủ sở hữu

Common Stock (cổ phiếu thường): Tiền đầu tư bởi các chủ sở hữu công ty.

Retained Earnings (lợi nhuận để lại): Tổng tất cả các thu nhập ròng trong kinh doanh mà chưa phân phối cho các chủ sở hữu dưới dạng lợi nhuận.  (Nếu điều này còn mơ hồ lúc này, đừng lo lắng. Nó sẽ được diễn giải chi tiết sau.)


NGẮN HẠN SO VỚI DÀI HẠN

Thông thường, tài sản có và công nợ trên một bảng cân đối kế toán sẽ được phân thành tài sản ngắn hạn(current assets)  hay công nợ ngắn hạn (current liabilities) và tài sản dài hạn (long-term assets) hay công nợ dài hạn (long-term liabilities). Tài sản ngắn hạn là tài sản được kỳ vọng chuyển thành tiền mặt trong vòng 12 tháng hay ít hơn. Các tài sản ngắn hạn điển hình bao gồm khoản phải thu (accounts receivable), tiền mặt, và hàng tồn kho.

Mọi thứ không phải là tài sản ngắn hạn, theo ngầm định, là tài sản dài hạn. Đôi khi tài sản dài hạn được gọi là tài sản không ngắn hạn (non-current assets). Tài sản, nhà xưởng và thiết bị là tài khoản tài sản dài hạn.

Công nợ ngắn hạn là công nợ cần phải trả trong vòng 12 tháng hay ít hơn. Ví dụ điển hình nhất của công nợ ngắn hạn là khoản phải trả (accounts payable). Thương phiếu phải trả (notes payable) mà được trả theo chu kỳ thời gian thì được phân chia trên bảng cân đối kế toán sao cho các chi trả trong vòng 12 tháng tới được ghi nhận là công nợ ngắn hạn, phần còn lại được ghi nhận là công nợ dài hạn.


BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN NHIỀU KỲ - MULTIPLE-PERIOD BALANCE SHEETS

Điều bạn thường thấy khi nhìn vào các báo cáo tài chính được công bố là bảng cân đối kế toán - chẳng hạn bảng dưới đây - gồm hai cột. Một cột cho biết số dư vào cuối kỳ kết toán gần nhất, và cột kế bên cho biết số dư của cuối kỳ trước. Báo cáo được trình bày như vậy để người đọc có thể thấy được tình hình tài chính của công ty đã thay đổi ra sao theo thời gian.

Chẳng hạn, nhìn vào bảng cân đối kế toán dưới đây ta có thể biết vài điều về tình hình hoạt động của công ty. Trên tổng thể, mọi thứ đang diễn tiến tốt đẹp. Tài sản có của công ty gia tăng trong khi công nợ đang được trả dần.

Điều duy nhất đáng lo ngại là khoản phải thu (accounts receivable) tăng. Khoản phải thu tăng có thể là dấu hiệu khó khăn trong việc thu tiền khách hàng đúng hạn. Mặt khác, đó cũng có thể chỉ là kết quả của việc gia tăng bán hàng, và chẳng có gì đáng lo.


-- Nguồn: Mike Piper (2010) Kế toán căn bản được diễn giải dưới 100 trang.

Toán học trong vài phút: Một - One

MỘT - ONE

Cùng với không (zero), số một là trái tim của mọi tính toán số học. Một là tính từ dành cho một đối tượng đơn nhất: bằng cách liên tục cộng một hay trừ một vào một số, mọi số nguyên dương (positive whole numbers) và nguyên âm (negative whole numbers), tức mọi số nguyên (integers), có thể được tạo ra. Đây là cơ sở của kiểm kê (tallying), có lẽ là hệ thống đếm đầu tiên, mà nguồn gốc có thể truy ngược về thời tiền sử. Một còn đóng vai trò quan trọng trong phép nhân: nhân một số bất kỳ với một luôn đúng bằng số đó. Tính chất này được gọi là đồng nhất nhân tính (multiplicative identity).

Số một có các tính chất đặc trưng, tức hành xử theo những cách bất thường - nó là thừa số (factor) của mọi số nguyên, là số khác không (nonzero) đầu tiên và số lẻ (odd) đầu tiên. Nó còn cung cấp một tiêu chuẩn so sánh hữu ích cho nhiều đo đạc, rất nhiều tính toán trong toán và khoa học được chuẩn hóa để cho ra các lời giải giữa không và một.

-- Nguồn: Paul Glendinning (2013) Toán học trong vài phút: 200 khái niệm được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Bài được tập hợp tại Toán học trong vài phút

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

Windows 8.1: Dùng bàn phím và chuột

WINDOWS 8.1: DÙNG BÀN PHÍM VÀ CHUỘT

* Ở màn hình Start, kích nút chuột phải (right-click) hay nhấn WindowsKey+Z để hiển thị App Bar.

* Nhấn WindowsKey+C để mở Charms Menu.

* Nhấn WindowsKey+S để mở chức năng Tìm kiếm (Search) trong Charms Menu.

* Di chuột về góc phải trên hay phải dưới màn hình để hiển thị Charms Menu.

* Di chuột về góc trái trên màn hình để hiển thị các ứng dụng đang chạy.

* Di chuột về góc trái dưới màn hình để hiển thị màn hình Start.

-- Bài được tập hợp tại Tin học căn bản

Kinh tế học căn bản: Thưởng tiền để cải thiện chất lượng học tập

KINH TẾ HỌC CĂN BẢN

CHƯƠNG 1: NGUYÊN TẮC CƠ BẢN (TIẾP THEO)

DÀNH CHO NGƯỜI HAM HỌC: THƯỞNG TIỀN ĐỂ CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG HỌC TẬP

Dĩ nhiên phần thưởng dành cho học vấn là bản thân học vấn. Tuy nhiên, nhiều học sinh không dễ dàng có được động cơ học tập đúng đắn và chăm chỉ. Giáo viên và người làm chính sách gặp thách thức to lớn trong việc hỗ trợ học sinh thuộc hoàn cảnh bất lợi, tức các học sinh thường xuyên vắng mặt, có tỉ lệ bỏ học cao, và có điểm kiểm tra chung thấp. Trong một nghiên cứu 2007-2008, nhà kinh tế tại Harvard là Roland Fryer Jr. thấy rằng khích lệ bằng tiền - tức thưởng tiền - có thể cải thiện thành tích học tập tại những trường thuộc khu vực kinh tế khó khăn. Tác động của khích lệ bằng tiền vừa gây ngạc nhiên vừa có thể dự báo được.

Fryer đã tiến hành nghiên cứu tại bốn trường khác nhau, áp dụng bốn cách khích lệ và cách đánh giá khác nhau cho từng trường. Ở New York, học sinh được thưởng theo điểm kiểm tra chung; ở Chicago, học sinh được thưởng theo thứ hạng; ở Washing ton, D. C., học sinh được thưởng theo chuyên cần, cách ứng xử tốt cũng như thứ hạng; ở Dallas, học sinh lớp hai được thưởng sau khi đọc hết một quyển sách. Fryer đánh giá kết quả bằng cách so sánh thành tích học sinh tham gia chương trình và học sinh học cùng trường nhưng không tham gia.

Ở New York, chương trình không tác động đáng kể đến điểm kiểm tra. Ở Chicago, học sinh tham gia chương trình đạt thứ hạng cao hơn và đến trường nhiều hơn. Ở Washington, chương trình đã cải thiện kết quả của những trẻ thường rất khó liên hệ, tức những trẻ có vấn đề nghiêm trọng trong hành vi, tăng điểm kiểm tra của các trẻ này lên mức tương đương với việc học thêm 5 tháng nữa ở trường. Kết quả kỳ diệu nhất là ở Dallas, học sinh đạt điểm tập đọc cao đáng kể; các kết quả này tiếp tục duy trì sang năm sau, sau đó ngưng thưởng tiền.

Như vậy điều gì giải thích cho những kết quả khác nhau này? Khi khích lệ học sinh bằng tiền, Fryer thấy rằng học sinh phải tin rằng phần thưởng sẽ tác động đáng kể đến thành tích học tập. Vì vậy ở Chicago, Washington, và Dallas - học sinh ý thức rõ sự liên hệ đến kết quả như thứ hạng, chuyên cần, hành vi, và số đầu sách đã đọc - chương trình đã thu được kết quả tốt. Nhưng do học sinh New York ít ý thức rõ sự liên hệ đến điểm kiểm tra chung, nên phần thưởng ít tác động đến hành vi các em. Hơn nữa, thời điểm khen thưởng là quan trọng: thưởng $1 tác động đến hành vi nhiều hơn nếu thành tích được đánh giá trong khoảng thời gian ngắn hơn và trao ngay phần thưởng.

Thí nghiệm của Fryer đã đem lại một vài hiểu biết sâu sắc về phương pháp khích lệ hành vi. Cách đề ra khích lệ, tức quan hệ giữa nỗ lực và kết quả, cũng như tốc độ khen thưởng là đặc biệt quan trọng. Hơn nữa, hình thức khích lệ có thể tùy thuộc đặc điểm của người bạn muốn khích lệ: điều khích lệ được một học sinh thuộc diện kinh tế khá giả có thể không khích lệ được một học sinh thuộc diện kinh tế khó khăn. Hiểu biết sâu sắc của Fryer đã cho giáo viên và người làm chính sách một công cụ mới để giúp học sinh thuộc diện bất lợi có thể thành công trong học tập.

-- Nguồn: Paul Krugman (Nobel kinh tế 2008), Robin Wells, Kathryn Graddy (2014) Kinh tế học căn bản, tái bản lần ba.
-- Bài được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kinh-te-hoc-can-ban.html

Windows 8.1: Trình đơn người dùng - The User Menu

WINDOWS 8.1: TRÌNH ĐƠN NGƯỜI DÙNG - THE USER MENU

Ở màn hình Start, nếu kích vào biểu tượng và tên người dùng ở góc phải trên, sẽ xuất hiện Trình đơn Người dùng (the User Menu) với ba chọn lựa.

Change Account Picture (đổi hình tài khoản) sẽ cho phép chọn hình tài khoản mới từ các hình ảnh trên máy tính của bạn.

Lock (khóa) sẽ khóa máy tính để khi muốn đăng nhập (sign in) lại thì phải nhập mật khẩu (password), mã PIN, hay mật khẩu hình ảnh (picture password). Chọn lựa này hữu ích khi bạn ngưng sử dụng máy tính một thời gian.

Sign-Out (đăng xuất) sẽ đăng xuất tài khoản của bạn để người khác có thể dùng máy tính.

User Menu trong Windows 8.1

-- Bài được tập hợp tại Tin học căn bản

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Kiến thức phổ thông: Thuyết Darwin xã hội - Social Darwinism

THUYẾT DARWIN XÃ HỘI - SOCIAL DARWINISM

Thuyết Darwin xã hội bao gồm một chuỗi những niềm tin chính trị, kinh tế, và xã hội dẫn ra từ thuyết tiến hóa qua chọn lọc tự nhiên của Charles Darwin. Thuyết này khởi đầu với nhà chủ trương tự học người Anh Herbert Spencer (1820–1903), ông tổng kết thuyết của Darwin như sau "cái thích nghi tốt nhất sẽ sống còn" và cho rằng điều này đã chứng minh chủ nghĩa tư bản thị trường tự do hoàn toàn, ở đó cạnh tranh được đánh giá cao hơn hợp tác, là đúng. Tuy nhiên, Spencer đã phạm vào một ví dụ điển hình về phép ngụy biện tự nhiên chủ nghĩa, do giả định rằng "cái là" tương tự với "cái phải là".

Thuyết Darwin xã hội đã đưa đến thuyết ưu sinh, một thứ giả khoa học tai tiếng, cho rằng người nghèo giống như "chứng khoán loại bèo" và cần ngăn chặn không cho sinh sản để duy trì cái thích nghi tốt nhất trong quần chúng. Người theo thuyết ưu sinh còn tin rằng các dấu hiệu hành vi chẳng hạn xu hướng đưa đến tội phạm có thể thể hiện trong sinh lý học. Người theo thuyết phân biệt chủng tộc "khoa học" chớp lấy ý tưởng đó, suy diễn sang những người được xem là "hạ cấp" so với bản thân họ.

-- Nguồn: Ian Crofton (2013) Tóm lược các tư tưởng lớn: 200 khái niệm làm thay đổi thế giới được diễn giải tức thì, Quercus.
-- Toàn bộ kiến thức phổ thông được tập hợp tại http://cstmind.blogspot.com/p/kien.html